Báo động tình trạng bắt cóc trẻ em, cảnh giác chưa bao giờ là thừa

Nếu gõ từ khoá “bắt cóc trẻ em” trên nền tảng tìm kiếm google, chỉ trong chưa đầy 1 giây chúng ta có thể nhận về hơn 6 triệu kết quả liên quan. Trong đó, các vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây xuất hiện với tần suất đáng báo động.

Các thống kê cho thấy hầu hết những đối tượng thực hiện hành vi bắt cóc trẻ em đều nhận thức được mức độ nghiêm trọng cũng như các mức án có thể phải đối mặt, song trên thực tế các đối tượng vẫn thực hiện đến cùng, gây ra thiệt hại không nhỏ cho các nạn nhân cũng như tạo ra những mối hoang mang không nhỏ cho dư luận.

Tình trạng các vụ bắt cóc trẻ em xảy ra ngày một nhiều xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Đầu tiên là sự biến chất trong nhận thức của 1 thành phần xã hội bị ảnh hưởng từ các yếu tố như tâm lý ám thị, khó khăn túng quẫn về tài chính, tác động từ văn hoá không lành mạnh…

Tuy nhiên, ở góc độ nào đó cũng có trách nhiệm từ chính các bậc làm cha mẹ, cũng như các tổ chức liên quan như nhà trường, các khu vực sinh hoạt công cộng…

Ảnh nh họa

Với sự bùng nổ của mạng xã hội, nhiều phụ huynh hình thành thói quen thích khoe con, khoe điều kiện gia đình cũng như dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân của gia đình mà không nghĩ đã gián tiếp tạo điều kiện cho các đối tượng xấu tiếp cận và thực hiện hành vi bắt cóc con em mình.

Một số trường hợp, kẻ phạm tội là chính là người quen của gia đình, lợi dụng niềm tin cũng như sự lơ là mất cảnh giác mà ra tay ám hại.

Ở góc độ gia đình, các bậc phụ huynh cần tạo lập 1 hàng lang an toàn cho trẻ trước các tác động từ bên ngoài lẫn không gian mạng. Nhiều gia đình đã chọn cách lắp camera giám sát, điều này là cần thiết song cũng không vì thế mà lơ là, thiếu cảnh giác.

Các bậc làm cha mẹ cũng cần hạn chế đăng tải, cung cấp thông tin và đồng hành cùng con trong việc sử dụng internet để kịp thời phát hiện, hỗ trợ trẻ phòng tránh các nguy cơ bị lợi dụng trên mạng.

Về phía nhà trường cũng cần thường xuyên có các hoạt động ngoại khoá để hướng dẫn trẻ một số kỹ năng cơ bản trong giao tiếp với người lạ, kỹ năng tự vệ, thoát hiểm trong tình huống bị kẻ xấu tiếp cận, bắt cóc…

Bắt cóc trẻ em để tống tiền hay vì mục đích nào khác đều là hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em, trực tiếp gây ra những dư chấn tâm lý tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển cũng như để lại hậu quả lâu dài cho trẻ. Do vậy, công tác tuyên truyền, nâng cao cảnh giác và đấu tranh với các thủ đoạn bắt cóc trẻ em là điều mà các cơ quan chức năng cần duy trì thường xuyên để nâng cao nhận thức cho mỗi cá nhân và toàn xã hội.