Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Đường nội khốn khổ cạnh tranh với đường nhập lậu

Hải Hà: Thứ tư 24/07/2024, 06:05 (GMT+7)

Năm 2023, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam vào khoảng 600 nghìn tấn, bằng 63% lượng đường của các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

6 tháng đầu năm nay, lượng đường nhập lậu có xu hướng tăng, chủ yếu là đường phá giá của Thái Lan đi qua con đường tiểu ngạch qua hai nước Lào và Campuchia. Vậy, giải pháp nào để giảm bớt và ngăn chặn tình trạng nhập lậu đường?

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam xung quanh nội dung này:

PV: Xin ông cho biết, tình hình cung- cầu đường ở trong nước 6 tháng đầu năm, liệu có đáp ứng đủ nhu cầu trong nước?

Ông Nguyễn Văn Lộc: Hiện nay nguồn cung đường gồm: sản xuất từ mía, nhập khẩu chính ngạch, nhập lậu và siro đường nhập khẩu chính ngạch. Hiện nay cả 04 nguồn cung đều tăng hơn năm ngoái. Trong khi tình hình tiêu thụ đường năm nay chưa có khởi sắc. Hiện nay đang thừa cung đường và chắc chắn đến cuối năm sẽ vẫn thừa cung đường.

Đường cát nghi nhập lậu bị Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tạm giữ. (Ảnh: TTXVN phát)

Đường cát nghi nhập lậu bị Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tạm giữ. (Ảnh: TTXVN phát)

Năm 2023, tổng nguồn cung đường khoảng 2,1 triệu tấn, trong đó, lượng cung đường từ mía năm 2023 khoảng 950 nghìn tấn, 6 tháng đầu năm nay tăng 120% ; lượng đường nhập khẩu chính ngạch khoảng 300-400 nghìn tấn, đến giờ này, nhập khẩu khoảng 200 nghìn tấn đường,  nhập khẩu siro đường chính ngạch 300 nghìn tấn, còn lại đường ngập lậu 600 nghìn tấn.

Đường nhập lậu, hực chất là đường phá giá từ Thái Lan. Từ đầu năm đến nay, giá đường thế giới giảm, những đối tượng nhập lậu ở Campuchia và Lào tăng cường mua đường Thái Lan. Qua số liệu xuất khẩu đường Thái Lan và số liệu bắt giữ các vụ buôn lậu đường năm nay đều tăng hơn năm ngoái.

Đến thời điểm này, lượng cung đường dự kiến tăng hơn khá nhiều so với năm ngoái, Hiệp hội mía đường Việt Nam khẳng định là thừa cung.

PV: Với tình trạng, lượng đường nhập lậu có xu hướng tăng, điều này gây khó khăn gì cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Văn Lộc: Về đường nhập lậu, những năm trước đây, khi Hiệp hội mía đường phản ánh quy mô nhập lậu đường lớn, các cơ quan chức năng có phản ứng. Tuy nhiên, năm nay, Hiệp hội mía đường có cơ sở là số liệu xuất khẩu đường chính thức của Thái Lan sang Lào và Campuchia. Hai nước này một năm nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn nhưng năng lực tiêu thụ của họ cao nhất cũng chỉ 100-200 nghìn tấn nên lượng đường còn dư đó đi qua Việt Nam. Về quy mô đường nhập lậu, xác định tối thiểu có khoảng 600 nghìn tấn đường nhập lậu ở biên giới Tây Nam Capuchia

Bản chất đường này là đường Thái Lan phá giá, giá đường rẻ nên không thể cạnh tranh được.

PV: Hiệp hội mía đường có đề xuất, kiến nghị gì để hạn chế tình trạng nhập lậu này?

Ông Nguyễn Văn Lộc: Đối phó với đường phá giá này về chính thức chúng ta đã có quyết định chống bán giá rồi, tuy nhiên do họ đi bằng đường lậu nên việc đối phó không dễ.

Hiện nay Hiệp hội vẫn báo cáo với các cơ quan chức năng về tình hình đó và có biện pháp ngăn chặn từ 2 nước đó luôn. Nhưng hiện nay Lào và Campuchia đang nhập khẩu công khai. Cả Lào và Campuchia, Việt Nam đều tham gia tự do thương mai ASEAN. Nếu họ xuất khẩu đường sang Việt Nam qua đường chính thức, có khai báo hải quan thì được. Nhưng toàn bộ đường lậu đều đi qua đường ngang, lối tắt biên giới , không khai báo hải quan. Đây là hiện tượng vi phạm cam kết quốc tế.

Gần 7 tấn đường cát nhập lậu từ Campuchia. Ảnh: VnEconomy

Gần 7 tấn đường cát nhập lậu từ Campuchia. Ảnh: VnEconomy

Hiệp hội đã báo cáo và đề xuất Chính phủ có biện pháp ngăn chặn tình trạng này lại. Nhưng có một cái khó là đường lậu đã thâm nhập sâu, hình thành hệ thống. Trên thị trường tự do, đường lậu đang xuất hiện với hình thức vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa, vi phạm về nguồn gốc truy xuất.

Vừa qua, Hiệp hội đã thông tin đến cơ quan chức năng và tăng cường kiểm soát việc này. Tuy nhiên việc này không dễ, việc đối phó với tình trạng buôn lậu này rất nỗ lực, nhưng kết quả còn khiêm tốn.

Hiện nay chúng ta quản lý theo đúng quy định pháp luật hiện hành về ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, bởi vì mặt hàng đường là thực phẩm nên  yêu cầu thực hiện điều đó. Ngoài ra, sản phẩm không rõ nguồn gốc, khi tịch thu không được đưa lại thị trường nữa. Nhưng mà hiện nay tịch thu lại đường lậu nhưng sau đó bán đấu giá và quay lại thị trường, điều này không phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm.

PV: Vâng. Xin cảm ơn ông

Hải Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn