Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

An toàn lao động: Quy định một đằng, thực hiện một nẻo

Nguyễn Yên: Thứ năm 09/05/2024, 16:23 (GMT+7)

Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trên khắp cả nước khiến dư luận bàng hoàng. Đằng sau những vụ tai nạn này, dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi về việc quản lý, kiểm soát nguy cơ rủi ro cũng như công tác đảm bảo an toàn lao động.

 

Hiện trường vụ nổ lò hơi ở Công ty sản xuất gỗ Bình Minh. Ảnh: Vnexpress

Hiện trường vụ nổ lò hơi ở Công ty sản xuất gỗ Bình Minh. Ảnh: Vnexpress

Từ tháng 4 tới nay, 4 vụ tai nạn lao động đã cướp đi mạng sống của 18 người. Ngày 1/5, vụ nổ lò hơi xảy ra tại xưởng sản xuất của Công ty gỗ Bình Minh, tỉnh Đồng Nai khiến 6 người tử vong, 5 người bị thương nặng. Trước đó 1 tuần, ngày 22/4, vụ tai nạn lao động tại Công ty Xi măng và Khoáng sản Yên Bái làm chết 7 công nhân và 3 người bị thương. Ngày 9/4, vụ nổ tại cụm công nghiệp Phú Lâm, tỉnh Bắc Ninh làm 1 người chết, 2 người bị thương. Còn vào ngày 3/4, vụ cháy khí metan trong hầm lò ở Quảng Ninh đã làm 4 công nhân tử vong.

Đây là những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng mà nguyên nhân được cho là lặp lại từ các vụ việc từng xảy ra nhiều năm trước đây. Đó là, xuất phát từ sự chủ quan, lơ là trong quản lý an toàn lao động.

GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam nhận định: “Qua những vụ việc vừa xảy ra, chúng ta thấy rằng lỗ hổng là các doanh nghiệp chưa có đầy đủ hệ thống an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp của mình. Vì không có nó nên không thể ban hành được các quy định, quy trình một cách đầy đủ và nghiêm khắc về việc đảm bảo an toàn lao động”.

Ông Đinh Mạnh Thắng, chuyên gia cao cấp, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, từ 2 vụ tai nạn lao động rất nghiêm trọng ở Yên Bái và Đồng Nai cho thấy việc bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị cần phải thực hiện các yêu cầu cực kỳ nghiêm ngặt. Việc ban hành các nội quy, quy trình cho vấn đề này đã có nhưng nhiều doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ:

“Các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ hầu như chủ doanh nghiệp thường chỉ quan tâm vấn đề lợi nhuận và họ không quan tâm hoặc rất ít quan tâm đến vấn đề an toàn lao động, rồi bảo dưỡng công nghiệp, trang thiết bị của họ đều rất kém, máy móc kém hoặc quá cũ, dễ dàng sinh ra cháy nổ hoặc mất an toàn”, ông Thắng nói.

Hiện trường vụ tai nạn lao động tại Công ty Xi măng và Khoáng sản Yên Bái làm chết 7 công nhân và 3 người bị thương. Ảnh: Nhân dân

Hiện trường vụ tai nạn lao động tại Công ty Xi măng và Khoáng sản Yên Bái làm chết 7 công nhân và 3 người bị thương. Ảnh: Nhân dân

Trong khi đó, việc phát hiện sớm các hành vi vi phạm về an toàn lao động từ phía cơ quan quản lý còn rất hạn chế bởi đội ngũ thanh tra lao động mỏng, tần suất thanh tra thấp nên thiếu sâu sát, chưa phát hiện kịp thời các vi phạm, nguy cơ mất an toàn hoặc có phát hiện nhưng việc xử lý chưa nghiêm.

Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và xã hội cho biết về điều này: “Phía quản lý như chúng tôi thì không đủ người để đi thanh tra, chúng tôi thống kê khoảng 50 năm mới có thể thanh tra lại doanh nghiệp một lần, dẫn tới không chấn chỉnh kịp thời nên vì thế người sử dụng lao động càng vì lý do lợi nhuận để bớt xén các quy trình, quy phạm nên số vụ tai nạn lao động tăng lên là điều khó tránh khỏi”.

Về giải pháp, TS. Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động đề nghị cần sớm khắc phục những “lỗ hổng” về kỷ luật, quy định an toàn lao động: “Điều 6 và Điều 7 của Luật vệ sinh an toàn lao động quy định có trách nhiệm đảm bảo an toàn, xây dựng quy trình quản lý, bố trí người giám sát, xây dựng các nội quy, tập huấn huấn luyện, phải có phương án đảm bảo an toàn lao động, cứu hộ cứu nạn. Những vụ việc vừa nêu rõ ràng nó không được thực thi trong thực tế thì các cấp quản lý của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, người lao động đang chịu thiệt thòi lớn và điều này cần được xử lý để không tái diễn các vụ tai nạn tương tự”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu với việc kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động thì các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần triển khai quyết liệt để những nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động sớm được ngăn chặn:

“Việc cần quan tâm chú ý trước tiên là nâng cao tinh thần trách nhiệm của bộ ngành, của các địa phương, của những người đứng đầu, phải có sự quán xuyến, tinh thần trách nhiệm cao tăng cường kiểm tra, giám sát, thậm chí là xử phạt. Nếu có vi phạm nghiêm trọng có thể ảnh hưởng tính mạng, tài sản của người lao động thì cần truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự báo, trong giai đoạn 2021 – 2025, mỗi năm sẽ có khoảng 230 nghìn người bị tai nạn lao động, gây thiệt hại kinh tế hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tai nạn lao động diễn biến phức tạp còn ảnh hưởng tới môi trường sản xuất bền vững, tới sức hút đầu tư nước ngoài và việc thực thi các cam kết về lao động của nước ta trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước.

Lực lượng chức năng huyện Tiên Du kiểm tra tại một doanh nghiệp sản xuất giấy trong cụm công nghiệp Phú Lâm. Ảnh: Nhân dân

Lực lượng chức năng huyện Tiên Du kiểm tra tại một doanh nghiệp sản xuất giấy trong cụm công nghiệp Phú Lâm. Ảnh: Nhân dân

Pháp luật đã có những quy định cụ thể và đầy đủ về an toàn vệ sinh lao động, thế nhưng vẫn xảy ra nhiều vi phạm dẫn đến hậu quả thương tâm. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, con số tai nạn lao động mới chỉ phản ánh một phần thực tế khi có doanh nghiệp cố tình giấu nhẹm những vụ việc này. Do đó, để giảm nguy cơ mất an toàn lao động thì phải làm sao để không còn tình trạng: "Mất mạng vì "lách" luật".

Các nghiên cứu đã chỉ ra, tai nạn lao động từ nguyên nhân khách quan do yếu tố bên ngoài mà con người không quyết định được, có thể không nhìn thấy, không lường trước được chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 3%. Còn nguyên nhân chủ quan chiếm phần lớn trong số các nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động, lên tới 73%.

Cụ thể hơn, quá nửa (54%) nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động chết người là do người sử dụng lao động. Thực tế cũng minh chứng điều này, khi phần lớn tai nạn lao động thuộc các trường hợp người sử dụng lao động thiếu quan tâm, chưa chú ý thực hiện quy định pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro tại nơi làm việc. Từ đó, kéo theo chính người lao động cũng dần lơ là, chủ quan, không tuân thủ các quy định về an toàn. Đặc biệt là kiểu làm “lách luật” khi doanh nghiệp thực hiện các quy định trong vấn đề này một cách hình thức, chưa sát với thực tiễn, chưa tập trung vào người lao động cũng như công việc họ làm.

Như vậy, các đơn vị, doanh nghiệp hoàn toàn có thể khắc phục những nguyên nhân chủ quan để không xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Trách nhiệm của các đơn vị sử dụng lao động, nhà thầu, chủ đầu tư cũng là lớn nhất và quan trọng nhất để có thể giảm đi các vụ tai nạn lao động cũng như hạn chế thương tổn đối với sức khỏe con người.

 Một trong những nguyên tắc của Bộ luật Lao động đã nêu rõ, doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện an toàn thì mới được sản xuất. Mà để làm được điều đó, doanh nghiệp phải có trách nhiệm xây dựng, ban hành tổ chức thực hiện các nội quy, các quy trình bảo đảm an toàn tại nơi làm việc. Hơn nữa, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc các nhà máy đã được trang bị các dây chuyền máy móc mới, hiện đại, vận hành tự động ngày càng nhiều, nhưng một bộ phận người lao động lại chưa được huấn luyện, đào tạo kịp thời nên phải đối mặt với những rủi ro về an toàn lao động.

Bởi dù máy móc có hiện đại đến đâu thì con người vẫn là mấu chốt vì chỉ một chút chủ quan, lơ là của cả người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình sản xuất sẽ dẫn đến những hậu quả đau lòng.

Về mặt thể chế, Luật An toàn vệ sinh lao động cũng như hệ thống chính sách pháp luật hiện nay đã tương đối đầy đủ và tiếp cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Tuy nhiên, để thực thi tốt, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn lao động, đảm bảo kiểm soát tốt các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc của công nhân, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp, cơ sở để xảy ra tai nạn lao động do lỗi chủ quan. 

Với việc cơ quan thanh tra chuyên ngành “50 năm mới có thể thanh tra lại doanh nghiệp 1 lần” thì lực lượng này dù ở cấp nào cũng cần sớm được đảm bảo có đủ số lượng, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đảm bảo chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ, rủi ro cao về tai nạn lao động.

Với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa tiếp cận được các quy chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động thì cần thêm những sự trợ giúp, hướng dẫn để họ có những hành động đúng, kịp thời. Thậm chí an toàn lao động cần trở thành tiêu chí đánh giá doanh nghiệp để họ tự giác tự kiểm tra rà soát nội quy, quy trình an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp, cơ sở của mình. Từ đó, phát hiện sớm nhất những thiếu sót và nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động.

Ở các nước trên thế giới, công tác đảm bảo an toàn lao động được thực hiện bằng cách phân định cụ thể trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm cá nhân và liên đới từng người, từng khâu trong các bộ phận có liên quan nếu để xảy ra mất an toàn lao động rất rõ ràng. Lực lượng thanh tra phải đến trực tiếp nơi làm việc của người lao động, khi phát hiện những điểm chưa đảm bảo thì yêu cầu khắc phục ngay. Còn chủ sử dụng lao động một khi vi phạm quy định pháp luật, không có phương án an toàn lao động dẫn đến tai nạn chết người sẽ bị chế tài nghiêm khắc, rút giấy phép hoạt động, ngoài phạt nặng có thể bị xử lý hình sự.

Bên cạnh đó, an toàn lao động là việc cần thực hiện thường xuyên, liên tục, không chỉ gói gọn trong một phong trào hay khoảng thời gian nhất định, vì chỉ cần vài giây bất cẩn, mỗi phút, mỗi giờ qua đi nếu chủ quan trong đảm bảo an toàn vệ sinh lao động thì đều có thể phải trả giá đắt.

Hậu quả thương tâm và tàn khốc từ tai nạn lao động là điều mà chúng ta đã thấy. Vậy nên, đảm bảo an toàn lao động không chỉ đơn thuần là những khẩu hiệu suông, mà cần được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực để có thể giảm thiểu các vụ việc đau lòng như đã xảy ra thời gian qua.

Nguyễn Yên/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Tai nạn rình rập từ các thanh sắt ở dải phân cách trên cầu Thanh Trì

Tai nạn rình rập từ các thanh sắt ở dải phân cách trên cầu Thanh Trì

Mới đây ngày 17/4, một ô tô tải lưu thông trên cầu Thanh Trì (Hà Nội) đã bất ngờ mất lái, đâm vào dải phân cách, làm các thanh sắt nối văng ra, khiến 2 người đi xe máy bị thương.

Cách nào gấp rút phủ kín trạm dừng nghỉ trên cao tốc?

Cách nào gấp rút phủ kín trạm dừng nghỉ trên cao tốc?

Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận và được các chuyên gia giao thông đề cập tới trong Hội thảo “An toàn giao thông trên cao tốc” do VOV Giao thông vừa tổ chức vừa qua là thiếu trạm dừng nghỉ trên cao tốc.

Những hình ảnh gợi nhắc 'thời COVID'

Những hình ảnh gợi nhắc "thời COVID"

Dù dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã không còn ảnh hưởng tới cuộc sống bình thường của chúng ta, thế nhưng những ảnh hưởng của nó vẫn còn, và đôi khi hiện hữu như nhắc nhở cộng đồng cần có ý thức hơn để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và mọi người xung quanh mình...

Hà Nội sống và yêu: Nơi giữ gìn nghề truyền thống làm ô mai

Hà Nội sống và yêu: Nơi giữ gìn nghề truyền thống làm ô mai

Phố Hàng Đường khác trước nhiều, chỉ còn vài nhà giữ nghề làm ô mai nhưng trong tiềm thức người dân tên phố Hàng Đường vẫn gắn liền với món quà đậm đà bản sắc, tạo nên một nét riêng cho Hà Nội.

Để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cho cao tốc phân kỳ đầu tư

Để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cho cao tốc phân kỳ đầu tư

Theo Bộ GTVT, đến nay cả nước đã đưa vào khai thác khoảng 1.892km đường bộ cao tốc, đang xây dựng 1.802km, đang chuẩn bị đầu tư khoảng 805km, đang nghiên cứu đầu tư khoảng 729km.

Mỹ tăng 100% thuế đối với xe điện của Trung Quốc

Mỹ tăng 100% thuế đối với xe điện của Trung Quốc

Mỹ công bố gói tăng thuế mạnh đối với loạt hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc, trong đó thuế quan với xe điện tăng lên 100%.

Thiếu thông tin, lái xe “dò dẫm” trên cao tốc

Thiếu thông tin, lái xe “dò dẫm” trên cao tốc

Nhiều tài xế mong muốn được cung cấp thông tin về tình trạng giao thông trên cao tốc thông qua các bảng thông tin điện tử không chỉ để quyết định có tham gia giao thông trên cao tốc hay không mà còn đảm bảo sự chủ động của người lái xe khi tham gia giao thông trên cao tốc.