Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Lập bệnh viện 'dã chiến' để đối phó với dịch sốt xuất huyết

Phóng viên - 10/08/2017 | 2:48 (GTM + 7)

VOVGT - Mặc dù các y, bác sỹ phải gồng mình làm việc tăng ca, thêm giờ nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu khám, điều trị bệnh khi dịch sốt huyết tăng mạnh

Chỉ sau 1 ngày kê giường, khu điều trị ban ngày của BV Bệnh Nhiệt đới trung ương đã chật cứng bệnh nhân

Chỉ sau 1 ngày tận dụng Hội trường bệnh viện để làm nơi điều trị, Trung tâm điều trị ban ngày của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương đã đông kín bệnh nhân sốt xuất huyết. Có thời điểm người bệnh phải nằm ghép 2 người/1 giường. Đây là lần đầu tiên Bệnh viện này phải biến Hội trường thành phòng điều trị bệnh nhân với 20 giường bệnh.

Bác sỹ Vũ Thị Thu Hương, Phó khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, gần 1 tháng nay, chị chưa được nghỉ ngày nào và liên tục phải làm việc thông trưa. Khi đói mà thấy vẫn còn bệnh nhân chờ khám thì phải nhờ một bác sĩ khác làm việc thay khoảng 15 phút để ăn trưa, uống nước. Sau đó lại mải miết với công việc khám, điều trị tới gần 22 giờ đêm:

"Có những hôm 10 giờ đêm chúng tôi mới được ăn cơm và 1 giờ sáng vẫn khám cho bệnh nhân. Chúng tôi làm việc không phân định được thời gian, đang là ban ngày hay đã đêm tối. Nhưng điều gây căng thẳng và khổ tâm nhất cho bác sĩ là phải từ chối bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện. Nhiều bệnh nhân chưa đến mức phải nhập viện tuyến trung ương, có thể chuyển về tuyến địa phương nhưn khi đã đến đây, họ năn nỉ, tha thiết được ở lại điều trị, chấp nhận nằm ghép 5 đến 7 người/1 giường cũng được. Tuy nhiên không thể để bệnh nhân nằm ghép khổ sở không cần thiết như, nên chúng tôi kiên nhẫn giải thích để bệnh nhân về điều trị tại các tuyến cơ sở như bệnh viện tuyến thành phố hoặc các bệnh viện ngành gần nhà để theo dõi. Chúng tôi rất áp lực và mệt khi giải thích mãi mà bệnh nhân vẫn không nghe. Có trường hợp phải chờ đợi 1 tiếng đồng hồ để bệnh nhân quyết định về bệnh viện nào điều trị”

Có những thời điểm bệnh nhân tại khu điều trị ban ngày phải nằm ghép

Mỗi ngày phải tiếp đón từ 900 đến hơn 1.000 bệnh nhân đến khám sốt xuất huyết, 5 người thuộc tổ điều dưỡng của khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương quay cuồng với công việc ghi sổ khám, phát số, đọc tên bệnh nhân, chỉ dẫn nơi khám, xét nghiệm và giải thích thắc mắc của người bệnh. Nhiều y, bác sỹ các khoa khác như Vi rút- Ký sinh trùng, Cấp cứu, Hồi sức tích cực dù mệt, ốm nhẹ vẫn không nghỉ phép, duy trì công việc suốt cả tuần. Bác sỹ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết:

“Bệnh viện chỉ đáp ứng được việc thu dung khoảng 1000 bệnh nhân đến khám và điều trị sốt xuất huyết như hiện nay. Nếu bệnh tăng hơn thì chúng tôi sẽ phải triển khai mô hình bệnh viện dã chiến để đối phó với đại dịch. Tức là bất cứ chỗ nào có thể kê được giường thì sẽ kê để tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân, thu bớt phòng làm việc của nhân viên y tế. Hiện nay các y, bác sỹ rất vất vả, căng mình chống dịch. Chúng tôi cũng tôi mong muốn Nhà nước quan tâm đến cơ chế chống dịch để các thầy thuốc được động viên về vật chất và tinh thần. Bệnh viện cũng mong muốn được trang bị thêm hệ thống máy lọc máu phục vụ điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, được đầu tư thêm 10 đến 20 máy thở nữa. Còn máu thở và bơm kim điện tối thiểu phải được đầu tư 200 chiếc nữa thì mới đảm bảo việc điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đang ở con số gần 300 trường hợp”  

Bác sỹ Nguyễn Minh Điền thăm khám cho bệnh nhân

Các chuyên gia thì khuyến cáo bệnh nhân khi có dấu hiệu sốt xuất huyết cần đến cơ sở y tế để khám và được tư vấn. Còn Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện không được để bệnh nhân sốt xuất huyết phải nằm ghép hoặc nằm ngoài hành lang. Áp lực này khiến các bệnh viện phải sàng lọc bệnh nhân, đưa ra tiêu chí được nhập viện. Tuy nhiên, trên thực tế có những ca bệnh sốt xuất huyết bị biến chứng quá nhanh. Nhiều bệnh nhân đang trong quá trình được bác sỹ cho về nhà theo dõi bỗng bệnh trở nặng đột ngột phải cấp cứu. Bệnh nhân Lương Văn Dũng ở Yên Duyên, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết:

“Ngày đầu tiên tôi bị váng đầu, sốt cao gần 40 độ, bị liệt cả người, tay chân không thể cử động. Ngay lập tức gia đình đưa tôi vào cấp cứu tại khoa A9, Bệnh viện Bạch Mai. Hai ngày đầu không phát hiện ra bệnh gì, nghi là viêm não. Sau làm xét nghiệm khẳng định là mắc sốt xuất huyết nên tôi được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương”

Bệnh nhân Lương Văn Dũng ở Yên Duyên, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội điều trị sốt xuất huyết tại BV Bệnh Nhiệt đới trung ương

Việc sàng lọc, chỉ cho bệnh nhân sốt xuất huyết đủ tiêu chí mới được nhập viện đang tiềm ẩn nguy cơ không an toàn cho những bệnh nhân chưa được nhập viện. Trước thực tế này, Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội điều phối các bệnh viện tư tiếp nhận bệnh nhân sốt xuất huyết nhưng phải kiểm soát và đảm bảo chất lượng điều trị. Trường Đại học Y Hà Nội  cử sinh viên, học viên hỗ trợ các bệnh viện; Hội Thầy thuốc thành phố Hà Nội sẽ có những đội Tiếp sức người bệnh. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cũng sẽ kê thêm giường tại cơ sở 2 để tiếp nhận bệnh nhân. Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nói:

“Chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo đối với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương. Bệnh viện đang đông bệnh nhân, cần cố gắng sàng lọc bệnh, tiếp tục phân tuyến chuyển bệnh nhân nhẹ về các bệnh viện Hà Nội như Bệnh viện Đống Đa, Thanh Nhàn. Bệnh nhân đến đông thì không thể từ chối được mà phải hướng dẫn, giải thích cho người bệnh để bệnh nhân yên tâm chuyển tuyến hoặc điều trị ngoại trú nhân, tránh tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép, nằm ngoài hành lang.”

Bệnh viện Đống Đa không để nước đọng trong khuôn viên, tránh muỗi sinh nở lây lan dịch sốt xuất huyết

Hiện nay, dù bệnh viện có tận dụng cả hội trường để làm phòng điều trị hay lập bệnh viện dã chiến thì cũng chỉ là giải pháp tình thế. Biện pháp quan trọng để đẩy lùi sự gia tăng các ca bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng là diệt nguồn gây bệnh, tức là diệt muỗi và thế hệ mầm non của muỗi là bọ gậy. Nếu không có sự vào cuộc của các cấp chính quyền và các hộ gia đình thì sẽ không thể thực hiện được việc này. Bởi vì muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết thường đẻ trứng, nở thành bọ gậy trong môi trường nước sạch. Chỉ cần một thùng nước sinh hoạt không có nắp đậy, một lọ hoa, thậm chí là một chiếc lá khô đọng nước mưa cũng có thể là một ổ chứa bọ gậy, phát triển thành muỗi gây bệnh sốt xuất huyết.

Bệnh viện Đống Đa thả cá xuống bể nước để diệt bọ gậy

 

Tags:
Ý kiến của bạn
TP.HCM: 19 sinh viên nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm

TP.HCM: 19 sinh viên nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm

Sau bữa ăn tối, 19 sinh viên ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM bắt đầu có triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy được đưa vào BV Đa khoa khu vực Thủ Đức cấp cứu.

Giá xăng hôm nay có thể giảm rất mạnh

Giá xăng hôm nay có thể giảm rất mạnh

Trong kỳ điều hành ngày 9/5, dự báo giá xăng dầu tiếp tục giảm, tuy nhiên mức giảm sẽ mạnh hơn nhiều so với kỳ trước.

3 năm vận hành, đường Vành đai 2 trên cao không ai dọn rác?

3 năm vận hành, đường Vành đai 2 trên cao không ai dọn rác?

Trận mưa đầu tháng 5 vừa qua đã khiến một đoạn dài trên Vành đai 2 trên cao (Hà Nội) đoạn từ Ngã Tư Sở – cầu Vĩnh Tuy bị ngập úng. Nguyên nhân được cho là bị ùn ứ rác thải.

Ngóng mở rộng gấp đôi đường Láng, làm đường trên cao từ Ngã Tư Sở về Cầu Giấy

Ngóng mở rộng gấp đôi đường Láng, làm đường trên cao từ Ngã Tư Sở về Cầu Giấy

Trước thông tin sẽ cải tạo toàn diện, nâng gấp đôi bề rộng, kết hợp đường trên cao, đưa đường Láng trở thành trục chính của Thủ đô Hà Nội, người đi đường và cư dân dọc tuyến đường này có quan điểm và mong mỏi gì?

TP.HCM: Thay đổi diện mạo mới cho những tuyến hẻm

TP.HCM: Thay đổi diện mạo mới cho những tuyến hẻm

Thời gian qua, nhiều tuyến hẻm tại TP.HCM thường rơi vào tình trạng nhếch nhác rác thải, bị lấn chiếm để buôn bán, trông giữ xe và chi chít các tờ quảng cáo dán sai quy định.

Chia sẻ kinh nghiệm trong phẫu thuật võng mạc dịch kính

Chia sẻ kinh nghiệm trong phẫu thuật võng mạc dịch kính

Công nghệ hiện đại về vi phẫu tái tạo phục hồi trung tâm hoàng điểm, phẫu thuật lỗ hoàng điểm và các thành tựu, xu hướng phát triển trong phẫu thuật võng mạc dịch kính trên thế giới vừa được chuyên gia của Viện Hàm lâm khoa học Liên bang Nga chia sẻ với các bác sĩ chuyên ngành nhãn khoa Việt Nam.

Đồ ăn đường phố, ai quản?

Đồ ăn đường phố, ai quản?

Trên 2.100 người bị ngộ độc, 28 người tử vong trong 125 vụ ngộ động thực phẩm xảy ra tại Việt Nam vào năm 2023. Gần đây, hơn 500 người nhập viện do bị ngộ độc từ một tiệm bánh mì tại thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai khiến nhiều người lo lắng về vệ sinh an toàn của đồ ăn đường phố.

// //