Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Bước tiến lớn trong xây dựng mạng lưới giao thông quốc gia đa chiều

Hoàng Anh: Chủ nhật 25/02/2024, 15:43 (GMT+7)

Năm 2023, Trung Quốc đạt được bước tiến vượt bậc trong việc mở rộng mạng lưới giao thông toàn diện và đa chiều nhằm thúc đẩy việc kết nối và tăng trưởng kinh tế. Mạng lưới giao thông đường bộ của nước này đã giúp trung chuyển 3,37 tỷ lượt hành khách trong 11 tháng năm 2023, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, đầu tư tài sản cố định (FAI) vào lĩnh vực giao thông vận tải đạt 3,6 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng hơn 500 tỷ USD) trong 11 tháng đầu năm 2023.

Trong thời gian này, hơn 7.000 km đường cao tốc đã được mở rộng hoặc cải tạo, 1.700 km đường sắt cao tốc mới được xây dựng và 1.000 km đường thủy cao cấp đã được bổ sung hoặc cải tạo.

Cùng với, đó, có thêm hai sân bay vận tải dân sự đã được chứng nhận. Tổng chiều dài đường sắt đô thị của đất nước đã tăng hơn 360 km.

Quang cảnh kênh đào Giang Hoài ở tỉnh An Huy phía đông Trung Quốc. Ảnh: CFP

Quang cảnh kênh đào Giang Hoài ở tỉnh An Huy phía đông Trung Quốc. Ảnh: CFP

Được đưa vào hoạt động vào năm 2023, kênh Giang Hoài (nối sông Dương Tử và sông Hoài Hà) ở tỉnh An Huy phía đông Trung Quốc là một phần của dự án nước lớn nhằm chuyển nước từ sông Dương Tử, con sông dài nhất Trung Quốc, sang sông Hoài Hà.

Được biết, dự án chuyển hướng nước này mất 6 năm để xây dựng sẽ cung cấp nước cho 15 thành phố ở tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc và tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Dự án sẽ mang lại lợi ích cho hơn 50 triệu người.

Nối sông Hoài Hà với hồ Sào Hồ và sông Dương Tử, tuyến đường thủy dài 355 km này là một kênh nhân tạo lớn khác song song với Kênh đào lớn Bắc Kinh-Hàng Châu.

Việc mở kênh Giang Hoài cho phép vận chuyển trực tiếp từ trung và thượng lưu sông Hoài Hà đến trung và thượng lưu sông Dương Tử mà không cần đi đường vòng dọc theo kênh Bắc Kinh-Hàng Châu, rút ngắn khoảng cách vận chuyển từ 200 đến 600 km.

Zhao Hu, một thủy thủ cho biết: “Trước đây, phải mất từ 7 đến 8 ngày để đến Vu Hồ, nhưng bây giờ chỉ mất từ 4 đến 5 ngày, tiết kiệm được 6.000 đến 7.000 nhân dân tệ (khoảng 20,7 – hơn 24,2 triệu VNĐ) chi phí vận chuyển”.

Nằm ở trung tâm kênh Giang Hoài, Cảng Paihe ở thành phố Hợp Phì cũng đã chuyển đổi từ cảng khởi hành thành cảng trung chuyển. Với việc Cơ sở Logistic Đường sắt Cảng Paihe bắt đầu hoạt động vào tháng 12 năm ngoái, các phương tiện sử dụng năng lượng mới và các hàng hóa khác được sản xuất tại Hợp Phì có thể được vận chuyển trực tiếp qua các tuyến đường sắt đến cảng. Việc giảm hơn 60% phí vận chuyển giữa các thành phố mang lại sự thúc đẩy đáng kể cho các ngành sản xuất và logistic địa phương.

Chen Jing, nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu và quy hoạch giao thông vận tải thuộc Bộ Giao thông vận tải, cho biết: "Việc kênh đào Giang Hoài được đưa vào hoạt động có thể tiết kiệm hơn 6 tỷ nhân dân tệ mỗi năm chi phí vận chuyển hàng rời nội địa,, giảm lượng khí thải carbon gần 1,8 triệu tấn và cắt giảm chi phí logistic cho các doanh nghiệp dọc theo tuyến đường thủy từ 5 đến 10 %”.

Về đường sắt, hệ thống đường sắt Trung Quốc vận chuyển tổng cộng 3,68 tỷ lượt hành khách trong năm 2023, với trung bình hàng ngày đạt hơn 10 triệu lượt và trong ngày cao điểm là hơn 20 triệu lượt, mức cao nhất từ trước đến nay.

Mặc dù sở hữu mạng lưới đường sắt lớn thứ hai sau Mỹ với tổng chiều dài gần 160.000 km tính đến cuối năm 2023, thế nhưng, xét riêng về đường sắt cao tốc, Trung Quốc hiện đang đứng đầu thế giới khi tổng chiều dài đường sắt cao tốc ở nước này đã chạm mốc 45.000km, bỏ xa quốc gia đứng thứ hai là Tây Ban Nha có tổng chiều dài 3.661km.

Tháng 9/2023, Trung Quốc cũng khai trương tuyến đường sắt cao tốc vượt biển Phúc Châu - Hạ Môn - Chương Châu dài 227 km. Đây là tuyến đường sắt cao tốc vượt biển đầu tiên của Trung Quốc với tốc độ thiết kế đạt 350 km/h, giúp giảm 1/2  thời gian di chuyển giữa Phúc Châu và Hạ Môn xuống chỉ còn chưa đầy 1 giờ.

Tuyến đường nối các thành phố Phúc Châu, Hạ Môn và Chương Châu ở tỉnh Phúc Kiến. Ảnh: Xinhua

Tuyến đường nối các thành phố Phúc Châu, Hạ Môn và Chương Châu ở tỉnh Phúc Kiến. Ảnh: Xinhua

Cuối tháng 12 vừa qua, nhiều tuyến đường sắt cũng được đưa vào hoạt động ở các tỉnh Quảng Đông, Tứ Xuyên, Quảng Tây….

Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc cho biết năm 2024 dự kiến sẽ thực hiện 3,86 tỷ lượt hành khách và vận chuyển 3,93 tỷ tấn hàng hóa. Đồng thời lên kế hoạch bổ sung hơn 1.000 km đường ray mới và hiện thực hóa doanh thu vận tải hàng hóa là 1.000 tỷ nhân dân tệ.

Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hoàn thành siêu dự án xây dựng mạng lưới giao thông quốc gia hiện đại, chất lượng cao và toàn diện của Trung Quốc đã đạt xấp xỉ 79%, với quy mô tổng cộng hơn 6 triệu km. Trong đó có khoảng 16.500 km đường thủy cao cấp.

Trung Quốc cũng có mạng lưới đường bộ cao tốc lớn nhất thế giới với tổng chiều dài 177.000 km, 254 sân bay vận tải dân dụng.

Báo cáo cuối năm 2023 của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết, nước này kế hoạch mở rộng mạng lưới đường bộ cao tốc đến 461.000 km vào năm 2035 và đặt mục tiêu trở thành mạng lưới cao tốc đẳng cấp thế giới năm 2050. 

Còn tại nước ta, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, 2023 là năm đột phá về đầu tư hạ tầng giao thông với việc khởi công 26 dự án; hoàn thành 20 dự án (đường bộ 17 dự án, hàng hải 1 dự án; đường thủy 2 dự án).

Chính phủ đã đưa vào khai thác thêm 730 km cao tốc, nâng tổng chiều dài cao tốc của cả nước lên gần 1.900 km. Với gần 1.700 km đang thi công, dự kiến năm 2025 cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam.và năm 2030 trên 5.000 km cao tốc.

Đây sẽ là điều kiện quan trọng để giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp từ khoảng 18-20% về mức 12% trong tổng giá thành như các nước trong khu vực.

Hoàng Anh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Nghĩa tình những chuyến xe “cứu khát miền Tây”

Nghĩa tình những chuyến xe “cứu khát miền Tây”

Kênh rạch trơ đáy, ruộng vườn xơ xác, lượng nước dự trữ cho việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày đang cạn dần… Đó là tình cảnh chung của nhiều bà con đang chịu ảnh hưởng từ đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm nay.

Từ 15/4, Hà Nội thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt

Từ 15/4, Hà Nội thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt

Sau gần 2 tháng triển khai, việc thí điểm thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt tại một số vị trí ở quận Tây Hồ, Hà Nội đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Vé buýt ảo, số hoá để tiết kiệm thời gian và công sức 

Vé buýt ảo, số hoá để tiết kiệm thời gian và công sức 

Mới đây, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội  triển khai áp dụng thẻ vé tháng ảo (thẻ phi vật lý) cho hệ thống vận tải hành khách công cộng. Đây là ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh có tên gọi “Thẻ vé Giao thông Hà Nội”.

Vĩnh Long: Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ nhà máy xay xát lúa gạo

Vĩnh Long: Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ nhà máy xay xát lúa gạo

Bước vào những ngày nắng nóng, người dân ở xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long liên tục “kêu cứu” vì trình trạng khói, bụi từ nhà máy xay xát lúa gạo trong khu vực trực tiếp thải ra môi trường.

Cao điểm nắng nóng, nâng cao cảnh báo cháy rừng

Cao điểm nắng nóng, nâng cao cảnh báo cháy rừng

Hiện nay, Nam Bộ đang bước vào cao điểm mùa nắng nóng, khô hạn, đặt nhiều cánh rừng vào tình trạng cảnh báo cháy cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm, cấp cực kỳ nguy hiểm).

Máy hát từ rác thải điện tử của anh kiến trúc sư mê âm nhạc

Máy hát từ rác thải điện tử của anh kiến trúc sư mê âm nhạc

Thống kê chỉ ra, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử. Đây là mối lo ngại rất lớn cho môi trường. Vì vậy, việc tái chế các linh kiện điện tử đã qua sử dụng là một việc làm rất ý nghĩa, góp phần hạn chế rác thải điện tử xả ra môi trường.

Đảo Ngọc 'thay áo mới'

Đảo Ngọc "thay áo mới"

Nếu các bạn đã quen thuộc với con phố Ngũ Xã khi tới đây thưởng thức món ngon Hà Nội, thì nay sẽ không khỏi ngạc nhiên với một Ngũ Xã vào buổi tối lên đèn. Các tuyến phố trên Đảo Ngọc đã đổi thay kể từ khi khu vực được xây dựng thành không gian văn hóa, ẩm thực mới.