Đẩy mạnh bảo vệ động vật hoang dã

Nhu cầu sử dụng động vật hoang dã tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, là nguyên nhân gia tăng tình trạng săn bắn, buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và đẩy nhiều loài đến bờ vực tuyệt chủng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Trước thực trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng kết hợp với nhóm nghiên cứu giảng dạy Tài nguyên sinh vật & Môi trường Đại học Đà Nẵng, Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học GreenViet thông qua sự hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức chuỗi sự kiện trực tuyến kêu gọi bảo tồn động vật hoang dã, trong đó tọa đàm Phòng, chống buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã đã thu hút sự quan tâm của công chúng. 

Với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đại diện cơ quan ban ngành thành phố Đà Nẵng; cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, diễn giả; các tổ chức trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, tọa đàm tập trung làm rõ thực trạng săn bắn, tiêu thụ, buôn bán động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã. 

Ông Trần Trọng Anh Tuấn, Trưởng Phòng Bảo tồn Loài, quản lý nguồn gen và an toàn sinh học, Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học chia sẻ:

Các loài động vật hoang dã được tiêu thụ ở Việt Nam rất đa dạng, nhiều loài quý hiếm như tê tê, hổ, gấu mèo, gấu, mèo rừng, rùa biển… Từ những vụ bắt buôn bán hổ ở Nghệ An hay nhiều vụ buôn bán tê tê, chúng ta cũng thấy được thực trạng này. Và nó làm suy giảm đa dạng sinh học, đẩy các loài hoang dã đến bờ vực tuyệt chủng ngoài tự nhiên và trực tiếp ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội.

TP Đà Nẵng xem công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học là một trong 4 trụ cột trọng tâm để xây dựng Đà Nẵng – TP môi trường trong giai đoạn 2021-2030. Bởi vậy đây cũng là địa phương được WWF Việt Nam chọn để thực hiện dự án “Cùng lên tiếng bảo vệ các hệ sinh thái vì thiên nhiên và con người”. Ông Nguyễn Hoài Khương - Quản lý dự án, WWF - Việt Nam cho biết: 

Đầu năm 2021, WWF Việt Nam cũng đã công bố kế hoạch chiến lược bảo tồn của tổ chức giai đoạn 2021-2025, trong đó có chương trình dành riêng cho động vật hoang dã, trong đó định hình hoạt động trong vòng 5 năm tới để ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật, đưa Việt Nam ra khỏi nhóm các quốc gia là địa bàn trung chuyển, cung ứng các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp trong khu vực. Đà Nẵng là một trong những địa phương đại diện cho khu vực ền Trung đã phối hợp với WWF Việt Nam. Trong cuộc chiến nhằm ngăn chặn việc buôn bán động vật hoang dã, chúng tôi đánh giá cao sự phối hợp của các ban ngành địa phương, các tổ chức xã hội… đặc biệt là người dân địa phương, sống gần với rừng cùng chung tay…

Ông Trần Hữu Vỹ - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học GreenViet cho hay, chưa bao giờ chúng ta có thể nhìn rõ hoạt động tiêu thụ động vật hoang dã lại gây ra những hậu quả khôn lường cho xã hội như lúc này. Chuỗi hoạt động hy vọng có thể gióng lên một hồi chuông cảnh báo, thức tỉnh mọi người trước thực trạng nguy cấp như hiện nay:

Một nghiên cứu của Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã dựa trên số liệu của các cơ quan chức năng cung cấp, từ 2013 đến 2017, có 1.504 vụ vi phạm, 1.461 đối tượng liên quan đến các loài động vật hoang dã, 180 loài động vật hoang dã bị vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, săn bắt… trái pháp luật. 

Theo báo cáo Sức sống Hành tinh 2020 của WWF, trong vòng 50 năm qua quần thể các loài động vật có xương sống đã suy giảm 68%. Tại Việt Nam, rất nhiều loài ĐVHD đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do bị buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp vì nhiều mục đích khác nhau như làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ trang sức... 

Bảo vệ động vật hoang dã chính là bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ trái đất – ngôi nhà chung của muôn loài.