Chuyện về chiếc máy bay huấn luyện và tuần tra lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam
Ngày 19/12/2024, tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, chiếc máy bay huấn luyện mang ký hiệu TP-150 được sản xuất tại Việt Nam bởi Công ty Flying Legend Vietnam lần đầu ra mắt công chúng. Có thể nói, việc sản xuất chiếc máy bay huấn luyện và tuần tra “made in Vietnam” đã thể hiện khát vọng làm chủ công nghệ, “làm chủ bầu trời” của người Việt.
TIẾP BƯỚC KHÁT VỌNG LÀM CHỦ BẦU TRỜI
Vừa hoàn thành những công việc cuối cùng để chuẩn bị cho Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (diễn ra từ 19-21/12/2024), ông Trần Hải Đăng - chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Flying Legend Vietnam cho biết, TP-150 là loại máy bay huấn luyện cơ bản và tuần tra dành cho quân đội được sản xuất tại Việt Nam, là sản phẩm của liên doanh hợp tác giữa Ý và Việt Nam, được thiết kế bởi công ty Flying Legend Italy và sản xuất tại nhà máy ở Vĩnh Phúc.
TP-150 được thiết kế, chế tạo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, cũng như các tiêu chuẩn áp dụng trong quân đội. TP-150 không chỉ đơn thuần là một chiếc máy bay, mà còn là niềm tự hào, một viên gạch đầu tiên cho nền sản xuất máy bay của Việt Nam.
VIDEO GIỚI THIỆU MÁY BAY FLYING LEGEND TP-150
30 năm công tác trong ngành phòng không – không quân, tích lũy nhiều kinh nghiệm bảo dưỡng, sửa chữa, thiết kế, chế tạo, cải tiến các phương tiện bay, huấn luyện đào tạo người lái..., ở tuổi 50, ông Trần Hải Đăng đã có một quyết định táo bạo: Cùng các đồng sáng lập khởi nghiệp bằng việc sản xuất chiếc máy bay huấn luyện tuần tra TP-150.
Khi được thấy chiếc máy bay đầu tiên do đơn vị mình sản xuất tham gia triển lãm quốc phòng quốc tế mà Việt Nam, ông Đăng cảm thấy thật vinh dự và tự hào:
“Ước mơ, khát vọng làm chủ bầu trời đã được thực hiện từ thế hệ cha anh của chúng tôi, từ 40 năm trước, các bác đã khát khao và đã làm rồi. Việc chúng tôi làm ở đây, chúng tôi nghĩ rằng là bước tiếp theo của thế hệ sau này để chúng ta tiếp bước khát khao, khát vọng làm chủ bầu trời và khi chúng tôi sản xuất ra thành công sản phẩm đầu tiên này rồi, chúng tôi hy vọng rằng nó sẽ được đón nhận”, ông Trần Hải Đăng nói.
Giám đốc Kỹ thuật Công ty Flying Legend Vietnam, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, TP-150 là loại máy bay huấn luyện sơ cấp và tuần tra được thiết kế bởi các kỹ sư Italy. Động cơ, cánh quạt và thiết bị điện tử của máy bay là của các nước phương Tây, còn cấu trúc thân, cánh, càng và các phụ kiện được sản xuất và lắp ráp tại nhà máy của Flying Legend Vietnam ở Vĩnh Phúc.
Bởi vậy, từ giá thành, chi phí vận hành, bảo dưỡng đều hiệu quả kinh tế cao so với máy bay huấn luyện đang sử dụng. Thêm nữa, TP-150 dùng cho huấn luyện phi công quân sự nhưng cũng có thể sử dụng trong hàng không dân dụng.
Ông Nam chia sẻ: “Ưu việt của máy bay này, thứ nhất là nó là một chiếc máy bay rất phù hợp với máy bay huấn luyện sơ cấp, cũng như bay thể thao. Vì nó được làm ở Việt Nam cho nên chúng ta chủ động hoàn toàn về trang thiết bị vật tư, khí tài nếu sau này trong quá trình hoạt động, bảo dưỡng nó thì chúng ta chủ động hoàn toàn trong công tác bảo đảm đó”.
2 lần đến thăm xưởng sản xuất, anh Nguyễn Bá Hải, phi công trưởng, Giám đốc khai thác bay, Hải Âu Aviation mới dám tin Việt Nam có thể sản xuất được máy bay. Chiếc máy bay này có thể đáp ứng được việc huấn luyện sơ cấp đối với các phi công chuyên nghiệp, hoặc bay thể thao, giải trí…:
“Rất sung sướng, bởi vì máy bay mà sản xuất tại Việt Nam thì đối với người trong nghề đó là một điều gần như kỳ diệu, bởi không chỉ các vấn đề về khoa học kỹ thuật đâu, mà ở Việt Nam, các vấn đề về thủ tục, về hành lang pháp lý còn rất khó khăn, cho nên việc có những người làm việc như thế ở Việt Nam thì đó là sự độc đáo và rất đáng trân trọng và phải gọi đấy là một cuộc cách mạng”, anh Nguyễn Bá Hải hồ hởi nói.
Vốn là một phi công, từng lái các loại máy bay chiến đấu của Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Kim Cách, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương cũng không giấu được niềm tự hào về một sản phẩm máy bay “made in Vietnam”.
Ông cho rằng, dù Việt Nam đã từng sản xuất các thế hệ máy bay như TL-1, VNS 141, song việc Việt Nam sản xuất được máy bay TP 150 là một thành tựu lớn, như một cuộc cách mạng, có giá trị lớn về mặt kinh tế, đào tạo phi công.
Trung tướng Nguyễn Kim Cách đánh giá: “Máy bay này có rất nhiều tiềm năng để đưa vào thực tế, có thể đưa vào huấn luyện phi công, bước đầu tiên trong quá trình huấn luyện phi công chiến đấu; thứ hai là đưa vào các hoạt động máy bay thể thao, cho các câu lạc bộ hàng không cũng như những người yêu thích thể thao; thứ ba là sau này khi điều kiện kinh tế tốt hơn, có thể dùng làm máy bay tư nhân; thứ tư, có thể dùng máy bay này để giúp cho nông nghiệp, tuần tra kiểm soát và rất nhiều tác dụng khác nữa".
VẪN CÒN CHỒNG CHẤT KHÓ KHĂN
Để sản xuất được máy bay, không chỉ có nỗ lực của một doanh nghiệp, mà còn cần cả một chuỗi các nhà cung cấp phụ trợ chuyên về vật liệu hàng không, dụng cụ thiết bị kiểm tra, thử nghiệm. Những nguồn cung này ở Việt Nam còn thiếu rất nhiều, chủ yếu sẽ phải nhập khẩu. Các chính sách về thuế nhập khẩu ưu đãi cho lĩnh vực này cũng cần được xem xét.
Quy định cấp chứng chỉ (Type certificate) và cấp phép khả phi (Certificate of Airworthiness) cho tàu bay hạng nhẹ dùng trong hàng không dân dụng và quân sự còn rất sơ sài, tuy nhiên lĩnh vực này có thể thừa nhận qui định của các quốc gia như Mỹ và Châu Âu, thì chúng ta cũng có thể thực hiện được. Tuy nhiên, vấn đề khó là ở Việt Nam chưa có các nhân sự (kỹ sư, giám sát viên, phi công bay thử, …) đủ sức đánh giá và phê chuẩn theo các hành lang pháp lý trên.
Một vấn đề khác là chưa có quy hoạch sân bay chuyên dùng, dành cho chế tạo thử nghiệm các máy bay. Các nhà máy sản xuất sẽ được đặt ngay tại các sân bay này, sau quá trình lắp ráp hoàn chỉnh, máy bay có thể được kéo ngay ra ngoài đường băng để thực hiện các bài bay kiểm tra trước khi xuất xưởng.
Ở một cấp độ cao hơn, Việt Nam chúng ta cần có thêm các cơ sở thử nghiệm chuyên ngành hàng không, nơi có thể thực hiện được các bài kiểm tra về khí động lực học cho các phương tiện bay, thử nghiệm các tham số của động cơ và các hệ thống máy bay.
Bởi vậy, theo ông Võ Điện Biên (con trai cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp)– một trong những người tham gia sản xuất máy bay TL-1 cách đây 40 năm cho rằng, sự xuất hiện của TP-150 là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử hàng không Việt Nam, cho thấy nỗ lực và khát vọng vươn mình của một doanh nghiệp trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự khởi đầu của một khát vọng, còn việc để chiếc máy bay đầu tiên do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thực sự cất cánh vào thị trường hàng không Việt Nam thì còn rất nhiều việc phải làm. Ông Võ Điện Biên nhắn nhủ:
“Trước đây mới chỉ là những máy bay thử nghiệm, nhưng bây giờ thì đã hoàn thiện và sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, giá mà loại này đưa được vào thị trường phổ thông của Việt Nam là tốt nhất, vì nó là máy bay huấn luyện sơ cấp và để đưa vào sử dụng đại trà ở mức huấn luyện sơ cấp, tính chất của máy bay này rất phù hợp.
Bây giờ đã có sản phẩm hoàn thiện, còn cái khó là mình có giúp ích được vào nền hàng không nước nhà không, mà cụ thể là áp dụng cho các bạn trẻ hay không thì đấy là mình mong muốn ở các bạn mới bây giờ”.
Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa máy bay đầu tiên sản xuất tại Việt Nam đưa ra thị trường trong nước và quốc tế, ông Trần Hải Đăng, Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Flying Legend Vietnam cho hay, sau triển lãm quốc phòng lần này, đơn vị sẽ nộp đơn đến các cơ quan như Bộ Quốc phòng, Cục tác chiến, Quân chủng Phòng không – Không Quân, Cục hàng không Việt Nam đề nghị hướng dẫn giúp đỡ.
"Đầu tiên là thực hiện việc cấp phép cho chúng tôi được bay kiểm tra các máy bay trước khi xuất xưởng. Sẽ có các phi công và kỹ sư của Ý sang hỗ trợ Việt Nam thực hiện công việc này. Các máy bay sau đó sẽ được xuất khẩu sang các nước theo đơn đặt hàng đã có sẵn.
Chúng tôi mong muốn các khách nước ngoài có thể đến thăm nhà máy sản xuất của chúng tôi và chứng kiến các hoạt động bay kiểm tra trước khi xuất xưởng, để họ ký chấp nhận trước khi bàn giao máy bay. Mỗi một chiếc máy bay trước khi đưa vào sử dụng sẽ đều phải thực hiện quy trình này, đây là một thông lệ quốc tế.
Về lâu dài, Flying Legend Vietnam mong muốn máy bay sẽ được Việt Nam phê chuẩn và sử dụng trong huấn luyện đào tạo và hàng không chung. Là những người sáng lập, Flying Legend Vietnam hiểu rất rõ máy bay này nếu được sử dụng trong huấn luyện phi công ở Việt Nam, sẽ góp phần hiện đại hóa đội bay và tăng cường năng lực huấn luyện đào tạo người lái máy bay trong nước.
Ngoài ra, chiếc máy bay này sẽ góp phần hiện thực hóa Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên ngành công nghiệp mới được Quốc hội phê chuẩn gần đây. Hy vọng của chúng tôi là Flying Legend Vietnam sẽ trở thành một điển hình doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Việt Nam".