Ô nhiễm từ lốp xe ô tô (Kỳ 3): Giải pháp giảm thiểu

Làm thế nào để hạn chế hoặc khắc phục được nguồn gây ô nhiễm từ lốp xe ô tô khi đây là một trong những vấn đề cần thiết và bắt buộc chúng ta phải tính đến nếu muốn bảo vệ môi trường một cách hiệu quả?

Tại Việt Nam, hiện nay, việc kiểm soát chất lượng không khí đã chặt chẽ hơn nên không còn hiện tượng đốt lốp cao su thủ công, gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, việc lốp xe ô tô lăn bánh và mài mòn trên mặt đường là nguồn gây ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 rất khó có giải pháp trong điều kiện công nghệ hiện có.

Ông Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Môi trường khẳng định: 'Không có cách nào để thu gom bụi mịn từ lốp xe cả. Nhiều đơn vị sản xuất cũng có cải tiến lốp, cải thiện mặt đường, các ý kiến, đề xuất…, nhưng cách triệt để nhất vẫn là làm thế nào để giảm thiểu lượng giao thông trên đường, để giảm thiểu PM 2.5'.

Nhiệt phân là giải pháp tối ưu để tái chế lốp xe, nhưng bản thân ngành này lại đang gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Công nhân làm việc với thiết bị bảo hộ thô sơ tại nhà máy nhiệt phân lốp xe ở Johor, Malaysia - Reuters

Công nghệ nhiệt phân đang được coi là giải pháp tối ưu trong việc tái chế lốp xe ô tô hiện nay. Tuy nhiên, chính các nhà máy nhiệt phân này lại là nguồn ô nhiễm không khí lớn nếu không được đầu tư công nghệ xử lý hiện đại.

Ông Đỗ Thanh Bái, Hội Hóa học Việt Nam cho biết: 'Việt Nam hiện nay có khoảng chục cơ sở làm nhiệt phân này rất tốt. Đó cũng là 1 hướng trong kinh tế tuần hoàn đối với lốp ô tô.

Trong Luật Môi trường mới quy định trách nhiệm của nhà sản xuất thì lốp cao su cũng thuộc diện nhà sản xuất phải có trách nhiệm thu hồi thì có khả năng vấn đề quản lý lốp thải sẽ tốt hơn trước đây, sẽ đóng góp phần nào cho việc giảm ô nhiễm PM 2.5 từ lốp xe ô tô'.

Năm 2019, nhà máy đầu tiên của Việt Nam có mô hình tái chế rác thải từ lốp cao su thành đồ dùng thường ngày như: thảm cao su, đệm cao su, sân đá bóng cỏ nhân tạo… được khánh thành tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.

Nhưng so với sự gia tăng quá nhanh rác thải từ lốp xe ô tô thì một số nhà máy tái chế của Việt Nam hiện nay vẫn chưa đáp ứng được thực tế.

Ngoài ra, việc tái sử dụng các lốp xe ô tô vào các mục đích khác như: tạo thành sân chơi cho trẻ em, sản xuất các vật dụng sinh hoạt như dép cao su, chậu hoa, vật liệu trang trí…cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với lượng rác lốp ô tô thải ra môi trường mỗi ngày.

Theo anh Vương Thái Hà, Giám đốc trung tâm căn chỉnh góc lái Hunter người điều khiển xe ô tô có thể kéo dài thời gian sử dụng tối đa cho chiếc lốp xe của mình mỗi khi lăn bánh cũng là cách hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường.

'Tất cả các xe đều phải lắp cảnh báo áp suất lốp. Luôn bảo dưỡng hệ thống phanh định kỳ và sử dụng loại lốp xe phù hợp với cung đường di chuyển; luôn tôn trọng tải trọng xe và lốp ô tô cần được giữ mòn đều và độ sâu ga lốp ko được vượt quá 1,5mm mới đảm bảo điều kiện vận hành', anh anh Vương Thái Hà nói.