Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dự thảo trên tay

Thứ trưởng, giám đốc sở không được háo danh, quan liêu: Tiêu chí nào đánh giá?

Quách Đồng: Thứ hai 05/02/2024, 15:01 (GMT+7)

Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước. Đáng chú ý, ngoài các tiêu chí về năm công tác, thành tích cụ thể, các chức danh được đề xuất bổ nhiệm phải đảm bảo tiêu chuẩn về đạo đức, không háo danh, vụ lợi, quan liêu…

Dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước (sau đây gọi tắt là Dự thảo nghị định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo) do Bộ Nội vụ soạn thảo, có 3 chương, 35 Điều, gồm: Những quy định chung; Tiêu chuẩn đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý; Điều khoản thi hành…

Cụ thể, Dự thảo Nghị định này quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước, từ Thứ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước; Cơ quan thuộc Chính phủ; Tổng cục trưởng, Giám đốc Sở và tương đương…

Theo đó, Dự thảo quy định các tiêu chuẩn chung về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, trình độ, năng lực, uy tín và sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác của các chức danh này. Trong đó, đáng chú ý, dự thảo nghị định quy định các chức danh được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm phải có thành tích, kết quả và sản phẩm cụ thể tại vị trí đang đảm nhiệm; Có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương liền kề với chức vụ dự kiến bổ nhiệm tối thiểu là 2 năm, nếu không liên tục thì được cộng dồn, trừ trường hợp được bổ nhiệm lần đầu.

Đặc biệt, về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực. Có tinh thần cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, bản thân không tham nhũng, háo danh, quan liêu, cơ hội, vụ lợi. Không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Không tham vọng quyền lực. Thực hiện việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập theo quy định...

Với chức danh thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, dự thảo nghị định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo quy định phải am hiểu sâu sắc về quản lý nhà nước, hiểu biết pháp luật về ngành, lĩnh vực quản lý và thông lệ quốc tế; Có năng lực tham mưu hoạch định những vấn đề chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực…

Với chức danh giám đốc Sở, Bộ Nội vụ đề xuất: ngoài đáp ứng tiêu chuẩn chung phải am hiểu sâu sắc về quản lý nhà nước, hiểu biết pháp luật về ngành, lĩnh vực quản lý và các quy định đặc thù áp dụng tại địa phương.

Đồng thời, có năng lực tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật của trung ương; tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về ngành, lĩnh vực áp dụng tại địa phương.

Dự thảo Nghị định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo đã được Bộ Nội vụ lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành và các địa phương và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Dự thảo nghị định đã được Bộ Nội vụ trình Chính phủ xem xét, ban hành, sau khi đã được Bộ Tư pháp thẩm định, cũng như tiếp thu, giải trình ý kiến của các thành viên Chính phủ.

Ảnh minh hoạ: Dân trí

Ảnh minh hoạ: Dân trí

KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG "LÁCH"

Vì sao Bộ Nội vụ đề xuất tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo phải không quan liêu, háo danh, vụ lợi? Căn cứ nào để đánh giá các tiêu chí này? PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, Viên chức, Bộ Nội vụ - đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định.

PV: Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo nghị định là tiêu chuẩn về đạo đức, tức là những chức danh này sẽ không được quan liêu, tham nhũng háo danh. Vậy những căn cứ nào để đánh giá được những tiêu chí này?

Ông Nguyễn Tư Long: Đây là một tiêu chuẩn chung, thế còn đánh giá như thế nào là không thông tham nhũng, không quan liêu thì qua các bước của quy trình bổ nhiệm thì sẽ phản ảnh cái điều đấy. Tôi lấy ví dụ như là trong các bước quy trình bổ nhiệm thì có sự tham gia của cấp ủy, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thế rồi lấy phiếu tín nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại tổ chức, đơn vị.

Thế rồi lấy xác nhận của chính quyền địa phương, rồi chúng ta có những hệ thống các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, theo đó phải kê khai tài sản, phải làm các bước theo quy trình, tuy nhiên, đây cũng là quy định cứng, còn cái việc phát hiện ra hoặc là đáp ứng được tại thời điểm đó, phụ thuộc vào nhận thức của cá nhân, người được bổ nhiệm.

Ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức, Bộ Nội vụ (Ảnh: VnExpress)

Ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức, Bộ Nội vụ (Ảnh: VnExpress)

PV: Nhưng thực tế, không ít người coi việc làm cán bộ như một vụ “đầu tư”, vừa thỏa mãn ham muốn quyền lực, vừa đạt mục tiêu kinh tế. Dự thảo Nghị định có “lọc” được những trường hợp đó?

Ông Nguyễn Tư Long: Quy định từ trước đến giờ về quy trình bổ nhiệm theo quy định của Đảng, cũng quy định của pháp luật là tương đối chặt chẽ. Mặc dù là pháp luật có quy định cụ thể và chặt chẽ đến đâu, nhưng nếu cố tình lách thì cũng rất khó. Tuy nhiên thì với các quy định của Đảng hiện hành, đặc biệt là thể chế hóa quy định trong nghị định này, thì chúng tôi nghĩ rằng là sẽ khắc phục được tình trạng đó.

Cụ thể là trong nghị định đã quy định rất rõ về tiêu chuẩn, điều kiện là có 2 năm công tác ở chức vụ liền kề Nội dung này đã quy định ở trong quy định số 80 của Đảng, Quyết định số 214 mới đây. Đây là một trong những nội dung mới mà trong thời gian vừa qua, yêu cầu 2 năm công tác liền kề là một công cụ rất hữu hiệu để chống cái việc bổ nhiệm thần tốc.

Tuy nhiên thì chúng ta cũng không bó chân đối với những người thật sự có tài năng, thì chúng ta vẫn có cơ chế là cho phép cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và trong trường hợp đấy thì cấp có thẩm quyền bổ nhiệm phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, có nghĩa là không nhất định anh phải 2 năm, nếu tôi thấy anh thật sự là có tài năng, có sản phẩm vượt trội thì có thể bổ nhiệm anh, không cần chờ đến thời gian như vậy.

Quan trọng nhất là những trường hợp cụ thể chúng ta cũng không bó chân vào những quy định cứng nhắc được.

PV: Ban soạn thảo kỳ vọng gì vào dự thảo nghị định này?

Ông Nguyễn Tư Long: Dự thảo nghị định thì sẽ tạo khung pháp lý để thống nhất thực hiện từ Trung ương xuống địa phương. Đây là văn bản đầu tiên quy định chung về các tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh lãnh đạo quản lý trong cả hệ thống từ Trung ương xuống địa phương và các văn bản thì là cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đó có thể quy định cụ thể hơn.

Các quy định của Nghị định thì cứ tạm gọi là quy định “sàn”, quy định tối thiểu, nhưng căn cứ vào cái điều kiện đặc thù của Bộ, ngành, địa phương thì có thể quy định những tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn để phù hợp với đặc thù cũng như là phù hợp với điều kiện phát triển trong từng giai đoạn của Bộ, ngành, địa phương.

PV: Xin cảm ơn ông!

TIÊU CHÍ RÕ RÀNG ĐỂ PHẤN ĐẤU

Việc quy định các tiêu chuẩn về đạo đức đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước, nếu được ban hành sẽ có những tác động xã hội như thế nào? PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Ngô Thành Can, Học viện Hành chính Quốc gia xung quanh nội dung này.

PV: Theo ông, chúng ta có thể căn cứ vào đâu để đánh giá được những tiêu chí này?

PGS.TS Ngô Thành Can: Dự thảo nghị định có nêu một số tiêu chuẩn cho cán bộ lãnh đạo, là một số tiêu chuẩn định lượng và một số tiêu chuẩn định tính. Trong tất cả những tiêu chí thì có những tiêu chí mà chúng ta không thể định lượng, đong đo, đếm được, nhưng không thể thiếu, ví dụ như: yêu nước, không tham nhũng…

Cái về định lượng, đó là những tiêu chí về sản phẩm, tham gia các đề án, dự án… Không phải người ta cứ đưa ra các tiêu chuẩn, tiêu chí nào thì chúng ta lại nói rằng đo bằng cái gì, cái gì ta cũng có thể định lượng được. Nhưng có một số cái định tính chúng ta có thể biết và chịu trách nhiệm về nó.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo này, tiêu chuẩn này nó có đáp ứng được thực tế không và có ngăn chặn được những người không đáp ứng được về mặt đạo đức, tham nhũng, tham nhũng…

PV: Ngoài những tiêu chí như dự thảo đề ra, theo ông, cần bổ sung những gì để có thể lựa chọn được những cán bộ xứng đáng?

PGS.TS Ngô Thành Can: Chúng ta nên lưu ý, cũng là học các cụ ngày xưa, đấy là những tiêu chí về sử dụng cán bộ ở địa phương, đến một chức vụ nào đó thì cán bộ tại địa phương đó không được giữ chức vụ lớn ở địa phương. Thứ 2, liên quan đến người nhà và những người thân thiết, đến một vị trí nào đó không được để bố mẹ, anh em trong bộ máy đó.

Bản thân những người giớ thiệu người có tiêu chí phù hợp vào cũng phải chịu trách nhiệm về phần này, không phải là anh lựa chọn, anh giới thiệu ra nhưng mà sau này khi có vướng mắc gì thì anh không có trách nhiệm gì.

Một phần nữa chúng ta cũng nên lưu ý, đấy là các quy chế để sử dụng những người có tài, những người dám nghĩ, dám làm, dám hoạt động mà quá trình làm đã có những sản phẩm, đã có những minh chứng về tài năng của anh ta.

PV: Theo ông, nếu dự thảo nghị định được ban hành thì sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

PGS.TS Ngô Thành Can: Nếu chúng ta ban hành thì có mấy cái hay là đưa công tác cán bộ này đi vào nề nếp, đáp ứng được những tiêu chuẩn nhất định. Thứ 2 là trong quá trình quản lý đội ngũ cán bộ này, chúng ta có thêm những văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh, từ công tác xem xét, đánh giá, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng.

Phần thứ 3, quan trọng hơn là chúng ta tạo ra một cái kênh, hay một đường hướng tương đối rõ rệt để cho những anh em sau này người ta thấy tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, cách thức rõ ràng để người ta có thể phấn đấu, để tăng cường rèn luyện thêm để đáp ứng những tiêu chí này.

Thêm nữa, những người trong công tác tổ chức cán bộ người ta thấy rằng tiêu chí, tiêu chuẩn nó rõ, để anh minh chứng được như thế thì trong quá trình xem xét, giới thiệu người ta cũng tự tin hơn và có trach nhiệm hơn. Đấy là những cái có thể có thành công sau khi chúng ta ban hành và được áp dụng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Bộ Nội vụ, không ít người coi việc phấn đấu làm cán bộ, làm lãnh đạo vì mục tiêu kinh tế và thỏa mãn nhu cầu quyền lực. Bởi vậy, việc đề ra các tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống như tại dự thảo nghị định được cho là một “bộ lọc” để loại bỏ những trường hợp này.

Bạn kỳ vọng gì vào dự thảo nghị định này? Nếu được ban hành, các quy định mới của dự thảo nghị định sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” trong khung giờ “FM91 chiều”, thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần trên VOV Giao thông FM 91MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcasts dành cho di động: Spotify, Apple Podcasts và Google Podcasts.

 

Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Sóng về khuya: Đồng hành với những chuyến đi an toàn

Sóng về khuya: Đồng hành với những chuyến đi an toàn

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm có hơn 6.000 người chết từ những vụ tai nạn giao thông liên quan tới tài xế ngủ gật. Nguyên nhân do thiếu ngủ chiếm tới 30% trên tổng số các vụ tai nạn giao thông trong một năm.

Hà Nội sống và yêu: Ăn sáng từ nhà ra phố

Hà Nội sống và yêu: Ăn sáng từ nhà ra phố

Không khó để bắt gặp đủ các hàng quán bán đồ ăn sáng ở Hà Nội ngày nay. Lật giở về quá khứ, thói quen ăn sáng của người Hà Nội phải chăng là lê la quán xá hay đã biến thiên theo thời gian?

Truy đuổi trên đường

Truy đuổi trên đường

Việc quy định cụ thể hoạt động truy đuổi để ngăn chặn một số hành vi vi phạm TTATGT không chỉ gây áp lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ, mà còn trở thành lực cản trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý giao thông, an toàn xã hội.

Chuyển đổi số, cần “mở” cơ chế chia sẻ thông tin

Chuyển đổi số, cần “mở” cơ chế chia sẻ thông tin

Thiếu cơ chế chia sẻ thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia khiến nhiều ý kiến đang băn khoăn về tính hiệu quả của việc xây dựng chính phủ số.

Khi các doanh nghiệp “bắt tay” để đẩy lùi “bà hỏa”

Khi các doanh nghiệp “bắt tay” để đẩy lùi “bà hỏa”

Tại các khu – cụm công nghiệp, việc triển khai các mô hình “Cụm liên kết an toàn PCCC” như những cái “bắt tay” của các doanh nghiệp, để cùng chung sức đẩy lùi “bà hỏa”.

Taxi truyền thống Singapore đang ngày một “hụt hơi”

Taxi truyền thống Singapore đang ngày một “hụt hơi”

Trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các ứng dụng gọi xe như Grab, số lượng taxi truyền thống ở Singapore đang ngày một ít đi. Điều này gây ra không ít khó khăn với những người không có thói quen sử dụng ứng dụng, nhất là người cao tuổi.

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

Mới đây TP.Thủ Đức đã tổ chức sự kiện thu hút đầu tư theo hình thức PPP và trao chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng.