Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thiên lý hữu tình

Tình người trên biên đảo

Chu Đức: Thứ sáu 09/02/2024, 06:09 (GMT+7)

Trong không khí tất bật của 30 Tết, vẫn có những con người âm thầm làm việc, trực 24/24 tại bệnh viện để sẵn sàng trong các tình huống khẩn cấp. Điển hình là các thầy thuốc trên đảo xa. Họ đã đương đầu với những thách thức nào để bền bỉ bám dân, bám đảo, chăm lo sức khỏe cho cộng đồng?

Ngoài đảo xa, họ đón Tết như thế nào và mong ước điều gì khi thời khắc giao thừa cận kề?

Cây phong ba là một biểu tượng ở các quần đảo ngoài khơi xa, với khả năng chịu đựng bền bỉ trước gió to, sóng lớn. Và ở Trung tâm y tế quân dân y Côn Đảo, có một người được ví như “cây phong ba” của y tế huyện đảo.

Đôi khi, người dân thấy ông xuất hiện ở bàn khám, tư vấn ngoài sảnh. Có lúc, ông ngồi ở văn phòng ký giấy xuất viện. Và hình ảnh thường thấy hơn, đó là mặc đồ phẫu thuật, cầm dao mổ cấp cứu các bệnh nhân.

Trung tâm y tế quân dân y huyện Côn Đảo nằm cách xa đất liền và đặc biệt khó khăn về nguồn nhân lực

Trung tâm y tế quân dân y huyện Côn Đảo nằm cách xa đất liền và đặc biệt khó khăn về nguồn nhân lực

Ở vai trò nào, ông cũng mang lại cảm giác hiền từ, tin cậy. Ông là giám đốc, bác sĩ Lê Công Thọ. Nối tiếp truyền thống gia đình, bác sĩ Thọ bền bỉ bám dân, bám đảo, là điểm tựa vững chắc về chuyên môn, tư tưởng cho các nhân viên y tế và bệnh nhân: “Ba tôi từng ở tù chính trị tại Côn Đảo. Quê hương ở Quảng Nam. Sau giải phóng, ba tôi ở lại làm trưởng ban quản lý di tích lịch sử Côn Đảo. Năm 1981, ông đón gia đình và tôi vào ở. Trước đây, điều kiện trên đảo rất khó khăn, tôi thì đặc biệt thấu hiểu vấn đề bệnh tật. Tôi học y và ở lại với mong muốn, bằng nỗ lực của mình, sẽ hạn chế tối đa được việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên”.

Xử lý kịp thời ca bệnh nặng tại chỗ, hạn chế chuyển viện là một yêu cầu bức thiết về chuyên môn, đồng thời là mong mỏi của các thầy thuốc trên đảo. Bởi hiện nay, dù đã có đường bay ra Côn Đảo, nhưng việc vận chuyển bệnh nhân bằng trực thăng vẫn khá tốn kém chi phí và mất nhiều tiếng đồng hồ. Trong khi đi tàu thủy thì hạn chế khung giờ nếu vào mùa biển động.

Một trong những bệnh nhân được phẫu thuật thành công tại đảo nhờ bàn tay tài năng của bác sĩ Lê Công Thọ là chị Đặng Kiều Khuyên, cư dân ở khu 5 Côn Đảo, được chẩn đoán thai ngoài tử cung vỡ. Bác sĩ Thọ và đồng nghiệp Trung tâm quân dân y đã tư vấn và xử trí tận tình, giúp chị vững tâm hơn vào khả năng, trình độ của y tế địa phương.

“Tâm lý em mới đầu vào thì hoang mang xíu, vì đau lắm. Nhưng sau đó, bác sĩ chẩn đoán, tìm nguyên nhân ra bệnh, được cấp cứu, hồi sức thì đỡ hơn. Thật ra, nếu so với đất liền thì ở ngoài đảo khó bì kịp, nhưng y tế ngoài này cấp cứu rất nhanh. Em vào 8h tối, thì 9h hơn đã mổ xong hết rồi. Sức khỏe bây giờ em ổn định, lúc hồi sức cấp cứu, bác sĩ hỏi quan tâm rất nhiều xem em có đau, có dị ứng gì không”, chị Khuyên tâm sự.

Trung tâm vừa đảm nhận công tác chăm sóc sức khỏe bà con nhân dân trên huyện đảo, vừa tiếp nhận phục vụ lượng lớn du khách và ngư dân ở các tỉnh thành khác đến

Trung tâm vừa đảm nhận công tác chăm sóc sức khỏe bà con nhân dân trên huyện đảo, vừa tiếp nhận phục vụ lượng lớn du khách và ngư dân ở các tỉnh thành khác đến

Theo bác sĩ Lê Công Thọ, dân số trên đảo không nhiều, song do đón cả du khách và ngư dân ở nhiều tỉnh thành, nên mặt bệnh tại Trung tâm y tế quân dân y Côn Đảo khá phong phú. Ngoài quản lý các bệnh không lây nhiễm, mỗi năm, bác sĩ Thọ và các đồng nghiệp mổ cấp cứu thành công khoảng 200-300 ca bệnh, như đa chấn thương do đánh nhau, tai nạn lao động hay viêm ruột thừa, thai ngoài tử cung…

Vừa công tác, vừa là một công dân rất nặng tình với Côn Đảo, bác sĩ Thọ luôn đau đáu với việc làm thế nào để người dân không phải di chuyển xa đi khám, điều trị, cấp cứu. Khi được Sở Y tế quan tâm đầu tư hạ tầng, máy móc, trang thiết bị, được các bệnh viện trong đất liền hỗ trợ chuyên môn, điều mà bác sĩ Thọ và cả các giám đốc tiền nhiệm rất day dứt, đó là vấn đề nhân lực.

Có những năm, không những không tuyển được thêm bác sĩ, Trung tâm y tế quân dân y huyện đảo còn mất người do nhân viên y tế nghỉ việc, rời đảo: “Môi trường làm việc ở đây vẫn còn nhiều khó khăn. Thứ nhất là cọ xát chuyên môn, trong đất liên được đàn anh đàn chị chỉ bảo tốt hơn. Thứ hai là gia đình, con cái điều kiện học, phát triển cũng hạn chế. Thứ ba là cơ chế chính sách, hệ thống y tế tư cởi mở và trả lương cao, có chỗ trả gấp chục lần y tế công. Thành ra, với tư cách lãnh đạo, tôi tuyển dụng được rồi, cũng tác động về lý tưởng, tất cả mọi thứ. Nhưng nó cũng chỉ một phần thôi. Dù gì thì đãi ngộ cũng phải xứng đáng cho bác sĩ”.

Hàng năm, bác sĩ Lê Công Thọ và các đồng nghiệp mổ cấp cứu thành công khoảng 200-300 ca bệnh, như đa chấn thương do đánh nhau, TNGT hay viêm ruột thừa, thai ngoài tử... (1)

Hàng năm, bác sĩ Lê Công Thọ và các đồng nghiệp mổ cấp cứu thành công khoảng 200-300 ca bệnh, như đa chấn thương do đánh nhau, TNGT hay viêm ruột thừa, thai ngoài tử... (1)

Anh Nguyễn Xuân An, Phó trưởng phòng kế hoạch, Trung tâm y tế quân dân y Côn Đảo, là một bác sĩ mới ra trường, được Sở Y tế Bà Rịa-Vũng Tàu tăng cường xuống huyện đảo. Anh thừa nhận thời gian đầu khá khó khăn để thích nghi. Tuy nhiên, chính những khó khăn đó, cùng sự quan tâm, động viên thiết thực từ bác sĩ Lê Công Thọ và các tiền bối đã giúp anh trưởng thành hơn trong công việc. Thêm nữa, tình cảm nồng ấm mà người dân dành cho các bác sĩ cũng khiến anh cảm mến hòn đảo này.

“Bác Thọ ban đầu rất nghiêm khắc, yêu cầu chỉn chu trong công việc. Nhưng trong đời sống lại rất quan tâm và hỗ trợ cho anh em. Như em không phải quê hương ở đây, nhưng được hỗ trợ nhiều về cơ sở vật chất, tinh thần, em đang ở cùng 2 bác sĩ nữa trong chung cư công vụ. Một phần nữa tình cảm của bệnh nhân dành cho các bác sĩ cao, biết nhau hết. Định hướng của em là vẫn tiếp tục gắn bó với đảo”, anh Nguyễn Xuân An chia sẻ.

Thấu hiểu điều kiện và sức hút y tế hải đảo còn hạn chế, ở cương vị quản lý, bác sĩ Lê Công Thọ rất chú trọng xây dựng một môi trường làm việc đoàn kết, nâng cao cả chuyên môn lẫn tư tưởng của cán bộ, nhân viên y tế.

Bác sĩ Thọ cho biết, vừa ký bổ nhiệm 8 vị trí phó trưởng khoa, để giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho những người trẻ, giúp họ có mục tiêu và tự tin phấn đấu, gắn bó với công việc. Đó là những động thái thiết thực, thể hiện sự quan tâm đối với việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực kế cận cho y tế huyện đảo.

Các bác sĩ trẻ được tạo điều kiện tối đa phát triển chuyên môn và nghề nghiệp, tăng cường gắn kết với đồng nghiệp và bà con để sau khi điều động sẽ ở lại công tác

Các bác sĩ trẻ được tạo điều kiện tối đa phát triển chuyên môn và nghề nghiệp, tăng cường gắn kết với đồng nghiệp và bà con để sau khi điều động sẽ ở lại công tác

Bác sĩ Lê Công Thọ tâm niệm, “lãnh đạo noi gương, đi đầu thì mọi khó khăn sẽ được gỡ được dần dần”: “Thông thường, tôi hay kể với anh em, trong điều kiện khó khăn nhất là mình cứu được bệnh nhân, đó là sự sung sướng nhất trong đời một bác sĩ. Còn ở những môi trường như bệnh viện tuyến trên, tuyến trung ương, đó là chuyện bình thường. Ở điều kiện khó khăn mà vẫn làm được, và làm nhiều lần thì tự nhiên mình thấy sung sướng”

Y tế Côn Đảo đã, đang và sẽ đón nhiều thế hệ y bác sĩ đến, ở và đi. Trong khi chờ chính sách đãi ngộ tiếp tục được cải thiện, thì tỉ lệ những thầy thuốc trẻ lựa chọn ở lại, phụng sự trên đảo sẽ phụ thuộc chủ yếu vào sự dìu dắt, chở che những “cây phong ba” như bác sĩ Lê Công Thọ - Vị bác sĩ dành cả sự nghiệp gắn bó với y tế Côn Đảo.

Chỉ còn ít giờ nữa sẽ đến giao thừa năm Giáp Thìn 2024, các bác sĩ trên hải đảo xa xôi của Tổ quốc đang chuẩn bị đón Tết như thế nào, trực Tết ra sao, và mong ước điều gì trong năm mới?

Ngay bây giờ, mời các bạn cùng đến với cuộc kết nối qua điện thoại với bác sĩ Lê Công Thọ - Giám đốc Trung tâm y tế quân dân y Côn Đảo.

PV: Bác sĩ có thể cho biết không khí đón Tết năm nay trên đảo?

Bác sĩ Lê Công Thọ: Ở Côn Đảo, do điều kiện cách trở, xa đất liền, năm nay được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, chính quyền, nên chế độ phụ cấp của anh em ngành y ở Bà Rịa-Vũng Tàu năm nay có cao hơn tất cả cán bộ, công viên chức khác.

Thứ nhất, về phụ cấp Tết, mỗi người được 5 triệu UBND tỉnh trợ cấp. Thứ hai, được sự quan tâm của UBND huyện, các ban ngành đoàn thể nên không khí Tết năm nay cũng có niềm vui, hào hứng trước thềm năm mới.

PV: Kế hoạch trong những ngày Tết của các thầy thuốc thì sao ạ?

Bác sĩ Lê Công Thọ: Điều kiện trên đảo còn khó khăn về nhân sự, đặc biệt là bác sĩ. Kế hoạch trực tết chúng tôi đảm bảo vấn đề vệ sinh ATTP, phòng chống dịch ,đặc biệt là trực cấp cứu. Có một số bác sĩ trẻ cũng hơi nao núng, muốn về quê ăn Tết cùng gia đình.

Nhưng nhân lực của chúng tôi mỏng, chỉ giải quyết trường hợp đột xuất, có lý do chính đáng, không quá 10% số viên chức của các khoa phòng, để đảm bảo trực cấp cứu điều trị trong Tết Nguyên đán. Đó là nhiệm vụ chính trị nữa.

Bác sĩ Lê Công Thọ dành cả sự nghiệp gắn bó với y tế huyện đảo, và luôn đau đáu với việc giữ chân các y bác sĩ, nhân viên y tế ở lại Côn Đảo

Bác sĩ Lê Công Thọ dành cả sự nghiệp gắn bó với y tế huyện đảo, và luôn đau đáu với việc giữ chân các y bác sĩ, nhân viên y tế ở lại Côn Đảo

PV: Còn cá nhân bác sĩ Lê Công Thọ?

Bác sĩ Lê Công Thọ: À riêng tôi thì gia đình cũng ở trên địa bàn huyện, gồm bố mẹ, vợ con cũng đều ở Côn Đảo. Ngoài việc quản lý, tôi cũng kiêm thêm lĩnh vực ngoại khoa, sản phụ khoa. Thành ra rất khó đi đâu, nên tôi cũng tham gia cùng anh em trực đảm bảo nhiệm vụ.

PV: Trong những ngày trực Tết, những trường hợp nào đáng lưu tâm nhất?

Bác sĩ Lê Công Thọ: Những năm trước vào ngày trực Tết, vấn đề đáng sợ nhất là tai nạn giao thông, thứ hai là đánh nhau, đâm nhau giữa các ngư dân trong ngư trường ở Bà Rịa-Vũng Tàu.

Có những ghe tàu họ đánh bắt xa ở Mã Lai, Indo, không về quê, họ nhậu nhẹt thì mâu thuẫn đâm nhau thủng bụng, thấu ngực những năm trước rất nhiều.

PV: Đêm 30 thì các bác sĩ và bà con đón Tết thế nào?

Bác sĩ Lê Công Thọ: Cũng giống như nơi khác thôi. Đêm 30 những năm gần đây tổ chức bắn pháo hoa. Người dân tham dự lúc 0h để nghe chúc Tết của Bí thư, Chủ tịch UBND huyện. Sau đó chúng tôi quay về đơn vị, chúc mừng năm mới, hỗ trợ anh em nếu có trường hợp cấp cứu.

Tết ở đơn vị cũng không có nhiều người. Anh em tranh thủ tới lui ở nhà trên đảo. Còn trường hợp bác sĩ trẻ chưa có gia đình ở ngoài này thì cũng lập đoàn lại đi chúc Tết ở các gia đình đồng nghiệp, ăn tết cùng để đông vui, đầm ấm, quên đi cảnh xa gia đình.

PV: Dịp Tết Nguyên đán năm nay, bác sĩ mong mỏi nhất điều gì?

Bác sĩ Lê Công Thọ: Điều mong mỏi nhất của tôi, thứ nhất, chúc cho mọi người, mọi gia đình đón một cái Tết an vui, đầm ấm, an toàn. Đặc biệt, người dân trên Côn Đảo có sức khỏe, hạnh phúc, không xảy ra bất trắc, các anh chị em trong đơn vị có cái Tết thật vui, bước sang năm mới hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Chúc tất cả bác sĩ trẻ có dịp đón Tết đầu tiên xa nhà, có cái tết thật đầm ấm cùng đồng nghiệp, bạn bè.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ, chúc bác sĩ cùng gia đình và các đồng nghiệp đón năm mới nhiều sức khỏe và niềm vui!

Trong không khí nhà nhà quây quần chuẩn bị đón giao thừa, có những thầy thuốc vẫn thầm lặng trực xuyên Tết để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe đồng bào. Đặc biệt là những bác sĩ, nhân viên y tế ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, trong điều kiện công tác khó khăn, thiếu thốn, xa quê, xa gia đình, họ vẫn nỗ lực vượt khó bằng tinh thần đoàn kết, đồng lòng, tương thân tương ái.

Hy vọng, câu chuyện về bác sĩ Lê Công Thọ cùng các đồng nghiệp ở Trung tâm y tế quân dân y Côn Đảo phần nào giúp quý vị thính giả có góc nhìn đồng cảm và quý trọng hơn với sự vất vả, hy sinh, cống hiến của đội ngũ thầy thuốc.

Chu Đức/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Vì sao công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe bị tạm dừng?

Vì sao công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe bị tạm dừng?

Theo thông tin từ Chi hội Đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, từ ngày 01/01/2025 đến nay, 100% các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trong toàn quốc đang phải tạm dừng hoạt động.

Người dân nâng cao ý thức từ khi áp dụng Nghị định 168

Người dân nâng cao ý thức từ khi áp dụng Nghị định 168

Hơn 8.000 vi phạm bị phát hiện lập biên bản. Trong đó, gần 2.000 phương tiện bị tạm giữ, hơn 1.000 giấy phép lái xe bị tước và bị trừ điểm giấy phép lái xe. Đây là con số sau 10 ngày thực hiện Nghị định 168 về tăng mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Bến xe miền Tây đã sẵn phương án phục vụ dịp Tết Ất Tỵ

Bến xe miền Tây đã sẵn phương án phục vụ dịp Tết Ất Tỵ

Dịp Tết nguyên đán năm nay, người lao động được nghỉ 9 ngày, dự báo lượng khách đi lại qua bến xe Miền Tây sẽ tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngày cao điểm 27 tháng Chạp, bến xe phục vụ lượng khách nhiều nhất lên tới hơn 62.000 ngàn người.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành sẵn sàng thông xe 2 đoạn tuyến trước Tết Nguyên Đán

Cao tốc Bến Lức - Long Thành sẵn sàng thông xe 2 đoạn tuyến trước Tết Nguyên Đán

Vừa qua, Cục Đường Bộ đã phê duyệt phương án tổ chức giao thông đối với 2 đoạn tuyến thuộc cao tốc Bến Lức Long Thành sau khi thẩm định đủ điều kiện thông xe. Trong đó, đoạn đầu tuyến qua tỉnh Long An dài hơn 3km và đoạn cuối tuyến qua tỉnh Đồng Nai dài hơn 7km. 

Việt Nam được gì sau 6 năm gia nhập CPTPP?

Việt Nam được gì sau 6 năm gia nhập CPTPP?

Sau 6 năm gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hàng hóa Việt Nam đã được tiếp cận với một số thị trường mới. Tuy nhiên, để tối ưu hóa tiềm năng của hiệp định này còn rất nhiều việc phải làm.

Mùa Xuân trên phố

Mùa Xuân trên phố

Không khí Tết đã tràn ngập khắp phố phường, những cành đào thắm, quất vàng rực rỡ đã lác đác xuất hiện trên phố, đường phố trở nên đông đúc, nhộn nhịp hơn, mọi người bắt đầu tranh thủ đi sắm tết khi hôm nay đã là ngày Rằm tháng Chạp...

Chuyển biến tích cực về TT ATGT sau nửa tháng thực hiện Nghị định 168

Chuyển biến tích cực về TT ATGT sau nửa tháng thực hiện Nghị định 168

Sau nửa tháng thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP, tình hình TTATGT đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, TNGT giảm cả 03 tiêu chí, giao thông đi vào nề nếp,…