Ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất: Cần một tổ hợp các biện pháp cụ thể và lâu dài

Việc xóa bỏ tiểu đảo cây xanh trên đường Trần Quốc Hoàn chỉ là giải pháp tình thế. Trong khi chờ đợi các dự án công trình hoàn thành trước mắt, cần nghiên cứu triển khai đồng bộ các giải pháp phi công trình để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông khu vực này.

Thời gian qua, tại khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất vào giờ cao điểm hay ra tình trạng ùn tắc giao thông. VOV Giao thông với chức năng là kênh tương tác với thính giả, luôn sát cánh cùng lực lượng cảnh sát giao thông, Trung tâm điều hành giao thông đô thị, Cảng vụ ền Nam, ACV và các đơn vị liên quan liên tục cập nhật diễn biến giao thông ở các khu vực này cũng như việc phân luồng, phân làn trên sóng radio FM91 Mhz.

Từ đó giúp các lái xe và người đi đường và hành khách cùng nắm về tình hình giao thông để có hướng di chuyển cho phù hợp. Tuy vậy, do điều kiện cơ sở hạ tầng, đường sá không theo kịp tốc độ phát triển của phương tiện cá nhân; nhu cầu đi lại của người dân tăng cao nên tình trạng ùn tắc ở các điểm nút giao thông quanh khu vực sân bay luôn quá tải và căng thẳng.

Vòng xoay Lăng Cha Cả là điểm nóng ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Lao động

Sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay ngay các slot tại sân  đỗ nhiều lúc cũng luôn ở tình trạng  quá tải. Vào những lúc thời tiết xấu, nhiều máy bay không có chỗ đáp buộc phải quá cảnh qua các sân bay phụ cận chờ đợi; khiến hành khách ngao ngán. Riêng việc ùn tắc ở các đường giao thông xung quanh đã bàn nhiều, thực hiện nhiều giải pháp nhưng xem ra tình trạng vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Hiện nay, đường Phan Thúc Duyện, chạy song song với đường Cộng Hòa nối với đường Trường Chinh đang được gấp rút thi công. Hầm chui Trần Quốc Hoàn cũng đã khởi động được một số hạng mục. Nhà ga T3 cũng được bấm nút và thi công ngày đêm.

Đây là những giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm tháo gỡ các nút thắt về cơ sở hạ tầng ở ngay khu vực sân bay. Nếu được đưa vào sử dụng, hành khách sẽ dồn về phía nhà ga mới; giảm tải cho nhà ga cũ. Khi đó lưu lượng người qua lại sẽ trải đều cho các tuyến đường phụ cận, tránh được khả năng tập trung vào một số tuyến nhất định.

Việc dự kiến bỏ dải phân cách cây xanh trên đường Trần Quốc Hoàn sắp tới để giảm tải cũng là một giải pháp nhưng thực tế cũng chỉ mang tính tình thế, chưa lâu dài.

Do vậy, ngay lúc này, chủ đầu tư và các đơn vị thi công cần gấp rút hoàn thành các hạng mục công trình theo yêu cầu về tiến độ và chất lượng cao nhất. Đường Hoàng Hoa Thám vào sân bay, hiện đã quy hoạch từ lâu nhưng giờ vẫn im lìm, chưa chuyển động cũng cần được sớm khởi công trở lại để giảm tải.

Nhà ga hiện hữu sân bay Tân Sơn Nhất là nhà ga chỉ có một lối ra vào duy nhất nên khi người ra sẽ vướng người vào;  tình trạng xung đột giao thông khi hành khách ra vào luôn xảy ra. Đó là chưa kể, nhiều lúc xe tắc xi, xe dù hoạt động lộn xộn, hành khách phiền lòng. Kể cả các tuyến xe buýt đưa đón khách dù đã mở nhưng vẫn chưa hiệu quả.

Trong khi việc quản lý, điều hành việc  ra vào ở sân bay do nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đơn vị của TP.HCM và Trung ương cùng đảm nhiệm. Công tác phối hợp nhiều lúc không theo một đầu mối nên dẫn đến lúng túng, bị động.

Đã đến lúc, các đơn vị này cần có sự liên thông, liên kết chặt chẽ trong quản lý và xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tế. Xin cơ chế thu phí tự động không dừng thay vì thu thủ công vừa mất thời gian lại dễ gây ùn ứ. Để ngay trong sân bay đã hài hòa, không có cảnh ùn tắc hoặc mất trật tự an toàn giao thông.

Ở các điểm ùn tắc xung quanh khu vực sân bay, dù các lực lượng đã có sự phối hợp nhưng cần liên tục và nhịp nhàng hơn nữa. Khi xảy ra sự cố mất tín hiệu đèn, va chạm giao thông hay ùn tắc, lực lượng chức năng cần có mặt kịp thời để giải tỏa, phân luồng.

Người tham gia giao thông chú ý nắm bắt diễn biễn giao thông qua các phương tiện truyền thông để đưa ra các quyết định di chuyển phù hợp; tránh đi vào tâm điểm của vùng kẹt xe, khiến ùn tắc càng thêm trầm trọng.

Rõ ràng, ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay rất cần một tổ hợp các biện pháp cụ thể cả trước mắt và lâu  dài với sự phối hợp cao nhất, trách nhiệm của các cơ quan quản lý và điều hành; cũng như sự đồng hành,chia sẻ của người tham gia giao thông thời gian tới. Từ đó mới mong các ách tắc về giao thông ở khu vực được giải tỏa.