Nguy cơ ô nhiễm từ chất thải, săm lốp của các gara ôtô

Không khó để chúng ta bắt gặp những chiếc lốp xe, phụ tùng đã qua sử dụng được vứt bữa bãi trên tuyến phố ở thủ đô Hà Nội. Dù tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nhưng chất thải từ quá trình sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện hiện chưa được quan tâm đúng

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Có mặt tại đường Nghĩa Tân (kéo dài), PV VOV Giao thông ghi nhận có trên dưới hai chục gara, xưởng sửa chữa ô tô, xe máy lớn nhỏ. Lợi dụng đoạn vỉa hè rộng, không có nhà dân, địa bàn giáp ranh hai phường Dịch Vọng Hậu và Nghĩa Tân, một số gara vứt trộm lốp và phụ tùng xe đã qua sử dụng.

Một công nhân vệ sinh môi trường cho biết, dù có giảm so với thời gian trước nhưng lốp xe và các loại chất thải khác vẫn vứt bừa bãi tại khu vực này, thậm chí có tình trạng đốt chất thải:

"Quá vất vả luôn! Rác thải đã “vất” rồi, bây giờ lại còn các cái lốp xe, đồ lắp vào ô tô, có cả giẻ lau dính dầu mỡ. Hôm nọ, vứt 6-7 cái lốp xe ở đây này! Công ty vệ sinh người ta không cho bốc lên đâu, vì không phải của mình. Cho nên bọn cô cứ phải nhồi cùng với rác để cẩu bớt đi".

Lốp và phụ tùng xe đã qua sử dụng vứt bừa bãi trên vỉa hè

Trao đổi với PV, ông Tống Xuân Duy, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy cho biết, để xử lý dứt điểm, bên cạnh việc yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết về vệ sinh môi trường, chính quyền địa phương sẽ lắp đặt hệ thống camera để phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm:

"Phường đã mời công ty vệ sinh môi trường chuyên xử lý rác thải nguy hại để phối hợp với tất cả trường hợp có hoạt động kinh doanh tại đây. Phường cũng phối hợp với công an quận, đề xuất lắp hệ thống camera để giám sát. Cũng phải phối hợp, nhờ hệ thống điện bên công ty chiếu sáng để đấu nối và bảo quản", ông Tống Xuân Duy cho biết.

Hàng chục gara, xưởng sửa chữa xe máy, ô tô nằm san sát trên đường Nghĩa Tân

Tuy nhiên, mọi biện pháp xử lý chỉ giảm thiểu phần nào tác động đến môi trường, bởi theo TS. Lê Ngọc Thuấn, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, săm lốp được sản xuất từ khoảng 200 loại hợp chất khác nhau, gồm cao su, sợi polyme, kim loại và chất phụ gia. Đặc biệt, khi lượng phương tiện giao thông ngày càng tăng thì không có phương pháp nào xử lý triệt để lốp xe đã qua sử dụng.

"Lốp ô tô có rất nhiều chất hữu cơ, các chất phụ gia chứa kim loại nặng, trong quá trình sử dụng sẽ bị phát tán ra môi trường. Ô nhiễm hạt vi nhựa trong môi trường đất và gần đây là nước biển. Đốt săm lốp ô tô rất nguy hại với môi trường, đặc biệt là không khí. Ở đây phải tập trung vào biện pháp quản lý, thu gom và vận chuyển để tránh phát thải ra môi trường", TS. Lê Ngọc Thuấn cho biết.

Cũng theo TS. Lê Ngọc Thuấn, bên cạnh việc thu hồi nguyên vật liệu hay sản xuất phụ gia cho ngành xây dựng, lốp xe cũ có thể tái sử dụng để tạo cảnh quan, sân chơi - một giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu tác động đến môi trường.