Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dự thảo trên tay

Liệu có tháo được “nút thắt” liên thông giáo dục nghề nghiệp?

Minh Hiếu: Thứ hai 06/01/2025, 14:59 (GMT+7)

Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Vấn đề được quan tâm là việc liên thông từ trung cấp lên đại học, liệu “nút thắt” trong liên thông giáo dục nghề nghiệp có được tháo gỡ?

Ảnh minh hoạ: Meta AI

Ảnh minh hoạ: Meta AI

Dự thảo Nghị định quy định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm 3 chương, 11 điều: Quy định chung; Liên thông giữa trung cấp với cấp trung học phổ thông và giữa trung cấp, cao đẳng với đại học; Tổ chức thực hiện.

Điều 3 của dự thảo Nghị định quy định: mục đích liên thông là tạo điều kiện thuận lợi cho người học ở mọi lứa tuổi lựa chọn con đường học tập nâng cao trình độ, chuyển đổi ngành nghề phù hợp; thúc đẩy các cơ sở giáo dục đổi mới, góp phần điều chỉnh cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Về việc liên thông giữa trung cấp với cấp THPT, dự thảo nêu rõ, học sinh đã tốt nghiệp THCS, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trung cấp được học liên thông theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Về việc liên thông từ trung cấp lên đại học, theo dự thảo, người tốt nghiệp trung cấp, nếu đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định, thì được dự tuyển vào các chương trình, ngành đào tạo thuộc cùng nhóm ngành nghề ở trình độ đại học theo các phương thức tuyển sinh chung.

Người tốt nghiệp trung cấp, nếu đã có bằng tốt nghiệp THPT thì được dự tuyển vào các chương trình, ngành đào tạo ở trình độ đại học cùng hoặc khác nhóm ngành nghề theo các phương thức tuyển sinh chung.

Ảnh minh hoạ: MetaAI

Ảnh minh hoạ: MetaAI

Về việc liên thông từ cao đẳng lên đại học, theo dự thảo, người tốt nghiệp cao đẳng, nếu chưa có bằng tốt nghiệp THPT thì được dự tuyển vào học liên thông theo các chương trình, ngành đào tạo thuộc cùng nhóm ngành nghề ở trình độ đại học theo các phương thức tuyển sinh chung.

Người tốt nghiệp cao đẳng, nếu đã có bằng tốt nghiệp THPT thì được dự tuyển vào học liên thông theo các chương trình, ngành đào tạo ở trình độ đại học cùng hoặc khác nhóm ngành nghề theo các phương thức tuyển sinh chung hoặc tuyển sinh riêng.

Hình thức tuyển sinh liên thông được đề cập tại Điều 6 dự thảo Nghị định, được thực hiện theo một trong hai hình thức:

a) Tuyển sinh chung, được áp dụng cho tất cả thí sinh đáp ứng đủ điều kiện theo quy định đối với từng cấp học, trình độ và hình thức đào tạo;

b) Tuyển sinh riêng, được áp dụng cho những thí sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục ở cấp học, trình độ đào tạo cao hơn yêu cầu đầu vào tối thiểu của chương trình giáo dục dự kiến tuyển sinh.

Dự thảo Nghị định quy định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Việc liên thông giữa các cấp học không chỉ khuyến khích người học theo đuổi việc học đến các mức độ cao hơn, mà còn giúp hệ thống giáo dục thích ứng tốt với những thay đổi

Việc liên thông giữa các cấp học không chỉ khuyến khích người học theo đuổi việc học đến các mức độ cao hơn, mà còn giúp hệ thống giáo dục thích ứng tốt với những thay đổi

RÀ SOÁT ĐỂ TRÁNH "LÁCH LUẬT"

Việc liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh giáo dục hiện nay? PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

PV: Xin bà cho biết về sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị định này?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Việc liên thông giữa các cấp học là vô cùng cần thiết và đã được quy định trong các luật như: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học và nhiều luật khác có liên quan. Hiện chúng đang đẩy mạnh việc phân luồng, định hướng cho học sinh ngay sau khi tốt nghiệp THCS. Muốn thực hiện phân luồng học sinh tốt thì khâu liên thông chúng ta cũng phải thực hiện tốt.

Tuy nhiên, việc chúng ta dạy liên thông chưa có sự thống nhất do chúng ta thiếu quy định thống nhất và chi tiết, cho nên mỗi trường, mỗi cơ sở đào tạo lại có những quy định về liên thông khác nhau. Thứ hai là chất lượng dạy học liên thông cũng còn có lúc, có nơi, có cơ sở đào tạo chưa đảm bảo chất lượng.

Cho nên, cần thiết phải có những quy định cụ thể và thống nhất, chặt chẽ thì chúng ta sẽ đảm bảo được việc quản lý cũng như thực hiện dạy - học liên thông một cách khoa học hơn, bài bản hơn và đảm bảo chất lượng hơn.

PV: Bà có đánh giá thế nào về các quy định được đề cập trong dự thảo Nghị định?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi thấy dự thảo Nghị định đã quy định tương đối chi tiết các yêu cầu đối với cơ sở đào tạo cũng như đối với người học trong quá trình liên thông. Tuy nhiên, tôi chưa thấy quy định rõ ràng về việc tránh trường hợp lợi dụng việc liên thông để sinh viên “né” thi đầu vào đại học đối với các trình độ cao, những ngành và cơ sở đào tạo có đầu vào khó khăn.

Tôi lấy ví dụ, người học nghĩ rằng nếu mình muốn thi vào đại học thì không đáp ứng được yêu cầu, cho nên thi vào trình độ thấp hơn, sau đó mới tiếp tục học liên thông lên bậc đại học. Như thế, người học chấp nhận là đi “đường vòng” và thời gian kéo dài hơn một chút, thế nhưng vẫn đạt được mục đích.

Nếu chúng ta không rà soát để quy định chặt chẽ điều này thì dễ dẫn đến tình trạng “lách luật” và liên thông không đạt được mục đích là tạo điều kiện tối đa cho người học học ở mức cao hơn. 

Thứ hai, chúng ta phải nhìn nhận việc dạy liên thông có mối liên hệ rất mật thiết với việc phân luồng học sinh sau THCS. Tuy nhiên, hiện nay đang có một hiện tượng xảy ra, đó là vì số lượng trường THPT công lập, đặc biệt là ở các đô thị, còn quá ít so với nhu cầu.

Nếu không thi đỗ vào trường THPT công lập thì học sinh có thể lựa chọn một trường nghề nào đó để học. Học trường nghề xong, các em vẫn được cấp bằng THPT, sau đó, các em có thể học liên thông tiếp lên cấp cao hơn, hoặc các em không sử dụng đến cái bằng trung cấp nghề. Như vậy, việc chúng ta phân luồng từ THCS lại không đúng mục đích. Tôi nghĩ rằng trong đào tạo trình độ liên thông, chúng ta cũng phải tính đến trường hợp này.

PV: Theo bà, nếu dự thảo Nghị định được ban hành thì sẽ có tác động xã hội như thế nào?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Về khâu quản lý, chúng ta sẽ siết chặt được, quản lý thống nhất trên tất cả cơ sở đào tạo là việc thứ nhất. Thứ hai, những tiêu chí chặt chẽ được đưa ra thì chúng ta sẽ nâng cao được chất lượng dạy - học liên thông. Và thứ ba, không phải ai cũng thuận lợi, suôn sẻ là học hết THPT rồi học ở các trình độ cao hơn.

Quy định về liên thông này tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người học, căn cứ vào nhu cầu thực tế, điều kiện cá nhân, người ta có thể lựa chọn các hình thức đào tạo phù hợp.

PV: Xin cảm ơn bà!

CẦN PHẢI LIÊN THÔNG "NGANG"

Những đề xuất về liên thông giữa các cấp học, hình thức tuyển sinh liên thông,… được đề cập trong dự thảo Nghị định liệu đã phù hợp hay cần điều chỉnh những gì? PV VOV Giao thông phỏng vấn TS. Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT về nội dung này.

PV: Một nội dung được dư luận quan tâm là liên thông từ trung cấp lên đại học. Ông có đánh giá thế nào về quy định này?

TS. Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT

TS. Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT

TS. Lê Viết Khuyến: Hệ thống giáo dục của chúng ta đến bây giờ cấu trúc chưa có sự thống nhất và vẫn tồn tại 3 mảng. Mảng giáo dục phổ thông là học văn hóa từ lớp 1 đến lớp 12. Mảng thứ hai là giáo dục đại học, gồm các trình độ: đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Mảng thứ ba là giáo dục nghề nghiệp, gồm 3 trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

Mảng giáo dục phổ thông và giáo dục đại học là do Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm quản lý nhà nước thì rất rõ ràng, tốt nghiệp THPT mới đảm bảo điều kiện cần để vào đại học. Còn mảng giáo dục nghề nghiệp lại rất “chông chênh”.

Các trình độ của giáo dục nghề nghiệp xác định theo tay nghề, kỹ năng, còn giáo dục phổ thông xác định theo trình độ học vấn. Trình độ đại học thì xác định theo cả học vấn và kỹ năng, cho nên thông được với giáo dục phổ thông. Nhưng giáo dục nghề nghiệp vướng ở chỗ học vấn, cho nên mới xuất hiện điều kiện là phải học chương trình bổ sung và cấp chứng chỉ.

Tôi thấy các điểm về cơ bản là được, nhưng có những điểm cần lưu ý xem có trái với Luật Giáo dục năm 2019 hay không, chủ yếu tập trung ở chuyện người tốt nghiệp có bằng trung cấp. Nếu đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT thì được đăng ký, xét tuyển vào các chương trình cao đẳng và đại học. Xét vào trường cao đẳng thì hợp lý vì nó phù hợp Điều 34 của Luật Giáo dục, nhưng xét vào đại học thì Luật Giáo dục năm 2019 không có quy định.

Thế còn hình thức liên thông, tuyển sinh chung thì đúng rồi. Tuyển sinh riêng thì ở đây quy định: “trình độ đào tạo cao hơn yêu cầu đầu vào tối thiểu của chương trình giáo dục dự kiến tuyển sinh”. Trình độ đầu vào của đại học là phải có bằng tốt nghiệp THPT. Rõ ràng, đối tượng có bằng cao đẳng nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT thì không đáp ứng được.

Ảnh minh hoạ: Meta AI

Ảnh minh hoạ: Meta AI

PV: Ông có góp ý nào khác với dự thảo Nghị định?

TS. Lê Viết Khuyến: Nghị định này chỉ đề cập liên thông “dọc” thôi. Nhất là nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, người lao động phải thường xuyên thay đổi nghề nghiệp thì cần phải có liên thông “ngang”, giúp cho họ có những nghề khác. 

Liên thông “ngang” là liên thông giữa các ngành nghề đào tạo khác nhau ứng với cùng một trình độ đào tạo. Ví dụ, tôi có bằng cử nhân kỹ thuật cơ khí, tôi chuyển sang công nghệ thông tin, thì không có lý gì phải học lại để lấy bằng cử nhân với thời gian là 4 - 5 năm. Như hiện nay các trường vẫn đào tạo văn bằng 2, văn bằng 3, đó là nền tảng, căn cứ pháp lý là liên thông “ngang”.

Nhưng tôi cũng lưu ý, liên thông “ngang” hiện nay rất khó khăn. Bởi ở chương trình GDPT năm 2018, các môn học không phải là môn bắt buộc mà có môn học tự chọn. Lớp 10 đã phải xác định các môn học tự chọn rồi, “fix” (cố định) với ngành nghề mà mình sẽ học ở đại học, cao đẳng. Thế nếu mà chuyển sang ngành mà có môn không học tự chọn ở phổ thông thì không liên thông được.

PV: Theo ông, cần làm gì để tháo gỡ những khó khăn mà ông vừa đề cập?

TS. Lê Viết Khuyến: Vấn đề liên thông đã đặt ra từ rất lâu rồi, hệ thống giáo dục của mình tập trung vào một đầu mối quản lý thì mới có được sự liên thông đó. Vừa rồi có xu hướng điều chỉnh đưa giáo dục nghề nghiệp về một khối, thì tôi nghĩ trước hết phải làm lại cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.

Luật Giáo dục năm 2019 cũng nói hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, đảm bảo tính liên thông, nhưng thực ra nó không phải mở vì 3 mảng tách rời. Bây giờ tôi nghĩ phải sửa lại từ luật giáo dục.

PV: Xin cảm ơn ông!

Việt Nam đang trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, việc liên thông giữa các cấp học không chỉ khuyến khích người học theo đuổi việc học đến các mức độ cao hơn, mà còn giúp hệ thống giáo dục trở nên linh hoạt hơn, thích ứng tốt với những thay đổi của xã hội.

Mặc dù đã có các chính sách nhằm tăng cường tính liên thông, nhưng thực tế cho thấy sự chênh lệch về chương trình, phương pháp giảng dạy và hệ thống đánh giá giữa các cấp học vẫn còn khá rõ rệt. Điều này khiến người học gặp nhiều khó khăn khi chuyển tiếp từ cấp này sang cấp khác, đồng thời tạo áp lực cho giáo viên trong việc điều chỉnh phương thức giảng dạy phù hợp.

Do vậy, việc xây dựng Nghị định quy định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân là cần thiết. Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng, theo định hướng sắp xếp và hợp nhất một số bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ, khi chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp được chuyển sang Bộ Giáo dục và Đào tạo thì sẽ tăng cường tính liên thông trong đào tạo, đem lại lợi ích cho người học và khắc phục được những bất cập hiện nay.

Bạn kỳ vọng gì vào dự thảo Nghị định này? Nếu dự thảo Nghị định được ban hành thì sẽ có những tác động xã hội như thế nào? Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho dự thảo qua hotline: 024.37.91.91.91, fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

----

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần trên FM 91MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcast. 

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
18 lỗi khiến xe máy bị phạt tiền và trừ điểm bằng lái

18 lỗi khiến xe máy bị phạt tiền và trừ điểm bằng lái

Nghị định 168/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, quy định chi tiết về các mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đặc biệt, người điều khiển xe máy vi phạm giao thông sẽ đối mặt với nhiều mức xử phạt nghiêm khắc, từ phạt tiền đến trừ điểm trên giấy phép lái xe (GPLX).

Liên tiếp xảy ra sự cố máy bay, ngành hàng không có đang khủng hoàng?

Liên tiếp xảy ra sự cố máy bay, ngành hàng không có đang khủng hoàng?

Thời gian qua, trên thế giới liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn hàng không gây thiệt hại nghiêm trọng về người, như tai nạn máy bay B737-800 của hãng hàng không Jeju Air làm chết 179 người trên máy bay tại Hàn Quốc; tai nạn máy bay E190 của Hãng hàng không Azerbaijan Airlines làm chết 38 người…

Phải áp dụng công nghệ để ngăn chặn tình trạng “chung chi” trong xử phạt giao thông

Phải áp dụng công nghệ để ngăn chặn tình trạng “chung chi” trong xử phạt giao thông

Có lo ngại cho rằng, với mức mức tiền phạt tăng vọt như quy định, nguy cơ xuất hiện tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm cũng cao hơn.

Người dân cả nước đổ ra đường ăn mừng chiến thắng đội tuyển Việt Nam

Người dân cả nước đổ ra đường ăn mừng chiến thắng đội tuyển Việt Nam

Ngay sau khi ĐTVN vượt qua ĐT Thái Lan với tổng tỷ số 5-3 để giành chức vô địch ASEAN Cup 2024, đông đảo người dân trên cả nước đã đổ ra đường mừng chiến thắng. Đây cũng là chức vô địch lần thứ 3 của ĐTVN tại giải đấu này, trước đó vào các năm 2008, 2018.

Đề xuất phạt 1 - 2 triệu đồng người hút thuốc lá điện tử

Đề xuất phạt 1 - 2 triệu đồng người hút thuốc lá điện tử

Từ 1/1/2025, theo Nghị quyết của Quốc hội, Việt Nam đã chính thức cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Các quy định hiện hành dù đã có chế tài xử lý với hành vi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển, chứa chấp với chất cấm.

Giảm đáng kể vi phạm sau khi áp dụng Nghị định 168

Giảm đáng kể vi phạm sau khi áp dụng Nghị định 168

Qua 4 ngày triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168, ý thức chấp hành luật giao thông của người dân Thủ đô đã có những chuyển biến tích cực.

Những bãi xe hoang phế

Những bãi xe hoang phế

Bên cạnh sự lãng phí lớn từ tình trạng ùn tắc giao thông, từ các công trình đầu tư xây dựng “chưa trúng đích”, không phát huy hiệu quả, các dự án thí điểm bị phá sản, lãng phí trong giao thông còn đến từ các chính sách, quy định bất cập, gây lãng phí tài sản, thời gian, công sức của người dân.