Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dự thảo trên tay

Thêm nhiều đối tượng được vay vốn đi lao động ở nước ngoài

Quách Đồng: Thứ hai 08/07/2024, 14:54 (GMT+7)

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo Luật Việc làm sửa đổi. Đáng chú ý, tại dự thảo luật này, cơ quan soạn thảo đề mở rộng thêm nhiều đối tượng được vay vốn đi lao động, làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng.

THÊM 3 ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC VAY VỐN

Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội soạn thảo, gồm 8 chương, 145 điều, gồm: những quy định chung; Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; Hệ thống thông tin thị trường lao động; Dịch vụ việc làm; Bảo hiểm thất nghiệp...

Cụ thể, so với Luật Việc làm năm 2013 thì dự thảo Luật Việc làm sửa đổi lần này đã sửa đổi, bổ sung với nhiều điểm mới. Chẳng hạn, về việc quản lý giờ làm thêm của học sinh, sinh viên, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi quy định: học sinh sinh viên được làm việc nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học, không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động.

Bên cạnh đó, tại dự thảo lần này, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cũng đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp với người lao động có hợp đồng lao động từ đủ một tháng đến dưới ba tháng. Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định về nhóm đối tượng không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Cụ thể, người lao động đang làm việc theo hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động; người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ; người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu và người lao động là người giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. 

Đặc biệt, tại dự thảo Luật này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề xuất mở rộng đối tượng được vay vốn đi lao động, làm việc ở nước ngoài. Cụ thể, so với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật đã đề xuất mở rộng thêm 3 đối tượng được vay vốn đi lao động tại nước ngoài, gồm: Người lao động thuộc hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình; Người lao động thuộc xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Người lao động là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện, trí thức trẻ tình nguyện.

Ngoài việc bổ sung đối tượng được vay vốn đi làm việc tại nước ngoài, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi cũng bổ sung quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, gồm: Quỹ quốc gia về việc làm; Nguồn ngân sách địa phương, của các tổ chức, cá nhân ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội; Nguồn huy động của Ngân hàng chính sách xã hội được nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất…

Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lấy ý kiến các Bộ, ngành và các địa phương, và đã được Bộ Tư pháp thẩm định. Dự thảo Luật sẽ tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám vào tháng 10 năm nay.

Mỗi năm có hàng nghìn lao động Việt Nam đi lao động tại Hàn Quốc (Ảnh minh hoạ: VnEconomy)

Mỗi năm có hàng nghìn lao động Việt Nam đi lao động tại Hàn Quốc (Ảnh minh hoạ: VnEconomy)

LỢI ÍCH ĐÁNG KỂ KHI TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG NƯỚC NGOÀI

Việc đề xuất mở rộng đối tượng được vay vốn đi làm việc tại nước ngoài có phù hợp hay không? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Hồng Quang, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

PV: Thưa ông, một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Luật Việc làm sửa đổi là việc Ban soạn thảo đề xuất mở rộng một số đối tượng được vay vốn để đi lao động, làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Vũ Hồng Quang: Việc mở rộng các đối tượng được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được dự thảo luật đề cập tại mục 3 Chương II, chương về chính sách tạo việc làm. Ở đây đã được quy định khá cụ thể, rõ ràng các đối tượng và các điều kiện được vay vốn.

Việc quy định như này cũng rất phù hợp với những quan điểm, đường lối của Đảng về việc tạo ra nhiều việc làm hơn nữa cho người lao động có cơ hội để lựa chọn và cũng là cái nguồn hỗ trợ tốt nhất đối với người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Việc quy định cụ thể các đối tượng và mở rộng các đối tượng như dự thảo cũng có tác động rất tích cực, tạo ra một thị trường lao động nước ngoài cho người lao động Việt Nam có thể tham gia một cách tốt nhất.

PV: Theo ông, để chính sách mở rộng đối tượng được vay vốn để đi lao động, làm việc tại nước ngoài có hiệu quả, cần có những lưu ý gì thêm?

Ông Vũ Hồng Quang, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Ông Vũ Hồng Quang, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Ông Vũ Hồng Quang: Việc mở rộng đối tượng này cũng cần phải lưu ý đến các chính sách của Nhà nước hiện tại đã được ban hành, đã được áp dụng, tránh phát sinh những thủ tục hành chính không cần thiết.

Thứ hai nữa là để người lao động có thể tiếp cận một cách tốt nhất, nhanh nhất nguồn vốn để hỗ trợ mình thâm nhập vào thị trường lao động ở nước ngoài.

Đặc biệt, cần lưu ý quyền hạn, nghĩa vụ của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và cũng để sử dụng một cách tốt nhất sự hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ việc làm ở ngoài nước, cũng như Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, để có thể phát huy tối đa hiệu quả của nó, góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập ổn định cũng như là khi tái hòa nhập cộng đồng thì cũng được tạo điều kiện tốt nhất từ nguồn Quỹ Chính phủ đã ban hành.

PV: Thưa ông, nếu quy định mở rộng đối tượng được vay vốn để đi lao động tại nước ngoài được thông qua và được ban hành thì sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

Ông Vũ Hồng Quang: Khi các đối tượng được vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tiếp cận một cách nhanh, thuận lợi, sẽ giúp cho người lao động có thể tiếp cận được với thị trường lao động ngoài nước thì sẽ đem lại những lợi ích đáng kể, không chỉ đối với bản thân người lao động, góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. 

Khi người lao động trở về nước, người lao động sẽ là một lực lượng lao động có tay nghề, có ý thức tác phong công nghiệp, được tiếp cận với môi trường, thị trường lao động tiên tiến ở các nước, góp phần bổ sung vào lực lượng lao động có tay nghề cao, ý thức kỷ luật tốt, có tác phong công nghiệp và sẽ góp phần cho đất nước chúng ta có lực lượng lao động chất lượng cao hơn.

PV: Xin cảm ơn ông.

CƠ HỘI THOÁT NGHÈO

Đề xuất mở rộng đối tượng được vay vốn đi lao động tại nước ngoài, nếu trở thành hiện thực sẽ có những tác động xã hội như thế nào? PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn TS Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp) - đơn vị thẩm định dự thảo Luật Việc làm sửa đổi.

PV: Ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết ban hành Luật Việc làm sửa đổi?

TS Trần Minh Sơn: Luật việc làm  năm 2013 dần bộc lộ những nhược điểm và theo tôi cần thiết phải sửa đổi Luật Việc làm vì những lý do sau:

Thứ nhất, ban hành Luật Việc làm sửa đổi hỗ trợ việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách về giải quyết việc làm bền vững, chất lượng, phát triển nguồn nhân lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập và hiệu quả của Đảng và Nhà nước.

Thứ hai, ban hành Luật Việc làm sửa đổi sẽ đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Thứ ba, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cấp trong thực tiễn thi hành Luật Việc làm năm 2013.

PV: Dự thảo Luật đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết đó chưa? Vì sao? Theo ông, cần bổ sung những gì?

TS. Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp)

TS. Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp)

TS Trần Minh Sơn: Luật Việc làm sửa đổi đã góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết, tuy nhiên cần bổ sung thêm những quy định như: Miễn phí tư vấn giới thiệu việc làm với các đối tượng yếu thế; Sửa đổi quy định về lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp gồm: mức lương, các khoản phụ cấp, mức trần đóng bảo hiểm thất nghiệp;

Sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp thất nghiệp: Sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng quy định bổ sung một số trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp như: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động...

PV: Xem xét, bổ sung, lồng ghép những vấn đề về bình đẳng giới, quy định cụ thể đối với đối tượng phụ nữ là lao động khuyết tật, lao động nông thôn, lao động vùng dân tộc…

TS Trần Minh Sơn: Một trong những điểm mới của dự thảo luật là việc mở rộng đối tượng được vay vốn đi làm việc tại nước ngoài. Ông có bình luận gì về đề xuất này? Việc mở rộng đối tượng được vay vốn như đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phù hợp, hay cần thu hẹp/mở rộng đến những đối tượng nào?

So với Luật hiện hành, dự thảo đã bổ sung thêm người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo dạng hợp đồng, người lao động thuộc hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình; người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; người lao động thuộc xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài.

Tôi cho rằng đây là đề xuất phù hợp nhằm hỗ trợ người lao động thu nhập thấp có cơ hội “thoát nghèo”, cải thiện cuộc sống. Nếu có thể, quy định này có thể tiếp cận đến đối tượng thân nhân của người có công với cách mạng, hoặc những người lao động tại các huyện nghèo như Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên...

PV: Nếu việc mở rộng đối tượng được vay vốn đi làm việc, lao động ở nước ngoài được thông qua và trở thành hiện thực, sẽ có tác động xã hội như thế nào?

TS Trần Minh Sơn: Nếu việc mở rộng đối tượng được vay vốn đi làm việc, lao động ở nước ngoài được thông qua và trở thành hiện thực, đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài bao gồm: Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo thỏa thuận giữa cơ quan quản lý nhà nước về việc làm cấp tỉnh với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Trên cơ sở đó sẽ có nhiều cơ hội được làm việc ở nước ngoài, giải quyết việc làm cho nhiều người lao động và tăng nguồn ngoại tệ cho phát triển đất nước. Việc lao động có việc làm ổn định cũng sẽ hạn chế tình trạng thất nghiệp, các tệ nạn và tình hình phức tạp của xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

PV: Xin cảm ơn ông.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Luật Việc làm 2013 quy định đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ giới hạn tại 5 nhóm lao động gồm: người dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân người có công với cách mạng.

Tuy vậy, thực tế một số nhóm đối tượng khác như thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện… chưa được quy định, dẫn đến việc chưa đảm bảo bình đẳng về cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài. Bởi vậy, Ban soạn thảo đã đề xuất mở rộng đối tượng được vay vốn, nhằm tăng cơ hội tiếp cận việc làm cho nhóm đối tượng này.

Bạn kỳ vọng gì vào dự luật này này? Nếu được ban hành, các quy định mới của dự thảo luật sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” trong khung giờ “FM91 chiều”, thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần trên VOV Giao thông FM 91MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcasts dành cho di động: Spotify, Apple Podcasts và Google Podcasts.

Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Chỉ được nhận 5 học viên/ khóa, thầy dạy lái sống bằng gì?

Chỉ được nhận 5 học viên/ khóa, thầy dạy lái sống bằng gì?

Theo quy định, mỗi giáo viên dạy lái chỉ được nhận 5 học viên/ khóa. Trong khi mỗi khóa học kéo dài khoảng 3 tháng, khiến nhiều thời điểm giáo viên dạy lái... không có gì để làm. Để khắc phục tình trạng này, một số giáo viên phải tìm cách lách luật, để nhận thêm học viên.

Về Hà Nội tắc, đi đường nào thay thế?

Về Hà Nội tắc, đi đường nào thay thế?

Nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại tăng cao của người dân trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Cục Cảnh sát giao thông đã đưa ra phương án phân luồng nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại các tuyến cao tốc, quốc lộ, các tuyến cửa ngõ ra, vào thành phố Hà Nội.

Kênh VOV Giao thông đoạt Giải thưởng Quốc tế AIBD 2024

Kênh VOV Giao thông đoạt Giải thưởng Quốc tế AIBD 2024

Tác phẩm “Những nguyện ước về con đường hy vọng” của Kênh VOV Giao thông đã được vinh danh tại Giải thưởng quốc tế AIBD 2024, tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia.

Nghỉ lễ, đường đông, gặp va chạm nhỏ thì bỏ qua…

Nghỉ lễ, đường đông, gặp va chạm nhỏ thì bỏ qua…

Trong những ngày nghỉ lễ, lưu lượng phương tiện đổ ra các tuyến cửa ngõ, quốc lộ, cao tốc rất cao. Nguy cơ va chạm giao thông cũng theo đó tăng lên. Để giảm thiểu căng thẳng cũng như bạo lực sau va chạm, cần hiểu biết pháp luật, kinh nghiệm từ các bác tài.

Đình Nguyễn Trung Trực: 35 năm khám chữa bệnh miễn phí

Đình Nguyễn Trung Trực: 35 năm khám chữa bệnh miễn phí

Đình thần Nguyễn Trung Trực tại thành phố Rạch Giá, Kiên Giang xưa nay nổi tiếng là một di tích lịch sử văn hóa của nước ta. Mỗi ngày, nơi đây không chỉ có khách du lịch ghé qua tham quan mà còn đón một lượng lớn người dân ở khắp nơi đến khám chữa bệnh và bốc thuốc nam miễn phí.

Ngày cuối kỳ nghỉ lễ 2/9: Thủ đô 'nóng' tại nhiều nút giao thông

Ngày cuối kỳ nghỉ lễ 2/9: Thủ đô "nóng" tại nhiều nút giao thông

Hôm nay (3/9) là ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, giờ cao điểm chiều nay VOV Giao thông đã ghi nhận nhiều thông tin nóng về giao thông từ cả thính giả và các phóng viên.

Các cửa ngõ TP.HCM đông đúc ngày cuối kỳ nghỉ lễ

Các cửa ngõ TP.HCM đông đúc ngày cuối kỳ nghỉ lễ

Sau thời gian nghỉ lễ 4 ngày, người dân từ miền Tây trở lại TP.HCM bắt đầu đông từ 15 giờ ngày 3/9. Ghi nhận dòng xe bắt đầu đông đổ về TP.HCM bắt đầu đông qua đoạn Quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh.