Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Diễn đàn

Chấn chỉnh dạy thêm học thêm, mục tiêu chính là gì?

Kênh VOV Giao thông: Thứ năm 13/03/2025, 10:15 (GMT+7)

Sau Thông tư 29, nhiều học sinh dừng học thêm. Giáo viên đăng ký hộ kinh doanh, hoặc hợp đồng qua trung tâm giáo dục. Song cũng đã có những phụ huynh kêu khó, do không quản lý được con em. Một số trường vắt thời khóa biểu sang buổi chiều để tổ chức trông coi kết hợp ôn bài.

Và cũng có nơi, việc học thêm chưa từng gián đoạn.

Một tháng sau Thông tư 29, tình hình dạy thêm học thêm thay đổi ra sao? Giải pháp nào cho các vấn đề phát sinh? Và cuối cùng, chấn chỉnh” dạy thêm học thêm nằm ở đâu trong mục tiêu giáo dục?

Đón nghe: Diễn đàn 91 với chủ đề: "Chấn chỉnh dạy thêm, mục tiêu chính là gì?", 12h30' thứ Năm (13/03) trên VOV Giao thông FM91 và trang điện tử vovgiaothong.vn.

Cùng sự tham gia của các vị khách mời: TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam.

 

 

Ảnh minh họa: ChatGPT

Ảnh minh họa: ChatGPT

NHỮNG CHUYỂN BIẾN BƯỚC ĐẦU

Từ hơn 1 tháng nay, sau khi Thông tư 29 được ban hành, không còn phải ăn vội vàng sau các lớp học chính khóa để kịp giờ vào lớp học thêm, em Huy Mạnh, một học sinh lớp 5 ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ:

"Con không đi học thêm. Trường con hủy từ lâu rồi, con chưa được học lại tầm 1 tháng, con thấy có nhiều thời gian học bài ở trên trường hơn . Con thấy kiến thức trên lớp đủ rồi, con chỉ cần đi học mấy môn phụ như tiếng anh".

Nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đồng loạt dừng dạy thêm ở trường và ở nhà thầy cô giáo. Ngay cả việc dạy online cũng không thực hiện. Theo phản ánh của một số phụ huynh, các thầy cô đều thông báo đang làm thủ tục xin cấp phép và chỉ dạy trở lại sau khi thủ tục đã xong.

Trong khi đó, việc dừng các lớp học thêm đột ngột khiến nhiều phụ huynh nháo nhào đi tìm lớp học ở các trung tâm hoặc thuê gia sư kèm con học khi kỳ thi giữa kỳ đang tới gần. Chị Nguyễn Thị Hoa ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, chi phí học thêm ở trung tâm cao gấp đôi so với việc học ở nhà cô, nên dù các con có được miễn học phí thì các gia đình lại phải chi trả thêm cho các trung tâm:

"Sau Thông tư 29, mình thấy, thời khóa biểu có dàn ra, trước đây thì có thể học dồn vào, nhưng bây giờ đã dàn đều ra rồi. Thời khóa biểu của con nhẹ hơn ít thời gian học hơn nhưng bài tập về nhà nhiều hơn.Tuy nhiên, mình thấy, các con vẫn tiếp thu đủ thông tin ở lớp nhưng hỏi những bài tập nâng cao thì con không biết. Mình nghĩ nên có những buổi học nâng cao".

Ảnh minh họa: ChatGPT

Ảnh minh họa: ChatGPT

Trong hơn một tháng qua, nhiều trường học đã có sự điều chỉnh lịch học liên tục. Giai đoạn đầu, có trường cho học sinh nghỉ buổi chiều và chỉ học sáng thứ 7. Sau đó, một số trường giảm tải thời lượng buổi sáng, chuyển sang buổi chiều cộng thêm số tiết học thêm có mức phí dưới 245 nghìn đồng/ tháng nhằm đảm bảo cho các con được học bán trú học cả sáng và chiều.

Tuy vậy, chị Hoàng Thị Lan, ở Hà Nội và nhiều phụ huynh vẫn chưa thấy yên tâm với chương trình học mới này do lo ngại vấn đề quản lý con:

"Bây giờ dù có thay đổi ăn bán trú nhưng các con được về sớm 3 giờ đã tan học rồi và  khoảng thời gian từ 3 giờ đấy cho đến 5-6 giờ bố mẹ mới về, không quản lý được con nên bố mẹ lo lắng, trẻ con nó sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề.

Thứ hai nếu học ở trường việc đưa đón tiện hơn, nếu học trung tâm chi phí cao hơn, việc đưa đón con đi lại nó sẽ mất thêm rất nhiều công sức nên bố mẹ cảm thấy rất bất cập. Ngoài ra, ở  trung tâm bố mẹ cũng không thể kiểm soát được chất lượng cũng không biết con học vào đấy nó như thế nào".

Trong khi đó, để hỗ trợ các gia đình trong việc quản lý con sau giờ học chính khóa tại trường, tại một số nơi, các con đã được đưa ra các trung tâm học thêm ngay gần trường và do những giáo viên lớp khác dạy.

Còn tại ở TP.HCM, theo chị Đỗ Liên, các trường cũng dừng việc dạy thêm học thêm ở trường. Trước nhu cầu học thêm của học sinh, phụ huynh vẫn tăng cao, một số giáo viên đã đang làm các thủ tục theo quy định:

"Những ai vẫn muốn theo đuổi thu nhập từ dạy thêm người ta đăng ký kinh doanh, ra các trung tâm dạy. Một số giáo viên đã khởi động dậy lại rồi vì nhu cầu của phụ huynh, học sinh vẫn cao".

Nhiều phụ huynh rất lo lắng đến kết quả học tập của con cái khi các bạn có nhiều thời gian trống hơn khi kỳ thi đang tới gần mà bố mẹ không thể tự dạy, và không có thời gian kèm con học.

Ảnh minh họa: ChatGPT

Ảnh minh họa: ChatGPT

HỌC THÊM, DẠY THÊM Ở TRUNG TÂM: CHÚ Ý ĐẾN ĐẢM BẢO AN TOÀN VÀ CHẤT LƯỢNG CHUYÊN MÔN

Nối tiếp quanh nội dung này, PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với TS. Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục.

PV: Việc triển khai Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những tác động xã hội như thế nào?

TS. Hoàng Trung Học: Nếu nhìn nhận một cách khách quan và với quan điểm cá nhân thì chúng tôi cho rằng, thông tư này bước đầu đã có những tác động tích cực đến việc dạy thêm học thêm, quản lý được tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan. Ngoài ra, nó cũng  bắt đầu tác động tới một vấn đề của ngành giáo dục thời gian qua đấy chính là bệnh thành tích quá nặng.

Chúng ta có xu hướng là nhồi ép cho bọn trẻ nó học quá nhiều mà sao nhãng những hoạt động khác trong cuộc sống; không có nhiều thời gian để dành cho gia đình và không có nhiều thời gian để trải nghiệm học thêm những thứ khác rất cần cho cuộc sống của các em.

Đánh giá một cách tổng thể, giai đoạn thích ứng bao giờ cũng gặp những khó khăn. Nhưng về tác động lâu dài, Thông tư 29 sẽ mang lại hiệu quả tích cực.

PV: Việc dạy và học thêm ở các Trung tâm có làm gia tăng gánh nặng kinh tế cho các gia đình và có thể phát sinh những vấn đề gì?

TS. Hoàng Trung Học: Tôi nghĩ rằng, vấn đề lớn đối với dạy thêm học thêm tại các trung tâm chính là quản lý và tổ chức dạy thêm ở những trung tâm này. Bao gồm vấn đề an toàn cho các cháu. Ngoài ra, hoạt động giám sát về góc độ chuyên môn đối với hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài những trung tâm này rất có vấn đề.

Thứ ba là công tác giáo dục: các trung tâm có thể đảm nhận dạy thêm học thêm nhưng khía cạnh giáo dục con người và quản lý con người là một vấn đề. Bởi vì họ không phải là các nhà trường và nó cũng không phải là môi trường học đường theo đúng nghĩa của nó, mà đây đơn giản là một cái nơi để học tập để lại nhiều vấn đề lo lắng về quản lý chuyên môn thực sự và chức năng giáo dục các trung tâm này.

Ảnh minh họa: ChatGPT

Ảnh minh họa: ChatGPT

Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể sẽ có những quy định rất cụ thể và chúng ta sẽ nghĩ ra cách có thể quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm ở các trung tâm. Mục đích là để đảm bảo yếu tố nhân văn, đáp ứng được nhu cầu của học sinh có mong muốn học tập thực sự chứ không phải là bị ép học, bắt học. Đặc biệt là đảm bảo an toàn cho các cháu.

Tôi cho rằng, nếu chúng ta muốn nó thực sự theo cái triết lý của dạy học là  giáo dục phát triển nhân cách đạo đức con người, là để cho tất cả những đứa trẻ phát huy phẩm chất tự học và khả năng tự vươn lên không bị ép học, không bị nhồi học, không bị bệnh thành tích thì chúng ta chỉ coi Thông tư 29 là một điểm khởi đầu thôi.

Còn về bản chất, nếu muốn giải quyết tận gốc là phải thay đổi hình thức kiểm tra đánh giá, phải thay đổi các cuộc thi rất quan trọng (các cuộc thi xét tuyển vào 10 và cuộc thi Đại học), phải thay đổi cách nhìn nhận về sử dụng nhân lực, nhân tài, phải thay đổi cái gốc rễ và phải thay đổi một cách đồng bộ. Còn nếu cái đấy không thay đổi được thì sẽ cấm chỗ này, nó sẽ bùng chỗ khác.

PV: Xin cảm ơn ông!

Kênh VOV Giao thông/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Thu nhập khủng, cá nhân kinh doanh xe điện trẻ em bất chấp lệnh cấm

Thu nhập khủng, cá nhân kinh doanh xe điện trẻ em bất chấp lệnh cấm

Như VOV Giao thông quốc gia đã từng đề cập về thực trạng kinh doanh xe điện trẻ em ở không gian đi bộ Hồ Gươm không chỉ gây nhếch nhác, ảnh hưởng tới bộ mặt của Thủ đô mà còn khiến người dân và du khách lo lắng.

Từ tinh thần của “Tàu Không số” đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới

Từ tinh thần của “Tàu Không số” đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới

Trong kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh trên biển là hiện thân của lòng quả cảm, ý chí sắt đá; một huyền thoại có thật, một kỳ tích của dân tộc Việt Nam anh hùng; góp phần to lớn làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Du khách đến TP.HCM dịp lễ 30/4 cần lưu ý gì khi đang vào đợt nắng nóng gay gắt?

Du khách đến TP.HCM dịp lễ 30/4 cần lưu ý gì khi đang vào đợt nắng nóng gay gắt?

Gần tới ngày 30/4 dự báo rất đông du khách trong và ngoài nước sẽ đến TP.HCM tham quan du lịch, tham dự những sự kiện lớn nhân 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Thời điểm này trùng với đợt nắng nóng gay gắt của Nam bộ, thời tiết sẽ chuyển mùa kèm theo nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan.

Sở hữu hệ thống metro dài thứ ba thế giới, người dân Ấn Độ vẫn “hờ hững” với metro

Sở hữu hệ thống metro dài thứ ba thế giới, người dân Ấn Độ vẫn “hờ hững” với metro

Một nghiên cứu mới đây cho thấy 7/13 hệ thống tàu metro tại Ấn Độ đang gặp khó khăn khi thậm chí không đạt nổi 10% số lượng hành khách ước tính. Đây là một con số đáng báo động đối với những dự án tiêu tốn hàng chục tỷ rupee. Vậy điều gì đang cản trở người dân đô thị sử dụng metro?

Người đàn ông gánh phở

Người đàn ông gánh phở

Ở phố Tống Duy Tân, có một người đàn ông vẫn ngày ngày gánh phở – không phải bằng đôi chân di chuyển, mà bằng ký ức được đúc lại trong một dáng hình.

Mỹ tăng thuế, bất động sản Việt Nam ảnh hưởng ra sao?

Mỹ tăng thuế, bất động sản Việt Nam ảnh hưởng ra sao?

Việc Mỹ tăng cường áp thuế đối ứng với nhiều nền kinh tế lớn đang khiến dòng vốn đầu tư toàn cầu dịch chuyển, kéo theo những tác động không nhỏ tới thị trường bất động sản Việt Nam. Từ khu công nghiệp đến nhà ở, thương mại – mỗi phân khúc có thể đứng trước sức ép phải điều chỉnh chiến lược.

Lạc lối ở Ngõ Văn Chương

Lạc lối ở Ngõ Văn Chương

Ngõ Văn Chương, nằm trong phường Văn Chương, thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Gọi là ngõ nhưng thực chất đây là một khu dân cư với hàng ngàn hộ dân sinh sống. Điều đặc biệt ở ngõ này là vẫn còn rất nhiều những ngôi nhà tập thể cũ 2 tầng. Với hệ thống ngõ ngách chằng chịt, dễ lạc lối với người lạ...