Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Dạy thêm, học thêm: Siết chặt nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu chính đáng?

Minh Thùy - Trúc Thủy : Thứ sáu 28/02/2025, 14:15 (GMT+7)

Thời gian qua, việc dạy thêm, học thêm đã trở nên phổ biến, đáp ứng được nhu cầu dạy và học của giáo viên, phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, không ít vấn đề tiêu cực phát sinh từ hoạt động dạy thêm, học thêm gây bức xúc cho phụ huynh do thiếu các quy định chặt chẽ.

Việc ra đời Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây, trên tinh thần “quản nhưng không cấm” đã thu hút nhiều sự quan tâm của xã hội. 

ĐẢM BẢO NHU CẦU CHÍNH ĐÁNG?

Một trong những điểm mới của Thông tư 29 quy định hoạt động dạy thêm, học thêm, đó là: không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống; Không được thu tiền gồm: Học sinh có kết quả học tập môn học liền kề trước ở mức chưa đạt; bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp, tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp; Giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh mà giáo viên đó đang dạy trong trường. Bên cạnh sự ủng hộ, không ít ý kiến còn băn khoăn trước quy định mới:

"Đối với học sinh có ý thức về trách nhiệm học và phân bổ quản lý đọc hàm lượng kiến thức chỉ cần học trên lớp cũng đủ để tham dự vào các kỳ thi. Nhưng cũng có những học sinh cần có sự hỗ trợ của thầy cô".

"Việc dạy thêm học thêm là đơn nhiên vì hiện nay kiến thức rất rộng. Tôi nghe thông tin để chống tiêu cực thì giáo viên không được dạy trực tiếp cho học trò mình dạy trên trường tôi thấy việc này chưa đúng lắm. Vì người dạy trực tiếp người ta biết là học trò của họ yếu cái gì để bổ sung kiến thức đấy. Góc độ tiêu cực một số thành phần nào đó làm mang tiếng cho giáo viên”.

Học sinh Việt Nam ôn tập buổi tối, chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng (Ảnh minh họa: ChatGPT)

Học sinh Việt Nam ôn tập buổi tối, chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng (Ảnh minh họa: ChatGPT)

Thực tế hiện nay, việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật và chính đáng, đặc biệt là các nhóm học sinh cuối cấp cần củng cố kiến thức để đối mặt với các kỳ thi quan trọng và là bước ngoặc để có “tấm vé đại học quyết định cả cuộc đời”.

Thầy Bạch Trọng Nhân - Giáo viên dạy văn trường THPT Gia Định (TP.HCM) cho hay: "Các em muốn luyện thi vào các trường đại học tốp đầu, bởi vì điểm năm nào cũng lấy rất là cao, điểm gần như tuyệt đối của các môn, buộc các em phải có sự đầu tư vào việc học thêm thì mới tăng khả năng cạnh tranh từ điểm thi tốt nghiệp. Thứ hai, các trường đại học lớn như đại học Quốc gia, đại học Sư phạm có kỳ thi đánh giá năng lực riêng, cấu trúc đề khác với yêu cầu của Bộ nên các em đầu tư học thêm để thi các kỳ thi đó".

Thầy Nhân cho biết thêm đối với nhóm giáo viên dạy trung học phổ thông đăng ký trung tâm kinh doanh theo các văn bản quy định trước đây, với quy định mới chỉ thêm chặt chẽ chứ không ảnh hưởng đến việc giảng dạy ngoài nhà trường.

Về góc độ nhà trường, cô Lê Hồng Anh - Phó hiệu trưởng trường THPT Võ Văn Kiệt (TP.HCM) cho rằng việc dạy thêm, học thêm này cũng tùy vào nhu cầu học tập của học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, cô nhấn mạnh vai trò của giáo viên, đầu tiên là phải thực hiện tốt việc dạy học chính khóa, để học sinh phát huy năng lực tự học.

"Nếu mình nghĩ theo hướng tích cực thì việc dạy thêm, học thêm để trang bị, cũng cố thêm kiến thức cho học sinh khi các em còn thiếu, chưa kịp tiếp thu, tiếp nhận các kiến thức trong lớp học. Góc độ của mỗi thầy cô giáo về dạy thêm, học thêm. Nói như vậy trang bị kiến thức cho các em học sinh ngay cả trên trường cũng có thể củng cố và trang bị kiến thức, đó là nhiệm vụ, trách nhiệm và tinh thần tự tôn, tự trọng của thầy cô giáo".

Giáo viên hướng dẫn học sinh trong lớp học thêm, giúp các em nắm vững kiến thức (Ảnh minh họa: ChatGPT)

Giáo viên hướng dẫn học sinh trong lớp học thêm, giúp các em nắm vững kiến thức (Ảnh minh họa: ChatGPT)

Trước ý kiến cho rằng, phụ huynh cho con học thêm vì chương trình học hiện đang quá nặng, về vấn đề này cô Lê Hồng Anh nhận định:

"Chương trình học hiện nay cũng có nhiều đổi mới thì cũng cần cho các em có khoảng thời gian nhiều hơn để tiếp cận. Tôi nghĩ là trong trường học, việc bố trí phân bổ thời gian để thầy cô giáo có đủ thời lượng dạy cho các em. Và các em tiếp nhận được kiến thức để vượt qua các kỳ thi thi, từ đó không còn áp lực đi học thêm nữa".

Trước những lo lắng của phụ huynh, học sinh về việc học trên lớp chính khóa chưa đủ và cần ôn luyện thêm, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM yêu cầu các trường phải tổ chức thực hiện đầy đủ bằng nguồn kinh phí chi thường xuyên, đảm bảo quyền lợi của học sinh.

"Hiệu các trưởng cần sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí chi thường xuyên để bố trí giáo viên thực hiện các lớp ôn tập. Khi tổ chức, không triển khai đại trà mà chỉ dành cho những học sinh có nguyện vọng. Đồng thời, nhà trường cần trao đổi với phụ huynh để đạt được sự đồng thuận, đảm bảo học sinh tham gia các lớp ôn tập một cách tự nguyện".

Bên cạnh đó, để thực hiện đúng tinh thần Thông tư 29 cần kết hợp các giải pháp đồng bộ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh:

"Các cơ sở giáo dục đại học làm sao kiến thức phổ thông khi kiểm tra đánh giá năng lực đầu vào đại học nó phù hợp với kiến thức 12 năm các em học phổ thông, chứ đừng để phải đi học thêm mới thi được.

Rồi chúng ta có biện pháp về bố trí giáo viên đồng đều giữa các cơ sở giáo dục, không tập trung quá vào trường điểm thì dẫn tới học thêm thi vào trường nọ, trường kia. Giải pháp về cơ sở vật chất là làm sao chúng ta có đủ hệ thống trường học, số lượng học sinh, để cơ hội tiếp cận giáo dục của các em được đảm bảo và giải pháp thanh tra kiểm tra, về tuyên truyền, vận động".

Áp lực học tập và kỳ vọng điểm số khiến nhiều học sinh phải vùi đầu vào sách vở đến tận khuya (Ảnh minh họa: ChatGPT)

Áp lực học tập và kỳ vọng điểm số khiến nhiều học sinh phải vùi đầu vào sách vở đến tận khuya (Ảnh minh họa: ChatGPT)

ĐƯA GIÁO DỤC VỀ ĐÚNG GIÁ TRỊ THẬT

Thông tư 29/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, đã đưa ra những quy định mới nhằm điều chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm.

Người ủng hộ quy định mới cho rằng, thay vì cả ngày, cả tuần cho con học thêm từ môn này sang môn khác, phụ huynh nên dành thời gian đó để con được hoạt động thể chất, kỹ năng sống, sinh hoạt gia đình, bạn bè; cho con có tuổi thơ ý nghĩa chứ không phải chỉ “vùi đầu” vào việc học. Mặt khác nhiều gia đình cũng không đủ điều kiện kinh tế để cho con theo đuổi các lớp học thêm.

Song, thực tế khi thấy con cái người khác tham gia nhiều khóa học, nhiều phụ huynh cũng lo lắng, sẵn sàng bỏ thời gian, tiền bạc “tầm sư” cho con để theo kịp bạn bè, thậm chí chỉ để đối phó vì sợ thầy cô “đì” trên lớp.

Cũng có người suy nghĩ đơn giản là cho con học thêm để khỏi quản lý, khỏi cho con chơi game, lêu lỏng. Đáng nói là, danh hiệu “học sinh giỏi” dường như trở thành tiêu chí đánh giá và là cơ hội cho mọi cánh cửa cuộc đời. Từ lớp chọn, trường chuyên, đến cạnh tranh “khốc liệt” vào đại học, cơ hội việc làm, mức lương thu nhập đều phụ thuộc vào thước đo điểm số, bằng cấp.

Thực ra câu chuyện dạy thêm, học thêm chẳng phải là điều xấu xa. Vì không phải học sinh nào cũng có khả năng tiếp thu nhanh và tự học mà không cần người hướng dẫn, dạy kèm. Dạy thêm, học thêm góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh là điều cần thiết và nhân văn. Chứ không phải việc học thêm để học trước bài, giải đề thi nhằm đối phó với các kỳ kiểm tra, điểm số học kỳ. Mà có khi việc dạy thêm cũng chỉ để tăng thu nhập cho giáo viên.

Một lớp học thêm được tổ chức bài bản, nơi giáo viên tận tình hướng dẫn học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn (Ảnh minh họa: ChatGPT)

Một lớp học thêm được tổ chức bài bản, nơi giáo viên tận tình hướng dẫn học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn (Ảnh minh họa: ChatGPT)

Vì thế, việc Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành Thông tư 29 siết chặt hoạt động dạy thêm, học thêm tràn lan là phù hợp và cần thiết. Việc công khai thông tin người dạy, môn học, địa điểm, thời gian, mức phí dạy thêm, giúp phụ huynh có điều kiện tìm hiểu, so sánh, giám sát và đánh giá chất lượng học thêm của con, cũng như lựa chọn nhu cầu và phù hợp khả năng kinh tế của gia đình.

Thông tư cũng đòi hỏi nhà trường phân bổ nội dung, thời lượng học chính khóa phù hợp, có kế hoạch đánh giá, kiểm tra kiến thức theo năng lực, tư duy, phẩm chất, không đặt nặng điểm số. Có chính sách, chế độ lương thưởng đáp ứng nhu cầu cuộc sống để giáo viên yên tâm cống hiến, phát huy tinh thần trách nhiệm, đổi mới giảng dạy giúp học sinh có cách tiếp cận kiến thức chủ động hơn.

Việc dạy thêm, học thêm được đưa vào khuôn khổ không phải là lần đầu tiên. Vì thế, để Thông tư 29 mới hiệu quả cần công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc dạy thêm, học thêm đúng quy định từ ngành giáo dục, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”.

Nhưng đồng thời cũng lắng nghe và tháo gỡ những băn khoăn trong quá trình tổ chức dạy thêm, để giáo viên vừa đảm bảo quy định, vừa giữ đúng tinh thần “dạy tốt, học tốt” dù bên ngoài nhà trường.

Ngành Giáo dục và các Bộ ngành cũng cần vào cuộc nhằm có những biện pháp giải quyết căn cơ “văn hóa trọng bằng cấp” trong xã hội. Ví dụ mở ra cơ hội phát huy năng lực, sở trường, tay nghề, cơ hội học tập và nâng cao trong quá trình làm việc, để tấm bằng đại học không còn là cánh cửa duy nhất vào đời.

Phụ huynh cũng cần trị “căn bệnh thành tích” để không quá phụ thuộc vào học thêm hoặc phó mặc con em cho thầy cô, nhà trường mà đồng hành cùng con bằng cách rèn luyện cho con tính chủ động và khả năng tự học, sáng tạo. Bởi thời đại Internet, công nghệ và các công cụ AI mang đến vô vàn cơ hội cho học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng và thú vị hơn.

Chỉ khi có sự chung tay của ngành giáo dục, phụ huynh và xã hội, khi đó công tác giáo dục sẽ trở về đúng bản chất xưa kia.

Minh Thùy - Trúc Thủy /vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Khích lệ con gái 6 tuổi lái ô tô, bố bị phạt gần 30 triệu

Khích lệ con gái 6 tuổi lái ô tô, bố bị phạt gần 30 triệu

Hành vi nguy hiểm này không chỉ vi phạm quy định về an toàn giao thông mà còn tiềm ẩn rủi ro lớn cho chính cháu bé và những người xung quanh. Ngay sau khi xác minh, cơ quan chức năng đã mời người đàn ông lên làm việc và ra quyết định xử phạt lên đến 30 triệu đồng.

Sau vụ cột khói khổng lồ giữa Hà Nội: Bao giờ di dời các cơ sở gây ô nhiễm?

Sau vụ cột khói khổng lồ giữa Hà Nội: Bao giờ di dời các cơ sở gây ô nhiễm?

Người dân cũng rất băn khoăn về lộ trình di chuyển công ty Công ty Cổ phần Dệt Hà Nội và một số cơ sở công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm nằm giữa khu dân cư đông đúc của Hà Nội sẽ được thực hiện như thế nào?

Tự ý thay đổi màu xe ô tô: Bị phạt tới 12 triệu và phải khôi phục như cũ

Tự ý thay đổi màu xe ô tô: Bị phạt tới 12 triệu và phải khôi phục như cũ

Thính giả Tống Minh (Hà Nội) hỏi: "Tôi có người bạn thay đổi màu sơn ô tô nhưng không qua thủ tục đăng ký, kiểm tra. Vậy bạn tôi có thể bị xử phạt như thế nào?"

TP.HCM: Hơn 5.000 cơ sở kinh doanh có nguy cơ dừng hoạt động vì không đảm bảo PCCC

TP.HCM: Hơn 5.000 cơ sở kinh doanh có nguy cơ dừng hoạt động vì không đảm bảo PCCC

Qua rà soát, TP.HCM có hơn 60.400 cơ sở nhà trọ, chung cư mini, nhà ở kết hợp kinh doanh, trong đó hơn 15.700 cơ sở còn tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. Cụ thể, hơn 13.900 cơ sở là loại hình nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê và 930 cơ sở là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Khó ngăn ngừa sai phạm khi chỗ có công nghệ, chỗ không

Khó ngăn ngừa sai phạm khi chỗ có công nghệ, chỗ không

Việc triển khai chưa đầy đủ, chưa đồng bộ công nghệ trông giữ xe không dùng tiền mặt, vẫn áp dụng song song thu tiền mặt, cùng với sự giám sát thiếu chặt chẽ, khiến tình trạng thu sai vẫn diễn ra.

Hệ thống KRX sắp vận hành: Cơ hội nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam

Hệ thống KRX sắp vận hành: Cơ hội nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam

Mới đây, đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM cho biết, Hệ thống công nghệ thông tin mới (Hệ thống KRX) dự kiến sẽ chính thức chuyển đổi hệ thống bắt đầu từ ngày 30/4-4/5 và đi vào hoạt động chính thức vào ngày 5/5 tới.

“Free Restroom” thân thiện cho du khách

“Free Restroom” thân thiện cho du khách

Mô hình này dựa trên tinh thần tự nguyện của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ẩm thực, cơ sở lưu trú... tạo điều kiện cho người đi đường và khách du lịch có thể sử dụng nhà vệ sinh tiện lợi và hoàn toàn miễn phí.