Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Cách Malaysia ngăn chặn tiêu cực trong cấp bằng lái xe

Huy Văn: Thứ hai 09/12/2024, 20:49 (GMT+7)

Bất cứ hành vi tiêu cực, gian lận nào trong quá trình đào tạo, sát hạch cấp giấu phép lái xe có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Và hiện Malaysia đang cố gắng áp dụng công nghệ để hạn chế nguy cơ tham nhũng, tiêu cực trong công tác thi, cấp bằng lái.

Vấn nạn tham nhũng, hối lộ trong đào tạo, cấp giấy phép lái xe ở nước này là chủ đề nhức nhối trong suốt nhiều năm qua. Trong đó, một số tổ chức công khai quảng bá cung cấp dịch vụ có tên "lóng" là "giấy phép lái xe bay" cho phép thí sinh thi bằng lái xe chỉ cần trả tiền lót tay, không cần thi cũng có bằng lái.

Những năm gần đây, giới chức Malaysia bắt giữ, khởi tố hình sự nhiều vụ án liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực trong đào tạo và cấp giấy phép lái xe. Như vào tháng 11/2023, bốn cán bộ trong ngành đã bị Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia bắt giữ vì nghi ngờ nhận hối lộ số tiền tương đương 1,8 tỷ VNĐ để giúp thí sinh không cần thi vẫn có bằng.

Tham nhũng, hối lộ trong đào tạo, cấp giấy phép lái xe là chủ đề nhức nhối trong suốt nhiều năm qua tại Malaysia. Ảnh: Bernama Images

Tham nhũng, hối lộ trong đào tạo, cấp giấy phép lái xe là chủ đề nhức nhối trong suốt nhiều năm qua tại Malaysia. Ảnh: Bernama Images

Chưa kể kèm theo đó còn có tình trạng lừa đảo khi nhiều tổ chức, nhóm người nhận làm bằng lái mà không cần thi trên mạng xã hội. Theo tờ The Sun, ông Janagarajan, quan chức cấp cao của Cục Giao thông đường bộ Malaysia (JPJ), nhiều nạn nhân cho biết, nếu may mắn, sau khi chuyển tiền cho kẻ gian, họ sẽ nhận được tấm bằng lái xe giả nhưng không có giá trị; còn nếu xui xẻo, kẻ gian đơn giản chỉ “bặt vô âm tín” sau khi nhận được tiền từ nạn nhân.

Để đấu tranh, chống lại vấn nạn tham nhũng, hối lộ trong đào tạo, cấp giấy phép lái xe ở Malaysia, hiện quốc gia này đã bắt đầu thí điểm ứng dụng bài kiểm tra điện tử sát hạch có tên gọi e-Testing.

Theo đó, tại phần thi thực hành, thí sinh sử dụng ô tô có gắn cảm biến và camera, điều khiển ô tô trên sa hình lắp đặt cảm biến, kết nối với một trung tâm kiểm soát. Sẽ không có cán bộ trông thi ngồi cạnh thí sinh trong suốt quá trình làm bài thi. Tại trung tâm, các cán bộ làm nhiệm vụ sẽ theo dõi toàn bộ quá trình thí sinh hoàn thành bài thi từ xa. Thí sinh cũng có thể xem lại toàn bộ quá trình thi của mình nếu bị trượt.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia, ông Anthony Loke kỳ vọng kế hoạch triển khai bài thi sát hạch điện tử e-Testing sẽ giúp giảm thiểu tình trạng tiêu cực xảy ra suốt thời gian dài trong công tác thi, cấp bằng lái. Theo ông, hình thức thi này sẽ hạn chế tương tác giữa cán bộ và thí sinh dự thi. Từ đó, giảm nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Malaysia phấn đấu áp dụng hình thức thi mới này tại tất cả điểm thi trên phạm vi toàn quốc trong vòng 6 năm tới.

Với E-testing, các cán bộ làm nhiệm vụ sẽ theo dõi toàn bộ quá trình thí sinh hoàn thành bài thi từ xa. Ảnh: Lowyat

Với E-testing, các cán bộ làm nhiệm vụ sẽ theo dõi toàn bộ quá trình thí sinh hoàn thành bài thi từ xa. Ảnh: Lowyat

Hiện các thí sinh thi cấp bằng lái vẫn có thể lựa chọn giữa 2 hình thức: truyền thống và E-testing. Ông Anthony Loke cho biết thêm, để khuyến khích lựa chọn hình thức thi mới, các thí sinh chọn e-Testing có thể thi lại ngay trong ngày nếu không vượt qua bài kiểm tra lần đầu:

“Thí sinh lựa chọn hình thức thi E-testing có thể làm lại bài thi lần thứ hai mà không phải trả thêm bất cứ một khoản phí nào. Tại sao chỉ là một lần thi lại? Đó là để đảm bảo tính công bằng, bởi thí sinh bị trượt được thi lại ngay trong ngày. Điều đó vốn đã đem lại cho họ một chút lợi thế bởi nhờ E-testing, họ biết mình sai ở đâu và có thể nhanh chóng khắc phục.”

Theo ông Datuk Zailani Hashim, người đứng đầu Cục Giao thông đường bộ Malaysia, việc triển khai E-testing cũng hướng tới tiết kiệm nhân lực cho các trung tâm dạy lái:

“Số lượng các cán bộ trông thi sẽ được giảm xuống bởi hầu hết các phần của bài thi sẽ được hệ thống thực hiện một cách tự động. Sẽ chỉ cần khoảng 2-3 cán bộ, thay vì 6-7 người như trước, từ đó cũng giúp tiết kiệm chi phí cho các trung tâm dạy lái”.

Chia sẻ với tờ The Sun, Giáo sư Law Teik Hua, giám đốc Trung tâm nghiên cứu an toàn giao thông của Đại học Putra Malaysia cho biết, dù công nghệ đem lại phương pháp tiếp cận hiện đại, đầy hứa hẹn trong công tác đánh giá, sát hạch thi bằng lái xe, nhưng cũng đem lại những thách thức trong việc duy trì tính toàn vẹn, hiệu quả của các bài kiểm tra, cũng như đảm bảo an toàn cho các thí sinh trong quá trình thi.

Cụ thể, giáo sư Law cho biết Sở GT đường bộ Malaysia sẽ cần duy trì việc bảo trì hệ thống, sửa lỗi kỹ thuật để đảm bảo tính công bằng cho các bài kiểm tra. Còn về tính an toàn, một số thí sinh cho biết việc không có giám khảo ngồi cùng xe có thể khiến họ lo ngại nếu xảy ra tình huống khẩn cấp, do đó Cục GT đường bộ Malaysia cần tìm cách đảm bảo an toàn cho các thí sinh trong xuyên suốt quá trình làm bài thi.

E-testing được kỳ vọng sẽ giải quyết nhiều vấn đề với công tác sát hạch lái xe. Ảnh: The Star

E-testing được kỳ vọng sẽ giải quyết nhiều vấn đề với công tác sát hạch lái xe. Ảnh: The Star

Liên quan tới công tác đào tạo, sát hạch cấp bằng lái xe, tại Việt Nam, mới đây Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về hoạt động đào tạo và sát hạch lái xe. Trong đó, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định về thiết bị chấm điểm tự động với giấy phép lái xe (GPLX) các hạng: B1, BE, CE, D1E và DE. Theo Bộ GTVT, việc chấm điểm tự động góp phần công khai minh bạch kết quả sát hạch, đảm bảo nguyên tắc thống nhất của toàn bộ quy trình sát hạch lái xe.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề xuất quy chuẩn sân tập lái xe sau khi nhiều cơ sở đào tạo thu nhận hàng nghìn học viên nhưng không đầu tư sân bãi, để xảy ra tình trạng 'lách luật'. Hiện Dự thảo đề xuất về việc cơ sở đào tạo lái xe ô tô bố trí số lượng sân tập lái phù hợp với lưu lượng và chương trình đào tạo; số lượng sân tập lái tính theo lưu lượng học viên, được xác định theo nguyên tắc một sân tập lái ô tô đáp ứng tối đa lưu lượng 1.000 học viên.

Ngoài ra, sân tập lái xe ô tô phải có đủ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, đủ tình huống các bài học theo nội dung chương trình đào tạo; kích thước các hình tập lái theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ đối với từng hạng xe tương ứng.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn