Thế của sự đàng hoàng...

Một số doanh nghiệp lợi dụng những lỗ hổng của pháp luật để thực hiện hoạt động kinh doanh vận tải núp bóng dưới nhiều hình thức nhằm thu lợi nhuận. Tuy nhiên, những doanh nghiệp làm ăn chân chính, chú trọng đến chất lượng dịch vụ và sự an toàn của hành khách sẽ từng bước lấy lại uy tí.

Ảnh nh họa: Vneconomy

Một thời gian dài, xe khách tưởng chừng đã bị “hạ gục” bởi sự trỗi dậy của những chiếc xe hợp đồng, xe cá nhân chở khách chui sâu vào nội đô, đáp ứng nhu cầu tiện lợi cho hành khách. Người ta hồ hởi gọi xe đưa đón tận cửa để về quê, hay đi du lịch theo nhóm trong cự ly vài trăm cây số.

Đã có lúc, xe khách rơi vào khủng hoảng trầm trọng, có những chuyến xe chỉ duy nhất 1 người. Cú “đánh bồi” của Covid và xe hợp đồng trá hình, đẩy rất nhiều nhà xe tuyến cố định rơi vào phá sản, hoặc cực chẳng đã, phải bỏ bến chạy dù.

Nhưng cũng chính Covid, với những yêu cầu phòng chống dịch và truy xuất danh tính, đã mở đường cho xe khách tuyến cố định trở lại.

Cũng chính Covid, với sự sa sút kinh tế, làm tăng đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng về chất lượng dịch vụ tương xứng với số tiền mà họ bỏ ra. Chi phí vừa đắt đỏ hơn, vừa tốn kém thời gian hơn, những chiếc xe đưa đón tận nơi dần đánh mất thiện cảm của hành khách.

Quan trọng hơn cả, ý thức về an toàn của người tham gia giao thông được nâng lên, là một nhân tố căn bản. Qua giai đoạn thỏa mãn nhu cầu tiện lợi trước mắt, người dân đã thấy sợ cảm giác phập phồng sau vô lăng của những tài xế vừa lái xe vừa dán mắt vào bản đồ, vừa tới tấp a lô hẹn khách.

Hành khách đã thấy mình từ thượng đế trở thành kẻ yếu thế, khi mà các bức xúc của họ chỉ có thể thở than trên mạng mà không tiện gửi đến cơ quan quản lý nào. Vì chính họ đang vô tình tiếp tay cho vi phạm.

Sau những hăm hở ban đầu, hành khách nhận ra, cái mà họ cần trên hết là an toàn. Cái giá cho sự an toàn, không thể nào so đắt rẻ. Sự an toàn không bao giờ nên đánh đổi bằng những tiện lợi nửa vời. Cảm giác yên tâm càng không nên bị thế chỗ bởi nỗi bức xúc hay phập phồng lo sợ.

Tất nhiên, không phải cứ xe khách là tuyệt đối an toàn, và ngược lại, cũng không phải cứ xe hợp đồng trá hình là chất lượng kém. Nhưng cơ sở cho sự an toàn đảm bảo chắc chắc hơn khi một loại hình vận tải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, với những ràng buộc quản lý cả về phương tiện, người lái và hành trình.

Và tất nhiên, để trụ lại được đến hôm nay, nhiều nhà xe đã phải rất kiên trì, cả kiên cường vượt qua khó khăn, linh hoạt thích ứng bằng cách tự làm mới mình theo hướng phục vụ tốt hơn.

Sự trở lại của xe khách tuyến cố định, dù trải qua chông gai và không ít mất mát, song nó đã vận động theo đúng quy luật của thị trường, và để lại rất nhiều ý nghĩa.

Đó là sự nhắc nhở và cổ vũ cho những người làm xe khách, về việc trung thành với phương châm kinh doanh tôn trọng pháp luật, tôn trọng hành khách và trung thành với các giá trị mà mình đã dày công vun đắp, dựng xây. Cái gì là giá trị thực sự, sẽ còn.

Đó là sự cảnh báo với các xu hướng kinh doanh kiểu ăn xổi, chỉ lo tối đa hóa lợi ích của mình mà thiếu trách nhiệm xã hội, thiếu sòng phẳng với những người đã đặt niềm tin ở mình. Cái hào nhoáng và bội tín, rồi sẽ qua đi.

Với các nhà quản lý, sự trở lại của xe khách tuyến cố định một lần nữa nhắc nhở rằng, thị trường và xã hội luôn vận động theo quy luật công bằng của nó. Vì vậy, nếu hành lang pháp lý không nắm bắt đúng đắn xu hướng của giá trị, không hoàn thiện khung pháp lý cho theo kịp để định hướng bảo vệ và giá trị, thì hành trình tự bảo vệ của những giá trị chân chính sẽ rất khó khăn. Nhiều rủi ro xã hội sẽ xuất hiện khi người dân bị lạc lối giữa vàng thau.

Thời của xe khách tuyến cố định đang trở lại, và cũng có thể sẽ tiếp tục đổi thay. Nhưng cái thế của sự đàng hoàng, của tinh thần trách nhiệm và chia sẻ trong quan hệ lợi ích xã hội, rõ ràng là một sự thật ổn định mà muốn kinh doanh bền vững, không ai có thể phớt lờ.