Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Mở đường Láng rộng gấp đôi, cần phải làm gì?

Hoàng Hà: Thứ tư 15/05/2024, 06:13 (GMT+7)

Mới đây Sở GTVT Hà Nội có báo cáo UBND thành phố việc triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đường Láng), với tổng đầu tư trên 21.000 tỷ đồng.

Dự án này kỳ vọng giảm tải áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở và đường Láng, bởi lẽ hiện đường Láng chỉ rộng 10,5 m mỗi chiều, lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, thế nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ nên thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm.

Dự án này sẽ đối mặt với các khó khăn về giải phóng mặt bằng và huy động nguồn lực thế nào? PV VOV giao thông đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT (Trường ĐH GTVT) xung quanh nội dung này.

PV: Mới đây Sở GTVT Hà Nội có đề xuất mở rộng đường Láng từ 21 m cả hai chiều lên 53,5 m, đồng thời xây dựng đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy. Ông nhận định thế nào về đề xuất này?

TS. Vũ Anh Tuấn: Tôi đánh giá đây là đề xuất đúng đắn, bởi vì đường Vành đai 2 hiện đã hoàn thiện cơ bản lộ trình tuyến chính, chỉ còn đoạn Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở. Đây lại là đoạn nằm trong phần lõi của đô thị, hiện đoạn này đang ùn tắc nhất trên vành đai 2.

Việc nâng cấp, đồng bộ hóa năng lực đường vành đai 2 bằng cách mở rộng và tiếp tục làm đoạn tuyến rên cao đây là giải pháp đúng đắn, phù hợp với quy hoạch phát triển hạ tầng mạng lưới giao thông đường bộ của thành phố, việc ùn tắc tại các nút giao chính sẽ được giảm thiểu.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai nên cân nhắc kỹ lưỡng tại các nút giao, việc kết nối dòng giao thông lên xuống tại các nút giao, như Ngã Tư Sở, Cầu Giấy. Bởi vì lưu lượng xe chuyển hướng tại Ngã Tư sở rất lớn, đặc biệt là hướng từ Trường Chinh về Nguyễn Trãi dòng xe rẽ trái có lưu lượng rất lớn, việc bố trí chuyển hướng dưới mặt đất phải xem xét đủ không gian, tránh ùn tắc cục bộ tại nút giao vẫn tiếp diễn.

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đường Láng) với tổng đầu tư trên 21.000 tỷ đồng, trong đó đoạn dưới thấp hơn 17.000 tỷ đồng và đoạn trên cao gần 3.900 tỷ đồng.

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đường Láng) với tổng đầu tư trên 21.000 tỷ đồng, trong đó đoạn dưới thấp hơn 17.000 tỷ đồng và đoạn trên cao gần 3.900 tỷ đồng.

PV: Theo Sở GTVT Hà Nội việc mở rộng đường Láng (vành đai 2 dưới thấp) dài khoảng 3,8 km, chi phí dự kiến hơn 17.000 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng lên tới 16.700 tỷ đồng, xây lắp 541 tỷ đồng. Để mở rộng đường Láng lên gấp đôi sẽ phải đối mặt với các khó khăn về giải phóng mặt bằng như thế nào?

TS. Vũ Anh Tuấn: Chắc chắn khi thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng xây dựng mới trong phần lõi của đô thị chi phí giải phóng mặt bằng lớn nhất, chiếm đa số trong tổng mức đầu tư. Trước đây chúng ta từng vướng mắc trong triển khai thực hiện rất nhiều dự án, chứ không chỉ đến đoạn tuyến vành đai 2 này mới gặp phải.

Đây là vấn đề tầm nhìn của quy hoạch, cần phải có bài toán tổng thể và phải cắm mốc danh giới, lộ giới các tuyến đường huyết mạch, đường trực chính toàn thành phố xuyên tâm và các tuyến đường vành đai phải được quy hoạch từ rất sớm, thực hiện cắm mốc GPMB càng sớm càng tốt.

Nếu chúng ta thực hiện điều đó tốt từ cách đây 15-20 năm thì chắc chắn việc triển khai các dự án này đã không bị chậm trễ như vậy và kể cả đến bây giờ chúng ta có triển khai chậm đi nữa thì chi phí giải phóng mặt bằng cũng sẽ khác. Vấn đề sử dụng đất trong đô thị không tích hợp gắn kết với bài toán phát triển hạ tầng giao thông dẫn đến các vấn đề bất cập trong triển khai đầu tư vào hệ thống hạ tầng trong tương lai.

Bài học về chi phí giải phóng mặt bằng đã quá đắt rồi, nên những công trình sau này triển khai cần phải có giải pháp kiểm soát thực hiện quy hoạch tốt và quản lý hành lang các công trình hạ tầng trọng điểm tốt hơn nữa.

PV: Ngoài các khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn vốn để triển khai dự án này cần được thực hiện theo phương thức nào và cần phải lưu ý những vấn đề gì?

TS. Vũ Anh Tuấn: Với chi phí GPMB đắt đỏ như vậy, vấn đề về thu xếp nguồn vốn để thực hiện dự án này thực sự rất khó khăn. Nếu sử dụng toàn bộ vốn ngân sách, với nguồn vốn hạn hẹp sẽ dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ, thậm chí công trình thực hiện dở dang nếu bị đứt gãy nguồn ngân sách. Do vậy bài toán về phát triển hệ thống hạ tầng giao thông phải xem xét đến việc tích hợp hoàn chỉnh.

Trong đó ngoài việc tích hợp về phát triển hạ tầng phải xây dựng cơ chế để huy động nguồn vốn, một trong những cơ chế có thể xem xét là thực hiện tái đầu tư vào các dự án đô thị dọc tuyến đường thực hiện mở rộng, làm mới. Ví dụ, thay vì GPMB lộ giới 54m thì sẽ GPMB lộ giới lớn hơn khoảng 150m để lấy hành lang 100m đó tái thiết đô thị dọc tuyến đường đó.

Việc tái thiết đô thị mang lại một phần nguồn thu tái bù đắp lại trong tổng mức đầu tư bỏ ra để xây dựng công trình. Cơ chế huy động có thể thực hiện theo cơ chế công tư PPP, thu hút nhà đầu tư tư nhân vào, bỏ vốn ra làm những công trình đó và tái cấu trúc lại đô thị dọc tuyến, chứ không chỉ đơn thuần đổi đất lấy hạ tầng.

PV: Xin cảm ơn ông.

Hoàng Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn