Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Cơ chế nào cho bài toán quản lý, khai thác, vận hành đường cao tốc?

Huy Hoàng: Thứ sáu 10/05/2024, 12:12 (GMT+7)

Câu chuyện đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây bị ngừng cung cấp điện thậm chí đứng trước nguy cơ không được quản lý, vận hành, bảo trì… đã và đang nhận được rất nhiều quan tâm từ dư luận cả nước.

Tình trạng này cũng đang diễn ra tại 5 dự án đường bộ cao tốc khác trải dài từ Bắc chí Nam, từ đây đặt ra một câu hỏi lớn về công tác nghiên cứu, lập kế hoạch đến phê duyệt chủ trương đầu tư đường cao tốc… của các bên liên quan trong thời gian qua. 

Là người thường xuyên lái xe từ TP.HCM đi các tỉnh Nam Trung Bộ, anh Trần Thanh Tùng (37 tuổi ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) tỏ ra phấn khởi khi các tuyến cao tốc từ TP.HCM đi Nha Trang chính thức thông xe, rút ngắn đáng kể thời gian lẫn chi phí di chuyển so với trước.

Tuy vậy, anh Tùng tỏ ra bất an khi tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây bị ngừng cung cấp điện vào tối 12/4, thậm chí sự hoang mang còn lớn hơn khi có thông tin tuyến đường này có thể sẽ không có đơn vị quản lý vận hành chuyên nghiệp:

"Trên cao tốc mà không có hệ thống quản lý lẫn các dịch vụ sẽ khiến tài xế cảm thấy không được an tâm. Khoảng cách tuyến cao tốc thì khá lớn, xung quanh lại không có hệ thống dịch vụ khiến cho khả năng về hư hỏng xe, hết nhiên liệu cũng như trạm dừng nghỉ không được đảm bảo khiến tài xế bất an, họ sẽ lái xe trong trạng thái không được thoải mái".

Khi các tuyến cao tốc từ TPHCM đi Nha Trang chính thức thông xe, đã rút ngắn đáng kể thời gian lẫn chi phí di chuyển so với trước

Khi các tuyến cao tốc từ TPHCM đi Nha Trang chính thức thông xe, đã rút ngắn đáng kể thời gian lẫn chi phí di chuyển so với trước

Thấu hiểu được những lo lắng của các lái xe cũng như lường trước được nguy cơ mất an toàn giao thông nếu như tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây không được quản lý vận hành, song theo bà Nguyễn Thị Hoài Phương – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) – đơn vị được tạm giao quản lý khai thác tuyến cao tốc này cho biết đơn vị đang gặp rất nhiều khó khăn khi vẫn chưa được ký hợp đồng với chủ đầu tư cũng như chưa được thanh toán kinh phí quản lý vận hành hay bảo trì bảo dưỡng:

"Chúng tôi cũng đã thường xuyên phối hợp và làm việc với Ban quản lý dự án Thăng Long cũng như là Bộ Giao thông vận tải về việc bố trí nguồn kinh phí cho công tác quản lý, vận hành và bảo trì cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Dù các đơn vị liên quan có các động thái rất tích cực trong việc giải quyết cái cái cơ chế này. Tuy nhiên là đến bây giờ là vẫn chưa có kết quả", bà Nguyễn Thị Hoài Phương cho biết.

Lý giải yếu tố trách nhiệm cho vấn đề này, TS Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT - Trường ĐH GTVT Hà Nội cho rằng:

"Chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn thành toàn bộ các vấn đề liên quan đến pháp lý và lựa chọn đơn vị vận hành, thông thường bước này chúng ta là chậm nên không kịp tiến độ. Vì thế khi mà lãnh đạo cấp trên yêu cầu đưa công trình vào khai thác sử dụng dẫn đến chúng ta chưa hoàn thiện được pháp lý kịp thời, nên trách nhiệm cuối cùng vẫn là chủ đầu tư".

Theo thống kê trong năm 2023, nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 đã hoàn thành tuyến chính và đưa vào khai thác tạm như: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuy nhiên các dự án này đều đang trong thời gian chờ bàn giao.

Một cán bộ đang công tác tại 1 Ban QLDA trực thuộc Bộ GTVT khẳng định trách nhiệm vẫn thuộc về nhà thầu và chủ đầu tư: "Khi chưa bàn giao xong thì trách nhiệm theo hợp đồng vẫn thuộc nhà thầu và chủ đầu tư. Bởi trong hợp đồng xây lắp bao giờ cũng có 1 câu HĐ từ ngày này tháng này đến ngày tháng này bàn giao cho đơn vị quản lý khai thác. Thế nhưng hiện nay mình đã thông xe theo hợp đồng gốc nhưng mọi người chưa tính đến thời gian từ khi xong bàn giao cho đơn vị quản lý, cái này nó sẽ mất thời gian và chính cái khoản này đang bị mắc lại".

Ảnh: Hanoimoi

Ảnh: Hanoimoi

Trao đổi với chúng tôi, cán bộ một Ban QLDA khác cho biết kinh phí để chi trả cho công tác bảo trì, vận hành các tuyến cao tốc trong thời gian khai thác tạm vẫn chưa được xác định rõ. Trên thực tế, thời gian gần đây để sớm phát huy hiệu quả, một số dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phí Đông giai đoạn 1 sau hoàn thành tuyến chính đã cho phép thông xe kỹ thuật trước khi hoàn thiện hồ sơ và bàn giao cho đơn vị bảo trì, khai thác, đây chính là mấu chốt của các bất cập vừa nêu:

"Theo quy định sau khi bàn giao cho đơn vị quản lý, khai thác xong thì mới đưa vào khai thác sử dụng. Thế nhưng công trình giao thông trải dài cả trăm km, nếu để xong công trình và hoàn thiện đầy đủ hồ sơ theo quy định rồi mới bàn giao cho đơn vị vận hành khai thác thì sẽ không đưa vào khai thác sớm được, bị lãng phí và tính hiệu quả sẽ bị giảm đi. Hiện nay nhiều công trình giao thông đang gặp cái tồn tại đó, bị lệch giữa quy định với thực tiễn. Cái này Bộ GTVT đã làm việc với Bộ Xây dựng nhưng vẫn chưa có lời giải cho bài toán này".

PGS TS Vũ Anh Tuấn – Giám đốc trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức cho rằng đây là một bất cập rất lớn trong giai đoạn phát triển nóng về đường bộ cao tốc của nước ta, rõ ràng đã có sự thiếu đồng bộ thiếu nhất quán từ giai đoạn nghiên cứu khả thi, thiết kế, đầu tư thi công, nghiệm thu, xây dựng đơn giá cho đến quá trình bàn giao, khai thác vận hành.

Về nguyên tắc tất cả các khâu này phải được chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện gối đầu nhau với sự giám sát chặt chẽ của đơn vị chủ quản. PGS TS Vũ Anh Tuấn góp ý: "Nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách để hỗ trợ mô hình quản lý vận hành khai thác duy tu bảo dưỡng các tuyến cao tốc một cách nhịp nhàng, mang tính dây chuyền.

Muốn vậy thì Chính phủ và Bộ GTVT phải làm từ bây giờ và xem đó là chiến lược quốc gia về quản lý vận hành khai thác cũng như nâng cấp cải tạo các tuyến đường trong khi chờ bàn giao cho chủ đầu tư thì tạm giao cho 1 đơn vị thứ ba để quản lý vận hành khai thác vận hành. Từ chiến lược quốc gia ấy sẽ biến thành những chương trình cụ thể gắn liền với từng dự án, con đường, tuyến đường cụ thể".

Đâu đó vẫn còn sự lừng khừng, lững thững trong việc hoàn thiện các quy chuẩn, cơ chế chính sách về quản lý, khai thác, bảo trì bảo dưỡng các tuyến cao tốc đang trong giai đoạn chờ bàn giao (Ảnh: VnExpress)

Đâu đó vẫn còn sự lừng khừng, lững thững trong việc hoàn thiện các quy chuẩn, cơ chế chính sách về quản lý, khai thác, bảo trì bảo dưỡng các tuyến cao tốc đang trong giai đoạn chờ bàn giao (Ảnh: VnExpress)

Đâu phải quả bóng mà chuyền đi chuyền lại

Dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua tôi nhẹ nhàng hoàn thành lộ trình từ TP.HCM đến thành phố biển Nha Trang trong chưa đầy 5 tiếng đồng hồ. Một trải nghiệm đầy thú vị suốt hơn 350km đường cao tốc, song vẫn còn chút gợn khi đi qua các phân đoạn Phan Thiết – Dầu Giây, Phan Thiết – Vĩnh Hảo. Thiếu ánh sáng, thiếu trạm dừng nghỉ hoàn chỉnh và thiếu cả những thiết bị chỉ dẫn an toàn…

Đoạn đường từ TPHCM đi Nha Trang nói riêng và nhiều cung đường quan trọng khác nói chung trên cả nước giờ đã được nối liền bởi hệ thống đường bộ cao tốc được đầu tư xây dựng thần tốc. Chỉ trong vòng hơn 3 năm từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước đã có khoảng 1000km đường cao tốc được thông xe, khối lượng tương đương với khối lượng 20 năm đầu của thế kỷ 21.

Với tinh thần “vượt nắng thắng mưa”, thi công “3 ca 4 kíp”, “chỉ bàn làm không bàn lùi’…cùng dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì mục tiêu hoàn thành 3000km đường cao tốc vào năm 2025 hay 5000km vào năm 2030 là tương đối khả thi.

Trái ngược với sự thần tốc trong đầu tư xây dựng thì đâu đó vẫn còn sự lừng khừng, lững thững trong việc hoàn thiện các quy chuẩn, cơ chế chính sách về quản lý, khai thác, bảo trì bảo dưỡng các tuyến cao tốc đang trong giai đoạn chờ bàn giao.

Câu chuyện về các nút giao trên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây tối om vì bị cắt điện đầu tháng 4 vừa qua đã chỉ ra hàng loạt bất cập trong việc chậm trễ ban hành các cơ chế cần thiết để đảm bảo vận hành cao tốc an toàn.

Cần phải có những “khoảng lặng cần thiết” để các bên điều chỉnh, hoàn thiện qua đó hướng đến mục tiêu hiệu quả, bền vững hơn trong tương lai (Ảnh: VOV)

Cần phải có những “khoảng lặng cần thiết” để các bên điều chỉnh, hoàn thiện qua đó hướng đến mục tiêu hiệu quả, bền vững hơn trong tương lai (Ảnh: VOV)

Nếu các bên có trách nhiệm không tích cực ngồi lại để tháo gỡ thì không chỉ Phan Thiết – Dầu Giây mà Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng sẽ sớm rơi vào cảnh tương tự.

Khi đi tìm lời giải cho bài toán này, chúng tôi chỉ nhận được sự im lặng hoặc thái độ né tránh từ các cơ quan chủ quản hay các chủ đầu tư dự án. Vẫn biết đây là vấn đề phức tạp, không thể trong ngày 1 ngày 2 mà giải quyết được, song thay vì tích cực nhìn nhận và chủ động tìm cách tháo gỡ thì “quả bóng trách nhiệm” lại bị chuyền đi chuyền lại một cách nhàm chán.

Với những người yêu bóng đá, hẳn sẽ khó quên được thập kỷ hoàng kim của câu lạc bộ Barcelona (2005-2015) với mũi đinh ba MSN (Messi – Suarez – Neymar) huyền thoại cùng chiến thuật tiki-taka đầy mê hoặc. Song một khi những đường chuyền trở nên quen thuộc thì lối chơi của đội bóng xứ Catalonia trở nên nhàm chán và thành công vì thế ngày càng ít ỏi hơn. 

Nói vậy để thấy bóng đá dù hấp dẫn đến đâu cũng phải thay đổi, cho nên việc đẩy nhanh tốc độ phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc nước ta cho dù đang ở giai đoạn hứng khởi nhất cũng cần phải có những “khoảng lặng cần thiết” để các bên điều chỉnh, hoàn thiện qua đó hướng đến mục tiêu hiệu quả, bền vững hơn trong tương lai.

Huy Hoàng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
TP.HCM: 19 sinh viên nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm

TP.HCM: 19 sinh viên nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm

Sau bữa ăn tối, 19 sinh viên ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM bắt đầu có triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy được đưa vào BV Đa khoa khu vực Thủ Đức cấp cứu.

Giá xăng hôm nay có thể giảm rất mạnh

Giá xăng hôm nay có thể giảm rất mạnh

Trong kỳ điều hành ngày 9/5, dự báo giá xăng dầu tiếp tục giảm, tuy nhiên mức giảm sẽ mạnh hơn nhiều so với kỳ trước.

Ngóng mở rộng gấp đôi đường Láng, làm đường trên cao từ Ngã Tư Sở về Cầu Giấy

Ngóng mở rộng gấp đôi đường Láng, làm đường trên cao từ Ngã Tư Sở về Cầu Giấy

Trước thông tin sẽ cải tạo toàn diện, nâng gấp đôi bề rộng, kết hợp đường trên cao, đưa đường Láng trở thành trục chính của Thủ đô Hà Nội, người đi đường và cư dân dọc tuyến đường này có quan điểm và mong mỏi gì?

3 năm vận hành, đường Vành đai 2 trên cao không ai dọn rác?

3 năm vận hành, đường Vành đai 2 trên cao không ai dọn rác?

Trận mưa đầu tháng 5 vừa qua đã khiến một đoạn dài trên Vành đai 2 trên cao (Hà Nội) đoạn từ Ngã Tư Sở – cầu Vĩnh Tuy bị ngập úng. Nguyên nhân được cho là bị ùn ứ rác thải.

TP.HCM: Thay đổi diện mạo mới cho những tuyến hẻm

TP.HCM: Thay đổi diện mạo mới cho những tuyến hẻm

Thời gian qua, nhiều tuyến hẻm tại TP.HCM thường rơi vào tình trạng nhếch nhác rác thải, bị lấn chiếm để buôn bán, trông giữ xe và chi chít các tờ quảng cáo dán sai quy định.

“Nắn dòng” xe khách từ xa, khỏi đi chậm bắt khách

“Nắn dòng” xe khách từ xa, khỏi đi chậm bắt khách

Nhằm xóa bỏ xe dù, bến cóc trên tuyến đường Phạm Hùng, khu vực xung quanh bến xe Mỹ Đình. Đội TT GTVT đường bộ – Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đang thực hiện phương án phân luồng từ xa và xử lý xe khách đi chậm, dừng đỗ bốc xếp hàng hóa, đón trả khách sai quy định.

Sau phản ánh của VOV Giao thông, Vành đai 2 trên cao được dọn rác

Sau phản ánh của VOV Giao thông, Vành đai 2 trên cao được dọn rác

Ngày 09/5/2024, sau phản ánh của VOV Giao thông, trên tuyến đường Vành đai 2 trên cao, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở, dài hơn 5km đã được thu dọn rác thải, bùn đất.