Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dự thảo trên tay

Hỗ trợ 35.000 - 55.000 đồng/kg khi tiêu hủy gia súc, gia cầm

Minh Hiếu: Thứ hai 29/04/2024, 15:28 (GMT+7)

Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật. Trong đó, ban soạn thảo đã đề xuất nội dung, điều kiện và mức hỗ trợ cho cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cũng như người tham gia phòng, chống dịch bệnh.

Nghị định quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật được Bộ NN&PTNT dự thảo gồm 3 chương, 14 điều: Quy định chung; Cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật; Điều khoản thi hành.

Đáng chú ý, về điều kiện hỗ trợ, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau: Có động vật, sản phẩm động vật buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh thuộc danh mục theo quy định của pháp luật. Chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại khu vực được phép theo quy định của cấp có thẩm quyền và thực hiện kê khai, đăng ký theo quy định. Đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tiêu hủy động vật theo quy định.

Với trường hợp đã công bố dịch, động vật nuôi phải được cơ quan thú y địa phương kết luận là có dấu hiệu mắc bệnh. Với trường hợp chưa đủ điều kiện công bố dịch, động vật nuôi phải có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc được cơ quan thú y địa phương kết luận là có dấu hiệu mắc bệnh.

Mức hỗ trợ đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất động vật trên cạn, thủy sản cũng được dự thảo Nghị định đề cập cụ thể. Ví dụ, lợn là 40.000 đồng/kg hơi. Trâu, bò, ngựa, dê là 50.000 đồng/kg hơi. Gà, vịt, ngan, ngỗng, đà điểu, chim cút, bồ câu là 35.000 đồng/kg hơi, 20.000 đồng/kg trứng… Tôm nước ngọt là 50 đồng/con giống hoặc không quá 30.000 đồng/kg. Cá nước ngọt là 500 đồng/con giống hoặc không quá 40.000 đồng/kg, v…v…

Đối với các loại động vật trên cạn, thủy sản và các sản phẩm khác bị thiệt hại chưa được dự thảo Nghị định đề cập thì chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, thực tế tại địa phương để quy định mức hỗ trợ cho phù hợp.

Cũng theo dự thảo Nghị định, người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật phải được cơ quan, đơn vị nhà nước có thẩm quyền phân công hoặc huy động bằng văn bản.

Về mức hỗ trợ đối với người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật, với người hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 100.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc, 200.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, lễ tết. Với người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 300.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc, 400.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, lễ tết.

Dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật đang được gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Dự thảo sẽ được gửi, xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Việt Nam có nhiều dịch bệnh nguy hiểm ở động vật, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm trên 70%, công tác phòng, chống dịch bệnh đòi hỏi sự tham gia của nhiều thành phần (Ảnh - thanhph)

Việt Nam có nhiều dịch bệnh nguy hiểm ở động vật, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm trên 70%, công tác phòng, chống dịch bệnh đòi hỏi sự tham gia của nhiều thành phần (Ảnh - thanhph)

GIẢM THẤP NHẤT THIỆT HẠI CHO NGƯỜI DÂN VÀ NGÂN SÁCH

Vì sao Bộ NN&PTNT đề xuất hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật? Phóng viên Minh Hiếu có cuộc trao đổi với TS. Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT - đơn vị chủ trì soạn thảo nghị định.

PV: Xin ông cho biết về sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị định này?

TS Phan Quang Minh: Thứ nhất, về cơ sở pháp lý, Điều 5 Luật Thú y quy định: trong từng thời kỳ, nhà nước có chính sách cụ thể đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh động vật và khắc phục thiệt hại sau dịch bệnh động vật… Điều 23 Luật Thú y cũng quy định: Chính phủ quy định việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật…

Ngày 20/5/2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 34 giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, chỉnh sửa, bổ sung để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ.

Thứ hai, về cơ sở thực tiễn, trong quá trình triển khai thi hành Nghị định 02/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và các văn bản có liên quan, trong 7 năm qua còn một số tồn tại, bất cập. Mức hỗ trợ đến nay không còn phù hợp chi phí thực tế sản xuất, chưa phù hợp từng nhóm đối tượng động vật. Điều kiện hỗ trợ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn chống dịch, nhất là dịch bệnh có tính chất nguy hiểm.

Nghị định 02 quy định chung cả hỗ trợ cho thiên tai, trên cả đối tượng khác như thực vật; trình tự, thủ tục hỗ trợ phức tạp, dịch bệnh xảy ra sau nhiều tháng, nhiều năm mới được hỗ trợ, không đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự hợp tác của người chăn nuôi.

Nghị định 02 cũng không có quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ lực lượng trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

Thứ ba, nước ta có nhiều dịch bệnh nguy hiểm ở động vật, thậm chí có thể lây sang người như cúm gia cầm, dại,… có tính chất lây lan nhanh, phạm vi rộng, gây tổn thất lớn về kinh tế, sức khỏe cộng đồng. Trong khi đó, yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh là phải xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi mới xảy ra ở phạm vi nhỏ hẹp nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân cũng như ngân sách nhà nước. 

PV: Ông có thể chia sẻ nội dung đáng chú ý về việc hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật?

TS. Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT (Ảnh: Minh Hiếu)

TS. Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT (Ảnh: Minh Hiếu)

TS Phan Quang Minh: Một là hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có động vật phải tiêu hủy bắt buộc do dịch bệnh và hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch.

Hai là hỗ trợ thiệt hại do phải xử lý hoặc tiêu hủy động vật. Ba là hỗ trợ công lao động cho người tham gia phòng, chống dịch. Bốn là hỗ trợ chi phí y tế để phòng, điều trị bệnh, thương tích xảy ra đối với người trong quá trình tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật.

Về mức hỗ trợ dự kiến trong dự thảo Nghị định được căn cứ tương đương 70% giá thành sản xuất hiện nay và hỗ trợ công cho người tham gia phòng chống dịch tương đương công lao động phổ thông trên thị trường. Mặt khác, để phù hợp từng đối tượng vật nuôi, thủy sản, thị trường tại từng địa phương, giá thành sản xuất tại từng thời điểm,… dự thảo Nghị định đang xây dựng theo hướng và đang xin ý kiến các đơn vị, địa phương liên quan là: giao giao cho địa phương quy định mức hỗ trợ cụ thể, nhưng không được cao hơn 1,5 lần mức quy định tại Nghị định này.

PV: Ban soạn thảo kỳ vọng gì vào dự thảo Nghị định này nếu được ban hành?

TS Phan Quang Minh: Khi dự thảo Nghị định này được ban hành sẽ tháo gỡ những khó khăn, tồn tại, bất cập trong thực tiễn, khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do dịch bệnh; có các quy định, trình tự, thủ tục, mức, đối tượng hỗ trợ,… rõ ràng, khả thi hơn để dễ vận dụng tại thực địa.

Tạo hành lang pháp lý thông suốt, thống nhất, đồng bộ và phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, sức khỏe con người, vì nhiều dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật.

Đồng thời phù hợp chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước; bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật.

PV: Xin cảm ơn ông!

YÊN TÂM TỔ CHỨC SẢN XUẤT

Điều kiện và mức hỗ trợ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp bị thiệt hại do phải tiêu hủy động vật, cũng như hỗ trợ người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật liệu đã phù hợp hay cần bổ sung, điều chỉnh? Phóng viên VOV Giao thông phỏng vấn PGS. TS Lê Văn Năm, Ủy viên Trung ương Hội thú y Việt Nam về nội dung này:

PV: Ông có đánh giá thế nào về nội dung, điều kiện và mức hỗ trợ được đề cập trong dự thảo Nghị định này?

PGS. TS. Lê Văn Năm, Ủy viên Trung ương Hội thú y Việt Nam (Ảnh: VTC)

PGS. TS. Lê Văn Năm, Ủy viên Trung ương Hội thú y Việt Nam (Ảnh: VTC)

PGS.TS Lê Văn Năm: Lần đầu tiên có một dự thảo toàn diện về cơ chế, chính sách, mức hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật, cả vật nuôi trên cạn và dưới nước, đầy đủ nhất từ trước đến nay, sát và đúng với thực tế của nghề chăn nuôi Việt Nam.

Nếu đề cập các vấn đề nội dung, điều kiện, mức hỗ trợ thì tôi không có đề xuất nào lớn, nhưng tôi có bổ sung và sử đổi một số từ ngữ.

Ví dụ, tôi cho rằng mình nên viết cụ thể vùng dịch. Như chúng ta đã biết, trong vùng dịch có 4 đối tượng: một là động vật chết vì bệnh đang công bố dịch, hai là đang mắc, ba là đang mang mầm bệnh nhưng chưa có biểu hiện, bốn là nằm trong vùng dịch, chưa lây nhưng nguy cơ nhiễm vẫn rất cao. Trong nội dung này, mình phải nói lại những động vật nào nằm trong vùng dịch và vùng dịch là vùng như thế nào.

Ví dụ khi dịch cúm gia cầm xảy ra, quốc tế công bố dịch thì vùng dịch có bán kính 30km. Nhưng ở Việt Nam mình bán kính 30km thì kinh khủng lắm, làng này sát làng kia, xã này sát xã kia, huyện này sát huyện kia,… số động vật nuôi bị tiêu hủy rất lớn, nên chúng ta hạ xuống 3km. Nhưng 3km cũng chưa rõ, chúng ta phải khoanh vùng một cách cụ thể theo từng đối tượng dịch bệnh, cơ quan thú y phải xác định rất rõ.

Tiếp theo, mức hỗ trợ đã được đề cập cũng là sự mạnh dạn của Chính phủ, giúp đỡ người dân, người chăn nuôi. Nhưng tôi cho rằng, tốt nhất nên là mức tối thiểu, là giá thành sản xuất cho vật nuôi cũng như sản phẩm chăn nuôi, sau đó có biến động 5 - 10% tùy vào thời giá.

Tiếp theo, hỗ trợ cho người tham gia, theo tôi là thêm 50% đối với dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ lây giữa người và động vật như bệnh dại hay cúm gia cầm,… nên có sự hỗ trợ mạnh hơn một chút với những bệnh nguy hiểm như thế. Còn với những người được huy động thì tùy theo mức độ hợp đồng, dự thảo Nghị định đã có khung mà tôi cho là khá sát, đúng.

PV: Theo ông, nếu dự thảo Nghị định được ban hành thì sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

PGS.TS Lê Văn Năm: Tôi cho rằng sẽ có những tác động xã hội rất lớn. Người chăn nuôi đón nhận tin này không phải để dựa dẫm mà mang tính chất ràng buộc. Vì trong điều kiện hỗ trợ đã nêu rất rõ, anh phải tổ chức chăn nuôi theo những điều kiện nhất định, không thì không được hỗ trợ, trách nhiệm phải đề cao.

Và đây cũng là điều kiện then chốt để nhà nước, Bộ NN&PTNN xây dựng những vùng an toàn dịch, bởi chúng ta phải hướng đến xuất khẩu, hiện nay chúng ta dư thừa rất nhiều. Vậy thì để khuyến khích tổ chức chăn nuôi tốt thì chúng ta phải xây dựng những vùng xuất khẩu, mà những vùng xuất khẩu được thì phải tuyệt đối an toàn dịch bệnh. Như vậy, người chăn nuôi ý thức được nhiều mặt, chúng ta quy hoạch rất dễ và mục tiêu lớn của nhà nước sẽ đạt được.

Thứ hai, người ta thấy rằng khi tổ chức chăn nuôi mà không may rủi ro xảy ra thì người ta được nhà nước đứng bên cạnh, như vậy người ta sẽ mạnh dạn hơn, yên tâm tổ chức sản xuất, chấp hành những quy định của ngành thú y, của ngành chăn nuôi.

PV: Xin cảm ơn ông!

Việt Nam hiện có nhiều dịch bệnh nguy hiểm ở động vật như: cúm gia cầm, dại, lở mồm long móng, tả lợn châu Phi,… và các dịch bệnh thủy sản, gây tổn thất lớn về kinh tế và sức khỏe cộng đồng. Không chỉ có vậy, bệnh mới từ nước ngoài thường xuyên xuất hiện, xâm nhiễm do đường biên giới dài, tình trạng buôn bán, vận chuyển động vật trái phép chưa được xử lý dứt điểm.

Trong khi đó, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ hiện vẫn chiếm trên 70%; việc xử lý động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh được thực hiện chủ yếu bằng hình thức tiêu hủy. Công tác phòng, chống dịch bệnh đòi hỏi sự tham gia của nhiều thành phần; trong đó, lực lượng thú y cơ sở không được trả lương, chỉ được trả phụ cấp, cần thuê lực lượng lao động phổ thông để thực hiện việc khử trùng, tiêu độc, vận chuyển, tiêu hủy động vật, tiêm vắc-xin bao vây ổ dịch,… Những công việc này đòi hỏi nhiều công sức, có nguy cơ tổn hại sức khỏe như tai nạn, lây nhiễm các bệnh truyền từ động vật sang người.

Do đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ cho chủ vật nuôi, doanh nghiệp và lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh là cần thiết và cấp bách.

Bạn kỳ vọng gì vào dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật? Nếu được ban hành thì các quy định mới của dự thảo sẽ có những tác động xã hội như thế nào? Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho dự thảo qua hotline: 024.37.91.91.91, fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” trong khung giờ “FM91 chiều”, thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần trên VOV Giao thông FM 91MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcasts dành cho di động: Spotify, Apple Podcasts và Google Podcasts.

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
TP Thủ Đức nói gì về bữa ăn trường học bất ổn, học sinh bán vé số, giáo viên phát tờ rơi?

TP Thủ Đức nói gì về bữa ăn trường học bất ổn, học sinh bán vé số, giáo viên phát tờ rơi?

Sau phản ánh của Kênh VOV Giao thông về câu chuyện “quá nhiều bất ổn ở ngôi trường chuẩn” tại trường THCS Lương Định Của, TP Thủ Đức, TP.HCM, ngay sau đó Kênh VOV GT đã gửi công văn đến UBND TP Thủ Đức để tiếp tục yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề tồn tại ngôi trường này.

Hạnh phúc trong khó khăn

Hạnh phúc trong khó khăn

Có một ngôi trường nằm ở quận đông dân nhất cả nước, học sinh phần lớn là con em gia đình công nhân, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Nhưng từ đầu năm 2024, ngôi trường này đã được trang bị ti vi thông minh và kết nối internet, phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập.

Vì sao Bộ Công an đề xuất tăng gấp 6 lần mức phạt với hành vi vươt đèn đỏ?

Vì sao Bộ Công an đề xuất tăng gấp 6 lần mức phạt với hành vi vươt đèn đỏ?

Theo dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, do Bộ Công an soạn thảo chuẩn bị trình Chính phủ ban hành, hành vi vượt đèn đỏ dược đề xuất tăng đáng kể mức phạt.

GPMB Vành đai 2 TP.HCM: Tiếp thu và lắng nghe nhiều hơn để xử lý nhanh hơn

GPMB Vành đai 2 TP.HCM: Tiếp thu và lắng nghe nhiều hơn để xử lý nhanh hơn

Đến nay vẫn còn không ít người tỏ ra băn khoăn, chưa đồng thuận vì mức giá đền bù “chưa sát với thị trường”, các phương án định giá nhà ở đất ở chưa phù hợp hay địa điểm tái định cư còn xa… Các ý kiến này cần được lắng nghe, tiếp thu một cách cầu thị, thấu đáo từ các ngành chức năng.

Những chiếc giỏ xe

Những chiếc giỏ xe

Nếu như trên phố chính, xe đạp chủ yếu phục vụ người đi thể dục, đi chơi, đi làm ở quãng đường ngắn, hoặc chở hoa quả rong…thì trên những đường phố nhỏ hơn, nó là bạn đồng hành đến trường của con trẻ. Nhưng điều thú vị không nằm ở chiếc xe, mà ở những chiếc giỏ xe – những chiếc giỏ lộn ngược.

Bộ máy nhà nước cần tinh gọn công năng

Bộ máy nhà nước cần tinh gọn công năng

Câu chuyện thời sự lớn nhất trong những ngày này chính là cuộc cách mạng tinh giản bộ máy theo tinh thần của Tổng bí thư Tô Lâm “Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”. Tinh thần đó cần được cụ thể hóa như thế nào?

Quản hoa quả vỉa hè, đồ ăn thức uống khác thì sao?

Quản hoa quả vỉa hè, đồ ăn thức uống khác thì sao?

Như VOV Giao thông đã đề cập, TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây, nhằm xóa bỏ những điểm kinh doanh tự phát tại vỉa hè, lòng đường không đảm bảo an toàn thực phẩm.