Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dự thảo trên tay

Cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi, có lãng phí?

Quách Đồng: Thứ hai 19/06/2023, 15:18 (GMT+7)

Bộ Công an đang dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi. Đáng chú ý là việc đề xuất cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi và cấp tự nguyện theo nhu cầu của người dân. Việc cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi liệu có lãng phí khi đến 14 tuổi, mọi công dân đều bắt buộc phải làm căn cước?

Dự thảo Luật căn cước (được Chính phủ chỉnh lý từ Luật Căn cước công dân (sửa đổi) do Bộ Công an soạn thảo có 7 chương, 46 điều, so với Luật Căn cước công dân năm 2014, thì dự thảo Luật Căn cước đã sửa đổi 39/39 điều, bổ sung mới 7 điều.

Cụ thể, về người được cấp thẻ căn cước công dân, dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ Căn cước công dân trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc như quy định của Luật Căn cước công dân hiện hành.

Về độ tuổi đổi thẻ căn cước, dự thảo Luật Căn cước quy định: Thẻ căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Trường hợp thẻ căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định tại khoản 1 Điều này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Theo Bộ Công an, việc cấp căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi sẽ góp phần giảm thiểu được giấy tờ, thủ tục hành chính, phát huy được giá trị của việc khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân và tiện ích của thẻ Căn cước công dân định danh điện tử.

Về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân, dự thảo Luật Căn cước đã sửa đổi bổ sung theo hướng quy định tách riêng trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân công dân dưới 14 tuổi và công dân từ đủ 14 tuổi trở lên để phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật. Theo đó, đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, trình tự, thủ tục cấp cơ bản không thay đổi.

Đối với công dân là trẻ em dưới 6 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh thì thực hiện cấp thẻ căn cước công dân đồng thời khi đăng ký khai sinh. Trường hợp công dân là trẻ em đã đăng ký khai sinh thì cha, mẹ hoặc người giám hộ đến cơ quan quản lý căn cước và thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân theo quy định. Trường hợp trẻ em đủ 6 tuổi trở lên thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải đưa trẻ em đó đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận ảnh khuôn mặt khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân.

Dự thảo Luật Căn cước đã được Bộ Công an lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan và lấy ý kiến rộng rãi nhân dân. Dự thảo Luật cũng dự kiến được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (đang diễn ra) và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Người dưới 14 tuổi được đề xuất cấp căn cước công dân (Nguồn: Báo CAND)

Người dưới 14 tuổi được đề xuất cấp căn cước công dân (Nguồn: Báo CAND)

Vì sao Bộ Công an đề xuất cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi? Việc cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi liệu có lãng phí? Phóng viên VOVGT đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế, Bộ Công an – đơn vị chủ trì soạn thảo Luật Căn cước.

PV: Thưa ông, vì sao Ban soạn thảo lại để xuất cấp căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Việc cấp căn cước công dân cho công dân dưới 14 tuổi đem lại những lợi ích kinh tế - xã hội rất lớn và đảm bảo những quyền lợi của công dân. Cái này chúng tôi đã đánh giá rất kỹ lưỡng và nhiều quốc gia người ta cũng đã cấp cho công dân từ khi mới sinh.

Hiện nay khi công dân dưới 14 tuổi được cấp căn cước công dân sẽ thay thế cho việc đi đâu hoặc tham gia vào các giao dịch phải có rất nhiều loại giấy tờ. Tuy nhiên việc cấp căn cước công dân cho công dân dưới 14 tuổi không tác động tới các Luật đang có hiệu lực cũng như chức năng quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, mà thông tin được tích hợp trong căn cước công dân của công dân dưới 14 tuổi có giá trị tương đương khi cơ quan chức năng sử dụng những thông tin đó.

Thứ 2 nữa là việc cấp căn cước công dân cho công dân dưới 14 tuổi lần đầu là miễn phí, người dân chỉ phải trả phí khi bị làm hỏng, làm mất hoặc có những thay đổi thông tin mà cần phải cấp lại.

PV: Vậy, khi đến 14 tuổi có phải đổi lại căn cước mới?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Nếu thời điểm theo quy định của Luật là bắt buộc phải làm căn cước công dân vào năm 14 tuổi thì trước đó 2 năm mà đã đi làm căn cước và được cấp căn cước công dân thì khi đến 14 tuổi không phải đi làm lại nữa mà chỉ khi cấp lại đến khi đến độ tuổi theo quy định của Luật, ví dụ như đến 25 tuổi chẳng hạn thì mới phải đi làm lại căn cước công dân.

Chúng ta phải nhớ mốc thời gian là trước năm 14 tuổi 2 năm mà đề nghị được cấp căn cước công dân thì đến năm 14 tuổi không phải làm lại căn cước công dân, mà sẽ làm lại theo đúng quy định về độ tuổi trong Luật Căn cước công dân đã quy định.

PV: Ban soạn thảo kỳ vọng gì vào quy định này, nếu được ban hành?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Việc cấp căn cước công dân cho công dân dưới 14 tuổi về mặt tổng thể không làm phát sinh thêm chi phí. Thứ 2 nữa so với việc sử dụng nhiều loại giấy tờ thì nó còn làm giảm và tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho công dân.

Lấy ví dụ, khi trẻ em sinh ra, khi mua một sổ tiêm chủng, một sổ khám chữa bệnh, rồi những loại giấy tờ khác thì tốn rất nhiều tiền.

Nhưng khi đã có dữ liệu được tích hợp trong trong căn cước công dân thì người dân không phải mua những cái sổ này nữa, mà chỉ sử dụng dữ liệu trong cơ sở dữ liệu về căn cước đã được tích hợp để tham gia vào các dịch vụ, ví dụ tiêm chủng, khám chữa bệnh, hưởng các chế độ về bảo hiểm y tế hoặc các chế độ về an sinh xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông. 

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế (Bộ Công an)

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế (Bộ Công an)

Việc cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi liệu có phù hợp? Vì sao không tích hợp dữ liệu công dân dưới 14 tuổi vào thông tin của bố mẹ? Phóng viên VOVGT đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, nguyên ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội:

PV: Thưa ông, một trong những nội dung đáng chú ý của dự an thảo Luật căn cước công dân sửa đổi là đề xuất cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi. Ông có nhận xét gì về đề xuất này?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Khi Chính phủ trình Luật Căn cước công dân năm 2014, Ủy ban Quốc phòng – An ninh thẩm tra vấn đề này cũng đã thảo luật rất kỹ, bởi vì việc cấp căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi thì nó sẽ có nhiều cái bất cập.

Thứ nhất là người dưới 14 tuổi chưa ổn định về các thông tin về nhận dạng, về sinh trắc học. Chính vì thế khi quy định điều này vào nó sẽ không đảm bảo yếu tố để nhận diện một con người. Chính vì vậy chúng ta chưa đưa vào trong luật.

Tuy nhiên thời điểm này Chính phủ tiếp tục trình quy định này trong Luật thì tôi thấy cần hết sức cân nhắc, bởi vì nó phát sinh ra các loại căn cước cho từng nhóm này. Người được cấp giấy không thể làm giấy tờ tủy thân như là yêu cầu đối với căn cước công dân cho người trên 14 tuổi. Thứ 2, phát sinh ra lãng phí. Thứ 3, việc chúng ta cấp thêm một loại giấy tờ là không phù hợp với xu thế.

Cho nên phải nghiên cứu cái này để tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tích hợp vào căn cước công dân của bố mẹ, làm cơ sở cho việc quản lý nhà nước và phục vụ nhu cầu giao dịch và thực hiện các quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật.

PV: Theo lý giải của Bộ Công an, việc cấp căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi sẽ giúp công dân không phải mang theo nhiều loại giấy tờ, thậm chí còn tiết kiệm chi phí. Ý kiến của ông thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Theo tôi xu hướng là tất cả các dữ liệu chuyên ngành về y tế, về giáo dục, về các quyền dân sự khác của người dưới 14 tuổi thì chúng ta có thể quy định để kết nối vào sơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thậm chí tất cả các thông tin của công dân đều được tích hợp và người ta sẽ thông qua mã định danh ấy để truy cập và khai thác. Cho nên cấp một cái thẻ chính ra lại phát sinh ra một thủ tục, giấy tờ chứ chưa chắc đã là giảm đi thủ tục, giấy tờ.

Thứ 2 nữa là việc công dân dưới 14 tuổi đi học, khám chữa bệnh, rồi làm các việc khác thì đều cần thiết vẫn phải bố mẹ hoặc người bảo hộ hợp pháp thực hiện, cho nên tích hợp những thông tin này vào thông tin của bố mẹ, người bảo hộ và xây dựng để khai thác tôi nghĩ là thích hợp nhất.

Tôi đề xuất như thế này: chúng ta có thể tách cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra khỏi Luật Căn cước công dân và xây dựng Luật gọi là Luật Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin công dân, để tất cả thông tin công dân đều được cập nhật vào đấy, ví dụ như sức khỏe, văn hóa, thuế, rồi các hoạt động kinh doanh vào cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư như thế. Trên cơ sở đó, tùy nhu cầu, tùy quy định pháp luật cho phép mà công dân hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khai thác.

Thực tế là để phục vụ cho việc quản lý nhà nước và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân, nếu chúng ta xây dựng tốt cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành kết nối vào để khai thác, phục vụ  công dân thì tôi nghĩ về mặt lợi ích xã hội, lợi ích kinh tế và việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân nó sẽ tốt hơn.

PV: Xin cảm ơn ông

Theo Bộ Công an, chi phí sản xuất 1 thẻ căn cước là 48.000đ; chi phí sản xuất thẻ căn cước cho các công dân dưới 14 tuổi (trường hợp tất cả 19 triệu người dưới 14 tuổi đều có nhu cầu cấp) là khoảng hơn 900 tỷ đồng.

Trong khi đó, thẻ căn cước công dân với kích thước nhỏ gọn, chất liệu tốt, tính bảo mật cao và có thể được tích hợp thêm rất nhiều thông tin khác theo nhu cầu nên sẽ mang lại nhiều tiện ích trong việc đi lại, học tập, khám, chữa bệnh và thực hiện các giao dịch khác. Do vậy, hiệu quả về lợi ích kinh tế - xã hội đem lại khi thực hiện quy định này là rất lớn.

Tuy vậy, như đã đề cập ở trên, cũng còn những băn khoăn về tính cần thiết thực sự và tính tiết kiệm của đề xuất này.

Bạn có ý kiến gì về các quy định mới của Luật Căn cước? Nếu được ban hành, các quy định mới của các dự luật sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOVGT, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Tư, thứ Bảy hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcast và Google Podcast.

Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
TP.HCM: Hầm chui làm gần 15 năm vẫn chưa xong

TP.HCM: Hầm chui làm gần 15 năm vẫn chưa xong

Hầm chui dưới cầu vượt Trạm 2 (TP. Thủ Đức, TP.HCM), thuộc dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1, là tuyến đường huyết mạch nối liền TP.HCM với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đẩy mạnh ứng dụng để văn hóa di sản lan tỏa mạnh mẽ hơn

Đẩy mạnh ứng dụng để văn hóa di sản lan tỏa mạnh mẽ hơn

Với bản sắc được tạo dựng hơn 4000 năm lịch sử, di sản văn hóa được xem là tài sản vô giá và là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, hội nhập toàn cầu.

Quận Cầu Giấy (Hà Nội): Ngán ngẩm ngõ 75 phố Trần Thái Tông chi chít “ổ gà”

Quận Cầu Giấy (Hà Nội): Ngán ngẩm ngõ 75 phố Trần Thái Tông chi chít “ổ gà”

Là một tuyến đường nội đô, vậy nhưng ngõ 75 phố Trần Thái Tông, nối phố Trần Thái Tông với phố Trương Công Giai (thuộc quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) lại xuất hiện chằng chịt “ổ voi”, “ổ gà” gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Ngõ Tạm Thương, nơi tình yêu bắt đầu

Ngõ Tạm Thương, nơi tình yêu bắt đầu

Ngõ Tạm Thương, ngày trước còn gắn với câu vè: Trai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương. Ý rằng, con gái ở đây ghê gớm, gắn với chuyện quản lý, cân đo thóc ở kho Trạm Thương. Nhưng có lẽ không hẳn thế. Giống như những người sống lâu năm ở phố cổ Hà Nội, người Tạm Thương cũng hiền hòa, giản dị, sống dễ chịu…

Cấm hoàn toàn thuốc lá thế hệ mới: Cách duy nhất để giải trừ hiểm hoạ?

Cấm hoàn toàn thuốc lá thế hệ mới: Cách duy nhất để giải trừ hiểm hoạ?

Những ngày qua dư luận bày tỏ sự quan tâm sau khi Bộ trưởng Bộ y tế Đào Hồng Lan đề xuất cần có nghị quyết của Quốc hội liên quan đến việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá được Quốc hội xem xét và sửa đổi.

Hà Nội: Ngạt thở vì xả rác, đốt rác liên tiếp trên đường Trần Hữu Dực

Hà Nội: Ngạt thở vì xả rác, đốt rác liên tiếp trên đường Trần Hữu Dực

Ngay trên mặt đường Trần Hữu Dực (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), đối diện cụm chung cư Iris Garden, Florence… và nhiều toà chung cư, văn phòng khác, đang tồn tại một bãi rác lộ thiên, với đủ thứ được vứt chồng chất lên nhau.

Áp thuế 15.000 đồng/bao thuốc: Cần thiết khi giá ở Việt Nam rẻ nhất thế giới!

Áp thuế 15.000 đồng/bao thuốc: Cần thiết khi giá ở Việt Nam rẻ nhất thế giới!

Bộ Y tế vừa có đề xuất mới liên quan Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Cụ thể, sẽ áp thuế theo phương pháp hỗn hợp với thuốc lá, gồm mức thuế suất 75% và mức thuế tuyệt đối theo lộ trình 5.000 đồng/bao từ năm 2026, tiến tới 15.000 đồng/bao vào năm 2030.