Việt Nam tiên phong xây dựng thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương

Ngày 16/08/2021, Thủ tưởng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407 về việc phê duyệt Đề án “Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương”.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 
Ảnh nh họa

Việc phê duyệt đề án sẽ giúp nước ta chuẩn bị đầy đủ điều kiện về nguồn nhân lực, thông tin, dữ liệu, phục vụ cho việc chủ động, tích cực chuẩn bị và tham gia đàm phán vào một hiệp ước toàn cầu cấp Liên Hợp Quốc về phòng chống ô nhiễm nhựa, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích, nâng cao năng lực quốc gia trong việc phòng, chống ô nhiễm nhựa đại dương.

Thực tế trong thời gian qua, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều đóng góp tại các diễn đàn, thúc đẩy hình thành khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.     

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức vào tháng 6/2020 diễn ra ở Québec, Canada, nước chủ nhà Canada và nhiều nước tham dự Hội nghị đánh giá cao và bày tỏ sự ủng hộ đối với các sáng kiến do Việt Nam đề xuất, đặc biệt là sáng kiến các nước G7 thúc đẩy hình thành Cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa và kêu gọi một cơ chế hợp tác toàn cầu với sự chung tay hành động của các quốc gia để các đại dương luôn mãi xanh, đầy ắp tôm cá và không còn phế thải nhựa. 

Trong vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến Các giải pháp về chất thải nhựa khu vực các Biển Đông Á năm 2020. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tham dự Hội nghị nhấn mạnh: “Giảm thiểu chất thải nhựa đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này”. 

Hội nghị Bộ trưởng về ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương do Chính phủ Ecuador, Đức, Ghana và Việt Nam đồng triệu tập  kỳ vọng sẽ thúc đẩy các đối thoại cấp cao về một thỏa thuận toàn cầu mới nhằm liên kết và nâng tầm các nỗ lực và hành động cấp quốc gia cũng như cấp vùng theo một khuôn khổ và chiến lược nhất quán toàn cầu, trước thềm kỳ họp lần thứ 5 của Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc tổ chức vào năm 2022. 

Thời quan qua, Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực như: Thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, trong đó luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa; ban hành chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển song song với việc bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển.

Một trong những mục tiêu quan trọng Chiến lược đặt ra là đến năm 2030: ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương.

Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016-2020 do Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố hồi đầu tháng 8/2021 khẳng định, tình trạng rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa đại dương đang là vấn đề nóng trên toàn cầu, đặc biệt là tại các quốc gia ven biển.

Còn theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP – đọc Iu en i pi), năm 2018, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất trên thế giới, với khối lượng rác thải nhựa ra biển dao động trong khoảng 0.28-0.73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia cao nhất.

Bởi vậy, Đề án “Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương” cũng thể hiện quan điểm xuyên suốt của Việt Nam về phát triển bền vững kinh tế biển, tiên phong trong khu vực trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương, góp phần xây dựng, thực thi thành công mô hình nền kinh tế tuần hoàn, quản lý nhựa hiệu quả.