Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Dự thảo trên tay: Thêm 'tiếng nói' của người lao động

Phóng viên - 01/09/2020 | 10:40 (GTM + 7)

Với nhiều quy định được bổ sung, sửa đổi, Dự án Luật Công Đoàn sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo khung pháp lý hoàn thiện, tạo điều kiện để chăm lo phát triển đời sống của người lao động đang sinh hoạt tại các tổ chức công đoàn, thúc đẩy phát triển các tổ chức

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Tính đến tháng 6 năm nay, cả nước ta có 51,8 triệu người trong độ tuổi lao động, trong đó có hơn 10,6 triệu đoàn viên công đoàn, thuộc hơn 126 nghìn Công đoàn cơ sở.

Chất lượng sống của người lao động quyết định năng suất, hiệu suất làm việc. Và năng suất lao động lại quyết định mức độ phát triển của nền kinh tế đất nước. Do vậy, việc hoàn chỉnh các quy định pháp luật để chăm lo tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong điều kiện mới là hết sức cần thiết.

Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn vừa được Tổng Liên đoàn Lao động VN xây dựng, hướng tới mục tiêu này. Dự luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10 tới đây.

Người lao động tại doanh nghiệp sẽ được lựa chọn tham gia Công đoàn Việt Nam hoặc thành lập một tổ chức riêng đại diện cho mình. Ảnh minh họa.
Người lao động tại doanh nghiệp sẽ được lựa chọn tham gia Công đoàn Việt Nam hoặc thành lập một tổ chức riêng đại diện cho mình. (Ảnh minh họa)

Cho phép người lao động thành lập các tổ chức đại diện ngoài Công đoàn

Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi có 3 Điều, trong đó Điều 1 gồm 14 nội dung sửa đổi trong tổng số 33 điều của Luật Công đoàn 2012; Điều 2 bổ sung, thay thế một số từ, cụm từ tại một số điều, khoản trong luật cũ; Điều 3 quy định các vấn đề liên quan đến thi hành luật. Tuy ngắn gọn, nhưng nội dung của Dự luật này lại có rất nhiều điểm đáng chú ý, tác động mạnh mẽ tới hơn nửa dân số nước ta.

Một điểm mới chưa từng có tiền lệ, đó là dự thảo lần này lần đầu tiên cho phép người lao động hoàn toàn có quyền được thành lập tổ chức đại diện cho mình ngoài tổ chức Công đoàn Việt Nam. Điều này đồng nghĩa, tới đây tại các đơn vị và doanh nghiệp, có thể có 2 đại diện song song để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Đây được cho là sự điều chỉnh kịp thời nhằm hoàn thiện khung pháp lý, thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế về quyền cơ bản của người lao động mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Một tin vui nữa cho hàng chục triệu đoàn viên, người lao động, đó là đề xuất giữ nguyên kinh phí công đoàn 2% trên quỹ tiền lương, nhằm bảo đảm phúc lợi xã hội, khuyến khích họ cải tiến kĩ thuật, thúc đẩy tăng năng suất lao động; đồng thời góp phần giúp Công đoàn VN thực hiện tốt các chức năng của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Cụ thể, kinh phí công đoàn được sử dụng cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, sinh hoạt văn hoá, thi đua, khen thưởng, phúc lợi xã hội và các hoạt động khác của đoàn viên, người lao động tại chính doanh nghiệp đó, kể cả việc trả lương hoặc phụ cấp cho cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp.

Đáng chú ý, là vấn đề tài chính công đoàn được quy định cụ thể trong dự thảo này. Trong đó, quy định tỷ lệ 75% kinh phí công đoàn được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại DN (trước đây chi tài chính công đoàn chiếm tỷ trọng trên 73%).

Quy định này nhằm tập trung nguồn kinh phí cho công đoàn cơ sở sử dụng để chi chăm lo, bảo vệ quyền lợi, chi phúc lợi cho đoàn viên công đoàn, người lao động; công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới, công đoàn cơ sở phục vụ đoàn viên, người lao động.

Đồng thời, dự thảo cũng đặt yêu cầu về thực hiện công khai, minh bạch trong việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn.

Người lao động tại doanh nghiệp sẽ được lựa chọn tham gia Công đoàn Việt Nam hoặc thành lập một tổ chức riêng đại diện cho mình. Ảnh minh họa.
Dự án Luật Công Đoàn sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo khung pháp lý hoàn thiện, tạo điều kiện để chăm lo phát triển đời sống của người lao động

Vì sao phải sửa Luật Công đoàn năm 2012?

Với nhiều quy định được bổ sung, sửa đổi, Dự án Luật Công Đoàn sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo khung pháp lý hoàn thiện, tạo điều kiện để chăm lo phát triển đời sống của người lao động đang sinh hoạt tại các tổ chức công đoàn, thúc đẩy phát triển các tổ chức công đoàn trong tình hình mới.

Phóng viên Kênh VOV GT có cuộc trao đổi cùng ôngTrần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - đơn vị chịu trách nhiệm chính xây dựng Dự thảo Luật Công Đoàn sửa đổi để làm rõ hơn những điểm mới này.

PV: Xin ông cho biết, vì sao phải sửa Luật Công đoàn năm 2012?

Luật Công đoàn năm 2012 là cơ sở pháp lý quan trọng cho Công đoàn Việt Nam tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm thực hiện đòi hỏi Luật Công đoàn cần được tiếp tục sửa đổi.

Thứ nhất xuất phát từ yêu cầu khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn, đáp ứng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới.

Thứ hai yêu cầu từ việc thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật:

Thứ ba là yêu cầu từ hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã phê chuẩn, tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và Công ước số 98 của Tổ chức lao động Quốc tế ILO. Những cam kết trong các hiệp định thương mại tự do này đã đặt ra yêu cầu rà soát và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, đặc biệt về quan hệ lao động và nội luật hóa theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

PV: Ông có thể cho biết những điểm mới, nổi bật của dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi?

Trong lần sửa đổi này, có nhóm vấn đề cơ bản: Một là, hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy Công đoàn và cơ chế quản lý cán bộ công đoan.

Hai là, hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh mới, tập trung vào các nội dung chính, như: Bổ sung quy định về tỷ lệ trích kinh phí công đoàn cho các cấp công đoàn và cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo hướng dành 75% kinh phí cho cấp cơ sở để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ tại cấp mình; đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định để đảm bảo công khai, minh bạch hơn nữa trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công đoan.

Ba là, hoàn thiện các quy định của Luật Công đoàn để phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật, nhất là Bộ luật Lao động 2019, như: Bổ sung quyền gia nhập của “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” vào Công đoàn Việt Nam.

PV: Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Luật là việc đề xuất giữ nguyên kinh phí Công đoàn 2% như hiện hành, ông có thể cho biết lý do tại sao?

Quy định giữ nguyên kinh phí công đoàn 2% xuất phát từ vị trí pháp lý và chức năng, nhiệm vụ đặc thù của tổ chức Công đoàn Việt Nam được ghi nhận trong Hiến pháp, chính sách, pháp luật liên quan đến cơ chế bảo đảm các điều kiện cần thiết cho Công đoàn hoạt động, trong đó có bảo đảm về tài chính công đoàn. 

Về bản chất, nguồn thu kinh phí 2% là đóng góp của đơn vị sử dụng lao động cho tổ chức và hoạt động của công đoàn nhằm bảo đảm cho công đoàn thực hiện tốt trách nhiệm chăm lo cho người lao động; đồng thời cũng để đảm bảo vai trò của công đoàn trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; vận động người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định và phát triển các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. 

PV: Xin cảm ơn ông!

Thêm “tiếng nói” của người lao động

Vậy, các quy định mới nếu được ban hành, sẽ tác động ra sao đến hoạt động của Công đoàn Việt Nam, đến đoàn viên và người lao động? Phóng viên VOVGT có cuộc trao đổi với ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội để làm rõ hơn nội dung này.

PV: Thưa ông, những quy định được đưa ra tại Dự thảo lần này, đã đảm bảo tính khả thi hay chưa?

Cơ bản Luật Công đoàn sửa đổi những vấn đề liên quan đến tổ chức, với mục tiêu luôn luôn phát huy sức mạnh của tổ chức công đoàn Việt Nam với tư cách là một tổ chức chính trị xã hội.

Trong dự thảo lần này cần phải xem xét làm sao công đoàn phải bảo đảm cả quyền lợi ích hợp pháp cho đoàn viên CĐ và cũng có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi ích cho người lao động làm việc trong DN mà chưa tham gia tổ chức công đoàn. Vấn đề nữa là lần này phải sửa đổi để hệ thống công đoàn vững mạnh hơn nhưng phải gọn nhẹ. 

PV: Theo ông vấn đề tài chính công đoàn cần phải được quy định cụ thể như thế nào để đảm bảo hoạt động của tổ chức công đoàn hiệu quả và đảm bảo quyền lợi cho người lao động?

Về tài chính cong đoàn muốn đảm bảo tính khả thi và phát huy được thì phải tập trung giải quyết phúc lợi tập thể cho đoàn viên công đoàn và người lao động tại cơ sở. Phải tính toán 2 vấn đề, một là tỷ lệ phân bổ xuống cơ sở phải cao; thứ hai là công đoàn cấp trên chi tiền lương, chi hành chính phải thật sự tiết kiệm, dành tối đa cho bảo đảm phúc lợi xã hội cho người lao động, đoàn viên tại cơ sở.

Và phải công khai minh bạch, tổ chức giảm sát đánh giá hiệu quả của việc chi tiêu phí 2% công đoàn và 1% đoàn phí, để làm sao người lao động hoàn toàn yên tâm và chủ sử dụng lao động cũng thấy hiệu quả.

Có lẽ 2% thu từ hoạt động của DN trước thuế, cho nên nó như là một khoản thu ngân sách. Vì vậy phải kiểm soát như cơ chế tài chính ngân sách và phải được kiểm toán để công khai minh bạch

PV: Nếu được thông qua, dự thảo luật sẽ tác động như thế nào đến hoạt động của hệ thống công đoàn Việt Nam và người lao động?

Nếu Quốc hội thông qua khi đủ các điều kiện, sẽ đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp; thỏa mãn yêu cầu của các Công ước quốc tế, các hiệp định mà Việt Nam đã kí kết và tham gia.

Nhưng vấn đề quan trọng lớn nhất là Luật của chúng ta có tính thực thi thì rõ ràng nó đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tốt hơn. Điều này tăng thêm niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam và cũng là cơ hội để Công đoàn Việt Nam vươn ra quốc tế.

PV: Xin cảm ơn ông!

----

Các bạn thân mến, mỗi một dự án luật được xây dựng, ngoài việc hoàn thiện khung pháp lý để phục vụ công tác quản lý nhà nước chuyên ngành được tốt hơn, đảm bảo tính cập nhật và đồng bộ với các quy định quốc tế, thì điều mà người dân chúng ta quan tâm trên hết, đó là quy định mới sẽ đem lại lợi ích gì, mở ra cơ hội gì cho công việc, cho chất lượng cuộc sống của chúng ta tốt hơn.

Và Dự thảo Luật công đoàn sửa đổi, với sự liên quan mật thiết đến hơn một nửa dân số, đến gần như toàn bộ lực lượng lao động cả nước, sẽ gắn với các quy định “sát sườn” này.

Các bạn có ý kiến thế nào về Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi? Và theo bạn, Dự luật còn có thể hoàn chỉnh thêm ở những điểm nào?

Hãy chia sẻ ý kiến, đóng góp cho dự thảo Luật công đoàn sửa đổi qua hotline 02437.91919 , qua fanpage VOV giao thông hoặc có thể góp ý trực tiếp trên cổng thông tin điện tử của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đừng quên đón nghe và tương tác với chương trình “Dự thảo trên tay” lúc 13h15p, thứ hai và thứ tư hàng tuần trên FM91, trên Spotify, Apple Podcast (đối với iOS) và Google Podcast (đối với hệ điều hành Android)

Tags:
Ý kiến của bạn
Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Giữa lòng Sài Gòn, có một quán cà phê nho nhỏ ẩn mình giữa những xô bồ phố thị nơi du khách thập phương có thể ghé lại nhâm nhi tách cà phê và sống lại giữa những không khí hào hùng của dân tộc. Quán cà phê vẫn gọi với cái tên thân thương “biệt động Sài Gòn”,

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Mặc dù đã tuyên truyền liên tục, song hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông Thủ đô dự kiến sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lực lượng tài xế đặc thù này.

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, lượng hành khách đi du lịch tăng cao. Tình trạng ùn tắc khu vực sân đỗ, nhà ga cảng hàng không Nội Bài liệu có xảy ra?

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương tiếp giáp biển như Bình Thuận, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, Tiền Giang và mới đây nhất là Bến Tre đã liên tục phát hiện số lượng rất lớn ma túy trôi dạt vào bờ.

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Từng chiến đấu với căn bệnh ung thư nên anh Trương Văn Vũ-Chủ nhiệm CLB Nét bút xanh hiểu được sự cùng cực của những người rơi vào những hoàn cảnh khó khăn. Sau khi khỏi bệnh, anh đã viết tiếp những giấc mơ dang dở cho học sinh khó khăn ở ĐBSCL nói chung, con em người Việt ở Campuchia nói riêng.

// //