Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dự thảo trên tay

Cần bổ sung quy định về tái sử dụng nước

Hải Hà: Thứ hai 12/06/2023, 15:37 (GMT+7)

Cần có công cụ quản lý tài nguyên nước ở lưu vực sông cũng như đề nghị bổ sung trách nhiệm của các bộ ngành, tổ chức lưu vực sông và các bên liên quan trong xác định dòng chảy tối thiểu. Bên cạnh đó, cần quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức lưu vực sông...

CHƯA ĐỀ CẬP ĐẾN “NHIỄM PHÓNG XẠ”

Tại phiên họp thứ 21, UB Thường vụ QH đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các thành viên UB Thường vụ QH đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch QH, ý kiến của UB Thường vụ QH và của cơ quan thẩm tra để hoàn thiện dự án Luật.

Trong đó, tập trung tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng về quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước, đặc biệt là Kết luận số 36  Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Các thành viên cũng yêu cầu Ban soạn thảo tiếp tục rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh, các quy định về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trong các luật khác để sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước, đảm bảo có đủ quy định về quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước; nghiên cứu chế tài xử lý  vi phạm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định có liên quan đến nước dưới đất.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ngày 5/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đa phần các đại biểu của  Tổ 2 (gồm các đại biểu của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM)  thống nhất cao với việc bổ sung về các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia với các nội dung được quy định như dự thảo. Điều này sẽ giúp chính quyền các cấp có những giải pháp bảo vệ được nguồn tài nguyên nước và khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước.

Đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi kiến nghị, cần có công cụ quản lý tài nguyên nước ở lưu vực sông cũng như đề nghị bổ sung trách nhiệm của các bộ ngành, tổ chức lưu vực sông và các bên liên quan trong xác định dòng chảy tối thiểu. Bên cạnh đó, cần quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức lưu vực sông, đặc biệt là chức năng về điều tra, đánh giá trữ lượng nước, lập quy hoạch; điều hòa khai thác, sử dụng nước; giám sát khai thác, sử dụng nước, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái…

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, Dự Luật Tài nguyên nước sửa đổi chưa đề cập đến cụm từ “nhiễm phóng xạ” - một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, để lại những hậu quả thảm khốc. Do vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định cụ thể vào trong dự thảo Luật.

Một số đại biểu đề xuất, cần nghiên cứu bổ sung công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy. Bên cạnh đó, cũng cần rà soát, đối chiếu các quy định về giá tính thuế tài nguyên nước.

Thông qua những ý kiến, đề xuất, Tổ Thư ký của các Đoàn đại biểu sẽ tổng hợp, rà soát lại trước khi trình Quốc hội xem xét, đóng góp ý kiến về các dự án Luật này tại hội trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu mọi ý kiến xây dựng của các Đại biểu Quốc hội để từ đó hoàn thiện chính sách nhằm đạt được mục đích cao nhất là đưa tài nguyên nước trở thành tài nguyên quý giá của đất nước. 

Nguồn nước đầu vào ổn định, an toàn rất quan trọng đối với các nhà máy sản xuất nước

Nguồn nước đầu vào ổn định, an toàn rất quan trọng đối với các nhà máy sản xuất nước

MUỐN TÁI SỬ DỤNG, MUỐN THAY THẾ, NHƯNG QUY CHUẨN CHƯA CÓ

Chất lượng nước sinh hoạt tại các đô thị phụ thuộc rất nhiều vào sự ổn định, chất lượng nước của các nguồn nước đầu vào. Hiện nay, Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi đã có những quy định nào về vấn đề này? Có cần điều chỉnh bổ sung gì? 

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Việt Anh, Trưởng bộ môn Cấp thoát nước, trường ĐH Xây dựng Hà Nội, kiêm Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam xung quanh nội dung này:

PV: Nước ta có tới 63% lượng nước được hình thành bên ngoài lãnh thổ, chất lượng tài nguyên nước suy giảm. Ông nghĩ sao về những quy định tại Dự thảo Luật Tài Nguyên nước sửa đổi  liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước?

GS.TS Nguyễn Việt Anh: Bộ TN-MT và các đơn vị đang lấy ý kiến rộng rãi và chúng tôi cũng đã góp ý rất nhiều vòng, nhiều lượt, nhiều ý kiến đã được tiếp thu. Trong nhiều phiên bản gần đây, tôi thấy có đi theo xu hướng tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả, đảm bảo tính bền vững, an ninh nguồn nước. Chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh một vài nội dung.

Đối với một hệ thống cấp nước, một doanh nghiệp kinh doanh nước sạch, việc tiếp cận nguồn nước là vấn đề cốt lõi. Nếu nguồn nước sẵn có, ổn định, an toàn thì doanh nghiệp rất nhàn, rất khỏe, duy trì tốt dịch vụ của mình và từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ.

Nhưng đối với nguồn nước thất thường, lúc có, lúc không, lúc ô nhiễm, cạn kiệt, suy thoái, doanh nghiệp sẽ rất vất vả. Vì thế, doanh nghiệp cần được tiếp cận nguồn nước một cách đảm bảo ổn định.

Nhiều nước trên thế giới, có tầm nhìn dài hạn, chủ công ty nước còn là chủ sở hữu nguồn nước, thậm chí còn là chủ sở hữu của những cánh rừng sinh thủy ra nguồn nước ấy. Với mô hình hiện nay của chúng ta là phải lấy nước từ các dòng sông, kênh mương nội đồng để cấp nước, người dân phải sử dụng nước có rủi ro rất cao về nguồn cung và  ô nhiễm.

Do vậy, chúng ta phải nghĩ đến việc các thành phố lớn, quan trọng phải có nguồn nước đảm bảo an ninh và phải chấp nhận dẫn nước từ các hồ chứa, thậm chí từ xa nhưng đảm bảo an toàn để cấp nước, không chỉ lấy nước từ các dòng sông.

Bởi lẽ, những dòng sông chảy từ nước ngoài vào, phía bên trên có cơ sở công nghiệp xả thải, nước trừ sâu, phân bón…sẽ không đảm bảo an ninh nguồn nước.

GS.TS Nguyễn Việt Anh, Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội

GS.TS Nguyễn Việt Anh, Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội

PV: Để khuyến khích các doanh nghiệp, người dân tái sử dụng nước, Dự thảo cần bổ sung quy định gì, thưa ông?

GS.TS Nguyễn Việt Anh: Chúng ta nói đến sử dụng nước tiết kiệm, tái sử dụng nước, thu gom sử dụng nước mưa… nhưng chưa có những chính sách cụ thể. Nếu mà không có hành lang pháp lý để hướng dẫn cho doanh nghiệp, thậm chí tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đi theo hướng này thì nó vẫn chỉ nằm lại trên giấy tờ. Bây giờ có rất nhiều doanh nghiệp muốn tái sử dụng và thậm chí muốn thay thế nhưng mà quy chuẩn chưa có, thì người ta chưa thể tái sử dụng theo đúng pháp luật.

Chúng ta cũng nên có những chính sách ưu đãi cho các chủ đầu tư đô thị, nếu họ đầu tư hệ thống thu gom nước mưa, giảm úng ngập cho thành phố.

Vì thu gom nước mưa bao giờ cũng làm đội giá thành xây dựng lên, thay vì hệ số bề mặt phủ bê tông hóa, làm tăng thêm nguy cơ ngập lụt ở dưới hạ lưu, nhà đầu tư sẽ phải đóng góp tiền cho hạ tầng của thành phố từ số tiền doanh thu thu được từ việc bán căn hộ ở các khu đô thị mới. Nếu không việc úng ngập, đặc biệt ở dưới hạ lưu sẽ nặng thêm, trong khi đó ngân sách của thành phố phải trang trải cho việc thoát nước của những úng ngập đó.

Do vậy, cần có những chính sách vừa kiểm soát chặt, vừa phê duyệt những thiết kế bắt buộc có những công trình: khuyến khích xây dựng các bể chứa nước mưa, thay đổi hệ số bề mặt phủ để thấm nước mưa, bổ cập cho nước ngầm không gây lũ lụt cho dưới hạ lưu, hoặc tạo điều kiện về thuế, vay vốn ngân hàng … cho những doanh nghiệp có những giải pháp tiết kiệm và  tái sử dụng nước đó.

PV: Vâng. Xin cảm ơn ông!

HÀNH LANG PHÁP LÝ ĐẢM BẢO AN NINH NGUỒN NƯỚC

Những công cụ, cơ chế về định giá giá trị tài nguyên nước sẽ tác động ra sao đến các doanh nghiệp và người dân, đến việc ngăn chặn tình trạng suy thoái nguồn nước. PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Thanh Tùng, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về nội dung này.

PV: Theo ông, những quy định tại dự thảo Luật Tài nguyên nước về vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước cho sinh hoạt có khắc phục được những bất cập hiện nay không?

Ông Bùi Thanh Tùng: Cách tiếp cận của Luật Tài nguyên nước sửa đổi lần này có rất nhiều điểm mới và tích cực. Ngay trong Điều 5 về các chính sách của Nhà nước đã đề cập rất nhiều chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư, khai thác nước sinh hoạt cho nhân dân ở các vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn hoặc một số khu vực khan hiếm nước.

Luật hiện hành chỉ quy định bảo vệ nguồn nước thôi, nhưng dự thảo Luật lần này bổ sung một khía cạnh nữa, đó là phục hồi nguồn nước. Hoặc là đối với nước dưới đất thì dự thảo Luật lần này bổ sung thêm một nội dung là ngưỡng khai thác dưới đất. Đặc biệt là đối với nội dung cấp nước sinh hoạt, lần này cụ thể hóa hơn một bước nữa các quy định liên quan đến hành lang bảo vệ khu vực nguồn nước sinh hoạt…

Tất cả những quy định mới được đưa vào dự thảo lần này sẽ tạo ra một hành lang pháp lý rất quan trọng để khắc phục những bất cập, tồn tại trong việc không đảm bảo về an ninh nguồn nước, đặc biệt là an ninh nguồn nước sinh hoạt như hiện nay.

PV: Vậy với những quy định về tài chính, những cơ chế về định giá giá trị tài nguyên nước đề cập trong dự thảo Luật sẽ có những tác động ra sao nếu được thông qua?

Ông Bùi Thanh Tùng: Trong dự thảo Luật lần này có hẳn một chương liên quan đến các chính sách về tài chính, cũng như các nội dung liên quan đến tạo nguồn lực đối với tài nguyên nước hoặc các quy định liên quan đến thu tiền cấp phép đối với khai thác nước, sử dụng nước.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng nêu thêm một số nội dung khác, đó là có các cơ chế ưu đãi, hoặc là tạo điều kiện để có những cơ chế phù hợp, cũng như có những quy định về giá cho các loại dịch vụ như: bổ sung, lưu trữ, rồi tích nước, bảo vệ nguồn nước, phục hồi nguồn nước…

Đây chính là cách để tạo ra những công cụ pháp lý cũng như các điều kiện để các tổ chức, cá nhân có thể tham gia vào các dịch vụ này, góp phần bảo vệ một cách tốt hơn, cũng như ngăn chặn một cách hiệu quả hơn những nguy cơ suy thoái hay ô nhiễm nguồn nước.

PV: Để khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân tái sử dụng nước, theo ông, dự thảo Luật cần bổ sung những gì?

Ông Bùi Thanh Tùng: Trong dự thảo Luật có hẳn một chương liên quan đến sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả, trong đó có nêu những cơ chế khuyến khích đối với các giải pháp công nghệ, các nghiên cứu, về các đầu tư liên quan đến việc tuần hoàn hay tái sử dụng nước…

Tuy nhiên chúng ta vẫn phải có những chế tài đối với một số trường hợp sử dụng nước với khối lượng nhiều, nhưng chưa quan tâm đến các giải pháp về tuần hoàn, tái sử dụng nước. Chẳng hạn như khoản 2, Điều 55 của Luật có quy định: tại những khu vực hạn hán hoặc thường xuyên thiếu nước thì các dự án đầu tư và khai thác và sử dụng nước phải có các giải pháp về tuần hoàn và tái sử dụng nước.

Như thế tôi cho là chưa đủ, bởi vì không chỉ những khu vực hạn hán hay thiếu nước, mà kể cả những khu vực có thể có nguồn nước rất dồi dào nhưng có rất nhiều dự án sử dụng khối lượng nước khá lớn thì cũng phải có những yêu cầu liên quan đến việc bắt buộc phải có những giải pháp công nghệ để tuần hoàn và tái sử dụng nước.

Chúng ta cũng phải nghiên cứu thêm về việc cần thiết thì tăng giá nước với mức hợp lý để tạo ra một ý thức sử dụng tiết kiệm và khuyến khích những biện pháp tuần hoàn và tái sử dụng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nhiều con sông lớn của Hà Nội, TP.HCM bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng, một số sông bị ô nhiễm nghiêm trọng, tiềm ẩn rủi ro đến chất lượng nước đầu vào của các nhà máy nước. Trong khi đó, 90% nguồn nước sạch tại Tp.HCM lấy từ hệ thống sông, con số này tại Hà Nội khoảng 54%.

Các quy định hiện hành về kiểm soát, khai thác và bảo vệ nguồn nước sinh hoạt còn nhiều khoảng trống.  

Trong bối cảnh thực trạng khai thác sử dụng nước như trên, biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra nhanh, mạnh, đe dọa an ninh nguồn nước, trong khi cả thủy điện và nước sinh hoạt tưói tiêu đều đang phụ thuộc vào nước mặt, thì vấn đề càng cấp thiết hơn bao giờ hết.

Với những quy định mới tại Dự thảo Luật các Tài nguyên nước sửa đổi, những bất cập hiện hành có thể được khắc phục trong thời gian tới?

Bạn kỳ vọng gì vào Dự thảo Luật này? Nếu được ban hành, vấn đề an toàn, an ninh nguồn nước đầu vào phục vụ cho sinh hoạt có được cải thiện?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOVGT, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài Nguyên và môi trường.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” chiều thứ Hai, thứ Tư, thứ Bảy hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcast và Google Podcast.

Hải Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Tự sự của đêm: Quán cháo dưới gốc cây bàng

Tự sự của đêm: Quán cháo dưới gốc cây bàng

Ở gần nhà cha mẹ tôi, có một quán cháo dưới gốc cây bàng đã tồn tại 30 năm và là kế sinh nhai của một gia đình 3 thế hệ.

Tài xế cần làm gì để không gặp những bệnh lý tim mạch khiến ngưng thở khi ngủ?

Tài xế cần làm gì để không gặp những bệnh lý tim mạch khiến ngưng thở khi ngủ?

Một quả tim khỏe sẽ cho ta một sức khỏe tinh thần tốt, ngược lại chỉ cần đập nhanh, lạc nhịp là khiến ta mất ăn, mất ngủ.

Xử lý hàng rong trước cổng trường để đảm bảo ATGT

Xử lý hàng rong trước cổng trường để đảm bảo ATGT

Bảo đảm TT ATGT cổng trường là một trong những nội dung luôn được nhà trường cùng các đơn vị chức năng đặc biệt quan tâm phối hợp thực hiện.

Nhức nhối nạn buôn bán lấn chiếm tại vòng xoay cầu Rạch Sỏi

Nhức nhối nạn buôn bán lấn chiếm tại vòng xoay cầu Rạch Sỏi

Nhiều năm qua, tình trạng buôn bán lấn chiếm tại khu vực vòng xoay cầu Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang diễn ra ngày một phức tap.

Trông xe dưới gầm cầu, nên hay không?

Trông xe dưới gầm cầu, nên hay không?

Hà Nội tiếp tục đề xuất Bộ GTVT cho sử dụng lòng đường, vỉa hè, gầm cầu cạn để trông giữ phương tiện giao thông, đặc biệt là ô tô. Trong bối cảnh Hà Nội đang hướng đến việc hạn chế phương tiện cá nhân, nỗ lực giảm ùn tắc và tai nạn giao thông thì có nên cho phép trông xe dưới gầm cầu?

Cơ quan môi trường bị kiện vì ‘thiên vị xe điện’

Cơ quan môi trường bị kiện vì ‘thiên vị xe điện’

Giá xăng dầu tăng cao, cùng môi trường ô nhiễm nghiêm trọng khiến chính quyền nhiều thành phố đang dành sự ưu ái đặc biệt cho xe điện, hạn chế xe động cơ đốt trong. Tuy nhiên chính điều này cũng là nguồn cơn gây bất đồng sâu sắc giữa các nhà sản xuất ô tô với cơ quan quản lý.

Cơ chế nào cho bài toán quản lý, khai thác, vận hành đường cao tốc?

Cơ chế nào cho bài toán quản lý, khai thác, vận hành đường cao tốc?

Câu chuyện đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây bị ngừng cung cấp điện thậm chí đứng trước nguy cơ không được quản lý, vận hành, bảo trì… đã và đang nhận được rất nhiều quan tâm từ dư luận cả nước.