Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dự thảo trên tay

Đề xuất hỗ trợ nạn nhân mua bán người

Hải Hà - Mạnh Đồng: Thứ hai 01/07/2024, 14:33 (GMT+7)

Sau hơn 10 năm triển khai thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập trong công tác chỉ đạo điều hành trong công tác phòng ngừa, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người và công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân…

QUY ĐỊNH CỤ THỂ CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ VÀ BẢO VỆ 

Dự thảo Luật Phòng chống mua, bán người gồm 8 chương, 62 điều (tăng 04 điều so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011), trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 35 điều, xây dựng mới 05 điều, bỏ 01 điều.

Trong đó gồm các chương Phòng ngừa buôn bán người; Phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; Tiếp nhận, xác định và bảo vệ người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; Hỗ trợ người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; Quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng chống mua bán người và Hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người...

Mục đích của Dự thảo Luật Phòng chống mua, bán người là nhằm hoàn thiện pháp luật về nội dung này, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người, cũng như nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người. Bên cạnh đó, dự Luật hoàn thiện cơ sở pháp lý trong thực hiện việc hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay

Việc xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi bảo đảm kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; bảo đảm các quy định mang tính cụ thể, dễ tổ chức thực hiện.

Dự thảo Luật cũng tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật và thực tiễn công tác phòng, chống mua bán người của một số quốc gia trên thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam; bảo đảm phù hợp với pháp luật, thông lệ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, chương IV Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi bổ sung thêm 01 mục, 03 điều sửa đổi, bổ sung 08 điều.

Cụ thể, Dự thảo Luật bổ sung thêm Điều 26, quy định về tiếp nhận, xác định nạn nhân đang ở nước ngoài. Theo đó, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài khi tiếp nhận thông tin, tài liệu về người có dấu hiệu bị xâm hại bởi hành vi mua bán người, nạn nhân, cơ quan đại diện Việt Nam thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại để phối hợp kiểm tra, xác minh và tổ chức giải cứu nếu người đó chưa được giải cứu hoặc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân nếu người đó đã được giải cứu. 

Đáng chú ý, lần đầu tiên Dự thảo Luật quy định cụ thể về chế độ hỗ trợ, và bảo vệ người trong quá trình xác định là nạn nhân. Ngoài ra, Dự Luật bổ sung thêm Điều 32 về đối tượng bảo vệ, bao gồm người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân và người thân thích của người trong quá trình xác định là nạn nhân,

Bên cạnh đó, chương này cũng quy định về căn cứ để xác định nạn nhân; giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân; giải cứu, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; đối tượng bảo vệ; các biện pháp bảo vệ và thẩm quyền áp dụng; bảo vệ bí mật thông tin, dữ liệu về người đang trong quá trình xác minh là nạn nhân, nạn nhân.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần 2 về Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi, đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên) cho rằng, với việc bổ sung những nguyên tắc, chính sách   hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, quy định về miễn trách nhiệm hình sự và hành chính trong trường hợp nạn nhân bị ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật… đã khẳng định sâu sắc hơn chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống mua bán người. ‘

Trong khi đó, theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng), việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 đã góp phần thực hiện tốt hơn trách nhiệm thành viên của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế về phòng, chống mua bán người.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Thượng tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa, giải trình thấu đáo, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo đúng Chương trình.

Hình minh họa

Hình minh họa

LẤY NẠN NHÂN LÀ TRUNG TÂM

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người có những điểm gì mới đáng chú ý? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó Trưởng Phòng chống mua bán người, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an về nội dung này:

PV: Xin ông cho biết những điểm mới nổi bật của dự thảo Luật phòng chống mua bán người?

Thượng tá Đinh Văn Trình: Trước đây, khi chúng ta chưa có Bộ Luật Hình sự thì chúng ta chỉ có Điều 119 Luật Hình sự năm 1985, đó là tội mua bán phụ nữ và Điều 120 là mua bán trẻ em, chứ chưa có tội mua bán đàn ông, mua bán người nói chung.

Và thực tiễn thì số người đàn ông bị mua bán để cưỡng bức lao động thì cũng đã gia tăng. Chính vì vậy cho nên  trong cái hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người thì chúng tôi coi tất cả các nạn nhân, các nhóm yếu thế, hoặc là các nhóm nguy cơ cao đều là những đối tượng cần phải được tuyên truyền, phòng ngừa và cần phải đấu tranh, để xử lý các loại tội phạm này.

Trong các biện pháp hỗ trợ nạn nhân thì lần này chúng ta đã nâng các biện pháp hỗ trợ lên rất là cao và cụ thể, kể cả về mặt chính sách hỗ trợ, về kinh tế, kể cả về mặt hỗ trợ phiên dịch đối với những người không biết tiếng, rồi các chế độ chính sách khác, ví dụ như là hỗ trợ về mặt kinh phí và trợ giúp pháp lý, trước kia chỉ cho những cái người nghèo và không có điều kiện, thì bây giờ tất cả các nạn nhân và thậm chí là cả những người đang chờ xác minh là nạn nhân cũng có thể được hỗ trợ, bao hàm cả đàn ông.

PV: Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo luật là đề xuất hỗ trợ nạn nhân đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Xin ông cho biết, vì sao ban soạn thảo đưa ra đề xuất này?

Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó Trưởng Phòng chống mua bán người, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an (Ảnh: Dân Việt)

Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó Trưởng Phòng chống mua bán người, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an (Ảnh: Dân Việt)

Thượng tá Đinh Văn Trình: Đây là cái nhóm mà rất nhiều những người, vì nhiều lý do khác nhau, người ta đã đi tìm kiếm việc làm và bị cưỡng bức, bóc lột. Rõ ràng là người ta đang rất cần sự hỗ trợ, có thể là liên quan đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và cần được giải cứu, cần hỗ trợ ngay.

Nhưng căn cứ để chúng ta xác định nạn nhân, để cấp dưới xác định là nạn nhân thì không có, bởi vì người ta đang ở nước ngoài, ở vùng rất là xa và khi người ta có thông tin thì cơ quan chức năng không có một tài liệu gì khác. Nhưng yêu cầu thực tiễn là người ta cần phải được hỗ trợ và giải cứu ngay.

Và như vậy thì trong cái một loạt các khái niệm cơ bản đã được đưa ra, là người đang bị bóc lột tình dục, đang bị bóc lột sức lao động, hoặc là những người đang bị cưỡng ép khác thì cũng được coi là nạn nhân. Mặc dù là cái tội mua bán người phải làm rõ được cái việc là chuyển giao và tiếp nhận người bị bóc lột.   

Chúng ta chưa làm rõ được việc chuyển giao, tiếp nhận, nhưng người ta đang cần sự giúp đỡ, thì bên cạnh những người đã được xác định là nạn nhân như thế, thì chúng ta đã mở rộng ra. Việc mà những người đang chờ xác minh, chúng ta cũng được hỗ trợ và xuyên suốt trong suốt quá trình tiến hành cái chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức thì đều gắn cả hai: Một là nạn nhân, hai là người đang chờ xác minh là nạn nhân đều có những quyền lợi, chính sách được đảm bảo cả.

PV: Nếu những quy định này được trở thành hiện thực, theo ông sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

Thượng tá Đinh Văn Trình: Luật này đã thực sự lấy nạn nhân làm trung tâm. Khi chúng ta lấy nạn nhân là trung tâm, thì mọi hoạt động từ công tác phòng ngừa, đến tuyên truyền đến các nhóm có nguy cơ cao, cả những người nghi là nạn nhân hoặc những người đang xác minh là nạn nhân thì cũng được hỗ trợ. Như vậy là sẽ có nhiều người được hưởng lợi hơn.

Đây là quy định có tính nhân đạo rất cao và tôi cho rằng dự thảo luật này đưa ra sẽ nhận được sự đồng tình, ủng hộ của rất nhiều người và sẽ hỗ trợ, giúp đỡ cho rất nhiều người mà do một lý do nào đó người ta bị cưỡng bức, bóc lột, trong khi các cơ quan chức năng chưa có điều kiện hoặc chưa có khả năng để xác định họ là nạn nhân, nhưng cần sự giúp đỡ.

PV: Xin cảm ơn ông.

NÂNG CAO CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ NẠN NHÂN

Với đề xuất nâng cao chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, những đối tượng nào sẽ được hưởng lợi? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Ngọc Nghĩa, nguyên Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh về nội dung này:

PV: Thưa ông, điểm mới của Dự thảo Luật Phòng, chống mua, bán người đề xuất hỗ trợ những người đang xác định là nạn nhân của mua, bán người. Ông nghĩ sao về quy định này?

Ông Đặng Ngọc Nghĩa, nguyên Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh. (Ảnh: VietnamNet)

Ông Đặng Ngọc Nghĩa, nguyên Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh. (Ảnh: VietnamNet)

Ông Đặng Ngọc Nghĩa: Đây là một bước tiến bộ để hỗ trợ các nạn nhân đó, để thấy được những người trong cuộc thấy được sự quan tâm đối với xã hội. Quan điểm của tôi đây là một bước tiến bộ trong chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, của Quốc Hội và Ban soạn thảo Luật đưa ra.

Nạn buôn bán người là một loại tội phạm cả thế giới lên án, trong đó Việt Nam cũng có nhiều vụ việc rất thương tâm nên có những chính sách hỗ trợ về kinh tế, tâm lý và công tác bảo vệ để làm thế nào cho các nạn nhân rơi vào tình cảnh nạn buôn bán người có ổn định về tinh thần, tạo điều kiện cho nạn nhân đó tố cáo được các đối tượng đó, cũng như làm thế nào để giúp đỡ họ để họ nhanh chóng quay lại về với gia đình, về với quê hương, đất nước và người ta cũng thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.

PV: Trước đây, trong Luật phòng chống mua, bán người 2011 quy định, chỉ những nạn nhân nào không có khả năng chi trả tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường mới được hỗ trợ. Còn trong Dự thảo Luật này sẽ hỗ trợ cho tất cả những nạn nhân có nguyện vọng về nơi cư trú

Ông Đặng Ngọc Nghĩa: Với việc nâng cao chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân của mua, bán người đề cập trong Dự thảo Luật, theo ông nó sẽ có những tác động như thế nào?

Theo quan điểm của tôi, đối tượng trong nạn buôn bán người không nhiều, số lượng ít nên ngân sách nhà nước tạo mọi điều kiện cho những nạn nhân thuộc tội phạm mua, bán người lừa đảo, bắt bớ gây ra những hậu quả cho người thân. Theo tôi nghĩ nên đáp ứng, thứ nhất là chăm sóc sức khỏe ban đầu vì người ta khủng hoảng về tinh thần, người ta rất khổ tâm trong thời gian sống chui lủi, tủi nhục ở những vấn nạn mua, bán người.

Thứ hai,việc hỗ trợ tàu xe cho họ đưa về quê hương. Đất nước chúng ta tôi nghĩ không tác động nhiều đối với ngân sách. Ngoài ngân sách về tàu xe, theo tôi nên hỗ trợ ngân sách về chi phí y tế, rồi một số ngân sách đối với người già, người neo đơn. Các địa phương đó tiếp tục hỗ trợ về công ăn, việc làm cho những nạn nhân đó để người ta sớm quay trở về ổn định về tinh thần, ổn định về thể chất, và có công ăn việc làm cho họ sớm quên đi quá khứ đau thương của họ.

Theo tôi như vậy, thể hiện sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước, của Quốc hội và chế độ chúng ta đối với những nạn nhân mà bị bọn tội phạm buôn bán người đã gây nên.

PV: Nếu dự thảo được thông qua, để quá trình thực thi đem lại hiệu quả và hỗ trợ đúng người, đúng việc thì theo ông có cần phải bổ sung thêm các quy định nào khác không ?

Ông Đặng Ngọc Nghĩa: Nếu mà những đối tượng đã xác định thì những cơ quan công an, biên phòng và các cơ quan khác thì chúng ta phải có những bằng chứng xác thực, quy định pháp luật chặt chẽ và có những hồ sơ , những lời khai, bằng chứng thật cụ thể để tránh nhầm lẫn đối tượng và tránh tiêu cực.

PV: Xin cảm ơn ông!

Từ năm 2012 đến tháng 02 năm 2023 đã tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ gần 8 nghìn nạn nhân của tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, trong số này, nhiều nạn nhân sau khi trở về gặp các vấn đề về sang chấn tâm lý, hoảng loạn, lo lắng, một số nạn nhân không được hỗ trợ chi phí đii lại, hỗ trợ học nghề,… gặp khó khăn trong hòa nhập cộng đồng.

Những quy định mới của Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi sẽ khắc phục những bất cập trên?

Bạn có ý kiến gì về các quy định mới của  Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi? Nếu được ban hành, các quy định mới của Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi sẽ hỗ trợ các nạn nhân sớm ổn định cuộc sống?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo Luật Phòng chống mua bán người sửa đổi  qua hotline 02437.91.9 1.91, qua fanpage VOV Giaoo thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” trong khung giờ “FM91 chiều”, thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần trên VOV Giao thông FM 91MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcasts dành cho di động: Spotify, Apple Podcasts và Google Podcasts.

 

Hải Hà - Mạnh Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Những tuyến phố không đèn giữa lòng Thủ đô

Những tuyến phố không đèn giữa lòng Thủ đô

Những ngày qua, Kênh VOV Giao thông tiếp tục nhận được hàng loạt phản ánh của nhiều thính giả về tình trạng một số tuyến phố ở Hà Nội rơi trạng thái tối tăm do không có đèn đường.

Để hàn gắn lại cuộc sống cho nạn nhân tai nạn giao thông

Để hàn gắn lại cuộc sống cho nạn nhân tai nạn giao thông

Cùng với tình trạng đáng lo ngại về tai nạn thương tích nói chung và tai nạn giao thông nói riêng, nhu cầu về điều trị phục hồi chức năng ngày càng gia tăng. Nhưng nghịch lý là khả năng cung cấp dịch vụ này còn nhiều hạn chế, bất cập khiến người bệnh phải chịu di chứng nặng nề hoặc không thể phục hồi.

Chuyển đổi xanh trong giao thông: Chính sách hỗ trợ cần những bước đi cụ thể

Chuyển đổi xanh trong giao thông: Chính sách hỗ trợ cần những bước đi cụ thể

Trong khi các nước, việc chuyển đổi xanh trong giao thông đã được thực hiện cách đây hàng chục năm, thì tại Việt Nam, việc chuyển đổi xanh mới được đặt ra tại Quyết định số 876 năm 2022 của Thủ tướng.

Giám sát trẻ trên xe, chỉ công nghệ vẫn chưa đủ

Giám sát trẻ trên xe, chỉ công nghệ vẫn chưa đủ

Không chỉ tại Việt Nam, tại một số quốc gia khác, việc để quên trẻ em trên xe đang là vấn đề nhức nhối, buộc các nhà chức trách phải tìm giải pháp ngăn chặn.

Giao thông kiểu “thách thức”

Giao thông kiểu “thách thức”

Chắc hẳn ai trong chúng ta khi tham gia giao thông cũng hơn một lần cảm thấy khó chịu khi đang đi trên đường và đột ngột bị một chiếc xe máy hay ô tô “tạt” ngang trước đầu xe, khiến giât nảy mình, nhấn phanh dúi dụi…

Hạ tầng giao thông thiệt hại hơn 30 tỷ đồng do mưa lũ

Hạ tầng giao thông thiệt hại hơn 30 tỷ đồng do mưa lũ

Sau hơn 1 tháng mưa lũ triền miên đã gây sạt lở, hư hỏng nhiều tuyến quốc lộ trọng yếu tại khu vực phía Bắc, ước thiệt hại hơn 30 tỷ đồng.

Ai giám sát bộ phận an toàn giao thông của doanh nghiệp vận tải?

Ai giám sát bộ phận an toàn giao thông của doanh nghiệp vận tải?

Tình trạng phương tiện ô tô vi phạm tốc độ diễn ra phổ biến, nhưng dường như chưa được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Vậy, bộ phận ATGT trong doanh nghiệp có thực sự giám sát hoạt động của doanh nghiệp như yêu cầu?