Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Phụ huynh, học sinh không mặn mà với trường nghề, cách nào thay đổi?

Minh Hiếu: Thứ năm 22/06/2023, 13:33 (GMT+7)

Theo thống kê, khoảng 70% học viên trường nghề ra trường có việc làm, nhưng tỷ lệ học sinh vào trường nghề vẫn rất thấp. Cách nào tăng khả năng liên thông sau tốt nghiệp trường nghề, thay đổi tâm lý “thích làm thầy, không làm thợ” của phụ huynh và học sinh?

Theo thống kê, khoảng 70% học viên trường nghề ra trường có việc làm, nhưng tỷ lệ học sinh vào trường nghề vẫn rất thấp do tâm lý “thích làm thầy, không làm thợ” của đa số phụ huynh, học sinh (Ảnh minh họa)

Theo thống kê, khoảng 70% học viên trường nghề ra trường có việc làm, nhưng tỷ lệ học sinh vào trường nghề vẫn rất thấp do tâm lý “thích làm thầy, không làm thợ” của đa số phụ huynh, học sinh (Ảnh minh họa)

Chị Lê Thu Hằng, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có con trai sẽ lên lớp 9 trong năm học tới. Chị khá lo lắng khi chứng kiến kỳ thi vào lớp 10 căng thẳng vừa qua, với chỉ hơn 55% học sinh được vào trường công lập:

"Trường công lập ở Hà Nội hơi ít, nên hầu như gia đình nào cũng rất lo lắng. Nhiều người không muốn cho con đi học nghề đâu, vì nghĩ là trẻ con học nốt cấp 3 cho trọn vẹn tuổi thơ, dính đến chữ “nghề” cảm giác cho con ra đời sớm, thương con. Trước đây chị cũng học cấp 3 xong đi học nghề, nhưng chị thấy dạy nghề ở trường phổ thông chỉ sơ sơ thôi, ra để làm được việc cũng khó lắm, cho nên phụ huynh mới không mặn mà", chị Hằng chia sẻ.

PGS. TS. Trần Thị Thái Hà, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Giáo dục đánh giá, tâm lý “thích làm thầy, không làm thợ” của đa phần phụ huynh, học sinh là dễ hiểu bởi người phương Đông rất xem trọng dư luận, địa vị xã hội, coi bằng đại học là niềm tự hào của gia đình, dòng họ. Đặc biệt là khi chất lượng đào tạo hiện nay chưa được như mong muốn, nhiều doanh nghiệp phải đào tạo lại nên khi tuyển dụng, họ muốn tuyển người có bằng cấp để phần nào chứng tỏ trình độ của người lao động.

Tuy nhiên, quan điểm coi trọng bằng cấp đã có nhiều thay đổi, khi tỷ lệ thất nghiệp ở bậc đại học cao và do tác động của đại dịch, như các trường hợp học sinh từ chối vào đại học, đi xuất khẩu lao động ở Nghệ An, Hà Tĩnh gần đây.

Theo PGS. TS. Trần Thị Thái Hà, xóa dần những quan điểm không lành mạnh và định hướng phát triển kinh tế thị trường sẽ tác động, thay đổi tâm lý người dân:

"Để thu hút học sinh thì phải nâng cao chất lượng đào tạo, đội ngũ, chương trình, cơ sở vật chất. Đặc biệt, chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên vì đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định chất lượng. Giáo dục nghề mà dựa vào nguồn kinh phí của Nhà nước, của học sinh thì sự phát triển không bền vững. Nhà nước nên tập trung đầu tư đào tạo những ngành mũi nhọn, hoặc doanh nghiệp không đầu tư, còn những ngành khác thị trường sẽ chịu trách nhiệm chính.

Thứ hai, các chương trình đào tạo phải linh hoạt và hướng đến thị trường, kết hợp với doanh nghiệp thì mới mang lại hiệu quả. Một yếu tố cũng rất quan trọng là cơ chế, làm sao điều tiết để gỡ được những rào cản. Chúng ta có rất nhiều chính sách tốt, ví dụ nếu doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo thì sẽ miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, nhưng thực tế thì thủ tục, cơ chế hành chính khiến người ta rất mệt mỏi".

 

Để học nghề không còn là lựa chọn cuối cùng, để khuyến khích học sinh khá, giỏi vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp, cần nâng cao chất lượng đào tạo và tăng khả năng liên thông sau tốt nghiệp (Ảnh minh họa)

Để học nghề không còn là lựa chọn cuối cùng, để khuyến khích học sinh khá, giỏi vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp, cần nâng cao chất lượng đào tạo và tăng khả năng liên thông sau tốt nghiệp (Ảnh minh họa)

Nhìn nhận về những khó khăn trong việc tuyển sinh của trường nghề hiện nay, TS. Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh về khả năng liên thông sau tốt nghiệp trường nghề ở Việt Nam khác biệt so với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, hay Hàn Quốc…:

"Người ta phân luồng THPT và trung học nghề, thời gian đào tạo đều là 3 năm. Nếu đi vào hướng nghề, người học đến 18 tuổi gia nhập thị trường lao động, còn nếu muốn học lên thì học ở bậc cao hơn, cao đẳng, đại học, vì giá trị bằng THPT và trung học nghề tương đương, cộng thêm những chính sách khuyến khích của nhà nước thì người ta đạt được mục tiêu 60-70% vào trung học nghề.

Thế nhưng, chúng ta học THPT 3 năm, trung cấp nghề thì lại chỉ 1-2 năm thôi. Học trung cấp nghề thì chủ yếu học nghề, học văn hóa ít, cho nên bằng cấp không tương đương, quyền học lên không có. Nói 3 năm lấy 2 bằng, vừa có bằng THPT, vừa có bằng trung cấp nghề thì không đúng, người ta biết nên người ta không theo. Mấu chốt là phải sửa lại cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân để tạo ra sự phân luồng sau THCS. Một hướng là THPT, một hướng là trung học nghề, chứ không phải trung cấp", TS. Lê Viết Khuyến cho biết.

Dưới một góc nhìn khác, GS.TS. Phạm Tất Dong, Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, ngành giáo dục nên xây dựng hệ thống trường đại học theo hướng mở như các nước phát triển để đáp ứng nhu cầu học tập của tất cả mọi người. Thay vì thi tuyển đầu vào thì làm “chặt” đầu ra, tốt nghiệp trường nghề vẫn có thể học đại học, thì khi đó sẽ không còn loay hoay trong công tác phân luồng:

"Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không phối hợp ăn ý để tạo ra hướng đi cho học sinh. Một bên yêu cầu học đủ môn xã hội thì mới được học đại học, một bên lại muốn học xã hội theo kiểu của mình, thành ra khó khăn. Cần một chương trình như thế nào? Nếu học nghề, học ít môn khoa học, xã hội quá thì học thêm bao nhiêu? Khoa học, xã hội chỉ học theo yêu cầu của người thợ thôi, các bên phải ngồi với nhau để gỡ nó ra. Học nghề sau 3 năm đi làm có lương, sau đó tiếp tục đi học đại học, nếu mình tuyên truyền và làm được như vậy thì chắc chắn hệ thống học nghề sẽ phát triển", GS.TS. Phạm Tất Dong cho biết.

Cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đa dạng hóa ngành nghề phù hợp với nhu cầu của đối tượng học, cũng như có kế hoạch đào tạo cụ thể. Ảnh: HNIVC

Cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đa dạng hóa ngành nghề phù hợp với nhu cầu của đối tượng học, cũng như có kế hoạch đào tạo cụ thể. Ảnh: HNIVC

Hiện cả nước có hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mở ra nhiều cơ hội cho giới trẻ, góp phần đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Tuy nhiên, giáo dục nghề nghiệp còn nhiều hạn chế cả về quy mô, trình độ, mạng lưới, phân bổ đào tạo. Để học nghề không còn là lựa chọn cuối cùng, để khuyến khích học sinh khá, giỏi vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp, cần nâng cao chất lượng đào tạo và tăng khả năng liên thông sau tốt nghiệp.

Đây là góc nhìn của VOV Giao thông trong bài bình luận: “Không để học nghề là lựa chọn cuối cùng”.

 

Những cách hiểu hạn chế và sai mục đích trong đào tạo nghề dù đã được chỉ ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Cả trong nhận thức lẫn thực tế thì trường nghề dường như đang là lựa chọn cuối cùng, khi học sinh không đủ năng lực để vào các trường mong muốn, và học trường nghề chỉ là để lấy tấm bằng tốt nghiệp. Điều này gây lãng phí không nhỏ, làm sai lệch mục đích của đào tạo nghề là rút ngắn thời gian, giúp học sinh, sinh viên sớm tham gia thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực.

Nguyên nhân dẫn đến thực tế này tới từ cả hai phía, đầu tiên là phía phụ huynh và học sinh. Trong bối cảnh xã hội còn nặng bằng cấp, đa số học sinh sẽ chọn hoặc được cha mẹ định hướng học THPT, đại học. Khi thấy ai học trường nghề thì đa phần mọi người sẽ nghĩ học sinh đó không đủ năng lực để vào các trường công lập hay học một hệ khác. Các bậc phụ huynh một phần sợ mất thể diện, một phần thương con, không muốn con phải học nghề sớm trong khi bạn bè vẫn đi học văn hóa.

 Còn từ phía các trường, không ít cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo kém chất lượng, cơ sở vật chất còn lạc hậu,… thậm chí một số trường nghề còn quảng cáo, cung cấp thông tin sai sự thật để thu hút thí sinh. Đến khi phát hiện bị lừa dối, nhiều học sinh, sinh viên phải nghỉ học giữa chừng, gây tổn thất không nhỏ về kinh tế cũng như niềm tin. Trong khi đó, cơ quan quản lý vẫn “loay hoay” với công tác phân luồng, dẫn đến việc tuyển sinh vào các trường nghề gặp nhiều khó khăn.

Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư đặt mục tiêu đến năm 2030 thu hút được 50-55% học sinh vào học các trường nghề. Để thực hiện mục tiêu này, nhiều ý kiến cho rằng việc đầu tiên phải làm là thay đổi cơ cấu hệ thống giáo dục với hai hướng THPT và trung học nghề có quy mô tương đương; thống nhất hệ thống giáo dục nghề nghiệp với hệ thống giáo dục phổ thông trong cùng một cơ quan quản lý.

Khi đã có sự thống nhất, các địa phương và trường nghề sẽ triển khai dễ dàng và hiệu quả hơn các chủ trương, chính sách về giáo dục nghề nghiệp. Đó là ưu tiên đào tạo nghề cho một số đối tượng; tiếp tục rà soát, sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, hoàn thiện cơ chế và thực hiện tự chủ theo lộ trình.

Kinh nghiệm từ nhiều nước phát triển cho thấy, Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận và có những cơ chế đặc thù, thiết thực hơn cho giáo dục nghề nghiệp. Theo chia sẻ của PGS. TS. Trần Thị Thái Hà, tại Đức, việc phân luồng cho học sinh được thực hiện từ rất sớm, ngay sau cấp tiểu học, giúp tiết kiệm chi phí đào tạo và bản thân mỗi học sinh sẽ nhận biết năng lực bản thân để tập trung phát triển. Hay tại Hàn Quốc, các trường nghề thường gắn với doanh nghiệp, thậm chí có trường trực thuộc doanh nghiệp, nên công tác đào tạo rất hiệu quả. Đây là những mô hình tốt mà Việt Nam có thể học tập và áp dụng.

Để tăng sức hút với học sinh, sinh viên, xóa bỏ định kiến “học nghề kém sang”, trước hết trường nghề phải có chất lượng. Cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đa dạng hóa ngành nghề phù hợp với nhu cầu của đối tượng học, cũng như có kế hoạch đào tạo cụ thể, không tràn lan, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Đặc biệt chú trọng nguồn nhận lực, thu hút, tuyển dụng, có chế độ đãi ngộ phù hợp, tôn vinh nhà giáo, nghệ nhân, người dạy nghề và cán bộ quản lý. Đổi mới nội dung chương trình, phương thức đào tạo, chuẩn hóa cơ sở vật chất, nâng cao năng lực nhà giáo. Chuẩn hóa các bộ tiêu chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp, tiếp cận chuẩn các nước phát triển.

Nâng cao hiệu quả liên kết, kết hợp giữa nhà trường, Nhà nước và doanh nghiệp cũng là một yêu cầu quan trọng. Chính sách chung từ cơ quan quản lý là rất cần thiết trong bối cảnh nhiều trường THCS lâu nay “đóng cửa”, các trường cao đẳng, trung cấp thường phải dùng những mối quan hệ cá nhân để tiếp cận học sinh. Bên cạnh đó, các trường nghề cũng cần mở diễn đàn cung cấp thông tin trên mạng xã hội và trực tiếp tìm hiểu nguyện vọng của thí sinh để chủ động hơn về nguồn tuyển.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước sẽ giảm ít nhất 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, nâng tỷ lệ cơ sở tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45%. Nhiều ý kiến cho rằng, đối với các trường hoạt động không hiệu quả, yếu kém thì cần thiết giải thể hoặc sáp nhập.

Quyết liệt “dẹp” trường nghề yếu kém với những biện pháp thanh tra, kiểm tra, đảm bảo chất lượng đầu ra sẽ từng bước thay đổi bộ mặt của hệ thống giáo dục nghề nghiệp và dần lấy lại niềm tin với phụ huynh, học sinh./.

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Tăng cường kết nối giúp người dân đi lại  bằng metro thuận tiện hơn

Tăng cường kết nối giúp người dân đi lại bằng metro thuận tiện hơn

Chiều 12/12, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (HURC1) và Công ty TNHH Grab (Grab Việt Nam) chính thức ký kết biên bản ghi nhớ nhằm góp phần thúc đẩy giao thông thông minh tại TP.HCM trong bối cảnh tuyến metro số 1 sắp đi vào vận hành.

Vỉa hè 'đau khổ' bậc nhất Hà Nội được lát lại, sẽ không còn cảnh 'cõng' ô tô?

Vỉa hè "đau khổ" bậc nhất Hà Nội được lát lại, sẽ không còn cảnh "cõng" ô tô?

Sau nhiều năm đánh mất chức năng chính và bị tận dụng làm chỗ đỗ ô tô, vỉa hè xung quanh công viên Tuổi Trẻ Thủ đô (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang được chỉnh trang, lát lại gạch.

Từ 2025, cấp đổi GPLX sẽ thực hiện như thế nào?

Từ 2025, cấp đổi GPLX sẽ thực hiện như thế nào?

Kể từ năm 2025, việc cấp, đổi và thu hồi giấy phép lái xe tại Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.

Bệnh hiểm nghèo sẽ được lên thẳng tuyến trên, có gia tăng quá tải?

Bệnh hiểm nghèo sẽ được lên thẳng tuyến trên, có gia tăng quá tải?

Từ ngày 01/7/2025, người bệnh mắc các bệnh hiếm, hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao... sẽ được lên thẳng tuyến khám chữa bệnh chuyên sâu (tuyến cuối) mà không cần phải thực hiện thủ tục chuyển tuyến như hiện hành, vẫn được hưởng 100% mức hưởng.

Vì sao tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai chậm khắc phục hư hỏng?

Vì sao tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai chậm khắc phục hư hỏng?

Gần đây VOV Giao thông nhận được phản ánh của nhiều bác tài thường xuyên lưu thông trên cao tốc Hà Nội – Lào Cai về tình trạng nhiều vị trí mặt đường hư hỏng, lồi lõm và hằn lún vệt bánh xe, lún võng đường dẫn các đầu cầu, nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao.

Ô tô đậu tràn lan dưới lòng đường ở trung tâm TP.HCM

Ô tô đậu tràn lan dưới lòng đường ở trung tâm TP.HCM

Thời gian qua, nhiều thính giả phán ánh và bày tỏ bức xúc trước tình trạng ô tô đậu tràn lan dưới lòng đường ở trung tâm TP.HCM gây cản trở giao thông, ùn ứ vào giờ cao điểm. Đáng nói tình trạng này đã diễn ra thời gian dài nhưng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.

Đẩy lùi lãng phí trong giao thông, bắt đầu từ đâu? (Bài 3): Hàng chục tỉ đồng “đổ sông” theo thí điểm

Đẩy lùi lãng phí trong giao thông, bắt đầu từ đâu? (Bài 3): Hàng chục tỉ đồng “đổ sông” theo thí điểm

Việc thí điểm các phương án tổ chức giao thông hay thí điểm cách thức tổ chức điều hành môt số hoạt động giao thông đô thị là cần thiết, nhằm kiểm chứng mức độ phù hợp, hiệu quả trước khi tính toán nhân rộng.