Ô nhiễm từ lốp xe ô tô (Kỳ 2): Nhận thức mơ hồ

Ghi nhận thực tế, chỉ từ một vệt mòn của chiếc lốp xe trên mặt đường cũng đặt ra nhiều vấn đề về môi trường. Tại Việt Nam, sự quan tâm của chúng ta đối với vấn đề ô nhiễm từ lốp xe ra sao?

'Còn nhiều cái ảnh hưởng hơn cái lốp ấy cơ, chứ còn việc mài mòn lốp xe trên đường thì anh nghĩ là không đáng kể'.

'Đương nhiên là nó sẽ có những vi nhựa trong phanh xe, lốp là có nhưng có ở mức độ nào thì còn phải có những bằng chứng khoa học'.

'Cho đến hiện nay về mặt luật pháp, giao thông hay môi trường người ta có thể chưa để ý đến phát thải PM 2.5 do ma sát lốp xe ô tô với mặt đường và má phanh, nhưng có thể trong tương lai thì điều này sẽ được đặt ra nhưng vấn đề này có lẽ sẽ còn lâu dài ở Việt Nam'.

'Hiện nay ảnh hưởng đến môi trường do việc phát thải vi nhựa từ bụi phanh và mài mòn của lốp xe thông qua việc di chuyển chưa được quan tâm nhiều và cũng chưa thực sự có giải pháp nào để xử lý triệt để ô nhiễm này'.

Đó là ý kiến từ một số chuyên gia về môi trường và những người có kinh nghiệm lâu năm trong sửa chữa, bảo dưỡng, kinh doanh lốp xe ô tô khi được hỏi về những tác động tới môi trường của ma sát giữa lốp và phanh xe ô tô với mặt đường.

Quy định khí thải giới hạn là 4,5 ligam/km nhưng "phát thải" từ lốp xe có thể cao gấp 1000 lần
Bài liên quan

Sự hao mòn của lốp đã trở thành một nguồn nhựa vi mô tàng hình trong môi trường, và là chất ô nhiễm vi nhựa lớn thứ 2 trong đại dương. Không giống như các quy định về khí thải được kiểm soát chặt chẽ, ô nhiễm từ lốp xe vẫn chưa được chú ý đúng mức dù lốp xe ma sát với đường sinh ra rất nhiều các hạt vật chất độc hại.

Quy định khí thải giới hạn là 4,5 ligam/km nhưng "phát thải" từ lốp xe có thể cao gấp 1000 lần, đặc biệt là khi di chuyển trên các cung đường có ma sát lớn, gồ ghề với lốp xe lớn và bị bơm căng.

Anh Vương Thái Hà,  Giám đốc trung tâm căn chỉnh góc lái Hunter phân tích những yếu tố cơ bản ảnh hưởng tới tuổi thọ và độ mài mòn của lốp xe ô tô: Phụ thuộc đầu tiên là vào áp suất lốp, thứ 2 là tải trọng, thứ 3 là thói quen lái xe, với những bác tài thường xuyên phóng nhanh phanh gấp thì tuổi thọ của phanh, lốp cũng giảm đáng kể, thứ 4 là điều kiện đường xá, thứ 5 là góc đặt bánh xe bị sai so với tiêu chuẩn của nhà sản xuất.

Các chuyên gia khuyến cáo sau mỗi 10.000 km hoặc sau 6 tháng cần đưa xe đi căn chỉnh hunter 1 lần, được hiểu là việc đưa các góc đặt bánh xe thực tế về với tiêu chuẩn của nhà sản xuất ban đầu, giúp cho hướng bánh xe luôn thẳng, mặt tiếp xúc của lốp xe với mặt đường luôn luôn chuẩn để đem lại cảm giác lái mượt mà, ko rung lắc và xe cũng ko bị giúi về 1 bên khi đạp phanh.

Việc lốp xe bị mòn rất dễ nhận biết, nhưng dường như không ai nghĩ đến những vệt mòn xe đó sẽ đi về đâu và để lại ảnh hưởng gì cho môi trường? Làm thế nào để hạn chế hoặc khắc phục được nguồn gây ô nhiễm từ lốp xe ô tô khi đây là một trong những vấn đề cần thiết và bắt buộc chúng ta phải tính đến nếu muốn bảo vệ môi trường một cách hiệu quả.

--

Đón xem kỳ 3: Biện pháp hạn chế ô nhiễm và tái chế.