Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, liệu có đột phá?

Minh Hiếu: Thứ hai 09/12/2024, 06:58 (GMT+7)

Là một trong những quốc gia sớm ký công ước quốc tế về quyền trẻ em, nhưng hiện nay, quyền trẻ em tại Việt Nam là chuyện vẫn còn nhiều điều để bàn. Đặc biệt là việc bảo vệ trẻ em trên mạng vẫn còn quá nhiều lỗ hổng, chưa có giới hạn trong việc tiếp cận, truy cập của trẻ em.

Từ ngày 25/12/2024, trẻ em dưới 16 tuổi không thể tự đăng ký tài khoản mạng xã hội; trò chơi điện tử bắt buộc phải phân loại theo độ tuổi, dán nhãn và giới hạn thời gian chơi hàng ngày cho trẻ em;… Nhiều quy định mới tại Nghị định 147 vừa được Chính phủ ban hành được kỳ vọng sẽ bảo vệ trẻ em tốt hơn trên không gian số. Vai trò của gia đình và các bên liên quan thế nào để quy định được thực thi và kỳ vọng thành hiện thực? 

Anh Tưởng Anh Đức, ở Thanh Oai (Hà Nội) có con trai học lớp 9 và con gái học lớp 8. Dù dành khá nhiều thời gian để quan sát và nhắc nhở con nhưng anh Đức tạm thu lại điện thoại khi thấy các cháu quá đam mê chơi điện tử và dùng mạng xã hội như TikTok:

"Vì nó ảnh hưởng lớn đến học hành, đến tâm sinh lý của chúng nó. Mình chỉ quản lý chúng nó được về mặt thời gian thôi, nhìn thấy thì nhắc nhở chúng nó, còn mình không nhìn thấy thì chịu, chúng nó xem gì trên đấy làm sao mình quản lý được. Nếu mà nhà nước làm được việc chặn thông tin độc hại đến lứa tuổi trẻ con, trẻ vị thành niên thì tốt quá".

Trẻ em đang phải đối diện với hàng loạt mối nguy hiểm rình rập trên môi trường số, trong khi việc kiểm duyệt nội dung xấu, độc, các trò chơi bạo lực,… trên mạng hiện vẫn còn nhiều hạn chế. (Ảnh minh họa - Internet)

Trẻ em đang phải đối diện với hàng loạt mối nguy hiểm rình rập trên môi trường số, trong khi việc kiểm duyệt nội dung xấu, độc, các trò chơi bạo lực,… trên mạng hiện vẫn còn nhiều hạn chế. (Ảnh minh họa - Internet)

Trong bối cảnh trẻ em đang phải đối diện với hàng loạt mối nguy hiểm rình rập trên môi trường số như: các nội dung xấu, độc, bắt nạt trực tuyến hay nghiện trò chơi điện tử,… Nghị định 147 năm 2024 của Chính phủ được kỳ vọng sẽ quản lý tốt hơn việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet. Nhiều điểm mới đã được luật hóa như: cha mẹ hoặc người giám hộ đăng ký tài khoản mạng xã hội cho trẻ dưới 16 tuổi có trách nhiệm giám sát nội dung trẻ truy cập, đăng tải. Nền tảng xuyên biên giới và đơn vị cung cấp dịch vụ trong nước đều có trách nhiệm phân loại và hiển thị cảnh báo nội dung không phù hợp trẻ em.

Nghị định cũng siết chặt hơn đối với người chơi game dưới 18 tuổi như: không được chơi một trò quá 60 phút mỗi ngày, không quá 180 phút tổng tất cả các trò. Nhà cung cấp game phải có hệ thống kỹ thuật để quản lý giới hạn thời gian này, dán nhãn độ tuổi và đưa thông tin khuyến cáo trên màn hình thiết bị,…

Dù đối tượng chính chịu tác động bởi những quy định này là trẻ em có thể cảm thấy mất “tự do”, nhưng hầu hết phụ huynh thì đều ủng hộ:

"Cháu học lớp 10 ạ. Chắc là cháu dùng khoảng 5 tiếng một ngày, cháu dùng Facebook, Messages, TikTok,…, chơi game như là liên quân, bi-a,… Bản thân cháu thấy có vẻ hơi mất tự do".

"Chị rất ủng hộ quy định này. Các con ở độ tuổi cấp 1 thì bố mẹ kiểm soát dễ hơn. Cấp 2, cấp 3 trở lên, các con đang ở độ tuổi dậy thì kiểm soát các con cũng khó hơn. Các con xem những trường hợp tích cực thì không sao, nhưng có những cái tiêu cực thì các con sẽ bị chi phối".

"Chơi game nhiều rồi các tệ nạn làm cho các con bị nhiễm bạo lực ở trên game đấy. Các công ty game phải xác minh xem độ tuổi của các con có phù hợp hay chưa. Tất nhiên để xác minh là rất khó vì các con có thể lập nick ảo, nhưng đó là trách nhiệm của các công ty game đấy".

Giới hạn về độ tuổi, thời gian sử dụng mạng xã hội, chơi game đã rõ ràng, trước hết và lớn nhất là trách nhiệm thực thi pháp luật của các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ. (Ảnh minh họa - Internet)

Giới hạn về độ tuổi, thời gian sử dụng mạng xã hội, chơi game đã rõ ràng, trước hết và lớn nhất là trách nhiệm thực thi pháp luật của các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ. (Ảnh minh họa - Internet)

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm ký công ước quốc tế về quyền trẻ em, nhưng hiện nay, quyền trẻ em tại Việt Nam là chuyện vẫn còn nhiều điều để bàn. Đặc biệt là việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng vẫn còn quá nhiều lỗ hổng, bằng chứng là thông tin xấu, độc vẫn còn tràn lan trên mạng xã hội, chưa có giới hạn trong việc tiếp cận, truy cập của trẻ em.

Các đại biểu Quốc hội cũng rất trăn trở với báo cáo hàng năm của Chính phủ về tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên ngày càng tăng, mà một trong những lý do là các em bị ảnh hưởng rất nhiều từ mặt trái của mạng xã hội. Do vậy, theo bà Nga, hành lang pháp lý đầy đủ để bảo vệ tốt hơn trẻ em trên không gian mạng là yêu cầu bức thiết:

"Chúng ta yêu cầu trách nhiệm xã hội của cả các đơn vị kinh doanh, làm thế nào phải có những động thái dứt khoát. Cha mẹ phải sâu sát hơn với con em mình để biết con em mình làm gì trên không gian mạng, nhất là hiện nay chúng ta chưa có quy định người tham gia mạng xã hội phải định danh. Vai trò của gia đình là vô cùng quan trọng, quy định có nhưng gia đình không quan tâm, không theo dõi, quản lý, giáo dục tốt con em mình thì có bao nhiêu quy định đi nữa cũng không mấy có ý nghĩa".

Đồng tình quan điểm này, ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng Ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho rằng, những quy định mới là tiền đề quan trọng nhưng để thực sự đi vào cuộc sống thì cần sự tham gia của tất cả các bên. Ngoài vai trò giáo dục, giám sát của gia đình và nhà trường, ông Sơn nhấn mạnh vào trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ:

"Như ở Úc, người ta quy rất rõ trách nhiệm thuộc về các nhà cung cấp dịch vụ và các công ty công nghệ. Muốn khai thác người sử dụng thì phải đáp ứng các quy định và phải có giải pháp về công nghệ, để từ đó phát hiện ra các hành vi bất thường. Ví dụ, tạo các tài khoản dù chưa đủ 16 tuổi, hoặc bằng cách nào đó chơi game quá thời gian quy định,… từ đó có biện pháp ngăn chặn. Chúng ta cũng cần kiểm tra, giám sát thường xuyên, tránh trường hợp chúng ta chỉ áp dụng được với các nền tảng trong nước, còn nền tảng nước ngoài lại không áp dụng được".

Các trường cần trang bị kỹ năng số cho trẻ từ sớm, với những nội dung học tập phù hợp, hấp dẫn, không hình thức. (Ảnh minh họa - Người lao động)

Các trường cần trang bị kỹ năng số cho trẻ từ sớm, với những nội dung học tập phù hợp, hấp dẫn, không hình thức. (Ảnh minh họa - Người lao động)

Theo một số thống kế, Việt Nam nằm trong top 4 quốc gia có số lượng người dùng internet, chơi game nhiều nhất thế giới. Trong đó, 70 - 80% số trẻ từ 10 - 15 tuổi thích game online, khoảng 10 - 15% trong số này bị nghiện game. Nghị định 147 năm 2024 của Chính phủ, luật hóa nhiều quy định một cách chi tiết là tiền đề quan trọng, nhưng dưới góc nhìn của VOV Giao thông, cần sự đột phá của người lớn để tạo bước ngoặt bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Những hậu quả nặng nề và khó lường khi trẻ em nghiện game, mạng xã hội đã được các phương triện truyền thông cảnh báo nhiều lần trong những năm qua, tuy nhiên, việc kiểm duyệt nội dung xấu, độc, các trò chơi bạo lực,… trên mạng vẫn còn nhiều hạn chế.

Trước thực tế này, các cơ quan hữu quan đã có nhiều quy định, biện pháp để bảo vệ trẻ em, song phải đến khi Nghị định 147 được ban hành mới thực sự tạo điểm nhấn, tạo ra “người bảo hộ” thay vì để trẻ tự bơi trên không gian mạng vô tận hay phụ huynh đơn độc trên hành trình bảo vệ con em mình.

Quy định mang tính bước ngoặt đã có, giới hạn về độ tuổi, thời gian sử dụng mạng xã hội, chơi game đã rõ ràng, vấn đề là thực hiện ra sao để những quy định này đi vào cuộc sống thì cần sự chung tay của cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà trường và gia đình.

Trước hết và lớn nhất là trách nhiệm thực thi pháp luật của các doanh nghiệp, thông qua việc đẩy mạnh ứng các giải pháp công nghệ. Lấy ví dụ về việc một số mạng xã hội như: Facebook, Youtube, TikTok,… có thuật toán để nắm bắt tâm lý người dùng và gợi ý, quảng cáo những nội dung mà họ quan tâm. Do vậy, ở chiều ngược lại, nếu muốn thì các thuật toán hoàn toàn có thể định danh người dùng, lọc những nội dung xấu, độc, không phù hợp và giới hạn thời gian sử dụng của trẻ em.

Cùng với đó, các giải pháp công nghệ cần lường trước những tình huống mà người dùng có thể “lách luật”, tạo nick ảo,… để có cách xử lý phù hợp. Hiện nhiều ứng dụng đã có giải pháp lọc ảo bằng việc đăng ký số điện thoại, căn cước công dân. Đây có thể là một lựa chọn bối cảnh việc cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi đang được triển khai và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được hoàn thiện. Tất nhiên, đi kèm với việc cung cấp căn cước của người dùng là trách nhiệm bảo vệ thông tin của doanh nghiệp.

Rộng hơn, các đơn vị cung cấp dịch vụ cần có trách nhiệm khác trong kiểm duyệt tại nền tảng của mình. Những nội dung bị báo cáo, phản ánh tiêu cực cần được nhanh chóng gỡ bỏ và tự giác thay vì chỉ thực hiện theo yêu cầu của cơ quan quản lý.

Muốn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc thì cần sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Một ví dụ khác để khẳng định dù khó khăn đến đâu vẫn sẽ làm được nếu đủ quyết tâm, đó là việc mua bán SIM kích hoạt sẵn tồn tại dai dẳng hàng chục năm. Từ hạn chót 15/4/2024 mà cơ quan quản lý đề ra, đến nay, khách hàng không thể mua SIM rác một cách công khai ở cửa hàng hay trên sàn thương mại điện tử như trước.

Trở lại với việc giám sát doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần thường xuyên kiểm tra, tiếp nhận phản ánh từ báo chí và người dân để xử lý nghiêm, kịp thời mọi vi phạm, thậm chí yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội, trò chơi điện tử dừng hoạt động nếu tái phạm nhiều lần; giám sát chặt chẽ doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý truyền thông và cơ quan bảo vệ trẻ em cần có sự phối hợp để nghiên cứu, điều chỉnh các quy định cho phù hợp thực tế. Bởi hiện nay có rất ít nghiên cứu đầy đủ về việc sử dụng internet của trẻ em tại Việt Nam, nhất là nhóm trẻ dưới 12 tuổi.

Và cuối cùng là vai trò giáo dục, giám sát từ nhà trường và gia đình như bất cứ vấn đề nào khác liên quan trẻ em. Các trường cần trang bị kỹ năng số cho trẻ từ sớm, với những nội dung học tập phù hợp, hấp dẫn, không hình thức. Thầy cô cần giữ liên lạc thường xuyên với phụ huynh học sinh để kịp thời nhắc nhở khi trẻ có thói quen, biểu hiện bất thường.

Ngoài ra, vai trò của ngành giáo dục và các nhà trường cần được thể hiện nhiều hơn trong việc nghiên cứu, nhân rộng việc cấm sử dụng thiết bị di động. Bởi việc dạy trẻ dùng, làm chủ công nghệ khác hoàn toàn với việc đưa cho chúng chiếc điện thoại để tra cứu thông tin và nhận thông báo bài vở.

Thực tế, chính việc một số trường lạm dụng giao bài qua Zalo, lạm dụng cho học sinh tra cứu thông tin trên mạng đã dẫn đến việc phụ hynh muốn quản con cũng không được. Nhiều nước có nền giáo giáo dục phát triển vẫn cấm học sinh dùng điện thoại, cho nên Việt Nam cũng có thể học tập, thực hiện những phương pháp khác mà không cần thiết phải sử dụng điện thoại thông minh.

Về phía gia đình, cha mẹ cần dành thời gian quan tâm con em, làm gì, ở đâu sau giờ lên lớp; lắng nghe mong muốn của con, giảng giải, định hướng cho con về những mặt lợi - hại và các nội dung, trò chơi mà con tiếp cận; hướng dẫn thời gian biểu cho con, trong đó có hoạt động sử dụng internet phù hợp. Và đặc biệt, cần làm gương cho con vì nếu một ông bố ngày đêm cày game hay một bà mẹ lúc nào cũng lướt điện thoại thì lời nói khó lòng thuyết phục con trẻ.

Hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em đang ngày càng hoàn thiện, và khi có sự đột phá từ nhận thức, hành động của người lớn thì chắc chắn trẻ em sẽ được bảo vệ tốt hơn khỏi những mối nguy hiểm tiềm ẩn trên không gian mạng./.

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Sân bay Nội Bài tăng cường năng lực, đảm bảo an toàn bay dịp Tết

Sân bay Nội Bài tăng cường năng lực, đảm bảo an toàn bay dịp Tết

Như VOV giao thông đã đưa tin, trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài ghi nhận sản lượng vận chuyển cả quốc tế và quốc nội tăng trưởng ổn định, dự kiến tăng khoảng 5-7% so với ngày thường.

Canh đào, giữ quất và những đêm trắng... ngày cận Tết

Canh đào, giữ quất và những đêm trắng... ngày cận Tết

Những ngày giáp Tết, nhiều tiểu thương bán đào, quất phải gồng mình chống chọi với cái lạnh, thức trắng đêm trông cây trong những chiếc lều được dựng tạm trên ngay trên vỉa hè.

Chợ hoa Hàng Lược, ký ức Tết trăm năm

Chợ hoa Hàng Lược, ký ức Tết trăm năm

Chỉ họp duy nhất mỗi năm một lần, chợ hoa Hàng Lược mang phong vị đặc biệt, là nét văn hóa truyền thống và là nơi tái hiện lại những ký ức tươi đẹp của hàng chục nghìn người dân Thủ đô Hà Nội. Trải qua thăng trầm lịch sử, chợ hoạ có tuổi đời hơn trăm năm đổi thay như thế nào?

Doanh nghiệp Việt đang ở đâu trong chuỗi vận tải, logistic toàn cầu?

Doanh nghiệp Việt đang ở đâu trong chuỗi vận tải, logistic toàn cầu?

Hiện nay, trong chuỗi vận tải (logistic), các doanh nghiệp Việt chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn, một số lĩnh vực vận tải như vận tải biển chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ thị phần.

Ngày đầu nghỉ Tết Ất Tỵ: 58 người thương vong do TNGT

Ngày đầu nghỉ Tết Ất Tỵ: 58 người thương vong do TNGT

Trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, cả nước ghi nhận 58 người thương vong, trong đó có 27 người tử vong và 31 người bị thương.

Hơn 1.800 tỷ đồng bồi thường Vành đai 2 TP.HCM được chi trả trước Tết

Hơn 1.800 tỷ đồng bồi thường Vành đai 2 TP.HCM được chi trả trước Tết

Sau hơn 1 tháng triển khai quyết liệt, quá trình Bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư để phục vụ đầu tư xây dựng Vành đai 2 TPHCM đã có nhiều tín hiệu tích cực.

Hương khói an yên của làng nhang Bình Đức

Hương khói an yên của làng nhang Bình Đức

Đón năm mới vạn điều như ý luôn là mong mỏi của người Việt trong cái Tết cổ truyền. Ba nén nhang dâng lên bàn thờ tổ tiên để cầu nguyện nhiều điều tốt đẹp, nén nhang là sợi dây kết nối giữa người còn hiện tiền thể hiện lòng thành kính với người đã khuất.