Chung tay vì không khí sạch

Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) thực hiện các Dự án Chung tay vì không khí sạch, hướng tới nâng cao nhận thức và thúc đẩy giải pháp về cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe trẻ em và cộng đồng. 

Hiện Live & Learn đang triển khai các hoạt động đồng hành cùng người dân kiểm soát nguồn thải như hạn chế than tổ ong, đốt rơm rạ, rác thải,..v.v…

Cùng tìm hiểu về hoạt động này thông qua chia sẻ của bạn Nguyễn Minh Quyên, cán bộ mạng lưới Live&Learn:

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

PV: Bạn có thể chia sẻ việc Live & Learn phối hợp với các Sở ban ngành và các quận, huyện kiểm soát nguồn thải từ bếp than tổ ong đem lại những kết quả như thế nào?

Bạn Nguyễn Minh Quyên: Với nguồn thải liên quan đến Bếp than tổ ong, tính đến đầu quý II/2021, Hà Nội còn khoảng 2.166 bếp than tổ ong tại 27/30 quận huyện trên địa bàn thành phố, giảm 96% so với khảo sát năm 2017.

Đây là con số cho thấy mọi người đã nhận thức rõ về vấn tác hại của bếp than tổ ong. Có một con số đặc trưng đó là, khi đốt một viên than tổ ong, người đốt có thể tiếp xúc với lượng khói độc tương đương với việc hút 40 điếu thuốc lá mỗi ngày.

Và thông tin mới đây nhất là quận dùng nhiều bếp than tổ ong nhất của Hà Nội là quận Bắc Từ Liêm thì đã thông báo có hoạt động thu hồi bếp than và tái sử dụng để tạo cảnh quan cho toàn quận và cũng đã giảm thiểu được tối đa lượng bếp than và hiện không còn sử dụng nữa.

Điều đó đã góp phần thực hiện Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Thành phố.

PV: Để giảm thiểu việc người dân đốt rơm rạ, đốt rác thải tại nhiều quận, huyện, Live & Learn đã đưa ra những giải pháp, sáng kiến cụ thể như thế nào?

Bạn Nguyễn Minh Quyên: Hiện tại, chúng ta đang ở vụ thu hoạch Hè Thu. Trong hoạt động đồng hành cùng các bên liên quan, chúng tôi luôn giữ lập trường rằng phải kết nối để tận dụng các thế mạnh của các bên liên quan để hỗ trợ, đặc biệt không đưa chính sách áp đặt người dân. 

Live&Learn và nhóm nghiên cứu trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã tìm hiểu xem nguồn lây ô nhiễm không khí đến từ quận, huyện nào và lượng đốt tạo ra bao nhiêu tấn bụi mịn, CO2, CO… Qua nghiên cứu hàng năm cho thấy, việc mọi người đang đốt rác lại không nằm ở các huyện thải nhiều rơm rạ.

Cần phải có thông tin khoa học, giám sát để mọi người hiểu là việc đốt rơm rạ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe. Khi nhìn ở góc độ người dân, mình hiểu rằng, họ sẽ nghĩ là rơm rạ đó không có tác dụng nhiều nữa, tôi đâu cần phải mang về đun bếp như ngày xưa, hay cần rơm rạ để tái sử dụng thành mũ rơm để đội? Mình cần có giải pháp phù hợp hơn.

Ví dụ, rơm rạ thực ra vẫn còn giá trị trên đồng ruộng. Khi đốt rơm rạ, sẽ mất đi một lượng lớn các chất cần thiết mà tạo ra các chất gây ô nhiễm.

Có nhiều sáng tạo trong việc sự dụng rơm rạ theo đặc tính của địa phương. Ví dụ như ở Đông Anh, khi mọi người gom rơm rạ lại kết hợp với đất, mùn có thể làm nên vật liệu xây dựng cho Nhà thờ ở địa bàn thôn; hay gom rơm phục vụ cho chăn nuôi nhỏ lẻ như rải chuồng gà, trộn với phân trâu, bò để làm thành phân bón… Hay rơm rạ khi ủ thành chất hữu cơ quay lại đất và cải tạo đất để phục vụ cho vụ mùa sau...

Những cánh đồng ướt có thể làm được điều đó. Còn những cánh đồng khô có thể dùng những máy thu quấn nhỏ để đưa rơm về. Ví dụ như ở Sóc Sơn, trồng rất nhiều lúa nếp cái hoa vàng, chất rơm có thể dai hơn và có thể đan lát, làm chổi, mũ…

Có những giá trị của rác thải có thể tái chế tốt hơn, thay vì đốt và làm mất chất dinh dưỡng cho đất hay cho những loại cây trồng. 

Xin cảm ơn bạn!