Độc đáo ý tưởng làm du lịch từ... ve chai

Không chỉ dừng lại ở việc nhận thức được tác động của rác thải đến môi trường, nhiều người dân miền Tây đã có những ý tưởng độc đáo, những việc làm hết sức thiết thực để hạn chế rác thải, giảm thiểu ô nhiễm.

Các vỏ lon, chai nhựa v.v... được dùng để chế tác nên nhiều đồ vật, thậm chí là nhà cửa

Đến với khu du lịch Ve chai thần kỳ ở xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, nhiều du khách không khỏi ngỡ ngàng, thích thú khi thấy các chai nhựa, túi nilo đã được hồ biến thành nhiều đồ dùng phục vụ du lịch. 

VOVGT đã có dịp trò chuyện với ông Đoàn Văn Khanh- chủ nhân của khu du lịch này:

PV: Từ đâu mà bác có ý tưởng xây dựng nên khu du lịch với rất nhiều những vật dụng được làm nên từ chai nhựa và túi nilon như thế này?

Ông Đoàn Văn Khanh: Bác cũng xuất thân là người nông dân ĐBSCL. Đi ra đường mình thấy cảnh bao mủ rồi chai, lọ ngập hết vùng nông thôn. Nghe trên Đài thì thấy nó ảnh hưởng môi trường. Thậm chí ra tới biển này kia cũng khó khăn.

Bác mới suy nghĩ là bây giờ đơn giản mình lượm ve chai về xây hàng rào để giảm bớt nó. Sau khi xây thấy nhẹ quá nên bác lấy bao mũ nhét nó vô. Thấy hai thằng này có thể ở chung với nhau thì chắc tuổi thọ cũng giống nhau. Chú lấy dây để ràng nó lại.

Rồi sau khi làm xong hàng rào, mới suy nghĩ cái này có thể làm nhà vệ sinh cũng được, làm chòi che mưa che nắng cũng được. Nói chung là mình làm luôn cả cái bàn, cái ghế uống cà phề, làm vách rồi 7 phòng vệ sinh, lợp luôn.

PV: Trong quá trình thực hiện bác có gặp khó khăn gì không?

Ông Đoàn Văn Khanh: Nói chung công ăn việc làm của bà con trong lúc dịch bệnh cũng khó khăn. Mình làm cũng thực tế thôi. Ví dụ như dồn bao mủ, rồi bộ phận nào dồn, bộ phận nào kết, bộ phận nào lợp.

Mình cũng bố trí cho bà con ở đây làm tùng bước rồi rút kinh nghiệm, cũng có những khó khăn bước đầu. Làm cái chai, lọ không đồng đều, sau này mình phải lựa lại. Nắp chai này kia trước đây cũng lộn xộn rồi sau này mình bố trí lại đầy đủ màu sắc, làm cho nó đẹp.

PV: Làm vách tường rồi bàn, ghế, các phòng bằng ve chai như thế này có mất nhiều thời gian lắm không?

Ông Đoàn Văn Khanh: Suy nghĩ về môi trường luôn luôn trong đầu, mình suy nghĩ phải làm gì đó cho môi trường trong sạch. Phát hiện được cái bao mủ với ve chai này thì tiến hành triển khai. Thời gian là 1 năm.

Hiện nay cũng đang làm tiếp tục. Giờ đã làm được 3 cái phòng cà phê rồi, 2 cái nhà nghỉ rồi. Từ đây tới Tết cố gắng triển khai thêm cái nhà hàng.

PV: Khách tham quan khi đến đây chia sẻ như thế nào về cảm nhận của mình?

Ông Đoàn Văn Khanh: Bà con đến đây họ có cảm giác là quý chú ở chỗ môi trường. Cái này các nơi chưa thấy ai làm. Cái thứ 2 nữa là cái không khí.

Nào giờ người ta cũng đi cầu, đi xuồng, đi lên núi này kia nhưng vụ lên ngọn dừa này là mới. Có những người họ nói trước nay họ thấy dừa rất nhiều, họ cũng muốn bẻ dừa nhưng do phải trèo thang này kia nên đâu phải ai cũng làm được.

Giờ làm được cái này người ta rất mừng, đến bẻ dừa rồi người ta chụp hình, người ta quay, thích thú lắm.

PV: Cảm ơn bác đã chia sẻ cùng VOV Giao thông.