Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Xử phạt qua hình ảnh do người dân cung cấp: Cơ chế nào thực thi?

Phóng viên - 07/05/2020 | 15:23 (GTM + 7)

Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết sẵn sàng tiếp nhận các hình ảnh, clip của người dân ghi lại hình ảnh vi phạm như gây tai nạn rồi bỏ chạy, quay đầu đi ngược chiều trên cao tốc… để làm rõ, xử lý.

CSGT không chỉ phát hiện vi phạm TTATGT từ hệ thống camera giám sát.

Nghe nội dung chi tiết:

Tuy vậy, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về việc hệ thống thiết bị, cổng thông tin tiếp nhận của lực lượng CSGT đã sẵn sàng cho việc tiếp nhận, xử lý như thế nào? Cơ chế nào giám sát việc xử lý thông qua phản ánh của người dân?

Tại khoản 11, Điều 80 Nghị định 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt, cho phép người có thẩm quyền xử phạt được sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm.

Theo đó, không chỉ hình ảnh được ghi lại từ hệ thống giám sát hoặc các camera, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng chức năng, của các cơ quan truyền thông, báo chí như VOVGT, mà hình ảnh do người dân cung cấp cũng được sử dụng để lực lượng chức năng xác minh và xử lý.

Đón nhận thông tin này, một số người dân bày tỏ:

# Những hình ảnh vi phạm giao thông như lấn chiếm lòng lề đường, đi vào giờ cấm, những xe quá trọng tải, tôi sẽ gửi về cơ quan chức năng. Như bản thân tôi tôi sẽ chụp lại những hình ảnh đó để thông báo cho cơ quan chức năng. 

# Tôi đã từng phát hiện một số xe đi ngược chiều, xe tải đi vào đường cấm, tôi có chụp hình để gửi đến cơ quan chức năng xử lý các trường hợp đó. 

# Mọi người có vai trò giám sát hoặc đưa những hình ảnh như thế lên để mà lam sao pháp luật thi hành cho nó được nghiêm. Theo tôi cái đó quá là tốt, để nâng cao ý thức cho người dân.

Tài xế dừng xe trên cao tốc để bắn chim bị ghi hình.

Dẫn kết quả việc đảm bảo ATGT khi khai thác cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, ông Trịnh Quang Mộng, Phó trưởng phòng Quản lý vận hành, Công ty Quản lý, khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho hay, trong năm 2019, hệ thống camera của đơn vị ghi nhận 292 trường hợp phương tiện vi phạm, 4 tháng đầu năm 2020, con số này là 56 trường hợp. Mỗi khi hệ thống camera lắp đặt trên cao tốc phát hiện các hành vi vi phạm, cán bộ của công ty sẽ trích xuất hình ảnh gửi về Đội CSGT số 2, Cục CSGT để kịp thời xử lý:

"Việc xử phạt này nó rất minh bạch cũng như có tác động rất tốt đối với xã hội về công tác tuyên truyền. Khi xử phạt bằng hình thức phạt nguội thì nó sẽ thể hiện sức răn đe cũng như các hành vi vi phạm trên tuyến thì đều được xử lý theo quy định."

Tán thành tăng cường biện pháp giám sát của người dân đối với các hành vi vi phạm TTATGT, song ông Trần Hưng Hà, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 1 cho rằng, có quy chế rõ ràng về trách nhiệm đối với hình ảnh do người dân cung cấp, tránh trường hợp cắt ghét hình ảnh, gây ảnh hưởng đến việc xác minh của lực lượng chức năng cũng như của người bị cho là vi phạm:

"Trên một số trang mạng cũng đã xảy ra hiện tượng cắt ghép hình ảnh để mà mục đích xấu thì việc đó trước tiên phải có chế tài, thứ 2 nữa là nếu có đủ những điều kiện đó mà xử lý thì nó sẽ mang tính hiệu quả răn đe rất cao."

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT cho biết, lực lượng CSGT đã triển khai việc tiếp nhận này thông qua kênh trực tiếp tới các đơn vị CSGT, qua số điện thoại đường dây nóng của Cục CSGT, Phòng CSGT công an các tỉnh, thành phố, qua facebook (Hà Nội và Đà Nẵng đã triển khai)… Ngoài ra, Cục CSGT cũng đang nghiên cứu triển khai loại hình mạng xã hội giúp người dân thuận tiện hơn trong việc gửi thông tin vi phạm tới lực lượng CSGT:

"Có rất nhiều vi phạm về TTATGT, ví dụ vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều… ở những nơi không có lực lượng CSGT hoặc chưa trang bị được hệ thống camera giám sát, vì vậy rất cần ý thức, trách nhiệm công dân của mỗi người dân trong việc đấu tranh phòng ngừa và ngăn chặn những vi phạm về TTATGT."

Một trường hợp không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh và tìm cách 'thông chốt' liên ngành.

Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức cũng lưu ý, việc huy động nguồn lực thông tin do người dân cung cấp đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng hiệu quả. Tuy vậy, để triển khai mô hình này, điều kiện tiên quyết là việc tháo gỡ những vướng mắc để hoàn thành cơ sở dữ liệu phương tiện, nhất là việc sang tên đổi chủ:

"Dùng tai mắt của nhân dân, rồi dùng hệ thống của camera, đấy là các phương tiện để có bằng chứng phạt nguội thì có thể thực hiện được. Nhưng cái mấu chốt là làm sao truy cứu được đúng người vi phạm thông qua thông tin về phương tiện. Cho nên về mặt lý thuyết thì có vẻ là được, nhưng đến lúc triển khai thì vướng rất nhiều, đặc biệt là vướng về thông tin phương tiện."

Việc khuyến khích người dân ghi nhận và phản ánh đến cơ quan chức năng những hành vi mất ATGT là cần thiết. Song, dưới góc nhìn của VOVGT, để việc này trở thành thói quen, là quyền hạn và trách nhiệm của mỗi công dân đối với việc đảm bảo TTATGT, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho việc gửi dữ liệu, thông tin, hình ảnh phương tiện vi phạm, cần có giải pháp xử lý triệt để tình trạng không sang tên, đổi chủ:

CSGT toàn quốc cho biết sẵn sàng tiếp nhận clip, hình ảnh vi phạm giao thông để xử lý. (Ảnh: Vĩnh Phú/SaoStar)

Túm người có tóc?

Từ năm 2019 Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội bắt đầu thí điểm việc xử phạt vi phạm TTATGT do người dân cung cấp trên trang Facebook của Công an TP. Hà Nội. Thực tế sau một thời gian triển khai, đã có không ít trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ bị xử phạt nhờ phản ánh của người dân cung cấp. Việc xử lý các trường hợp xe xe container đi ngược chiều trên đường Võ Văn Kiệt hướng đi Nội Bài hay xe nhồi nhét khách vào tháng 10/2019 do người dân cung cấp là minh chứng điển hình về hiệu quả của mô hình này.

Bên cạnh việc tiếp nhận, xem xét các hình ảnh, clip do người dân cung cấp, lực lượng CSGT cũng chủ động ghi nhận qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, các kênh thông tin trên mạng internet… để nắm bắt, xử lý các trường hợp phương tiện vi phạm TTATGT. Một số trường hợp bị xử lý gần đây như lái xe tải đi ngược chiều trên cầu Nhật Tân, xe vi phạm trên Đại lộ Thăng Long…

Những ví dụ nêu trên cho thấy, nếu được sử dụng hiệu quả, nguồn thông tin từ nhân dân sẽ là một kênh thông tin hiệu quả giúp lực lượng chức năng xử lý hiệu quả hơn các trường hợp vi phạm TTATGT.

Tuy vậy, khi chưa giải quyết được câu chuyện sang tên đổi chủ khi mua bán, cho tặng phương tiện, thì việc xử lý hình ảnh vi phạm từ việc cung cấp của người dân cũng rất khó phát huy hiệu quả. Một thống kê của Trường Đại học Việt – Đức cho thấy, số liệu đăng ký phương tiện tại TP. HCM có hơn 800 nghìn ô tô và hpn 8 triệu xe máy.

Tuy vậy, kết quả khảo sát thực tế tại hộ gia đình cho thấy, số liệu phương tiện thực tại TP. HCM chỉ chiếm khoảng 70-80%. Số còn lại là người sinh sống các địa phương khác đăng ký. Điều này cho thấy, dữ liệu phương tiện không còn chính xác, đặc biệt là số phương tiện chính chủ chiếm tỷ lệ tương đối thấp và người dân cũng không mặn mà với việc sang tên đổi chủ khi mua, bán, cho tặng phương tiện vì thủ tục quá rườm rà. 

Mặc dù Nghị định 100 của Chính phủ đã nâng mức phạt hành vi không sang tên đổi chủ lên đến 1,2 triệu đồng đối với mô tô, xe máy và 8 triệu đồng đối với ô tô – một mức phạt không hề nhẹ. Nhưng nếu so sánh với việc bỏ thời gian, công sức và chi phí để thực hiện sang tên, đổi chủ, nhiều chủ phương tiện sẵn sàng tặc lưỡi bỏ qua.  

Và lâu nay, việc xử lý trách nhiệm người vi phạm TTATGT, dù quy định là hướng đến người điều khiển xe, người trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm, song trong nhiều trường hợp, do chỉ có thể căn cứ vào biển số phương tiện, nên thông báo vẫn gửi tới chủ xe, kể cả phương tiện đó đã nhiều lần được mua đi bán lại.

Pháp luật cũng đã quy định, chủ xe có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng trong việc vi phạm TTATGT. Tuy vậy, đó mới chỉ là những quy định chung chung, chứ chưa có chế tài cụ thể để xử phạt các chủ xe trong trường hợp phương tiện đã bán, mà người mua có hành vi vi phạm.

Thêm vào đó, việc người dân liên tục thay đổi chỗ ở càng khiến thông báo vi phạm của cơ quan chức năng bị trả lại do không tìm được đến địa chỉ cần đến.

Thông tin, hình ảnh do người dân thu thập được về tình trạng vi phạm TTATGT là rất lớn. Lợi ích của việc sử dụng thông tin này cũng rất rõ ràng trong việc góp phần xử lý các hành vi vi phạm. Song khi dữ liệu “xe chính chủ” không được giải quyết, rõ ràng việc xử lý mới chỉ hướng đến chủ xe, chứ chưa hẳn tìm đúng người trực tiếp gây ra hành vi vi phạm.

Do vậy, cần có những chế tài cụ thể đối với cả chủ phương tiện và người gây ra hành vi vi phạm, để chủ xe có trách nhiệm với phương tiện của mình khi mua, bán, cho, tặng. Có như vậy mới phát huy được hiệu quả dữ liệu thông tin vi phạm ATGT do người dân cung cấp, qua đó góp phần đảm bảo TTATGT./.
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Quản lý xe đưa đón học sinh: Quy trình có sao vẫn bị lãng quên?

Quản lý xe đưa đón học sinh: Quy trình có sao vẫn bị lãng quên?

Bộ GTVT vừa đề nghị các địa phương yêu cầu tất cả cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến trung học phổ thông trên địa bàn rà soát lại việc sử dụng xe ô tô đưa đón học sinh đến trường, yêu cầu phải thực hiện đầy đủ quy định về an toàn giao thông đối với phương tiện, người lái xe.

Rửa xe vỉa hè: Một nhà làm… trăm người khổ

Rửa xe vỉa hè: Một nhà làm… trăm người khổ

Rửa xe, một hoạt động chăm sóc xe không thể thiếu của những người tham gia giao thông. Thế nhưng, ít ai lại để ý đến việc việc các cơ sở kinh doanh dịch vụ này đang gây ảnh hưởng như thế nào đến môi trường và đặc biệt là ảnh hưởng không nhỏ đến người tham gia giao thông.

Xếp hàng chờ đăng kiểm: Mong cải thiện tính minh bạch, hiệu quả

Xếp hàng chờ đăng kiểm: Mong cải thiện tính minh bạch, hiệu quả

Trước thông tin từ tháng 7/2024, hầu hết trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội sẽ tạm thời ngừng hoạt động để phục vụ xét xử các vụ án, lượng xe xế hàng đi đăng kiểm đang tăng dần. Các chủ phương tiện chia sẻ đánh giá và mong muốn gì để ngành đăng kiểm hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn?

Ô nhiễm từ khí thải xe máy, giải pháp vẫn... loay hoay

Ô nhiễm từ khí thải xe máy, giải pháp vẫn... loay hoay

Nguồn khí thải từ ô tô, xe máy là một trong các tác nhân chính gây khói bụi và ô nhiễm không khí, đang tác động đến hàng triệu người sống và làm việc tại thành phố lớn.

100% doanh nghiệp kinh doanh vàng đã áp dụng hóa đơn điện tử

100% doanh nghiệp kinh doanh vàng đã áp dụng hóa đơn điện tử

Theo Bộ Tài chính, hiện đã có hơn 9.400 DN (đạt tỉ lệ 100% DN) kinh doanh vàng đã áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-C

Hai bệnh nhân nguy kịch được trực thăng bay xuyên đêm đưa vào đất liền

Hai bệnh nhân nguy kịch được trực thăng bay xuyên đêm đưa vào đất liền

Khuya 11/6, Tổ Cấp cứu đường không - Bệnh viên Quân y 175, cùng Binh đoàn 18 đã dùng trực thăng bay xuyên đêm đưa 2 bệnh nhân nguy kịch về đất liền điều trị.

Giá hàng hoá nguyên liệu thế giới biến động trái chiều

Giá hàng hoá nguyên liệu thế giới biến động trái chiều

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hoá trong ngày hôm qua 10/6. Sắc xanh áp đảo trên bảng giá năng lượng và kim loại.

// //