Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dự thảo trên tay

Doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay

Hải Hà: Thứ hai 27/02/2023, 15:21 (GMT+7)

Vừa qua, Bộ Tài Chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65 với việc bổ sung một số quy định theo hướng hỗ trợ cho thị trường chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ, thị trường trái phiếu cả bên cung và bên cầu.

Dự thảo Nghị định 65 sửa đổi gồm 2 điều: Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và Điều 2: Hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành Nghị định. 

Nghị định 65 sửa đổi được ban hành theo nguyên tắc để thị trường có thời gian điều chỉnh lại và doanh nghiệp có thể cân đối nguồn tiền trong ngắn hạn, góp phần để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn. Về định hướng trung và dài hạn. 

Điểm mới đáng chú ý của Dự thảo Nghị định 65 sửa đổi là Bộ Tài chính đã đề xuất hoãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân. Theo đó, từ 01/01/2024, mới áp dụng quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay. 

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ cho phép hoãn thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu riêng lẻ và quy định giảm thời gian phân phối thêm 1 năm, bắt đầu thực hiện từ ngày 01/01/2024. Điều này đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp được giảm thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt giảm từ 90 ngày xuống 30 ngày.

Khác với quy định tại Nghị định 65, những trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành trước thời điểm tháng 9/2022 và còn dư nợ thì “doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành”, Dự thảo Nghị định 65 sửa đổi bổ sung quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ được gia hạn với thời gian không quá 2 năm.  

Dự thảo nghị định mới bổ sung quy định doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay, hoặc tài sản khác để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật liên quan.

Bộ Tài Chính đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định 65 vào ngày 16/2/2023 vừa qua.

Ảnh minh họa (internet)

Ảnh minh họa (internet)

Những điều chỉnh mới trong Dự thảo Nghị định 65 sửa đổi có thực sự cần thiết đối với các doanh nghiệp phát hành và kinh doanh trái phiếu trong bối cảnh hiện nay?

Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực,  Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia và Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC) xung quanh nội dung này:

PV: Thưa ông, Bộ Tài chính đề xuất lùi thời gian thực hiện quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cũng như là yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm. Theo ông, nếu Dự thảo được thông qua sẽ tác động như thế nào đến thị trường trái phiếu?

TS. Cấn Văn Lực: Tôi nghĩ đây là một sự gia hạn là cần thiết. Bởi vì chúng ta cũng cần phải có lộ trình, có thời gian để chuẩn bị cho nó kỹ lưỡng và tăng tính khả thi. Còn việc xác định  trì hoãn 1 năm, 1,5 năm  hay 2 năm,  Bộ Tài chính cũng có thể cân nhắc thêm theo yêu cầu chung của tình hình thị trường, nhất là các nhà đầu tư, các bên có liên quan.

Tuy nhiên, cũng cần phải chuẩn bị sẵn, tức là sau khi hết thời hạn đó, chúng ta sẽ làm tiếp thì cũng cần phải có phương án chuẩn bị sớm ngay từ bây giờ để đến lúc đó khi chính thức triển khai những quy định đó đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia và Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC).

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia và Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC).

PV: Dự thảo Nghị định 65 cũng đề xuất cho phép doanh nghiệp được thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác. Ông nghĩ sao về quy định này ? 

TS. Cấn Văn Lực: Điều đó cũng rất cần thiết và phù hợp. Trước đây, chúng tôi cũng đã kiến nghị nên cho phép hoán đổi tiền lấy hàng, ở đây chính là trái phiếu. Hàng hóa cơ bản là bất động sản, nhà cửa của công ty bất động sản đang có sẵn. Tôi nghĩ nhà đầu tư cũng có thiện chí để chấp nhận phương án đổi đó. Tất nhiên là phải hợp lý về giá cả và quy trình thủ tục. 

Muốn vậy, chúng tôi cũng đã kiến nghị là Bộ Tài chính nên phối hợp với các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Xây dựng hướng dẫn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu mới đảm bảo nhất quán trong thực hiện, không để xảy ra tranh chấp.

PV: Trong bối cảnh hiện nay, việc bổ sung quy định cho phép Doanh nghiệp kéo dài kỳ hạn trái phiếu có tác động như thế nào thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Tôi nghĩ cũng cần thiết và nó phù hợp bởi trong bối cảnh hiện nay. Bởi vì rõ ràng là doanh nghiệp bất động sản hiện nay tương khó khăn về chuyện thanh khoản về dòng tiền. Có lẽ một số khoản nợ đến hạn chưa có nguồn tiền nên để có dòng tài chính thanh toán ngay được thì việc cho phép họ đàm phán với các trái chủ giãn hoãn tiến độ đó, khoảng 6 tháng hay 1 năm, tôi nghĩ là chuyện hết sức bình thường cũng nên cho phép.

Bởi vì nếu như bây giờ mà ép quá thì rõ ràng là doanh nghiệp bất động sản không thể có tiền ngay để mà trả đầy đủ được. Tôi nghĩ là nhà đầu tư cũng có thiện chí chấp nhận phương án này. Tất nhiên là với điều kiện doanh nghiệp bất động sản trả nợ đúng hạn vào thời điểm đó và sau này phải thực hiện đúng cam kết đó.

PV: Vâng. Xin trân trọng cảm ơn ông!

Dự thảo Nghị định 65 sửa đổi bổ sung quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ được kéo dài kỳ hạn trái phiếu với thời gian không quá 2 năm. Nói về sự cần thiết phải ban hành Dự thảo Nghị định 65, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho biết:

"Dự thảo sửa đổi Nghị định này chủ yếu nó mang ý nghĩa là tạo ra không gian để cho hai bên có thể đàm phán để giãn hoãn nợ cộng với việc tìm kiếm một điểm chung mới là những cái tài sản khác thay thế bằng việc trả nợ gốc và lãi.

Tôi cho rằng là nó ảnh hưởng ở góc độ là giúp cho các doanh nghiệp có thêm thời gian để tái cấu trúc tài chính để có thể trả được nợ trong tương lai. Tôi cho rằng là cái mốc thời gian tối đa 2 năm này cũng là một mức phù hợp ở giai đoạn hiện nay. Bởi vì đối với trái chủ thì họ cũng không thể chờ đợi lâu hơn.

Chúng tôi nghĩ đây chỉ là giải pháp tình thế thôi chứ không phải là giải pháp có thể xử lý dứt điểm được vấn đề. Để xử lý được dứt điểm vấn đề  hiện tại, tôi cho rằng là những giải pháp liên quan đến việc khơi thông về mặt pháp lý hay là khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản thì nó mới là cái giải pháp căn cơ.

Theo Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2022, các doanh nghiệp bất động sản đang nợ trái phiếu khoảng 419 nghìn tỷ đồng. Trong 2 năm tới, ngành bất động sản sẽ phải đáo hạn khoảng hơn 230 nghìn tỷ đồng. 

Với những quy định mới của Dự thảo Nghị định 65 có gỡ khó về nguồn vốn cho ngành bất động sản?  Chuyên gia kinh tế Đỗ Thái Hưng, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Finpros nêu ý kiến: "Nó không phải là khơi thông mà thực tế chỉ là giúp các doanh nghiệp có khả năng trả nợ, tránh tình trạng là vỡ nợ hàng loạt. Lĩnh vực bất động sản chỉ khơi thông được khi mà luồng vốn mới. Bây giờ việc trả nợ  giúp cho các doanh nghiệp để có thêm thời gian để tái cơ cấu tài sản của mình.

Họ phải bán một số tài sản khác đi để có tiền trả lãi hoặc thậm chí bán cả toàn bộ dự án họ đã mua. Vấn đề hiện tại là rất khó bán dự án vì không ai mua kể cả các doanh nghiệp bất động sản lớn khác, họ cũng không mua vì tình trạng khó khăn.

Nhưng nếu giãn ra một chút và cái giá thấp hơn sẽ có những người có tiền hoặc là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính lớn sẽ mua lại dự án. Đây là một quá trình tái cấu trúc cũng như phân phối lại thị trường .

Chỉ những doanh nghiệp  có đường đi nước bước tài chính ổn định và có cái cách thức tổ chức, doanh nghiệp bài bản và cơ cấu thành tài chính lành mạnh có những bước đi vững chắc thì họ mới có khả năng đi đường dài cũng như sẽ thâu tóm dần những doanh nghiệp làm theo phong trào là chỉ mang tính đầu cơ là chính".

Hiện nay thị trường tài chính, tiền tệ gặp khó khăn về thanh khoản, doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu mới trong khi áp lực trả nợ đối với các trái phiếu đáo hạn năm 2023-2024 lên tới trên 200 nghìn tỷ đồng. Việc thiếu khung pháp lý, những quy định cho phép doanh nghiệp được phép kéo dài kỳ hạn thanh toán hay có thể sử dụng các tài sản khác để thanh toán cho trái chủ khiến cả doanh nghiệp phát hành trái phiếu lẫn các trái chủ gặp khó, thị trường bất động sản thiếu dòng tiền để hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với những quy định mới tại Dự thảo Nghị định 65 sửa đổi, những bất cập hiện hành có thể được khắc phục trong thời gian tới?

Bạn kỳ vọng gì vào dự thảo Nghị định này? Nếu được ban hành, các quy định mới sẽ tác động như thế nào đến các trái chủ, doanh nghiệp phát hành trái phiếu? 

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo Nghị định qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính. 

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Tư, thứ Bảy hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng Podcast dành cho di động: Sportify, Apple Podcast và Google Podcast.

 

Hải Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

Xe điện loại từ 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô thành phố. Với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới giao thông xanh, điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

U80 nhảy hiphop

U80 nhảy hiphop

Hồ Gươm với không gian xanh mát, thoáng đãng giữa trung tâm thủ đô là địa điểm lý tưởng của các đội nhóm khắp nơi tìm về rèn luyện sức khỏe mỗi ngày.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Sau khi Luật Giá được Quốc hội thông qua, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng và hoàn thiện Nghị định thi hành Luật Giá nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, quy định liên quan tới kê khai giá trong Nghị định này đang khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn bởi có điểm bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp.

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Gần 100.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản chuẩn bị đáo hạn

Gần 100.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản chuẩn bị đáo hạn

Áp lực đáo hạn trái phiếu năm nay của nhóm bất động sản vẫn tương đối lớn, trong đó, nhiều doanh nghiệp sẽ phải thanh toán hàng nghìn tỷ đồng đến hạn cho nhà đầu tư.