Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Giao thông

TP.HCM: Hầm chui làm gần 15 năm vẫn chưa xong

Nhất Hoàng: Chủ nhật 24/11/2024, 13:53 (GMT+7)

Hầm chui dưới cầu vượt Trạm 2 (TP. Thủ Đức, TP.HCM), thuộc dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1, là tuyến đường huyết mạch nối liền TP.HCM với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Việc mở rộng và hoàn thiện hầm chui được kỳ vọng sẽ giảm áp lực giao thông cho khu vực này, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, dự án này gặp phải trở ngại kéo dài từ năm 2010 đến nay, khiến việc thông nhánh hầm dưới cầu vượt Trạm 2 chưa thể hoàn thành đúng kế hoạch. 

Nhánh hầm chui dưới dạ cầu vượt Trạm 2 (hướng TP.HCM đi Đồng Nai) thuộc dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 dài khoảng 15,7km từ cầu Sài Gòn đến giáp nút giao Tân Vạn, tỉnh Bình Dương do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) làm chủ đầu tư bằng hình thức BOT.

Lộ giới dự án là 113,5m, từ phía bên trái hướng về cầu Sài Gòn là 63,5m, phía bên phải là 50m. Khi hoàn thành sẽ tạo trục đường với 8 làn xe.

Tuy nhiên, dự án này gặp phải trở ngại kéo dài, khiến cho việc thông nhánh hầm cầu vượt Trạm 2 chưa thể hoàn thành đúng kế hoạch.

Dự án Hầm chui dưới cầu vượt Trạm 2 hiện vẫn chưa hoàn thành dù thi công từ 2010 đến nay

Dự án Hầm chui dưới cầu vượt Trạm 2 hiện vẫn chưa hoàn thành dù thi công từ 2010 đến nay

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay phía bên phải xa lộ Hà Nội (hướng từ Khu công nghệ cao đi khu du lịch Suối Tiên) vẫn bị rào chắn đoạn ngay hầm cầu vượt Trạm 2. Hai bên hầm chui và trên các thành cầu, cỏ cây mọc um tùm. Bên trong hầm chui không thấy thi công, các thiết bị máy móc, sắt thép, tôn rào chắn thì nằm ngổn ngang.

Theo người dân cho biết, do chưa thể thông hầm chui này nên các xe lớn vẫn chạy ở phía trong xa lộ hiện hữu, còn xe máy phải "đánh vòng" khá xa. Nhiều năm qua, người dân mong mỏi hoàn thiện hầm chui này để giảm áp lực giao thông, đặc biệt là vào giờ cao điểm:

"Cái hầm chui này thi công lâu lắm rồi, mấy năm rồi mà tôi thấy chưa xong luôn, từ năm nay sang năm nọ. Cỏ thì mọc xung quanh khắp nơi, thì như vậy thì rất lãng phí."

"Nguyên 1 đoạn đường mà còn vướng vậy thì cũng đề nghị nhà nước mình làm sao làm để cho nó hoàn thiện chứ để vậy sao được."

Hai bên hầm chui và trên các thành cầu, cỏ cây mọc um tùm

Hai bên hầm chui và trên các thành cầu, cỏ cây mọc um tùm

Giải thích về lý do dự án này tạm dừng thi công, ông Nguyễn Thanh Nam, phó giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 (thuộc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM) cho biết, đến nay dự án đã hoàn thành cơ bản khối lượng đoạn từ cầu Sài Gòn đến nút giao Đại học Quốc gia.

Nhưng có một đoạn đường song hành phải dài khoảng 400m ở khu vực phường Tân Phú (gần Suối Tiên) và khu vực gần cầu Rạch Chiếc, phường Phước Long A chưa xong, do còn vướng mặt bằng. Hiện nhà đầu tư, đơn vị thi công phải chờ các đơn vị bàn giao mặt bằng từ các đơn vị liên quan mới có thể làm tiếp các hạng mục còn lại của khu vực hầm cầu vượt Trạm 2, cũng như đường dẫn, hệ thống chiếu sáng, cây xanh và thoát nước.

“Đối với dự án BOT xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 kéo dài từ chân cầu Sài Gòn đến nút tiếp với nút giao Tân Vạn thì đoạn TP.HCM cơ bản xong rồi, chỉ còn mấy trăm mét chỗ Suối Tiên. Từ hầm chui xuống thì đang còn vướng mặt bằng, nếu được bàn giao 100% mặt bằng thì sẽ hoàn thành trong vòng 12 tháng”, ông Nguyễn Thanh Nam cho biết.

Người dân mong mỏi hầm chui này được hoàn thiện để giảm áp lực giao thông

Người dân mong mỏi hầm chui này được hoàn thiện để giảm áp lực giao thông

Trả lời VOV Giao thông liên quan đến công tác bàn giao mặt bằng cho dự án hầm chui Trạm 2, ông Võ Trí Dũng (Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP. Thủ Đức) cho biết, hiện đoạn này còn vẫn còn vướng mặt bằng của gần 30 hộ dân. Hiện TP. Thủ Đức đang gấp rút hoàn thành việc bồi thường để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư:

“Ngày 20/9 vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức đã tiếp dân những hộ này lắng nghe ý kiến thì những hộ dân này đề nghị được nâng giá bồi thường lên tại trước đây là giá cũ. Cái thứ 2 là được điều chỉnh quy hoạch 1500, đề người ta tạo điều kiện xây dựng nhà thì TP. Thủ Đức đang gấp rút thực hiện. Hiện nay tiến độ thi công nó đang vướng mặt bằng như vậy thì TP. Thủ Đức gấp rút làm và sẽ sớm có kết quả.”.

Mong rằng, với sự quyết liệt của UNBD TP. Thủ Đức, cùng với việc TP.HCM vừa ban hành bảng giá đất mới áp dụng từ ngày 31/10/2024, dự án này sẽ sớm tháo gỡ vướng mắc về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để sớm “về đích” sau gần 15 năm.

Nhất Hoàng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn