Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Hai chị em song sinh “hồi sinh” những chiếc túi vải

Trọng Nhân: Thứ năm 16/05/2024, 21:30 (GMT+7)

Hai chị em song sinh Minh Anh và Hoàng Anh sinh sống tại TP.HCM với tình yêu môi trường và đam mê tái chế những món đồ cũ.

Trong năm 2024 hai chị em đã lập ra fanpage “Hai Cây Chổi” với mục đích thu gom những chiếc túi vải cũ đã không còn sử dụng và từ đó “hồi sinh” những chiếc túi này để chúng lại được yêu thương một lần nữa.

Để tìm hiểu rõ hơn, VOV đã có cuộc trò chuyện với hai bạn Minh Anh và Hoàng Anh:

PV: Được biết hai bạn có dự án mang tên Hai Cây Chổi với mục đích tái chế các sản phẩm đã qua sử dụng, bạn có thể giới thiệu thêm về những sản phẩm để quý thính giả được biết không?

Minh Anh: Dự án Hai Cây Chổi được chúng mình khởi động đầu năm 2024, với mục đích là “hồi sinh những món đồ cũ để chúng được yêu thương nhiều lần nữa”, đây cũng là slogan của chúng mình. Và sản phẩm tái chế đầu tiên là túi vải, nghe thì không có gì lạ.

Nhưng đầu vào của những chiếc túi này chúng mình sử dụng là túi vải đã qua sử dụng, hoặc là lỗi sản xuất từ nhà xưởng, mình gom về, kết hợp vào đó các kỹ thuật tô vẽ từ màu acrylic, cắt và khâu vá các sản phẩm quần áo đã qua sử dụng, có khi là móc hoặc đan len từ những sợi len thừa, quy trình tạo ra chiếc túi đa phần được thực hiện thủ công.

Minh Anh và Hoàng Anh, 2 bạn trẻ đồng sáng lập dự án 'Hai Cây Chổi'

Minh Anh và Hoàng Anh, 2 bạn trẻ đồng sáng lập dự án "Hai Cây Chổi"

Trung bình một chiếc túi sẽ mất khoảng 3 tiếng thực hiện, nếu khách hàng muốn thiết kế riêng kiểu mẫu trên túi thì tụi mình rất vui và hào hứng vì có bạn cùng lên ý tưởng để tạo ra sản phẩm mới.

Và điểm đặc trưng tụi mình muốn mỗi chiếc túi luôn có là vừa kết hợp vẽ và len sợi tạo hiệu ứng tốt hơn cho bề mặt sản phẩm, và mỗi họa tiết thiết kế lên túi sẽ có ý nghĩa riêng tụi mình tham khảo từ văn hóa của những quốc gia tộc người khác trên thế giới.

PV: “Hai cây chổi” một cái tên khá ấn tượng, vậy cái tên này với những sản phẩm mà hai bạn “hồi sinh” có gắn kết với nhau ra sao?

Minh Anh: Đầu tiên tụi mình nghĩ đến hoạt động là dọn dẹp những gì không dùng nữa, nhưng thay vì bỏ đi thì sẽ “hồi sinh” nó một chút, để chúng ta bớt phát thải ra môi trường, nên là chúng mình chọn hình tượng Cây chổi rất phổ biến với mỗi gia đình Việt, nghe cảm giác gần gũi mộc mạc, và chúng mình có hai đứa cùng làm với nhau, nên đặt là Hai Cây chổi.

Còn tên gọi này gắn kết ra sao với sản phẩm của tụi mình, thì túi vải chúng mình thực hiện hoàn toàn từ các nguyên liệu cũ, nên bạn hình dung cây chổi mình quét nhà là ra toàn rác bỏ đi, thì tụi mình ẩn ý cho việc dọn dẹp cả căn nhà sẽ có rất nhiều thứ không dùng nữa cần bỏ đi, mình gom nhặt lại và tạo ra sản phẩm đầu tiên từ 100% nguyên liệu cũ.

PV: Trong quá trình hồi sinh những món đồ cũ thì Minh Anh và Hoàng Anh đã gặp những khó khăn gì?

Minh Anh: Cái khó khăn hiện tại là Hai Cây Chổi muốn lan tỏa đến người dùng bên cạnh việc họ sử dụng sản phẩm tái chế, thì vẫn rất cần dùng sản phẩm đó nhiều lần.

Vì chúng mình không hướng đến phát triển như thời trang nhanh, nên bằng một cách nào đó chúng mình vẫn đang nghĩ cách để truyền tải thông điệp “Hồi sinh và yêu thương sản phẩm đó nhiều lần nhất có thể.

Một trong những mẫu túi vải cho Minh Anh và Hoàng Anh tái chế từ những chiếc túi cũ

Một trong những mẫu túi vải cho Minh Anh và Hoàng Anh tái chế từ những chiếc túi cũ

PV: Thời gian tới hai chị em dự định sẽ phát triển và lan tỏa sản phẩm ý nghĩa này ra sao?

Minh Anh: Thật ra thì Hai Cây Chổi cũng mới ra đời đầu năm nay, cũng có nhiều dự định và kế hoạch muốn thực hiện, bên cạnh việc sáng tạo ra những chiếc túi mới từ những nguyên liệu cũ, tụi mình cũng đang ấp ủ tổ chức các buổi workshop để mọi người trải nghiệm và hiểu hơn về quy trình hồi sinh một sản phẩm cực công ra sao, tiêu hao nguyên liệu như thế nào.

Để từ đó mọi người sẽ nhận thấy giá trị sử dụng của nó nhiều hơn, là chỉ nhìn thấy sản phẩm đã hoàn thiện, mục tiêu cuối cùng để những món đồ này được sử dụng và yêu thương nhiều nhiều lần nhất bạn có thể.

Trọng Nhân/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn