Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Chứng chỉ hành nghề nhà giáo: Liệu có phát sinh thủ tục rườm rà? Chứng chỉ hành nghề nhà giáo: Liệu có phát sinh thủ tục rườm rà?

Chứng chỉ hành nghề nhà giáo: Liệu có phát sinh thủ tục rườm rà?

Minh Hiếu   •   2:25 22/07/2024

Một nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận trong dự thảo Luật Nhà giáo là chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Chứng chỉ này liệu có giúp nhà giáo chuyên nghiệp hơn, nâng cao chất lượng giáo dục, hay sẽ khiến đội ngũ giáo viên thêm mệt mỏi với các loại giấy tờ?

Luật Nhà giáo được Bộ Giáo dục và Đào tạo dự thảo gồm 9 chương, 71 điều. Trong đó, chức danh, chuẩn nhà giáo và chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo được quy định tại Chương III, từ Điều 12 đến Điều 17.

Theo đó, Điều 12 quy định chức danh nhà giáo là căn cứ để cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục xây dựng đề án vị trí việc làm; thực hiện tuyển dụng, sử dụng, quản lý và thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo.

Dự thảo Luật kế thừa các quy định hiện hành về xếp hạng nhà giáo, mỗi chức danh nhà giáo được phân loại như sau:

- Giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp;

- Trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp (bao gồm cả giáo sư, phó giáo sư).

Chuẩn nhà giáo được quy định tại Điều 13, là hệ thống phẩm chất, năng lực mà nhà giáo cần đạt được để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong các cơ sở giáo dục, bao gồm các tiêu chuẩn áp dụng cho từng chức danh nhà giáo như: phẩm chất, đạo đức nhà giáo; trình độ đào tạo, bồi dưỡng; năng lực chuyên môn; nhiệm vụ theo cấp chức danh nhà giáo; sức khỏe.

Dự thảo Luật cũng quy định chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục. Người đứng đầu cơ sở giáo dục phải bảo đảm đạt chuẩn nhà giáo và các tiêu chuẩn về quản trị cơ sở giáo dục gồm: xây dựng sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển nhà trường; quản trị hoạt động và chất lượng giáo dục, nhân sự, tổ chức, hành chính, tài chính, cơ sở vật chất và công nghệ; xây dựng môi trường giáo dục; thực hiện quy định về dân chủ ở cơ sở và kiểm tra nội bộ.

Một nội dung đáng chú ý khác là chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo được quy định tại Điều 15, 16 và 17. Theo đó, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam. Chứng chỉ hành nghề được cấp cho nhà giáo đạt chuẩn đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục; nhà giáo nước ngoài đáp ứng điều kiện theo quy định và có nhu cầu.

Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo sẽ bị thu hồi trong các trường hợp sau: nhà giáo có kết quả đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tục; nhà giáo vi phạm kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sa thải; hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề không đúng quy định.

Luật Nhà giáo đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 và trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Quy định chức danh, chuẩn nhà giáo là cần thiết để nâng cao tính chuyên nghiệp của nghề dạy học làm căn cứ tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo (Ảnh minh họa)

Quy định chức danh, chuẩn nhà giáo là cần thiết để nâng cao tính chuyên nghiệp của nghề dạy học làm căn cứ tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo (Ảnh minh họa)

CÓ CHỨNG CHỈ RỒI, PHẢI THI NỮA KHÔNG?

Vì sao cần thiết ban hành các quy định về chức danh, chuẩn nhà giáo? Quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo liệu có phù hợp? PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về nội dung này.

PV: Xin bà cho biết về sự cần thiết của quy định chức danh, chuẩn nhà giáo?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Thứ nhất, hiện nay, những quy định về chức danh, chuẩn nhà giáo vẫn còn đang nằm lẻ tẻ, tản mạn, thậm chí là chồng chéo trong một số văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, rất cần được thống nhất trong một dự thảo luật.

Thứ hai, sẽ nâng cao được tính chuyên nghiệp của nghề dạy học, làm căn cứ cho việc tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng để phát triển đội ngũ nhà giáo. Thứ ba, cụ thể hóa chủ trương chuẩn hóa đội ngũ giáo viên của Đảng tại Nghị quyết 29 của Trung ương; giúp thống nhất quản lý tất cả nhà giáo, tạo cơ hội học tập bình đẳng cho người học ở tất cả vùng miền và tất cả loại hình cơ sở giáo dục.

Chúng tôi thấy rằng các nguyên tắc quản lý nhà nước về nhà giáo đã được quy định khá đầy đủ trong dự thảo Luật. Điều này sẽ khắc phục được những bất cập trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo trong thời gian qua.

PV: Dư luận hiện có nhiều luồng ý kiến về đề xuất chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Theo bà liệu quy định này có phù hợp?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (Ảnh: Đại biểu nhân dân)

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (Ảnh: Đại biểu nhân dân)

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi rất băn khoăn về nội dung này. Các sinh viên tốt nghiệp khối trường đại học sư phạm thì đã là những nhà giáo được đào tạo để có đầy đủ năng lực hành nghề dạy học.

Còn những sinh viên tốt nghiệp khối trường đại học khác có chuyên ngành tương đương thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mới được trở thành giáo viên.

Đây là quy định hiện hành, theo tôi như thế là đủ rồi. Nếu bây giờ chúng ta thêm chứng chỉ hành nghề nữa thì thứ nhất, gần như phủ định kết quả đào tạo của các trường đại học sư phạm, thứ hai là phát sinh các thủ tục hành chính không cần thiết.

Trước khi trở thành giáo viên trong một cơ sở giáo dục công lập thì họ phải trải qua một kỳ thi tuyển viên chức giáo viên. Vừa phải có bằng đại học đúng chuyên ngành, vừa phải trải qua một kỳ thi viên chức thì mới trở thành giáo viên, cần chứng chỉ hành nghề làm gì? Có chứng chỉ hành nghề rồi thì liệu họ có phải trải qua một kỳ thi nữa hay không?

Và qua công tác khảo sát, giám sát của Đoàn ĐBQH cũng như Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thì ở cơ sở, lấy ý kiến của những nhà quản lý giáo dục và chính giáo viên cũng có nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết phải có quy định về giấy phép hành nghề dạy học đối với giáo viên.

Tôi nghĩ rằng đây là một nội dung rất quan trọng, nếu chúng ta không làm cẩn thận thì nó phát sinh thủ tục hành chính rườm rà, thậm chí gây phiền hà cho giáo viên chứ không phải quản lý tốt hơn. Cho nên, tôi kiến nghị phải có sự rà soát và đánh giá tác động thật kỹ lưỡng. Và không nên cấp chứng chỉ, giấy phép hành nghề dạy học cho tất cả giáo viên, mà chúng ta phải khoanh vùng những đối tượng phải có chứng chỉ hành nghề dạy học.

PV: Bà kỳ vọng gì vào dự thảo Luật này nếu được ban hành?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Thứ nhất, tôi kỳ vọng luật này sẽ tạo ra “bức tranh” tổng thể, rõ ràng về nhà giáo, nêu bật lên vị thế, vai trò của nhà giáo, dành cho nhà giáo sự tôn vinh, bảo vệ xứng đáng.

Thứ hai, luật ra đời sẽ hoàn thiện những quy định về nhà giáo, khắc phục những bất cập hiện nay về đội ngũ nhà giáo, những bất cập khác trong quy định hiện hành liên quan nhà giáo.

Và cuối cùng, tôi hy vọng chúng ta sẽ phát triển được đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục - cơ sở rất quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

PV: Xin cảm ơn bà!

NÂNG CAO TÍNH CHỦ ĐỘNG CHO CƠ QUAN QUẢN LÝ GIÁO DỤC

Dự thảo Luật Nhà giáo với những quy định về chức danh, chuẩn nhà giáo nếu được ban hành thì sẽ có những tác động xã hội như thế nào? PV VOV Giao thông phỏng vấn PGS. TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội về nội dung này.

PV: Ông có đánh giá thế nào về quy định chức danh, chuẩn nhà giáo được đề cập trong dự thảo Luật?

PGS. TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội

PGS. TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội

PGS. TS Trần Thành Nam: Tôi nghĩ sẽ tạo nên một căn cứ rõ ràng, các nhà giáo phải là người đạt chuẩn về năng lực và phẩm chất để thực hiện hiệu quả hoạt động nghề nghiệp của mình và xứng đáng với danh xưng nhà giáo.

Quy định chức danh, chuẩn nhà giáo, người đứng đầu cơ sở giáo dục cũng sẽ là nền tảng để chúng ta chuẩn hóa đội ngũ, là căn cứ để xây dựng đề án vị trí việc làm, rồi công tác tuyển dụng, quản lý thực hiện, hay các chế độ đãi ngộ, chính sách tôn vinh với nhà giáo.

Đây là lần đầu tiên việc định danh nhà giáo gắn với đặc thù nghề nghiệp được quy định một cách đầy đủ và hệ thống trong dự thảo luật. Nó sẽ là cơ sở để xây dựng một hệ thống chính sách đầy đủ và đồng bộ cho nhóm nhà giáo.

Luật cũng quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của nhà giáo, trong đó có yêu cầu về đạo đức nhà giáo, những hành vi bị nghiêm cấm với các cá nhân, tổ chức có liên quan, cùng với các quy định về xử lý vi phạm với các hành vi bị nghiêm cấm.

Việc này tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ để nhà giáo thực hiện hoạt động nghề nghiệp, vừa tăng cường các phương diện pháp lý cần thiết để bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp của mình.

PV: Ông có thể đánh giá về quy định chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo được đề cập trong dự thảo Luật?

PGS. TS Trần Thành Nam: Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, chứng chỉ hành nghề có thể tạo thuận lợi cho nhà giáo nếu có thay đổi về nơi hoạt động nghề nghiệp. Chứng chỉ hành nghề có giá trị sử dụng toàn quốc, cho nên nhà giáo dạy học ở đâu cũng không phải thực hiện lại các chế độ như tập sự, giảm thủ tục cho nhà giáo khi chuyển từ cơ sở này sang cơ sở khác.

Chứng chỉ hành nghề còn có giá trị đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục giữa các cơ sở giáo dục; đảm bảo nhiều yêu cầu của hội nhập quốc tế, giúp cho việc trao đổi nhà giáo giữa các nước được thuận tiện hơn nếu chúng ta có chứng chỉ hành nghề được đảm bảo về kiểm soát chất lượng.

PV: Theo ông nếu dự thảo Luật được ban hành thì sẽ có tác động xã hội thế nào?

PGS. TS Trần Thành Nam: Tôi cho rằng nếu dự thảo luật với những quy định này được ban hành thì sẽ tạo điều kiện cần thiết để chuyển đổi mô hình quản lý, từ quản lý nhân sự đến quản lý chất lượng nguồn nhân lực nhà giáo, một nguồn nhân lực đặc biệt quan trọng cho sự phát triển. Và nó sẽ nâng cao tính chủ động cho các cơ quan quản lý giáo dục các cấp, đồng thời nâng cao vị thế của ngành giáo dục.

Còn đối với nhà giáo thì mở rộng hơn cơ hội tiếp cận và phát triển nghề nghiệp, được bảo vệ tốt hơn, tạo dựng uy tín tốt hơn và thông qua đó sẽ nâng cao chất lượng giáo dục.

PV: Xin cảm ơn ông!

Biên chế sự nghiệp của ngành giáo dục chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển đội ngũ nhà giáo còn một số vướng mắc, đặc biệt là việc thực hiện, tuyển dụng, bố trí, điều động giáo viên tại các địa phương, cơ sở giáo dục.

Do vậy, quy định chức danh, chuẩn nhà giáo thống nhất đối với cả nhà giáo công lập, dân lập, tư thục là rất cần thiết để nâng cao tính chuyên nghiệp của nghề dạy học; làm căn cứ thực hiện tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo.

Bên cạnh đó, như VOV Giao thông đã đề cập trong chuyên mục “Sự việc và góc nhìn”, dư luận và các nhà giáo đều có phản ứng với đề xuất quy định chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

Nếu xuất hiện thêm chứng chỉ hành nghề thì vấn đề đặt ra là có giúp nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của giáo viên, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy hay không? Hay sẽ khiến giáo viên mất nhiều thời gian và công sức hơn để đáp ứng các yêu cầu đặt ra để đạt được chứng chỉ, làm ảnh hưởng thời gian dành cho chuyên môn?

Việc xây dựng chính sách cần được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, tránh những tác động tiêu cực. Nếu chứng chỉ hành nghề này giống như một thủ tục hành chính thì nó không mang lại nhiều ý nghĩa và không thực sự cần thiết trong bối cảnh ngành giáo dục hiện nay đang còn rất nhiều việc cần làm.

Chứng chỉ hành nghề liệu có giúp nhà giáo chuyên nghiệp hơn, nâng cao chất lượng giáo dục, hay sẽ khiến đội ngũ giáo viên thêm mệt mỏi với các loại giấy tờ (Ảnh minh họa: Báo Phụ nữ)

Chứng chỉ hành nghề liệu có giúp nhà giáo chuyên nghiệp hơn, nâng cao chất lượng giáo dục, hay sẽ khiến đội ngũ giáo viên thêm mệt mỏi với các loại giấy tờ (Ảnh minh họa: Báo Phụ nữ)

VOV Giao thông đã liên hệ làm việc với cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật là Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục & Đào tạo. Tuy nhiên, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã không có câu trả lời sau nhiều lần phóng viên liên hệ trong hơn một tháng qua.

Bạn kỳ vọng gì vào dự thảo Luật này? Nếu dự thảo Luật được ban hành thì sẽ có những tác động xã hội như thế nào? Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho dự thảo qua hotline: 024.37.91.91.91, fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” trong khung giờ “FM91 chiều”, thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần trên VOV Giao thông FM 91MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcasts dành cho di động: Spotify, Apple Podcasts và Google Podcasts.