Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Nhà sản xuất pin lớn nhất phá sản, giáng mạnh vào tham vọng xe điện của Châu Âu

Huy Văn: Thứ ba 17/12/2024, 08:58 (GMT+7)

Việc phát triển công nghệ liên quan tới pin xe điện đóng vai trò quan trọng không kém gì việc ra đời những thế hệ xe điện mới. Nhưng mới đây, ngành xe điện Châu Âu đã phải đón nhận tin buồn khi hãng pin xe điện lớn nhất khu vực, Northvolt, mới đây đã nộp đơn xin phá sản.

Vào ngày 21/11 vừa qua, nhà sản xuất pin xe điện Northvolt của Thụy Điển đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. CEO của công ty là Peter Carlsson cũng đã từ chức một ngày sau đó, dù ông này vẫn sẽ ở trong hội đồng quản trị.

Tình hình thanh khoản của công ty này đã trở nên ảm đạm khi chỉ còn đủ tiền mặt để duy trì hoạt động trong khoảng 1 tuần và đã đảm bảo được 100 triệu USD cho quá trình xin bảo hộ phá sản. Khoản tiền này là một phần trong khoản hỗ trợ tài chính 245 triệu USD cho quá trình phá sản.

Ngoài ra, nhà sản xuất xe tải Scania tại Thụy Điển, khách hàng lớn nhất của Northvolt, cho biết họ đã cho công ty này vay 100 triệu USD để hỗ trợ sản xuất pin xe điện tại Thụy Điển. Hoạt động của Northvolt vẫn diễn ra bình thường trong thời gian tiến hành các thủ tục xin bảo hộ phá sản.

Northvolt, NSX pin xe điện lớn nhất Châu Âu mới đây đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Ảnh: Reuters

Northvolt, NSX pin xe điện lớn nhất Châu Âu mới đây đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Ảnh: Reuters

Daniel Harrison, nhà phân tích của Ultima Media, công ty truyền thông của Anh chuyên về ngành công nghiệp vận tải chia sẻ: “Sự việc chưa đến mức quá nghiêm trọng như nhiều người nghĩ. Northvolt vẫn sẽ tiếp tục sản xuất trong lúc họ tái cơ cấu lại bộ máy, tìm phương án tài chính mới, tương tự như việc họ vừa vay tiền từ nhà đầu tư của mình Scania. Nhưng rõ ràng đây là bước lùi lớn, một lời cảnh báo với công ty này”.

Sự việc này đánh dấu bước ngoặt đáng lo ngại đối với tham vọng phát triển ngành công nghiệp xe điện của châu Âu. Từng được ca ngợi là nhà sản xuất pin hàng đầu châu Âu, tình trạng phá sản của Northvolt không chỉ khiến các nhà đầu tư mất tiền mà còn phủ bóng đen lên tham vọng sản xuất xe điện của châu Âu.

Nhu cầu về xe chạy bằng pin ở châu Âu đã trì trệ trong năm nay khi chỉ tăng 1,3% trong nửa đầu năm 2024, thấp hơn so với mức 14,6% của năm trước. Thị trường pin EV toàn cầu do các công ty Trung Quốc thống trị, với Trung Quốc chiếm gần 85% công suất sản xuất pin, dẫn đầu bởi CATL hay BYD.

Cựu CEO Celina Mikolajczak của Tesla, hiện là giám đốc công nghệ pin tại Lyten, một công ty ở Thung lũng Silicon đang phát triển pin được sản xuất bằng lưu huỳnh giá rẻ thay vì các kim loại đắt tiền như nickel và cobalt, lại có ý kiến khác. Bà cho rằng, muốn cạnh tranh với Trung Quốc thì cần phải có sự đột phá trong công nghệ; nếu không, sẽ hoàn toàn không có hy vọng.

Nhưng thực trạng sản xuất pin tại EU hiện tại vẫn còn quá nhiều vấn đề. Năm 2023, EU đã ban hành Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng (CRMA) với mục tiêu đảm bảo châu Âu là cơ sở sản xuất xe điện, tua-bin gió và các hàng hóa xanh khác, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các sản phẩm đó và các khoáng chất quan trọng.

Theo đó, EU đặt mục tiêu ít nhất 10% nguyên liệu thô quan trọng được coi là thiết yếu cho quá trình chuyển đổi năng lượng phải được khai tác tại châu Âu vào năm 2030. Và 40% trong số nguyên liệu đó sẽ được dùng để chế tạo pin lithium cho xe điện. Tuy nhiên, Châu Âu chỉ có nguồn dự trữ lithium chiếm khoảng 3,1%, và việc khai thác nguồn nguyên liệu đó cũng không hề dễ dàng.

Tiến sĩ Jochen Kolb của Viện Công nghệ Karlsruhe, Đức chia sẻ: “Đó là một mục tiêu phi thực tế. Khi mà chúng ta nhìn vào thực trạng đầu vào, chính là việc khai thác khoáng sản hiện nay, tôi cho rằng mục tiêu EU đưa ra là không khả thi vì sẽ mất quá nhiều thời gian để xây dựng một khu mỏ và thiết lập đầu tư vào nó. Trừ phi toàn bộ các dự án mỏ lithium tại EU hiện tại đều đi vào vận hành, thì chúng ta mới đạt được mục tiêu đề ra”.

Sản xuất pin xe điện tại Châu Âu đang gặp nhiều vấn đề. Ảnh minh hoạ: Reuters

Sản xuất pin xe điện tại Châu Âu đang gặp nhiều vấn đề. Ảnh minh hoạ: Reuters

Hiện một số dự án khai thác lithium lớn tại EU đang đối mặt với sự phản đối của người dân bản địa do những lo ngại về ảnh hưởng tới môi trường, đơn cử như tại Serbia. Và dù cho có khai thác đủ nguyên liệu đi chăng nữa, thì theo nhiều chuyên gia, khả năng tinh chế lithium của EU cũng không khá khẩm hơn là bao.

Ông Philipp Seidel, chuyên gia thuộc công ty cố vấn Arthur D.Little của Mỹ cho biết, tinh chế lithium tại EU hiện tại cực kỳ tốn kém: “Khả năng tinh chế lithium của EU hiện rất hạn chế. Bạn phải tìm cách hạ chi phí, hoặc phải tìm một nơi có giá cả hợp lý, vừa có nguồn cung cấp năng lượng sạch bởi EU đang hướng tới việc tạo ra chuỗi sản xuất bền vững. Chưa kể, chi phí cho nhân công tại EU thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới. Để khắc phục được vấn đề này thì lại cần đầu tư cho quy trình tự động hoá”.

Trở lại Việt Nam, với mục tiêu nhanh chóng nắm quyền chủ động về pin xe điện, đồng thời tránh sự lệ thuộc vào nguồn cung pin xe điện từ Trung Quốc, VinFast đã mở rộng hợp tác với các nhà sản xuất pin hàng đầu thế giới. Nhà máy của VinES, công ty con trực thuộc Vingroup chuyên nghiên cứu, sản xuất pin xe điện và các giải pháp năng lượng toàn diện, sẽ đóng vai trò quan trọng trong thời gian tới khi sẽ cung cấp một phần pin cho nhà máy sản xuất ôtô điện VinFast tại Khu Kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), vốn dự kiến khánh thành giai đoạn 1 vào tháng 7/2025 tới.

Không chỉ riêng VinES, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu về phốt pho vàng, axit photphoric, phân lân tại Việt Nam cũng có mục tiêu làm pin lithium.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn