Tiếp cận từ động lực

Xã hội lâu nay có quan niệm người cao tuổi cần được nghỉ ngơi, không phải là đối tượng đào tạo nghề. Do đó, chính sách, chế độ cho người lao động cao tuổi còn thiếu, dù nhiều người vẫn còn khả năng và mong muốn làm việc, cống hiến.

Trong bối cảnh mặt bằng chăm sóc sức khỏe được cải thiện, tuổi thọ được nâng lên, vấn đề việc làm phù hợp cho người cao tuổi cần sớm được nhìn nhận với cách tiếp cận tích cực từ chính sách lao động và việc làm. 

 

Người già sống tốt, đó là một mục tiêu đa lợi ích. Trước hết, để đảm bảo quyền của người cao tuổi, được chăm sóc, bảo vệ, được thụ hưởng các chính sách phù hợp, được tham gia đóng góp cho xã hội.

Khi người già có cuộc sống tốt, con cháu họ yên tâm làm việc, học hành, có cơ hội tăng năng suất, hiệu quả. Chi phí xã hội cho chăm sóc y tế và phúc lợi sẽ đi giảm nhiều.

Người già sống tốt, sẽ tạo niềm tin tưởng, phấn chấn cho người trẻ và  trung niên về tương lai của họ, đó cũng là một động lực quan trọng của hiện tại.

Và cao hơn thế, khi đảm bảo cuộc sống tốt cho người cao tuổi, những giá trị mà xã hội nhận được từ sự đóng góp của họ sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Nhất là trong bối cảnh, dân số nước ta đã bước vào thời kỳ già hóa, với tốc độ khá nhanh.

Theo ước tính của Tổng cục thống kê, đến năm 2038, Việt Nam sẽ có hơn 21 triệu người trong độ tuổi từ 60 trở lên, chiếm 20% dân số, nghĩa là cứ năm người sẽ có một người cao tuổi. Đến năm 2039, dự báo số người cao tuổi ở Việt Nam vượt quá số trẻ em. Số người trong độ tuổi lao động sẽ giảm.

Người cao tuổi sẽ trở thành một lực lượng lao động rất quan trọng, nếu được phát huy tốt. Đó vừa là đòi hỏi của xã hội, vừa là nhu cầu của chính người cao tuổi. Dự báo, trong vòng 10 năm tới, sẽ có hàng chục triệu người cao tuổi có nhu cầu khởi nghiệp, dạy nghề và tìm việc làm mới.

Giải quyết việc làm cho người lao động, nếu tiếp cận từ góc độ lợi ích và động lực, mọi khó khăn đều có thể vượt qua.

Tiềm năng lao động của người cao tuổi rất lớn. Ngoài các kỹ năng nghề nghiệp sẵn có, mỗi người cao tuổi là một kho tri thức, kỹ năng và kinh nghiệm sống.

Một cách không chính thức, họ đang tham gia rất nhiều loại hình công việc khác nhau, mang lại giá trị to lớn.

Rất nhiều người vẫn tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy, cố vấn, điều hành.

Nhiều người khác tham gia hoạt động kinh tế gia đình phù hợp với điều kiện sức khỏe của mình, độc lập hoặc cùng con cháu.

Số người có tuổi nhận trông trẻ tại hoặc giúp việc gia đình ngày càng nhiều lên, theo nhu cầu của xã hội.

Tại các đô thị, cần trang bị thêm cho người cao tuổi kỹ năng chuyển đổi số, kỹ năng hội nhập và thích ứng nếu họ còn khả năng lao động và có nhu cầu làm việc. (Ảnh: Quang Hùng)

Nhưng tiềm năng lao động của người cao tuổi không chỉ dừng lại ở đó. Còn rất nhiều sở trường, thế mạnh khác của lao động cao tuổi có thể phát huy, phù hợp với một nền kinh tế đang dịch chuyển theo hướng xanh hóa, kinh tế tuần hoàn, phù hợp với một xã hội đang bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc sống chậm lại, sau những cái giá phải trả cho sự gấp gáp, vội vàng.

Thị trường lao động cao tuổi vẫn đang vận động tự nhiên, cung cầu sẽ tìm đến nhau ở nhiều dạng thức việc làm. Để phát huy được tiềm năng lao động của người cao tuổi, cần sự đáp ứng từ chính sách.

Nhiều quy định sẽ cần điều chỉnh để các cơ quan, doanh nghiệp có thể tiếp tục ký hợp đồng với người lao động khi họ đã đến tuổi nghỉ hưu mà sức khỏe và trí tuệ vẫn rất sẵn sàng.

Người cao tuổi làm việc ở khu vực phi chính thức cần có hợp đồng để được bảo vệ bằng pháp lý, nhất là trong bối cảnh, nhiều chủ lao động vẫn coi tạo việc làm cho người già là một “ưu ái”.

Người cao tuổi khởi nghiệp, rất cần được hoan nghênh và tạo điều kiện.

Cơ sở, doanh nghiệp tạo ra việc làm cho người cao tuổi nên được khuyến khích, ưu tiên về tiền thuê đất, chính sách thuế, chính sách tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường…

Các khảo sát xã hội học về nhu cầu việc làm của người cao tuổi bước đầu được tiến hành, nhưng cần thêm nghiên cứu sâu rộng hơn về quy mô, tốc độ gia tăng, khả năng và mức độ đáp ứng của lao động cao tuổi, làm dữ liệu đầu vào cho quy hoạch và sử dụng lực lượng lao động này.

Việc làm cho người cao tuổi cần trở thành một bộ phận của chính sách lao động và việc làm, với cách tiếp cận tích cực, trách nhiệm và sáng tạo của những người thực thi.

Ai rồi cũng sẽ già. Chăm lo để người cao tuổi sống tốt không chỉ là đạo lý. Trước hết, nó là nhu cầu của mỗi người, vì hiện tại và tương lai của chính mình. Đảm bảo cho người già sống tốt, cũng chính là thước đo sự trưởng thành của một cộng đồng xã hội.