Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dự thảo trên tay

Có nên hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự?

Nguyễn Yên: Thứ hai 17/06/2024, 15:14 (GMT+7)

Hiện nay, chế tài hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được áp dụng theo hướng khoan hồng, nhân đạo. Do đó, hiện đang có nhiều tranh luận về độ tuổi trẻ vị thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự; có ý kiến cho rằng, cần phải hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự mới đủ sức răn đe.

NHIỀU NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI PHẠM TỘI RẤT CÔN ĐỒ, MAN RỢ

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên được xây dựng lần đầu tiên nhằm tạo lập khung pháp lý thống nhất dành cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên. Dự thảo Luật gồm 173 điều được bố cục thành 05 phần, 11 chương, gồm: quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng;  nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Về hình phạt đối với người chưa thành niên, Điều 101 dự thảo Luật quy định 4 hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trên cơ sở kế thừa Điều 98 của Bộ Luật Hình sự hiện hành, không phát sinh thêm loại hình phạt mới bao gồm: Cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; tù có thời hạn.

Theo Bộ Luật Hình sự hiện hành quy định, người từ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi được hưởng chính sách về người dưới 18 tuổi phạm tội, theo đó: không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình đối với người dưới 18 tuổi; đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì hình phạt tù cao nhất không quá 12 năm; đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì hình phạt tù cao nhất không quá 18 năm tù; trường hợp áp dụng tù có thời hạn thì hình phạt với người dưới 18 tuổi sẽ không quá ¾ mức hình phạt so với người đã thành niên.

Quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự được đánh giá là ít có những thay đổi; luật hình sự qua các thời kỳ đều quy định người từ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số loại tội phạm, còn người từ đủ 16 tuổi trở lên thì chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội phạm.

Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng những người dưới 14 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội rất nhiều nhưng chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên không được coi là tội phạm. Nhiều người phạm tội là người dưới 18 tuổi cũng thực hiện hành vi phạm tội rất tinh vi, côn đồ, man rợ, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. 

Trong cơ cấu tội phạm thì tuổi đời của những đối tượng phạm tội ngày càng giảm, trong đó có những tội phạm về kinh tế, ma túy, đặc biệt là tội phạm lừa đảo trên mạng internet, tội phạm công nghệ cao. Điều này đặt ra yêu cầu cần có quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội.

Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên đang được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khoá XV.

Những người phạm tội trong độ tuổi vị thành niên ngày càng gia tăng (ảnh minh hoa: baophapluat)

Những người phạm tội trong độ tuổi vị thành niên ngày càng gia tăng (ảnh minh hoa: baophapluat)

NẾU KHÔNG GIẨM ĐỘ TUỔI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ THÌ HỆ LỤY RẤT LỚN 

Người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) là nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội nên cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, nhất là trong hoạt động tư pháp hình sự. Do đó, việc xây dựng và ban hành Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên là yêu cầu khách quan và cần thiết.

Tuy nhiên, quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự trong dự Luật ra sao để đảm bảo cả tính nghiêm khắc và tính nhân văn? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi cùng TS. Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về nội dung này?

PV: Thưa đại biểu, dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên khi xây dựng quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự phải đáp ứng các yêu cầu nào?

TS. Nguyễn Thị Việt Nga: Tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa đã ở mức đáng báo động; và trẻ hóa ở những lĩnh vực phạm tội nghiêm trọng. Sắp tới, Quốc hội lần đầu tiên xem xét Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Tôi cho rằng quá trình tư pháp cho người chưa thành niên phải đáp ứng tốt nhất quyền trẻ em, quyền con người, tránh làm tổn thương đối tượng đặc biệt này, để các em có cơ hội hòa nhập cộng đồng, có cơ hội trưởng thành và vươn lên. 

Nhưng mặt khác cũng phải xem xét các quy định của pháp luật làm sao phù hợp với tình hình hiện tại.

PV: Vậy, theo đại biểu, có nên giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự?

TS. Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (ảnh: quochoi.vn)

TS. Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (ảnh: quochoi.vn)

TS. Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi thấy có khá nhiều ý kiến đưa ra về vấn đề chúng ta nên hạ thấp độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, và tôi rất đồng ý với quan điểm là hiện nay độ tuổi trưởng thành của trẻ em về mặt tâm sinh lý đã khác trước và có nhiều Luật liên quan đến độ tuổi này chúng ta đã sửa đổi. 

Chúng ta cũng nên xem xét giảm độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự vì nếu không xem xét giảm thì hệ lụy rất lớn trước tình trạng trẻ vị thành niên hiện nay phạm tội, thậm chí có tâm lý coi thường pháp luật với độ tuổi này vì nghĩ rằng dù mình gây việc gì đi nữa mình cũng chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự; hoặc rất đáng lo ngại là tình trạng lợi dụng người dưới 18 tuổi để có hành vi phạm tội.

Đây là điều tôi rất lo ngại.

PV: Ngoài ra, đại biểu còn có đóng góp gì cho việc xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên?

TS. Nguyễn Thị Việt Nga: Trong dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên chúng ta hướng đến việc áp dụng các hình thức phạt thay thế cho xử lý hình sự.

Khi chúng ta sử dụng những biện pháp này đối với những trẻ em phạm tội do nhận thức chưa đầy đủ hoặc bị lôi kéo trong phút bốc đồng thì hoàn toàn hợp lý.

Nhưng đối với đối tượng phạm tội không vì lý do đó mà số lượng này không phải ít thì thiên về sử dụng biện pháp thay thế thì không có hiệu quả và tác dụng răn đe, không có khả năng phòng ngừa.

Đây là mâu thuẫn mà chúng ta phải giải quyết và đặt trong mối quan hệ tổng thể chứ không chỉ nhìn ở góc độ quyền và nghĩa vụ của người chưa thành niên; mà trong bối cảnh tội phạm ngày càng trẻ hóa như hiện nay cần cân nhắc rất kỹ vấn đề này.

PV: Xin được cảm ơn đại biểu!

 GIÁO DỤC VÀ PHÒNG NGỪA

Quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự ra sao để vừa đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; góp phần giải quyết tốt các vấn đề đặt ra trong xử lý tội phạm chưa thành niên. PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi cùng Thượng tá, Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, Nguyên Phó Trưởng khoa Tâm lý, Trường Đại học An ninh nhân dân về nội dung này.

PV: Thưa ông, có đại biểu quốc hội mới đây đã đề xuất 12 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

Thượng tá, Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, Nguyên Phó Trưởng khoa Tâm lý, Trường Đại học An ninh nhân dân

Thượng tá, Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, Nguyên Phó Trưởng khoa Tâm lý, Trường Đại học An ninh nhân dân

Thượng tá, Tiến sĩ Đoàn Văn Báu:  Đề xuất này hoàn toàn có cơ sở khi sự phát triển của các em về tâm sinh lý và thể chất đã khác thế hệ trước.

Cần phải có những quy định pháp lý chặt chẽ để bảo vệ, ngăn chặn và phòng ngừa tình trạng trẻ hóa tội phạm.

Nhưng bản chất trẻ hóa trong phạm pháp hình sự thì không hẳn do sự phát triển thể chất hay tâm sinh lý mà cái chính là Dự Luật này phải đưa ra được những quy định làm hành lang pháp luật để giáo dục tại gia đình, nhà trường và xã hội, làm công tác phòng ngừa để các em không bị cuốn vào các tình huống có thể nảy sinh hành vi phạm tội, và khi các em phạm tội thì làm sao để giáo dục các em trở lại. Còn việc tăng hay giảm độ tuổi không phải vấn đề bản chất. 

PV: Vậy để phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội, Dự Luật này cần bổ sung điều gì?

Thượng tá, Tiến sĩ Đoàn Văn Báu: Dự Luật cần đề cập quy định về những văn hóa phẩm có thể ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ để bảo vệ sự phát triển bình thường của trẻ em.

Dự Luật cũng cần có quy định để đưa vào nhà trường dạy các kỹ năng như khi bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo hay hành vi bạo lực thì các em xử lý như thế nào; phải có lộ trình với các quy định rõ ràng để giáo dục, phòng ngừa và giảm tối đa tình trạng người chưa thành niên phạm tội.

Dự Luật này có ý nghĩa quan trọng, khi được ban hành nó là Luật riêng biệt về người chưa thành niên để các cơ quan hành pháp, tư pháp thực hiện các chính sách và bảo vệ người chưa thành niên; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng phòng ngừa, ngăn chặn người chưa thành niên phạm tội và bảo vệ quyền lợi cho người chưa thành niên phạm tội".

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Theo thống kê, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13 nghìn thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nói riêng và chính sách về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên nói chung cần được tiếp cận chuyên biệt, phù hợp với lứa tuổi, khả năng nhận thức của các em và hướng tới mục đích chính là giáo dục, cải tạo, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện nhận thức và hành vi, trở thành công dân tốt cho xã hội.

Bạn kỳ vọng gì vào Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên với quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên? Những quy định mới này sẽ tác động ra sao đến việc ngăn chặn và giảm các đối tượng trẻ vị thành niên phạm tội?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao.

----

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” trong khung giờ “FM91 chiều”, thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần trên VOV Giao thông FM 91MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcasts dành cho di động: Spotify, Apple Podcasts và Google Podcasts. 

 

Nguyễn Yên/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
“Bẫy” nắp cống

“Bẫy” nắp cống

“Nắp cống lồi, lõm luôn đem lại phiền phức cho người đi đường”, đây là một trong những ý kiến được nhiều thính giả chia sẻ với VOV Giao thông.

Ga Long Biên, điểm đến của du khách khi thăm Hà Nội

Ga Long Biên, điểm đến của du khách khi thăm Hà Nội

Người ta thường biết đến Hà Nội có một cây cầu Long Biên lịch sử trăm năm, với thiết kế độc đáo và luôn thu hút du khách tới tham quan... Thời gian gần đây, không chỉ có cầu Long Biên mà nhà ga Long Biên cũng đang trở thành một điểm đến thú vị với những thay đổi để phục vụ du khách...

Tranh tài đầy kịch tính tại ngày thi đấu thứ hai giải đua Victory Challenge Sailun Cup 2024

Tranh tài đầy kịch tính tại ngày thi đấu thứ hai giải đua Victory Challenge Sailun Cup 2024

Ngày 22/6, giải đua xe ô tô địa hình Chinh phục thử thách - Victory Challenge Sailun Cup 2024 tiếp tục bước sang ngày thi đấu thứ hai tại công viên hồ Thủy Tiên (xã Thủy Bằng, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Cuộc đua đã chứng kiến những màn tranh tài đầy gay cấn và kịch tính.

Làm gì để nâng cao hiệu quả của Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em?

Làm gì để nâng cao hiệu quả của Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em?

Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 đang được hưởng ứng và triển khai mạnh mẽ trên khắp cả nước, với chủ đề năm nay là "Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em".

Nên quy định ra sao để quyền lái xe của người khuyết tật không nằm trên giấy

Nên quy định ra sao để quyền lái xe của người khuyết tật không nằm trên giấy

Mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã có quy định cho phép người khuyết tật tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân, song phải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và phù hợp với điều kiện sức khỏe.

Miệng giếng giữa đường

Miệng giếng giữa đường

Đường Bờ Tây (nay là đường Ngô Quyền) bắt đầu từ khóm 5, Phường 2, TP. Bạc Liêu chạy dọc kênh 30/4, hướng ra phường Nhà Mát, với tổng chiều dài 5.800m. Sau 03 năm ì ạch tiến độ thì đến nay đã hoàn thành và cho thông xe.

Vì sao chậm nâng cấp cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dù đã có vốn?

Vì sao chậm nâng cấp cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dù đã có vốn?

Nhằm nâng cao năng lực thông hành, năm 2022, Bộ GTVT đã phê duyệt Dự án đầu tư Nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (trên địa phận TP. Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang). Đây là bước hoàn thiện để nâng tuyến đường này đạt tiêu chuẩn đường cao tốc.