Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dự thảo trên tay

Có nên giảm mức phạt tù với người chưa thành niên phạm tội?

Quách Đồng: Thứ hai 13/05/2024, 14:19 (GMT+7)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa xem xét, cho ý kiến dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, do Bộ Tư pháp soạn thảo. Đáng chú ý, tại dự thảo luật này, Bộ Tư pháp đã đề xuất mở rộng trường hợp người chưa thành niên bị phạt tù được cho hưởng án treo, giảm mức hình phạt tù cao nhất.

GIẢM MỨC PHẠT ĐỐI VỚI NGƯỜI TỪ ĐỦ 16 TUỔI ĐẾN DƯỚI 18 TUỔI

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên do Bộ Tư pháp soạn thảo, gồm 11 chương, 166 điều, điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng...

Cụ thể, tại dự luật này, Bộ Tư pháp đề xuất những nguyên tắc cơ bản của hoạt động tư pháp với người chưa thành niên, như: Bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên phạm tội; Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện; Ưu tiên áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng (tức là thủ tục thay thế thủ tục tố tụng hình sự bằng các biện pháp giáo dục, phòng ngừa mang tính xã hội)…

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên cũng đề xuất việc bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên; trong đó, bí mật cá nhân của người chưa thành niên phải được tôn trọng, bảo vệ trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, xử lý chuyển hướng. Trường hợp vụ án có người chưa thành niên phạm tội hoặc là bị hại trong vụ án xâm hại tình dục phải xét xử kín. Trường hợp không thể xét xử kín thì phải bố trí người chưa thành niên tham gia tố tụng tại phòng cách ly hoặc phòng khác với sự hỗ trợ của thiết bị điện tử.

Tại dự thảo Luật này, Bộ Tư pháp cũng đề xuất, các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế chỉ được áp dụng đối với người bị buộc tội là người chưa thành niên trong trường hợp thật cần thiết.

Đặc biệt, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đã bổ sung điều luật về hình phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên khi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt. Đồng thời mở rộng trường hợp người chưa thành niên bị phạt tù được cho hưởng án treo.

Nếu người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội, tùy từng trường hợp, nếu có tài sản riêng cũng có thể áp dụng hình thức phạt tiền và mức phạt tiền không quá 1/3 mức tiền phạt mà điều luật quy định.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đề xuất giảm mức phạt tù với người chưa thành niên theo hướng giảm mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi từ 18 năm xuống 15 năm tù; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi từ 12 năm xuống 9 năm tù. Hình phạt tù chung thân và tử hình không áp dụng với người chưa thành niên. 

Riêng với trường hợp phạm loại tội xâm phạm tính mạng sức khỏe và ma túy (giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và tội sản xuất trái phép chất ma túy), mức hình phạt theo quy định hiện hành.

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Dự luật này sẽ được Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thiện, để trình ra Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra vào tháng 5, tháng 6 năm nay.

Bộ Tư pháp đề xuất giảm mức phạt tù với người chưa thành niên phạm tội (Ảnh minh hoạ: Thanhnien.vn)

Bộ Tư pháp đề xuất giảm mức phạt tù với người chưa thành niên phạm tội (Ảnh minh hoạ: Thanhnien.vn)

NHÂN VĂN NHƯNG VẪN ĐẢM BẢO NGHIÊM MINH

Vì sao Bộ Tư pháp đề xuất giảm nhẹ hình phạt, mức phạt tù đối với tội phạm chưa thành niên? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Minh Sơn, Chuyên viên cao cấp Bộ Tư pháp - đơn vị chủ trì soạn thảo Luật: 

PV: Xin ông cho biết một số điểm mới nổi bật của dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên?

TS. Trần Minh Sơn: Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đưa ra các nguyên tắc cơ bản đối với hoạt động tư pháp người chưa thành niên; đưa ra các biện pháp xử lý chuyển hướng, thể hiện tính ưu việt và nhân văn của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Trong 11 biện pháp xử lý chuyển hướng có 10 biện pháp xử lý chuyển hướng ngoài cộng đồng, một biện pháp duy nhất là giáo dục tại trường giáo dưỡng, trong đó giữ nguyên 2 biện pháp đang quy định trong Bộ luật Hình sự là khiển trách và giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Biện pháp hòa giải tại cộng đồng đang quy định trong Bộ luật Hình sự sẽ được tách thành 2 biện pháp, gồm xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại.

Cùng với đó là bổ sung 6 biện pháp xử lý chuyển hướng mới: tham gia các chương trình học tập, dạy nghề; tham gia các buổi điều trị, tư vấn tâm lý bắt buộc; lao động công ích; cấm tiếp xúc; cấm đến một địa điểm nhất định; hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại. Dự thảo cũng chuyển biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng trở thành biện pháp xử lý chuyển hướng nghiêm khắc nhất trong các biện pháp xử lý chuyển hướng.

PV: Một số ý kiến cho rằng hình phạt đối với người chưa thành niên không có sự phân hóa với người trưởng thành. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

TS. Trần Minh Sơn, Chuyên viên cao cấp Bộ Tư pháp

TS. Trần Minh Sơn, Chuyên viên cao cấp Bộ Tư pháp

TS. Trần Minh Sơn: Về hình phạt đối với người chưa thành niên, dự thảo Luật quy định 4 hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trên cơ sở kế thừa Bộ Luật Hình sự hiện hành, bao gồm: Cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; tù có thời hạn là hợp lý.

Đối với án phạt tù và tái hòa nhập cộng đồng, dự thảo Luật quy định người chưa thành niên được giam giữ tại trại giam riêng để tạo điều kiện giáo dục, phục hồi, bảo đảm phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, sự phát triển của người chưa thành niên, đặc biệt là bảo đảm tối đa quyền được học tập của người chưa thành niên. Đồng thời, quy định này cũng bảo đảm phù hợp với Quy tắc của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước quyền tự do.

PV: Vì sao Ban soạn thảo đề xuất giảm mức hình phạt tù với người chưa thành niên phạm tội?

TS. Trần Minh Sơn: Quan điểm xử lý người chưa thành niên phạm tội hiện vẫn còn nặng về răn đe, áp dụng hình phạt mà chưa xác định việc trừng phạt chỉ nên được sử dụng như là biện pháp cuối cùng…

Để đề cao tính nhân văn nhưng vẫn bảo đảm nghiêm minh của hình phạt với người chưa thành niên, dự thảo Luật nghiên cứu, xây dựng, giảm mức hình phạt tù với người chưa thành niên theo từng trường hợp cụ thể. Ví dụ, giảm mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi từ 18 năm xuống 15 năm tù; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội từ 12 năm xuống 9 năm tù.

Tại Điều 105 (Tù có thời hạn) của dự thảo Luật, đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 15 năm tù, giảm 3 năm tù. Bộ luật Hình sự đang áp dụng là không quá 18 năm tù.

PV: Xin cảm ơn ông. 

TẠO ĐIỀU KIỆN NHẬN THỨC, MỞ RA LỐI THOÁT

Việc đề xuất giảm nhẹ hình phạt đối với tội phạm chưa thành niên tại dự thảo Luât Tư pháp người chưa thành niên, nếu được ban hành sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội xung quanh nội dung này.

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Nếu quy định của luật có tính chất chuyên biệt như thế này thì nó sẽ đảm bảo tính chuyên sâu chuyên nghiệp trong việc điều tra, truy tố, xét xử đối với các tội phạm do các đối tượng vị thành niên gây ra.

Chính vì thế, nếu chúng ta có những luật mang tính chuyên biệt như thế này, có hệ thống tổ chức các cơ quan làm nhiệm vụ tư pháp đối với các đối tượng này thì nó sẽ khắc phục những tồn tại trước đây.  Khi mà xảy ra các loại tội phạm của trẻ vị thành niên, chúng ta mới dừng lại ở việc điều tra, truy tố, xét xử và đưa ra những bản án thôi, chưa xem xét toàn diện các yếu tố về điều kiện, hoàn cảnh, rồi nguyên nhân để chúng ta có giải pháp phòng ngừa.

Chính vì thế mà chúng ta cần thiết phải có các luật chuyên biệt và đặc biệt là Luật tư pháp với đối tượng vị thành niên.

PV: Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo luật là việc quy định giảm nhẹ hình phạt tù đối với trẻ vị thành niên phạm tội. Quan điểm của ông về vấn đề như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội (Ảnh: Tuổi trè)

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội (Ảnh: Tuổi trè)

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Tôi đồng tình với quan điểm là chúng ta giảm cả hình phạt tù đối với đối tượng này. Bởi vì đây là xu thế của thế giới, cũng là yêu cầu của Công ước về quyền trẻ em.

Chúng ta thay vì áp dụng các biện pháp, chế tài mang tính chất hà khắc, mang nặng tính trừng phạt, bằng các hình thức thay thế khác để tăng tính giáo dục, không cách ly các đối tượng này ra khỏi xã hội, để tạo ra môi trường thuận lợi để các cháu phát triển nhân cách, tiếp tục học, để các cháu khắc phục khuyết điểm, sai lầm.

Và không phải chỉ đối với đối tượng trẻ em này đâu, ngay trong Bộ Luật Hình sự của chúng ta hiện nay cũng đang có nhiều hình thức áp dụng các hình phạt để thay các hình phạt tù. Như thế nó sẽ tạo ra một môi trường để các cháu có điều kiện nhận thức được lỗi lầm của mình, mở ra cho những đối tượng này lối thoát mà không tạo áp lực về mặt tâm lý, không bị cách ly khỏi xã hội.

PV: Theo ông thì nếu dự thảo luật được ban hành sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Nếu được ban hành thì chúng ta có một chế định pháp luật liên quan đến tư pháp của trẻ vị thành niên, từ các quy định của pháp luật khác cho nên phải có cái sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan để tránh chồng chéo, đảm bảo sự đồng bộ, tính khả thi của hệ thống pháp luật.

Đồng thời, với việc sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Luật mới ban hành, thì chúng ta phải tổ chức lại hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, quản lý các đối tượng này sau các bản án, các quyết định của các cơ quan có thẩm quyền.

Nó sẽ tác động trực tiếp đến nguồn lực, chi phí để thực thi pháp luật. Ví dụ như cơ sở, các nhà trường chuyên biệt dành cho đối tượng này được tổ chức như thế nào, rồi các chế độ, chính sách khác có liên quan… Đây là những tác động phải được đánh giá, phải được nhận diện để có cái tính toán, có dự trù để đảm bảo các điều kiện khi Luật đi vào cuộc sống.

PV: Xin cảm ơn ông.

Theo quy định hiện hành, với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì không quá 12 năm tù.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng mức phạt này vẫn nặng về răn đe, áp dụng hình phạt, chưa chú trọng nhiều đến việc tạo cơ hội để sửa chữa, cải thiện hành vi. Bởi vậy, việc giảm mức hình phạt với người chưa thành niên, trong đó có việc giảm mức phạt tù được đề xuất tại dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, được cho là cần thiết, để đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người chưa thành niên, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bạn kỳ vọng gì vào dự luật này này? Nếu được ban hành, các quy định mới của dự thảo luật sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcast và Google Podcast.

Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Giảm tử vong do đuối nước: Cần giúp trẻ nhận diện vùng nguy hiểm, có kỹ năng sinh tồn

Giảm tử vong do đuối nước: Cần giúp trẻ nhận diện vùng nguy hiểm, có kỹ năng sinh tồn

Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em từ 5-15 tuổi tử vong vì đuối nước và Việt Nam thuộc top các quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

Bụi trong thành phố

Bụi trong thành phố

Mỗi mùa đông đến, Hà Nội lại trở thành một thành phố bụi. Đến nỗi, mỗi khi nhìn thấy trời xanh trong thành phố, người ta cảm thấy như nơi đây đang có lễ hội.

Những người đầu tiên “chia tay” xe máy, lựa chọn metro số 1

Những người đầu tiên “chia tay” xe máy, lựa chọn metro số 1

Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là một bước tiến quan trọng trong phát triển hệ thống giao thông công cộng của TP.HCM. Tuy nhiên, để metro thực sự thay thế được xe máy, vẫn còn nhiều thách thức, từ việc kết nối đồng bộ với các phương tiện công cộng khác đến việc thay đổi thói quen di chuyển của người dân.

Bạo hành trẻ em có xu hướng giảm nhưng nguy cơ chưa phải đã giảm

Bạo hành trẻ em có xu hướng giảm nhưng nguy cơ chưa phải đã giảm

Theo báo cáo của Bộ Công an, 8 tháng đầu năm 2024, trên toàn quốc đã điều tra, khởi tố gần 1.200 vụ với hơn 1.400 bị can liên quan đến các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em

Chợ nổi Ngã Năm - mấy chặng thăng trầm

Chợ nổi Ngã Năm - mấy chặng thăng trầm

Những phiên chợ nổi được hình thành như một thói quen di chuyển trên sông nước của người dân ĐBSCL hàng thế kỷ qua vẫn là đề tài thu hút sự quan tâm của công chúng mà nhất là khách du lịch.

Những điểm mới nổi bật của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2024

Những điểm mới nổi bật của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2024

Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) năm 2024 gồm 4 chương, 18 điều, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Ngoài những nội dung kế thừa quy định Luật hiện hành, những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung chủ yếu liên quan tới người nộp thuế, đối tượng không chịu thuế GTGT, giá tính thuế, thuế suất, khấu trừ thuế GTGT đầu vào…

Bóng câu bên hè

Bóng câu bên hè

Mới hôm nào mưa bụi và hoa xoan, giờ đã sang tháng Chạp. Ngày tháng cuối năm hiển hiện trong sự đông đúc, vội vã của xe máy, xe hơi. Nhưng với bước chân bộ hành, thời gian không vội.