Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

TP.HCM: Chú trọng phát triển giao thông thông minh, xứng tầm đô thị hiện đại

Trọng Nghĩa: Thứ tư 27/09/2023, 11:10 (GMT+7)

Để giải bài toán ùn tắc, tai nạn giao thông, TP.HCM đã xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành giao thông thông minh đầu tiên trong cả nước, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý điều hành giao thông. Từ đó mang lại hiệu quả lớn, tác động tích cực nhiều khía cạnh của đời sống, lĩnh vực KT-XH..

Tuy nhiên, hệ thống giao thông thông minh hiện vẫn còn tồn tại những hạn chế như công nghệ cũ, chưa khai thác tối ưu nguồn dữ liệu… dẫn đến việc giao thông thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian qua.

Vậy nên việc chú trọng đầu tư, tìm các giải pháp mới về giao thông thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI là một vấn đề lớn cần được các đơn vị quản lý quan tâm hơn. 

Ảnh minh hoạ: baogiaothong.vn

Ảnh minh hoạ: baogiaothong.vn

TP.HCM là một trong những đô thị lớn của Việt Nam với mật độ dân cư dày đặc (khoảng 4 375 người/km2). Điều này đã tạo áp lực rất lớn đối với hệ thống hạ tầng, dịch vụ đô thị và đặc biệt là giao thông thành phố. Bài toán về giảm ùn tắc, tai nạn đã được đặt ra đối với các nhà quản lý trong suốt thời gian qua.

Việc ứng dụng giao thông thông minh trong thời đại số hiện nay như một lẽ tất yếu, và TP.HCM đã đưa vào vận hành chính thức hệ thống giao thông thông minh từ cuối năm 2019 với 5 trụ cột chính; giám sát giao thông với hơn 875 camera trên đường; điều khiển đèn tín hiệu giao thông, cung cấp thông tin giao thông, hỗ trợ xử lý vi phạm và cuối cùng là mô phỏng và dự báo về tình hình giao thông.

Giờ đây người dân có thể xem camera trực tiếp về tình hình giao thông tại các tuyến đường, giao lộ thông qua ứng dụng trên điện thoại, và có thể đưa ra lựa chọn phù hợp cho lộ trình của mình. Từ đó, góp phần đáng kể vào việc kéo giảm tình trạng kẹt xe trong những khung giờ cao điểm:

"Các ứng dụng rất thực tế cho nên đi ngang qua chúng tôi có thể biết sớm hơn một chút tình hình giao thông, lúc đó mình có những phương án xử lý đi đường khác".

"Mình thường vào ứng dụng để xem camera trước trên các tuyến đường, từ đó biết được đường nào đang kẹt xe để có thể đưa ra quyết định nên đi đường nào".

Việc đầu tư hệ thống 188 chốt đèn giao thông có camera cảm biến ở các quận nội thành được kết nối về trung tâm giám sát và điều khiển giao thông. Mỗi chốt đèn được thiết lập sẵn 20 kịch bản để lựa chọn dựa trên lượng phương tiện, vận tốc và tình trạng nút giao. Với phương pháp điều tiết giao thông theo pha đèn hiện nay, mức độ ùn tắc đã giảm từ 5% - 6%.

Chia sẻ về giải pháp này, Kỹ sư Nguyễn Kỳ Nam – Đội trưởng đội vận hành giám sát giao thông – Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM cho biết: "Hệ thống sẽ tự động đo đếm lưu lượng và gợi ý những kịch bản phù hợp để giúp người dân tham gia lưu thông thông thoáng hơn trên các tuyến đường. Trung tâm thực hiện xây dựng 6 tháng 1 lần mỗi một thời điểm như vậy thì trung tâm đều có phối hợp với các đơn vị để xây dựng kịch bản, thời lượng đèn phù hợp hơn".

Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM. (Nguồn: mt.gov.vn)

Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM. (Nguồn: mt.gov.vn)

Có thể thấy, với hệ thống giao thông hiện đại đang được ứng dụng tại TP.HCM đã góp phần đáng kể vào việc giám sát và điều tiết giao thông trong suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, nói về hiệu quả khi triển khai của hệ thống này thì vẫn còn tồn tại không ít những bất cập một trong số đó chính là thiếu sự đồng bộ. Tuy có rất nhiều những dự án nghiên cứu được triển khai nhưng chúng chỉ mang tính chất thí điểm, riêng lẻ. Quan trọng hơn nữa, hiện nay hệ thống hạ tầng giao thông chưa được khai thác hiệu quả, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu hiện tại.

Thêm vào đó, những dữ liệu chưa được chia sẻ rộng rãi cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu để đề ra nhiều giải pháp khai thác một cách tối ưu nhất cho hệ thống hiện có. Hệ quả của việc trên đã làm cho tình hình giao thông tại TP.HCM vẫn còn ùn tắc, nhiều điểm đen chưa thể xóa bỏ.

Trước những thách thức đối với hệ thống giao thông thông minh tại TP.HCM, PGS.TS Trần Minh Quang – Trưởng bộ môn hệ thống thông tin khoa học và kỹ thuật máy tính, Trường đại học Bách Khoa - ĐHQG TP.HCM cho rằng, việc huy động thông tin dữ liệu trong cộng đồng là một giải pháp hữu hiệu. Ngoài ra, với hệ thống radio VOV giao thông đã mang lại hiệu quả rất tích cực, đây là một phương pháp đơn giản, chi phí thấp mà lại vô cùng có hiệu quả trong việc giảm ùn tắc giao thông đô thị.

"Chúng ta cần huy động sức mạnh của cộng đồng, cụ thể hơn là cộng đồng cùng chung tay chia sẻ thông tin về giao thông. Về phía đơn vị quản lý và khai thác thì chúng ta cần có những kênh giao tiếp và tương tác với người dân như Kênh giao thông của Đài TNVN, VOV đã có những cơ chế trao đổi với cộng đồng người tham gia giao thông. Nếu như chúng ta có cách để tổ chức dữ liệu, dùng công nghệ mới tương tác với người dùng giúp quá trình tương tác liên tục hiệu quả để người dân thấy rằng việc chia sẻ dữ liệu của họ có giá trị trong cuộc sống", PGS.TS Trần Minh Quang cho biết.

Để tháo gỡ những vướng mắc và phát triển hệ thống giao thông thông minh thành phố trong thời gian tới. Ông Đoàn Văn Tấn – Giám đốc quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM cho biết, đơn vị sẽ đẩy nhanh công tác kỷ nguyên số của ngành giao thông, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hướng tới mục tiêu phục vụ tốt nhất cho người dân:

"Tiếp tục khai thác hiệu quả hệ thống hiện hữu và phát huy các kết quả đạt được để góp phần kéo giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố. Đẩy nhanh công tác kỷ nguyên số của ngành giao thông, đầu tư xây dựng một trung tâm về điều hành giao thông hoàn chỉnh, bao gồm đầy đủ chức năng theo định hướng phát triển trung tâm điều hành giao thông của TpHCM trong thời gian tới".

Theo Ông Võ Minh Thành – Phó giám đốc Sở thông tin truyền thông TP.HCM cho biết theo Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 thì giao thông luôn là lĩnh vực ưu tiên hiện nay.

"Trong thời gian vừa qua thành phố cũng đã tập trung xây dựng các chiến lược quản lý dữ liệu thành phố trong đó có 3 nhóm chính: nhóm về dữ liệu người dân, nhóm dữ liệu về doanh nghiệp và nhóm dữ liệu về hạ tầng đô thị trong đó ngành giao thông vẫn là một trong những ngành được ưu tiên thực hiện cung cấp càng ngày càng nhiều những tiện ích cho người dân".

Hệ thống camera giao thông ở khu vực cầu Sài Gòn - Ảnh: Tuổi trẻ

Hệ thống camera giao thông ở khu vực cầu Sài Gòn - Ảnh: Tuổi trẻ

Giao thông thông minh xu thế tất yếu của một đô thị hiện đại

Với hơn 850 nghìn ô tô, hơn 8 triệu xe gắn máy và những phương tiện giao thông khác đang hoạt động tại TP.HCM, đã tạo ra áp lực rất lớn lên ngành vận tải đường bộ. Việc hình thành hệ thống giao thông thông minh là lẻ tất yếu của một đô thị hiện đại. Vậy nên cuối năm 2019, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM đã chính thức đi vào hoạt động.

Đây được xem là Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đầu tiên trong cả nước, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý điều hành giao thông, từ việc điều khiển đèn tín hiệu linh hoạt thông qua hệ thống cảm biến quan trắc; các thông số của dòng giao thông như lưu lượng, vận tốc trung bình, mật độ phương tiện… Trên cơ sở đó, phía trung tâm đã đưa ra những phân tích, cảnh báo phân luồng từ xa, góp phần giải tỏa ùn tắc, đặc biệt tại những khu vực trọng điểm như sân bay Tân Sơn Nhất, Cảng Cát Lái…

Tuy nhiên với tốc độ phát triển đô thị tại TP.HCM hiện nay, cơ sở hạ tầng hầu như chưa thể đáp ứng kịp so với lượng phương tiện dày đặc. Trong khi đường xá ngày một chật chội, tuyến Metro số 1 trên cao vẫn chưa được đưa vào khai thác, hệ thống giao thông ngầm gần như không có và giao thông thủy vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Chính vì vậy, mặc dù nói rằng, TP.HCM đã có hệ thống giao thông thông minh nhưng tình trạng kẹt xe trong mỗi khung giờ cao điểm vẫn cứ tiếp diễn, hệ thống được gọi là thông minh này vẫn chưa thực sự phát huy được yếu tố “thông minh” như kỳ vọng

Không những vậy, với hơn 875 ‘mắt thần’ được đặt khắp các quận huyện đã hỗ trợ lực lượng chức năng giám sát, xử phạt những hành vi vi phạm của các phương tiện giao thông, tuy nhiên, khi lực lượng chức năng vẫn chưa quyết liệt trong hình thức phạt nguội và chế tài chưa đủ sức răn đe thì tình trạng người dân vi phạm vẫn còn tồn tại.

Một vấn đề khác cũng được đặt ra đối với hệ thống giao thông thông minh tại TP.HCM là việc khai thác nguồn dữ liệu chưa tối ưu hiệu quả. Không ít tuyến đường còn xảy ra tình trạng chồng chéo hệ thống camera của những đơn vị khác nhau, dẫn đến việc chưa đồng bộ và lãng phí nguồn vốn đầu tư. Chưa kể việc tận dụng nguồn dữ liệu từ người trực tiếp tham gia giao thông hoặc phát huy thế mạnh của mạng xã hội vào việc tiếp nhận phản ánh từ người dân vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Giao thông thông minh là một xu thế tất yếu mà một đô thị nào ở Việt Nam cũng cần phải tiến tới. Chính vì vậy ngay lúc này, cơ quan quản lý nhà nước tại TP.HCM và các đô thị lớn phải xây dựng chiến lượt phát triển giao thông thông minh, trên cơ sở đó thực hiện theo từng giai đoạn, từng năm. Đồng thời việc đầu tư cần được thực hiện một cách trọng tâm, trọng điểm, tránh việc đầu tư một cách tràn lan gây lãng phí và không phát huy được hiệu quả.

Song song đó việc hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đồng bộ với sự phát triển chung của thành phố là một điều cần được các sở ngành quan tâm. Vì một khi cơ sở hạ tầng giao thông ‘hụt hơi’ so với sự phát triển chung của đô thị thì hệ thống dù có thông minh đến đâu cũng không phát huy được hiệu quả.

Cuối cùng, vấn đề cốt lõi nhất vẫn nằm ở con người. Để hướng tới giao thông thông minh thì không chỉ nhà quản lý, đội ngũ nhân viên mà cả kể cả người tham gia giao thông cũng phải tiếp cận và sử dụng được những công nghệ mới, qua đó mỗi người dân chính là một nguồn dữ liệu lớn, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông thông minh của thành phố trong tương lai.

 

Trọng Nghĩa/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Cầu vượt Mai Dịch sau 1 tuần thông xe: Xuất hiện “điểm nóng” mất an toàn

Cầu vượt Mai Dịch sau 1 tuần thông xe: Xuất hiện “điểm nóng” mất an toàn

Đã khoảng 1 tuần trôi qua kể từ khi nút giao Mai Dịch thông xe sau khi hoàn thành dự án cầu vượt bằng thép. Giao thông qua khu vực này đã cải thiện ra sao, phát sinh bất cập nào?

Người “điên” trên phố

Người “điên” trên phố

Hà Nội hơn 9 triệu người. Ngược xuôi, hối hả, ào ào lướt qua những con đường đầy xe cộ. Có khi nào tình cờ, bạn gặp một người không bình thường trên phố? Những người mà bác sĩ gọi là triệu chứng của tâm thần kinh, còn dân gian gọi là người “điên”. Những người “điên” trên phố..

Hành trình từ Vải vụn đến đêm hội Tiên Thuỷ Tinh vì bệnh nhi ung thư

Hành trình từ Vải vụn đến đêm hội Tiên Thuỷ Tinh vì bệnh nhi ung thư

Dự án Vải vụn ra đời nhằm tái sử dụng những đồ thừa là mảnh vải vụn sau mỗi lần may vá. Nhưng điều đáng quý hơn, những vải vụn sau khi “hoá thân” thành những sản phẩm thời trang mới lại có thể giúp đỡ các bệnh nhi ung thư.

Đảm bảo TT ATGT cho học sinh là nhiệm vụ hàng đầu

Đảm bảo TT ATGT cho học sinh là nhiệm vụ hàng đầu

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia năm 2023, cả nước có khoảng 7,8% số nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông ở độ tuổi trẻ em, tương đương với khoảng 900 trẻ em tử vong và gần 1.200 bị thương, trong số đó có gần 1.500 trẻ em là học sinh bậc trung học phổ thông.

Mở đường Láng rộng gấp đôi, cần phải làm gì?

Mở đường Láng rộng gấp đôi, cần phải làm gì?

Mới đây Sở GTVT Hà Nội có báo cáo UBND thành phố việc triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đường Láng), với tổng đầu tư trên 21.000 tỷ đồng.

Phân loại rác và cái khó của đơn vị thu gom

Phân loại rác và cái khó của đơn vị thu gom

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các tỉnh thành sẽ chính thức thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Hiện không chỉ người dân còn nhiều bỡ ngỡ mà một số đơn vị thu gom, vận chuyển cũng gặp vướng mắc trong công tác chuẩn bị.

Tâm sự của đêm: Ký ức đồng dao

Tâm sự của đêm: Ký ức đồng dao

Tuổi thơ của chúng dần hạn hẹp trong bức tường vị kỷ, ánh sáng công nghệ rọi vào đôi mắt mơ màng, bé dại mà thiếu đi nền tảng cảm xúc, tiếng cười hồn nhiên.