Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Diễn đàn

Tấn công CSGT khi bị kiểm tra nồng độ cồn, cần xử kịch khung

Kênh VOV Giao thông: Thứ năm 01/02/2024, 09:25 (GMT+7)

Liên tiếp xảy ra các vụ chống đối người thi hành công vụ khi bị kiểm tra nồng độ cồn, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, làm nhiều cán bộ công an bị thương, phải nhập viện, khiến dư luận hết sức phẫn nộ!

Vì sao gia tăng một cách đáng báo động các vụ chống đối, thậm chí tấn công trực diện vào CSGT khi bị kiểm tra nồng độ cồn? Hình phạt nào để chấm dứt các hành vi “trên cả coi thường pháp luật” này?

Đón nghe, Diễn đàn 91 lúc 12h30, thứ Năm (01/2/2024), trực tiếp trên VOV Giao thông FM91 Mhz và vovgiaothong.vn chủ đề: “Tấn công cảnh sát khi bị kiểm tra nồng độ cồn, cần xử kịch khung!”. 

Cùng sự tham gia của các vị khách mời: Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông – Cục CSGT (Bộ Công an) và Đại tá PGS.TS Lê Huy Trí, Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Cảnh sát, Học viện Cảnh sát nhân dân. 

Đừng quên chia sẻ ý kiến của bạn với chương trình qua hotline: 02437.919191 và fanpage facebook: VOV Giao thông

 Báo động tình trạng chống đối khi kiểm tra nồng độ cồn

Thời gian gần đây, liên tiếp tại các địa phương xảy ra các vụ lái xe khi bị lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn đã có hành vi chống người thi hành công vụ.

Đơn cử như trường hợp ở tỉnh Hải Dương vào tối ngày 14/9/2023, khi bị lực lượng chức năng lập biên bản do vi phạm nồng độ cồn, tài xế Trần Mạnh Hùng đã giật giấy tờ xe, đấm vào ngực cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.

Mới đây nhất, vào ngày 20/1/2024, người điều khiển xe máy Cao Hà Đức (26 tuổi (trú tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) đã không chấp hành hiệu lệnh dừng xe kiểm tra nồng độ cồn của CSGT trên tuyến quốc lộ 18, mà tông thẳng vào tổ công tác, làm bị thương 1 cán bộ CSGT.

Nhiều người dân bày tỏ lo ngại về những trường hợp lái xe chống người thi hành công vụ:

"Khi đã uống rượu bia, gặp CSGT, nhiều người có tâm lý chạy trốn, quay đầu xe, dễ đâm vào người ngược chiều hoặc phanh gấp dễ xảy ra tai nạn, va chạm"

"Có trường hợp khi lực lượng CSGT giao thông kiểm tra nồng độ cồn, lái xe cố tình bỏ chạy, va vào người đi bên cạnh, ngã ra nhưng mà do sợ bị xử phạt không nâng đỡ người ngã".

Nam thanh niên cùng phương tiện bị cơ quan chức năng bắt giữ khi thông chốt đo nồng độ cồn và tông vào thiếu tá CSGT - Ảnh suckhoedoisong

Nam thanh niên cùng phương tiện bị cơ quan chức năng bắt giữ khi thông chốt đo nồng độ cồn và tông vào thiếu tá CSGT - Ảnh suckhoedoisong

Theo TS Trần Hữu Minh, chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi chống người thi hành công vụ như lái xe chưa nắm được các quy định của pháp luật, hoặc nắm được quy định nhưng cố tình vi phạm.

Tuy nhiên, dù bất cứ nguyên nhân nào, hành vi không tuân thủ yêu cầu, chống đối lực lượng thi hành công vụ đều là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải xử lý thật nghiêm: "Những hành vi như vậy đe dọa đến sự an toàn và tính mạng của những lực lượng thực thi công vụ trên đường. Ngoài việc gây bức xúc trong dư luận, nguy hiểm hơn tạo ra những tiền lệ xấu về việc coi thường pháp luật, thách thức pháp luật, đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền"

PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Phòng chống chấn thương, Trường Đại học y tế cộng đồng lý giải về tình trạng thiếu kiểm soát hành vi của lái xe có nồng độ cồn: "Nếu mà chúng ta uống ít, chúng ta thấy hưng phấn, vui vẻ. Nhưng khi vào uống nhiều, chuyển thành một trạng thái nó hơi hung hăng hơn, không biết sợ gì cả, người ta sẽ có những hành động mà không được phép".

Từ ngày 11/1/2024 đến 24/1/2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý được trên 40.800 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng 212 trường hợp so với  thời gian trước liền kề.

Điều đáng nói, số vụ chống người thi hành công vụ có xu hướng gia tăng. Năm 2023 cả nước xảy ra 79 vụ chống người thi hành công vụ khiến một đồng chí hy sinh, 49 đồng chí bị thương, tăng 53 vụ so với cùng kỳ năm 2022.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT) cho biết về diễn biến phức tạp của hành vi này: "Nhiều trường hợp đối tượng lao xe thẳng vào cảnh sát giao thông, một số trường hợp còn hành vi lăng mạ chống đối, thách thức hoặc sử dụng hung khí để tấn công cảnh sát giao thông làm ảnh hưởng tới sức khỏe tính mạng của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ. Trong đợt đầu thực hiện cao điểm 2024, đã xảy ra 10 vụ khiến 4 đồng chí bị thương, lực lượng chức năng bắt giữ 10 đối tượng"

Nhiều ý kiến cho rằng, hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi nguy hiểm cần phải chấn chỉnh và có thêm những chế tài để kiểm soát và xử lý chặt hơn nữa. 

Cần biện pháp vừa mạnh, vừa đồng bộ 

Trước tình trạng chống người thi hành công vụ khi bị kiểm tra nồng độ cồn ngày càng gia tăng, thượng tá tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Tuyên truyền, Cục CSGT cũng cho rằng: Lực lượng chức năng sẽ tiếp tục củng cố hồ sơ, chứng cứ để xem xét, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ hoặc gây rối trật tự công cộng và tập trung điều tra, đề nghị truy tố, xét xử các vụ TNGT có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, ma túy gây ra.

Vụ việc tài xế xe bán tải 'thông chốt' nồng độ cồn, kéo lê xe cảnh sát hôm 25/1

Vụ việc tài xế xe bán tải 'thông chốt' nồng độ cồn, kéo lê xe cảnh sát hôm 25/1

Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Văn phòng Luật sư phạm Danh (Hà Nội) cho rằng, các đối tượng biết trước đây là hành vi nguy hiểm nhưng vẫn cố tình thực hiện. Trường hợp CSGT đã kiên trì giải thích mà người vi phạm cố tình không hợp tác, chống đối thì phải có những biện pháp trấn áp kịp thời nếu người vi phạm manh động, đồng thời những hành vi chống đối phải bị xử lý nghiêm minh: "Trong các trường hợp nghiêm trọng, nếu đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 Bộ Luật hình sự với mức phạt cao nhất có thể lên tới 7 năm tù".

Ở góc độ khác, TS Vũ Anh Tuấn, Đại học Việt Đức cho rằng, phải xử phạt thật nặng, phạt nghiêm và mang tính thường xuyên hành vi vi phạm nồng độ cồn, bởi đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chống người thi hành công vụ. Đây cũng là kinh nghiệm được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

"Như ở Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc… người ta đã phải ra một Luật gọi là hình sự hóa hành vi này. Chỉ cần anh uống rượu bia thôi, anh lái xe khi trong người có nồng độ cồn là phạt hình sự, là bỏ tù anh để răn đe hành vi này. Chúng ta đang đi đúng hướng, gia tăng mức độ phạt, tăng tiền phạt, rồi tăng thời gian giữ bằng. Đồng thời Việt Nam cũng đang triển khai các hoạt động về tuyên truyền, cung cấp thông tin thay đổi ý thức và hành vi", TS Vũ Anh Tuấn cho biết.

Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng, để phòng ngừa hành vi chống người thi hành công vụ khi triển khai kế hoạch kiểm soát nồng độ cồn, cần tăng cường công tác giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi để cảnh báo xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng cần nâng cao trình độ, khả năng xử lý tình huống, đồng thời luôn đề cao cảnh giác để bảo toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ: "Các cơ quan chức năng cần quán triệt đến các tổ công tác về các kỹ năng để xử lý tình huống, ví dụ với những đối tượng đã có những biểu hiện chống đối, lăng mạ, chửi bới, bất tuân hiệu lệnh thì phải tính ngay chuyện khắc chế đối tượng để xử lý và xử lý một cách quyết liệt, dứt khoát"

Một số ý kiến cũng cho rằng, cùng với việc áp dụng các hình phạt kịch khung, cần đưa các vụ chống người thi hành công vụ khi bị kiểm tra nồng độ cồn ra xét xử lưu động nhằm tăng tác dụng răn đe./.

Kênh VOV Giao thông/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Phân luồng giao thông phục vụ Quốc tang

Hà Nội: Phân luồng giao thông phục vụ Quốc tang

Trong các ngày 25 và 26/7/2024, trên địa bàn TP.Hà Nội diễn ra các hoạt động phục vụ Lễ Quốc tang đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Công an thành phố Hà Nội phân luồng giao thông và tổ chức hướng đi cho các loại phương tiện.

Sau 18h hôm nay, nhân dân có thể vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sau 18h hôm nay, nhân dân có thể vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sáng nay (25/7), Lễ viếng chính thức đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu tổ chức đồng thời ở Hà Nội, TP.HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội).

Mạnh tay xử lý các vi phạm tại dự án QL21B đoạn qua Thị trấn Vân Đình (Hà Nội)

Mạnh tay xử lý các vi phạm tại dự án QL21B đoạn qua Thị trấn Vân Đình (Hà Nội)

Người dân Thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội phản ánh về tình trạng bụi bặm, đường xá ngổn ngang do công trình cải tạo, chỉnh trang lại vỉa hè, hệ thống thoát nước và chiếu sáng trên QL21B đoạn qua thị trấn Vân Đình đang triển khai thi công, ảnh hưởng đến đi lại và đời sống.

Đường nội khốn khổ cạnh tranh với đường nhập lậu

Đường nội khốn khổ cạnh tranh với đường nhập lậu

Năm 2023, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam vào khoảng 600 nghìn tấn, bằng 63% lượng đường của các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cờ vỉa

Cờ vỉa

Với cánh mày râu, có một món ăn tinh thần vẫn tồn tại lâu nay trong cuộc sống, đó là thú chơi cờ tướng vỉa hè. Nếu bộ hàng ngang qua những vỉa hè trên phố, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh từng nhóm người tụ tập xung quanh bàn cờ tướng kèm theo những âm thanh nhộn nhịp cả một góc phố.

Làm đường dành cho người đi bộ nhưng lại cho đỗ ô tô?

Làm đường dành cho người đi bộ nhưng lại cho đỗ ô tô?

Tại Hà Nội, nhiều tuyến đường đã được đầu tư từ lâu để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, thế nhưng các tuyến đường này vẫn chưa cho thấy hiệu quả hoạt động của nó. Đơn cử như tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng, phần đường đáng ra được dành riêng cho người đi bộ, thì nay đã trở thành bãi đỗ xe…

Phân vai cụ thể để quản lý, bảo trì đường bộ

Phân vai cụ thể để quản lý, bảo trì đường bộ

Sau giai đoạn ủy thác ban đầu, việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương quản lý quốc lộ là một bước tiến quan trọng trong quá trình cải cách hành chính, không chỉ giúp giảm tải gánh nặng cho trung ương mà còn phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương trong việc quản lý và bảo trì quốc lộ.