Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dự thảo trên tay

Cấm trẻ em dưới 10 tuổi ngồi cạnh ghế lái để đảm bảo an toàn

Hải Hà: Thứ hai 24/07/2023, 16:02 (GMT+7)

Một trong những nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an soạn thảo là trẻ dưới 10 tuổi hoặc cao dưới 1,35m không được ngồi cạnh ghế lái, trẻ em dưới 4 tuổi phải được ngồi ghế chuyên dụng khi di chuyển bằng ô tô.

Như VOV Giao thông đã đề cập, Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm 8 chương, 62 điều. So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10, dự thảo Luật đã giảm 9 điều.

Dự thảo  Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có nhiều điểm mới đáng chú ý, như bổ sung nội dung Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chịu trách nhiệm trong quản lý vận tải đường bộ và quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; Rà soát, chỉnh sửa các quy định về hệ thống báo hiệu đường bộ để bảo đảm tính thống nhất với dự thảo Luật Đường bộ; Bổ sung nội dung tích hợp dữ liệu các loại giấy tờ của phương tiện, người điều khiển phương tiện vào tài khoản định danh điện tử...

Cấm trẻ em dưới 10 tuổi ngồi cạnh ghế lái để đảm bảo an toàn. Ảnh minh họa: Saferide4kids

Cấm trẻ em dưới 10 tuổi ngồi cạnh ghế lái để đảm bảo an toàn. Ảnh minh họa: Saferide4kids

Ngoài ra, Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ bổ sung một số quy định tăng cường bảo vệ người yếu thế khi tham gia giao thông, người lái xe và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn; tại những nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ,  người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.

Đáng chú ý, tại Khoản 3 Điều 9, chương II, Quy tắc giao thông đường bộ, Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ bổ sung quy định về bảo vệ trẻ em khi di chuyển bằng ô tô, là nội dung hoàn toàn mới so với Luật đường bộ năm 2008. Theo đó, trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ; trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ).  

Trước đó  Luật GT đường bộ 2008 mới chỉ có quy định về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên mô tô xe máy, còn với trẻ em ngồi trên ô tô thì gần như chưa có quy định hướng dẫn.

Tại phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra và cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Ủy ban quốc phòng an ninh cho rằng Chương II Dự Luật đã quy định  tương đối đầy đủ về quy tắc giao thông đường bộ, kế thừa nhiều quy định của Luật giao thông đường bộ hiện hành, nội luật hóa các quy định trong Công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ, luật hóa một số quy định dưới luật đang thực hiện ổn định; đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp thu vào dự thảo Luật cho phù hợp.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được Bộ Công an lấy ý kiến các Bộ, ngành, các địa phương và lấy ý kiến nhân dân rộng rãi, dự kiến sẽ được xin ý kiến Quốc hội khóa XV  tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

 ĐỀ XUẤT ĐÚNG ĐẮN

Vì sao cần thiết phải bổ sung quy định  về sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô trong Dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ? Sử dụng các thiết bị an toàn chuyên dụng cho trẻ em có thể giảm thiểu các nguy cơ mất an toàn cho trẻ nhỏ như thế nào và tính khả thi ra sao?

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xung quanh nội dung này:

PV:  Ông nghĩ sao về sự cần thiết bổ sung quy định không cho trẻ dưới 10 tuổi hoặc cao dưới 1,35 m ngồi cạnh ghế lái và trẻ dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em khi ngồi trên ô tô ?

TS. Trần Hữu Minh: Về quy định trẻ dưới 10 tuổi và dưới 1,35m không được ngồi hàng ghế đầu, thì đây là đề xuất rất đúng đắn. Vì vị trí ở ghế trước là vị trí hấp thụ xung lực nhiều nhất nếu có va chạm và rủi ro bị chấn thương ở vị trí đó cao gấp 4-5 lần vị trí ở hàng ghế sau.

Với trẻ em khi túi khi bung cũng có thể gây nguy hiểm. Khi tham gia giao thông trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nên cần phải bảo vệ nhóm đối tượng đó.

Quy định với trẻ dưới 4 tuổi là phải ngồi ghế riêng. Thứ nhất là tôi đánh giá đây là một bước rất đúng đắn và cần thiết. Sẽ có một câu hỏi mà chúng ta đặt ra luôn tại sao lại không dùng dây an toàn? Dây an toàn có thể khẳng định là một thiết bị an toàn thụ động, rất quan trọng trên xe, có thể nói là quan trọng nhất và có tác dụng giảm tới 70 %  chấn thương nghiêm trọng và giảm tới 40 % khả năng tử vong đối với hành khách trên xe. Tuy nhiên, dây an toàn hiện nay trên tất cả ô tô là chỉ được thiết kế cho người trưởng thành và cái dây đó chỉ phát huy tác dụng với người mà có chiều cao trên 1,50 m

 Trong trường hợp trẻ em còn nhỏ, không giữ được cơ thể của trẻ khi có va chạm và thậm chí là trẻ em có thể bị chấn thương bởi chính dây an toàn đó. Cho nên đề xuất mà trẻ phải ngồi trong ghế là hết sức đúng đắn.

Ảnh: Ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia. Nguồn: Báo giao thông

Ảnh: Ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia. Nguồn: Báo giao thông

PV: Dự thảo Luật đề xuất quy định đồng thời cả về độ tuổi và chiều cao của trẻ khi ngồi cạnh ghế lái, nhiều ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi khi triển khai thực hiện. Ông nghĩ sao về điều này?

TS. Trần Hữu Minh: Về mốc cụ thể, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo là nên lấy mức tối thiểu là 1,35 mét,  lý tưởng  phải là 1,5m. Khi mà soi chiếu với  bảng thống kê về thể chất của trẻ em Việt Nam thì cái mốc 1,35m tương đương với trẻ khoảng 10 tuổi.

Qua thực nghiệm, các tổ chức nghiên cứu về an toàn giao thông, kể cả  Liên Hợp Quốc và các tổ chức có uy tín đều khẳng định, chiều cao của trẻ là căn cứ quan trọng nhất để quyết định xem trẻ có cần thiết bị an toàn chuyên dụng hay không, hay là có thể dùng cái dây an toàn cho người trưởng thành (chiều cao an toàn nhất là 1,5m).

Tại sao chúng ta lại quy định về tuổi? Đây là vấn đề là làm sao cho dễ nhớ, dễ làm và dễ thực thi. Nếu như chúng ta chỉ quy định về chiều cao không, tôi có thể khẳng định là thậm chí một số bố mẹ, người giám hộ  không biết chính xác được con em mình cao bao nhiêu và thực thi cũng khó hơn.

Nếu chúng ta vừa quy định về chiều cao, vừa quy định về độ tuổi điều này rất thuận lợi, bởi vì phần lớn bố mẹ là đều biết rất rõ và rất dễ nhớ con mình là bao nhiêu tuổi.

 Khi mà thực thi, lực lượng chức năng cũng rất dễ thực hiện. Một số quan điểm cho rằng sẽ rất khó khăn để kiểm tra độ tuổi của các cháu bé. Tôi cho rằng điều đó không đúng hoặc chỉ đúng một phần trong bối cảnh trước đây thôi. Còn hiện nay, với  tình hình triển khai hệ dữ liệu quốc gia về dân cư dùng chung thì các lực lượng chức năng hoàn toàn có thể đối chiếu thông tin đối với hệ dữ liệu chung Quốc gia trên máy chủ và có thể biết chính xác được người trước mặt mình là ai, ở đâu hoặc bao nhiêu tuổi tên là gì ?

Tóm lại để kiểm chứng thông tin đó vào bối cảnh hiện nay không phải là vấn đề thách thức.

PV:  Xin cảm ơn ông!

GIẢM NGUY CƠ THƯƠNG TÍCH CHO TRẺ

Những quy định về bảo vệ trẻ em khi ngồi trên ô tô trong Dự thảo Luật trật tự, an toàn đường bộ đã đề cập đầy đủ hay chưa? mức độ phù hợp với các văn bản, quy định hiện hành ra sao?

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Hoàng Na Hương, Phó Chủ tịch Quỹ phòng chống Thương vong châu Á (AIP) xung quanh nội dung này:

PV: Với những đề xuất quy định về bảo vệ trẻ em ngồi trên ô tô khi tham gia giao thông trong Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, theo bà đã đầy đủ chưa?

Bà Hoàng Na Hương: Tôi cho rằng đề xuất này là một bước tiến lớn so với hiện nay và rất là đúng đắn, rất cần thiết và hợp lý. Vì trên thực tế, những quy định này đã được các nước trên thế giới áp dụng rồi và bây giờ Việt Nam mới bắt đầu đề xuất để đưa vào dự thảo.

Trên thực tế, chúng ta mới chỉ đề cập đến vấn đề an toàn cho nhóm trẻ em từ 0 đến 4 tuổi mà chưa đề cập đến nhóm trẻ em còn lại nằm trong nguy cơ cao, đấy là nhóm trẻ em từ 4 đến 12 tuổi khi tham gia giao thông bằng phương tiện ô tô nên tôi nghĩ đây là thời điểm mà chúng ta cần cân nhắc điều này.

Ghế ngồi cho trẻ em trên ô tô thì được gọi là thiết bị an toàn. Các nghiên cứu đã đưa ra là nó là một thiết bị mà có khả năng giữ cho trẻ ở tư thế ngồi hoặc nằm ngửa tùy độ tuổi của trẻ sử dụng các thiết bị này. Chức năng của thiết bị này là nó được thiết kế để giảm nguy cơ thương tích cho trẻ, nó có tác dụng là hạn chế khả năng cơ thể của trẻ bị dịch chuyển trong trường hợp mà mình có va chạm nặng hoặc là phương tiện giảm tốc độ đột ngột.

Trên thế giới có rất nhiều các nghiên cứu để chứng minh cho sự an toàn của thiết bị này rồi. Hội An toàn giao thông đường bộ Toàn cầu đã chỉ ra rằng, thiết bị an toàn cho trẻ em có thể giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong từ 34% đến 81% /năm và giảm các chấn thương nghiêm trọng từ 35 - 72 % và đồng thời có thể giảm các chấn thương khác của trẻ từ 25 - 58 % trong các vụ va chạm.

Tổ chức Y tế Thế giới công bố, thiết bị an toàn cho trẻ em giảm rủi do chấn thương nặng tới 80% so với trẻ dùng dây an toàn của người lớn, còn thiết bị an toàn cho trẻ em thông thường cho lứa tuổi từ 6 đến 10 (thường là các ghế nâng để trẻ dùng dây an toàn trong xe) đã giúp giảm 77% rồi do chấn thương so với những trẻ không sử dụng.

Ảnh: Bà Hoàng Na Hương, Phó Chủ tịch Quỹ phòng chống Thương vong châu Á (AIP). PV Phúc Tài

Ảnh: Bà Hoàng Na Hương, Phó Chủ tịch Quỹ phòng chống Thương vong châu Á (AIP). PV Phúc Tài

PV: Đề xuất quy định bảo vệ trẻ em trên ô tô có phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Việt Nam cũng như các quy định của quốc tế trong việc đảm bảo an toàn và hạn chế rủi ro cho trẻ em khi ngồi trên ô tô, thưa bà?

Bà Hoàng Na Hương: Hiện nay, các quy định, các văn bản hiện hành chưa quy định và cũng như chưa có tiêu chuẩn về thiết bị an toàn xe ô tô cho trẻ em. Chúng tôi cho rằng, song song với việc xây dựng Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ lần này, chúng ta hoàn toàn có thể đề xuất áp dụng theo các khuyến nghị của Tổ chức y tế thế giới và các tổ chức khác để đưa ra một tiêu chuẩn an toàn, trong đó sử dụng cái tiêu chí chính đấy là quy định về chiều cao dưới 1,35m.

Vì sao chúng ta đưa ra chiều cao tại vì khi chúng ta nói đến tuổi, mỗi một đứa trẻ có một mức độ phát triển khác nhau. Ví dụ như cùng 6 tuổi nhưng chiều cao của các em sẽ là khác nhau. Vì thế từ kinh nghiệm mà chúng tôi học hỏi được ở các nước trên thế giới, chúng ta có thể thống nhất bằng tiêu chí chính là chiều cao dưới 1,35m

Theo một Báo cáo an toàn giao thông đường bộ toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới được ban hành vào năm 2018 thì phần lớn các quốc gia phát triển đều có quy định rất cụ thể về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô. Đến thời điểm hiện tại, đã có 96 quốc gia ban hành Luật trẻ em khi tham gia giao thông phải sử dụng thiết bị an toàn.

Khi tôi trải nghiệm thực tế, cảnh sát hoàn toàn có thể dừng xe nếu như người ta kiểm tra con bạn không được trang bị đúng cái thiết bị an toàn. Thậm chí với những xe taxi công nghệ như Uber, Grab phải trang bị những thiết bị đấy và nếu như họ không trang bị thì họ cũng không được chở trẻ con.

PV: Xin cảm ơn bà!

Trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 550 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, trong đó có không ít trẻ em ngồi không đúng vị trí trên ô tô hoặc không sử dụng các thiết bị an toàn chuyên dụng. Trong khi, các văn bản pháp luật hiện hành vẫn thiếu những quy định về yêu cầu bắt buộc sử dụng các  trang thiết bị an toàn chuyên dụng dành riêng cho trẻ em.

Với những quy định mới tại Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, những bất cập hiện hành có thể được khắc phục trong thời gian tới như thế nào?

Bạn kỳ vọng gì vào Dự thảo Luật này? Nếu được ban hành, rủi ro mất an toàn cho trẻ em khi di chuyển bằng phương tiện ô tô có được cải thiện ra sao?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Tư, thứ Bảy hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcast và Google Podcast.

Hải Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Tại sao đang nắng nóng lại đi cắt tỉa cây?

Tại sao đang nắng nóng lại đi cắt tỉa cây?

Hàng loạt cây xanh rợp bóng mát trên quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn quận Bình Tân, TP.HCM bất ngờ bị cắt tỉa nhánh. Trong đó, có nhiều cây bị cắt trụi, chỉ còn phần gốc và nhánh. Nguyên nhân vì sao?

Làm gì để xóa “điểm đen” TNGT trên cầu vượt Hoàng Hoa Thám?

Làm gì để xóa “điểm đen” TNGT trên cầu vượt Hoàng Hoa Thám?

Thời gian qua, không chỉ xảy ra ùn tắc giao thông, khu vực cầu vượt Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình, TP.HCM) cũng liên tục xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đây là cầu vượt được xác định là điểm đen về tai nạn giao thông vào tháng 12/2023.

Thủ tướng gửi thư khen lực lượng CSGT bảo đảm ATGT trong dịp nghỉ lễ

Thủ tướng gửi thư khen lực lượng CSGT bảo đảm ATGT trong dịp nghỉ lễ

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có thư biểu dương, khen ngợi những thành tính mà lực lượng CSGT đã đạt được trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua.

Trông giữ xe ở lòng đường, vỉa hè, gầm cầu cạn: Sẽ còn bế tắc lâu dài...

Trông giữ xe ở lòng đường, vỉa hè, gầm cầu cạn: Sẽ còn bế tắc lâu dài...

Sở GTVT Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT tiếp tục cho phép Hà Nội sử dụng lòng đường, vỉa hè, gầm cầu cạn để trông giữ phương tiện giao thông, đặc biệt là ô tô.

Hệ thống Bệnh viện Mắt quốc tế Việt - Nga nhận kỷ lục Việt Nam

Hệ thống Bệnh viện Mắt quốc tế Việt - Nga nhận kỷ lục Việt Nam

Hệ thống Bệnh viện Mắt Quốc tế Việt – Nga đã được xác nhận là bệnh viện có số ca phẫu thuật điều trị tật khúc xạ bằng phương pháp Smile nhiều nhất tại Việt Nam và bệnh viện có số lượng ca phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể với kính đa tiêu Zeiss nhiều nhất tại Việt Nam.

Làm gì để sốc lại tiến độ dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn?

Làm gì để sốc lại tiến độ dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn?

Sau 16 tháng thi công dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn đang chậm tiến độ khoảng 0,5% so với kế hoạch do các vướng mắc về mặt bằng cũng như mỏ vật liệu tại khu vực đi qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Cách nào phạt nguội người đi xe máy?

Cách nào phạt nguội người đi xe máy?

Như VOVGT đã thông tin, tại hội nghị sơ kết an toàn giao thông quý I/2024, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch thường trực UBATGTQG đã đề nghị phạt nguội người đi xe máy giống như người đi ôtô.