Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Nên quy định ra sao để quyền lái xe của người khuyết tật không nằm trên giấy

Quách Đồng: Thứ hai 24/06/2024, 07:20 (GMT+7)

Mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã có quy định cho phép người khuyết tật tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân, song phải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và phù hợp với điều kiện sức khỏe.

Tuy vậy, thực tế rất ít phương tiện cho người khuyết tật được cấp chứng nhận đăng kiểm, kể cả việc cấp giấy phép lái xe... Vì sao đã có quy định nhưng khó thực thi? Cần khắc phục điều này ra sao? 

Đang từ một thanh niên khỏe mạnh, công tác tại một ngân hàng lớn với tương lai rộng mở, năm 2006, anh Phạm Tuấn Kiệt (ở Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội) như sụp đổ hoàn toàn khi mắc căn bệnh viêm tủy, dẫn đến chấn thương cột sống, liệt 2 chân.

Mất việc làm, tương lai mờ mịt khi việc đi lại cũng khó khăn, thậm chí chiếc xe 3 bánh mua qua mạng để làm phương tiện mưu sinh, bán hàng online cũng không được đăng ký và thi lấy bằng lái:

"Xe mình mua của tàu, mình cứ đi thôi chứ cũng không được cấp phép. Công an cũng có hỏi, nhưng mình bảo mình là người khuyết tật, chỉ có chiếc xe này là mình có thể đi lại được để làm ăn, kiếm tiền. Nói như thế để họ hiểu thôi, chứ không có giấy phép thì họ bắt mình lúc nào cũng được. Bây giờ họ cấm, không cho mình đi thì cũng phải chịu thôi".

Anh Phạm Quang Khoát, Hội Người khuyết tật HN bị sốt bại liệt từ lúc mới 16 tháng tuổi, dẫn đến teo chân phải. Từ đó, ngoài việc tập đi bằng nạng, anh Khoát cũng tập đi lại bằng xe 3 bánh. Cũng như nhiều người khuyết tật ở Hà Nội, anh Khoát cũng không có giấy phép lái xe:

"Em đang không có bằng lái. Em cũng đã tìm hiểu các chỗ rồi, kể cả bằng lái ô tô B1, em cũng đã theo đuổi từ năm 2018, nhưng hiện nay cũng chưa có đơn vị nào tổ chức cho việc cấp bằng lái xe. Thật ra mọi người đều mong muốn có xe, có bằng lái xe và đi theo đúng quy định, nhưng cơ sở đào tạo thì hiện đang gặp nhiều khó khăn".

Thực tế, rất ít phương tiện cho người khuyết tật được cấp chứng nhận đăng kiểm, kể cả việc cấp giấy phép lái xe... (Ảnh minh họa: donghanhviet.vn)

Thực tế, rất ít phương tiện cho người khuyết tật được cấp chứng nhận đăng kiểm, kể cả việc cấp giấy phép lái xe... (Ảnh minh họa: donghanhviet.vn)

Làm việc cho một tổ chức của Hà Lan, cần di chuyển nhiều, chị Đỗ Thị Huyền, Chủ tịch Hội Người Khuyết tật Hà Nội cũng không thể trang bị cho mình tấm bằng lái xe máy để đi lại đúng luật. Cũng như phần lớn trong số hơn 110 nghìn người khuyết tật của Hà Nội, chị Huyền rất mong muốn tìm được nơi hoán cải xe máy để được đăng kiểm, đăng ký và được cấp bằng lái xe máy:

"Vấn đề đi lại rất quan trọng và tạo cơ hội để người khuyết tật tiếp cận những hoạt động khác, ví dụ như học hành, việc làm, tham gia hòa nhập xã hội, ngay cả lập gia đình. Rất nhiều anh chị cũng mong muốn có để được thi bằng lái, nhưng cả xe 2 bánh hoặc 3 bánh hiện tại đều không có hướng dẫn cụ thể nào nên cũng không có đơn vị nào nhận tổ chức thi sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người khuyết tật".

Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Người khuyết tật VN cho biết, dù nhu cầu được tham gia giao thông bình đẳng của người khuyết tật rất lớn, song thống kê chưa đầy đủ cho thấy, trong số hơn 7 triệu người khuyết tật trên cả nước, có rất ít người có xe 3 bánh được đăng ký, cũng như giấy phép điều khiển xe 3 bánh. Ngoài ra, việc tiếp cận phương tiện giao thông công cộng đối với người khuyết tật cũng không dễ:

"Chủ trương thì có rồi, nhưng để người khuyết tật được cái bằng đấy thì cũng phải đi học lái xe. Nhưng số cơ sở đào tạo lái xe cho người khuyết tật cũng rất hạn chế, họ tham gia học cũng đã khó rồi. Khó từ khâu đi học cho đến phương tiện tham gia giao thông cũng chưa phù hợp đối với các dạng tật nữa".

Đại diện lãnh đạo Cục Đường bộ VN thừa nhận, hiện nay người khuyết tật tham gia giao thông còn hạn chế, trong đó có việc cấp giấy phép lái xe. Bởi theo quy định, ngoài việc đáp ứng yêu cầu về sức khỏe người lái xe, người khuyết tật cũng phải có phương tiện phù hợp với đặc điểm khuyết tật của mình, phục vụ cho việc đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe: 

"Trong quy định của Bộ GTVT, ngoài việc các cơ sở đào tạo sử dụng các xe tập lái phù hợp để đào tạo lái xe cho người khuyết tật thì cũng cho phép người khuyết tật đầu tư hay cải tạo các xe phù hợp với mình để dùng chính xe đấy để làm phương tiện học tập và sát hạch".

Hầu hết người khuyết tật sử dụng xe máy cá nhân, xe 3 bánh, nhưng không có giấy phép lái xe (Ảnh minh họa: T.T.D.)

Hầu hết người khuyết tật sử dụng xe máy cá nhân, xe 3 bánh, nhưng không có giấy phép lái xe (Ảnh minh họa: T.T.D.)

Từng mở lớp đào tạo lái xe cho người khuyết tật từ năm 2015, ông Trần Văn Toản, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) thừa nhận, rất khó để người khuyết tật có thể được cấp bằng lái xe.

Theo ông Toản, dù duy trì tuyển sinh được 2 khóa, với hơn 50 học viên là người khuyết tật, song trung tâm cũng chỉ có 2 xe ô tô để đào tạo cho người khuyết tật, nên khó đáp ứng yêu cầu đào tạo cho nhóm đối tượng này. Bởi vậy, sau 2 năm, việc đào tạo lái xe cho người khuyết tật đã phải dừng lại:

"Ví dụ người ta mất chân trái, hay bàn chân trái hay lên trên cao, lên cẳng chân thì cơ bản là mức độ khiếm khuyết giống nhau, mình không nên bó gọn câu chuyện là bàn chân. Hay bàn tay cũng thế. Nên xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế".

Một khảo sát nhanh được thực hiện bởi Hội Người khuyết tật Hà Nội mới đây cho thấy, trong số 43 người trả lời, chỉ có 1-2 trường hợp xác nhận có giấy phép lái xe máy, nhưng không khẳng định được cấp trước hay sau khi bị khuyết tật do TNGT hoặc tai nạn lao động.

Cũng có một trường hợp được cấp giấy phép lái xe ô tô dù bị khuyết tật vận động. Cá biệt, có trường hợp xác nhận đi lại bằng ô tô, nhưng không có giấy phép lái xe… Còn lại, hầu hết người khuyết tật sử dụng xe máy cá nhân, xe 3 bánh, nhưng không có giấy phép lái xe.

Không có phương tiện phù hợp, đương nhiên, người khuyết tật không thể tiếp cận việc đào tạo để cấp giấy phép lái xe (Ảnh minh họa: Local Samosa)

Không có phương tiện phù hợp, đương nhiên, người khuyết tật không thể tiếp cận việc đào tạo để cấp giấy phép lái xe (Ảnh minh họa: Local Samosa)

Luật Giao thông đường bộ, Luật Người khuyết tật và các văn bản liên quan đều khẳng định quyền tham gia giao thông giao thông của người khuyết tật. Tuy vậy, do thiếu các văn bản hướng dẫn, cũng như các chính sách khuyến khích, khiến việc tiếp cận cơ hội tham gia giao thông bình đẳng của người khuyết tật bị hạn chế, không chỉ từ hạ tầng giao thông, phương tiện công cộng, đến phương tiện cá nhân.

Hãy đến với góc nhìn của VOV Giao thông: Tháo gỡ từ chính sách.

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người khuyết tật có thể tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân, nhưng phương tiện phải được cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, nôm na là được đăng kiểm, được đăng ký cấp biển số và phù hợp với tình trạng khuyết tật của mình. Nếu các phương tiện giao thông đó cần giấy phép lái xe thì người khuyết tật phải học và được cấp bằng lái.

Tuy vậy, rất ít người khuyết tật có được phương tiện phù hợp với đặc điểm khuyết tật của mình và được đăng kiểm, đăng ký. Đa số người khuyết vận động, đang sử dụng là những chiếc xe máy ba bánh được cải tiến từ xe hai bánh, do các cơ sở cơ khí thực hiện. Rất ít phương tiện xe 3 bánh có đầy đủ hồ sơ để được đăng kiểm theo quy định. Trường hợp có ô tô số tự động phù hợp với người khuyết tật lại càng hiếm.

Không có phương tiện phù hợp, đương nhiên, người khuyết tật không thể tiếp cận việc đào tạo để cấp giấy phép lái xe. Đó là chưa kể, các trung tâm đào tạo lái xe cũng không mặn mà với việc đào tạo lái xe cho nhóm đối tượng này, vì đầu tư xe thì lớn, số lượng học viên thì ít, thầy dạy lái chuyên biệt cũng không có, dẫn đến cơ hội học lái xe cho người khuyết tật càng bị thu hẹp.

Thêm vào đó, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 24 của Bộ Y tế - Bộ GTVT về tiêu chuẩn của người lái xe, những người liệt vận động từ 2 chi trở lên; cụt hoặc mất chức năng một bàn tay hoặc một bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn sẽ không được lái xe hạng A1- hạng điều khiển xe moto 3 bánh dùng cho người khuyết tật.

Không chỉ việc cấp bằng lái, mà việc tham gia giao thông của người khuyết tật cũng còn rất hạn chế. Hiện cả nước chỉ có hơn 1.100 xe buýt sàn thấp, phù hợp với người khuyết tật trong tổng số khoảng 8.500 xe buýt, chiếm 13,3%.

Ảnh minh họa: donghanhviet.vn

Ảnh minh họa: donghanhviet.vn

Bởi vậy, thay vì buông lỏng quản lý, chấp nhận tình trạng đa số người khuyết tật vẫn tự điều khiển phương tiện mà không có phương tiện phù hợp, không có bằng lái, cơ quan chức năng cần xem xét lại các quy định, tạo cơ chế phối hợp đồng bộ và tạo điều kiện cho người khuyết tật được sát hạch, đảm bảo đủ điều kiện tham gia giao thông an toàn.

Trước hết, cần xem xét, nới lỏng quy định về sức khỏe người lái xe, cho phép thêm những người khuyết tật được đào tạo lái xe. Chẳng hạn, người cụt một bàn tay hoặc một bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn vẫn được phép lái xe. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hỗ trợ, người khuyết tật hoàn toàn có thể làm chủ phương tiện giao thông một cách an toàn.

Thêm vào đó, Bộ Y tế cần có hướng dẫn các cơ sở y tế trong việc khám sức khỏe cho người khuyết tật để tăng cơ hội cho họ học lái xe.

Về phía Bộ GTVT, cần có hướng dẫn cụ thể cho cơ quan đăng kiểm, đơn vị thực hiện công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để tạo cơ hội học lái xe cho người khuyết tật. Thậm chí cần đề xuất chính sách hỗ trợ các trung tâm đào tạo trang bị phương tiện đào tạo cho người khuyết tật, thay vì để các trung tâm này “tự bơi”, nên họ thờ ơ với việc đào tạo lái xe cho người khuyết tật.

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về quyền người khuyết tật năm 2007, trong đó có các nội dung cơ bản như: bình đẳng về khả năng tiếp cận đối với tòa nhà, đường xá, giao thông, thông tin liên lạc… Đặc biệt, theo Công ước này, các quốc gia thành viên cần tiến hành các biện pháp hiệu quả để bảo đảm cho người khuyết tật di chuyển cá nhân thuận tiện một cách độc lập tối đa có thể.

Mặc dù các chủ trương, chính sách pháp luật của nước ta đều được xây dựng theo hướng đó, nhưng việc cụ thể hóa để đảm bảo thực thi thì đang còn khoảng cách xa, dẫn đến, người khuyết tật dù có quyền và có khả năng, nhưng phần lớn đang buộc phải lái xe.. ngoài vòng pháp luật.

Bởi vậy, tiếp cận chính sách tuyệt đối phải coi đây là quyền mà các cơ quan chức năng có trách nhiệm đảm bảo, chứ không phải chiếu cố hay giúp đỡ họ. Đó là sự bình đẳng, là sự tôn trọng và bảo đảm các quyền cơ bản của con người, của công dân.

Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Tấm lòng từ miền Nam

Tấm lòng từ miền Nam

Những ngày qua, cả đất nước như cùng hoà chung một nhịp đập yêu thương. Hàng triệu trái tim đồng lòng hướng về miền Bắc, nơi đồng bào đang oằn mình chống chọi với thiên tai, bão lũ.

Những nụ cười trong làn nước lũ

Những nụ cười trong làn nước lũ

Khi tôi đang loay hoay với đống máy ảnh giữa cơn mưa tầm tã trên đầu và dưới chân nước ngập đến ngang đùi, bỗng thấy một bóng người lờ mờ phía xa ngoắc tay lia lịa, ban đầu cứ tưởng gọi ai, quay tứ phía thì chỉ có mình, nên đoán người ta gọi mình.

QL70 tắc nhiều điểm, công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn

QL70 tắc nhiều điểm, công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn

Những ngày qua mưa lớn sau bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, đặc biệt trên tuyến QL70 đoạn đi qua địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có hơn 20 điểm sạt lở, gây ùn ắc, ngập lụt và đứt gãy giao thông.

Chuyên gia cảnh báo các bệnh dễ gặp sau mưa bão

Chuyên gia cảnh báo các bệnh dễ gặp sau mưa bão

Trong và sau bão, lũ sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.

TP.HCM sẵn sàng cho đối thoại hữu nghị lần 2 và Diễn đàn kinh tế lần 5

TP.HCM sẵn sàng cho đối thoại hữu nghị lần 2 và Diễn đàn kinh tế lần 5

Ngày 12/9, UBND TP.HCM đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về 2 sự kiện Ngoại giao và kinh tế đặc biệt quan trọng là Đối thoại Hữu nghị TP.HCM lần 2 (FD 2024) và Diễn đàn kinh tế TP.HCM (HEF 2024) lần 5 năm 2024.

Nhiều đơn vị giảm giá thi công mái tôn sau bão số 3

Nhiều đơn vị giảm giá thi công mái tôn sau bão số 3

Sau cơn bão số 3, nhu cầu thi công mái tôn tăng cao, nhiều đơn vị sửa chữa và lắp đặt mái tôn đã có những khuyến mại, giảm giá nhằm phần nào hỗ trợ người dân khắc phục những hậu quả nặng nề do bão số 3 gây ra.

Nghĩa tình đồng bằng

Nghĩa tình đồng bằng

Những ngày này, cả nước nói chung, ĐBSCL nói riêng đang hướng trái tim mình về các tỉnh phía Bắc, nơi đang chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra. Triệu trái tim đang chung một tấm lòng, những điểm nhận quyên góp, những chuyến xe chở hàng cứu trợ ngược xuôi, mong chia sẻ phần nào những mất mát, khó khăn...