Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Thay đổi cách thức máy bay di chuyển trên sân bay giúp tiết kiệm nhiên liệu, giảm khí thải

Huy Văn: Thứ tư 11/12/2024, 09:46 (GMT+7)

Ngành hàng không thế giới đang nỗ lực giảm lượng khí thải, thì các nỗ lực không chỉ nằm ở việc tìm kiếm nhiên liệu sạch, thay đổi máy bay, công nghệ, mà còn có những tiếp cận mới khác. Trong đó có bao gồm thay đổi cách thức máy bay di chuyển trên sân bay bằng việc sử dụng loại xe kéo đặc biệt.

Tại phần lớn các sân bay, các máy bay khi cất cánh đều phải tự di chuyển ra đường băng, nhưng thời gian tới tại Mỹ và có thể là nhiều quốc gia khác, quy trình này sẽ được thay đổi. Vừa qua tại sân bay John F.Kennedy (J.F.K), Cảng vụ New York và New Jersey đã hợp tác với hãng hàng không Delta Airlines xin thử nghiệm một loại xe kéo bán tự động có tên gọi Taxibot, với nhiệm vụ kéo các máy bay ra đường băng nhằm giúp các máy bay tiết kiệm một phần nhiên liệu.

Theo đó, phi hành đoàn của hãng hàng không Delta Air Lines gắn xe kéo TaxiBot vào một máy bay đã tắt động cơ. Sau đó phi công điều khiển xe kéo này từ xa để đưa máy bay di chuyển từ nhà chứa này sang nhà chứa khác. Để đảm bảo an toàn, một nhân viên sẽ có mặt bên trong xe kéo để xử lý tình huống khẩn cấp nếu có.

Xe kéo Taxibot thử nghiệm tại sân bay J.F.K, Mỹ. Ảnh: Cảng vụ New York và New Jersey

Xe kéo Taxibot thử nghiệm tại sân bay J.F.K, Mỹ. Ảnh: Cảng vụ New York và New Jersey

Ông Michel Bonnifet, phi công của Airbus, từng tham gia công tác vận hành thử nghiệm TaxiBot chia sẻ:

“Tôi thấy xe kéo TaxiBot khá dễ sử dụng. Nó không khác nhiều so với việc điều khiển máy bay thông thường ra đường băng. Tôi chỉ mất khoảng 5 phút để làm quen với quy trình vận hành. Tôi cho rằng mọi phi công đều có thể làm quen nhanh chóng với phương tiện này”.

Ông Ralph Tamburro, cựu kiểm soát viên không lưu, hiện đang làm việc tại Cảng vụ New York – New Jersey cho biết: “Về cơ bản, đây là một siêu xe kéo, được điều khiển bởi phi công của chính chiếc máy bay, chứ không cần một tài xế xe kéo riêng biệt. Ý tưởng đằng sau việc triển khai chiếc xe này là để nhằm giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ tại sân bay, một trong những tác nhân lớn gây ra lượng khí thải CO2”.

Việc sử dụng các xe kéo máy bay đang là một trong nhiều phương án mà ngành hàng không Mỹ hướng tới để đạt mục tiêu giảm mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Trước khi áp dụng Taxibot, nhiều sân bay tại Mỹ đã và đang dần chuyển đổi sang các thiết bị chạy điện thay vì xăng tại các khu vực gara hay nhà chờ sân bay.

Ông Peter Stearn, giám đốc Bộ phận phát triển kinh doanh khu vực Bắc Mỹ của công ty Smart Airport System, đơn vị sản xuất xe kéo Taxibot, cho biết đây là lần đầu tiên loại xe kéo này được thử nghiệm tại Mỹ, đi đầu trong phong trào phát triển bền vững trong ngành hàng không. Các cuộc thử nghiệm tương tự cũng đang diễn ra tại nhiều nơi khác như sân bay Charles-de-Gaulle ở Paris, Pháp hay sân bay Brussel, Bỉ và sắp tới là sân bay Amsterdam Schiphol, Hà Lan.

Ông Marteen Bus, kỹ sư hàng không phụ trách giai đoạn thử nghiệm TaxiBot tại sân bay Amsterdam Schiphol, Hà Lan chia sẻ:

“Sân bay Schiphol mới đây đã tiếp nhận 2 chiếc Taxibot. Trong suốt quá trình thử nghiệm vừa qua, Taxibot đã giúp tiết kiệm một nửa số nhiên liệu mà một máy bay thông thường phải tiêu tốn trong quá trình di chuyển ra đường băng. Tôi hy vọng rằng TaxiBot có thể trở thành tiêu chuẩn cho mọi xe kéo máy bay trong tương lai, nhưng giờ vẫn còn rất nhiều thứ cần chỉnh sửa, thích nghi với hạ tầng sân bay hiện nay”.

Xe kéo TaxiBot tại sân bay Amsterdam Schiphol, Hà Lan

Xe kéo TaxiBot tại sân bay Amsterdam Schiphol, Hà Lan

Nếu Cục hàng không Mỹ chấp thuận công nghệ này, xe kéo Taxibot sẽ có thể được sử dụng tại toàn bộ các sân bay của Mỹ. Hiện Taxibot mới chỉ được sử dụng nhiều tại Ấn Độ, với khoảng 4.000 lượt sử dụng tại sân bay ở Bangalore và New Delhi trong vòng 5 năm qua.

Ông Peter Stearn cho biết thêm, sử dụng Taxibot đem lại hiệu quả đáng kể trong việc kéo giảm khí thải carbon. Ước tính việc sử dụng xe kéo máy bay ra đường băng sẽ giúp giảm tới 85% so với việc máy bay tự chạy ra đường băng. Trong khi đó, ông Tamburro cho biết TaxiBot giúp tiết kiệm khoảng 240kg nhiên liệu phản lực cho mỗi chuyến bay, tương đương lượng nhiên liệu cần thiết cho ô tô di chuyển hơn 2.100km.

Dù lượng nhiên liệu tiết kiệm được chỉ chiếm phần rất nhỏ trong tổng lượng nhiên liệu cho một chuyến bay, nhưng ông Stearn lạc quan rằng hoạt động di chuyển của máy bay trên mặt đất là nguồn phát khí nhà kính lớn nhất trong khu vực sân bay, do đó mọi nỗ lực giảm phát thải, dù lớn hay nhỏ đều là một chiến thắng cho các hãng hàng không, sân bay và môi trường.

Hiện tại Việt Nam, Dự án sân bay quốc tế Long Thành được đánh giá là một ví dụ điển hình trong việc xây dựng một sân bay theo hướng bền vững, hướng đến mục tiêu Net Zero. Sân bay được thiết kế theo hướng ưu tiên sử dụng các hệ thống năng lượng tái tạo, chọn lựa các thiết bị ‘xanh’, cũng như áp dụng các giải pháp quản lý năng lượng tốt nhất để tính toán kỹ lưỡng nhằm giảm lượng phát thải carbon trong toàn bộ vận hành.

Hay như hãng hàng không Vietnam Airlines đã áp dụng giải pháp lăn bánh một động cơ nhằm giảm tiếng ồn tại sân bay và giảm nhiên liệu tiêu thụ, từ đó giảm phát thải.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không của Bộ Giao thông Vận tải, năm 2050, Việt Nam hướng đến mục tiêu sở hữu 33 sân bay trên cả nước. Tuy nhiên, một sân bay lớn có thể sử dụng năng lượng gần ngang với 1 thành phố có 100.000 dân, và lượng CO2 phát thải tại sân bay chiếm đến 2% tổng lượng phát thải CO2 năm 2022.

Do đó, xây dựng sân bay đảm bảo tính bền vững và giảm thải carbon đang trở thành bài toán lớn cho ngành hàng không Việt Nam trong tương lai.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn