Xóa những nghịch lý khi xây nhà ở xã hội

Ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, nhà ở xã hội là điều mong mỏi của rất nhiều hộ gia đình. Nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021-2030, dự kiến vào khoảng 2,4 triệu căn.

Vậy làm sao để tăng tốc có thêm số lượng lớn nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân?

Ảnh nh họa: Thanh niên

Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở. Nghĩa là Nhà nước sẽ hỗ trợ cho các dự án nhà ở xã hội, người mua nhà sẽ được hưởng mức giá ưu đãi hơn so với căn hộ thương mại.

Tuy nhiên, trên thực tế, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội gặp rất nhiều khó khăn do doanh nghiệp không mấy mặn mà còn người dân có nhu cầu lại khó tiếp cận.

Có nhiều nghịch lý dẫn tới tình trạng trên. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư cho rằng họ thiếu nhiều thứ từ thiếu quỹ đất, thiếu vốn cho đến quy trình thủ tục phức tạp thì chính quyền địa phương lại khẳng định, không thiếu đất mà do các doanh nghiệp không chịu xây.

Trong khi Ngân hàng Chính sách xã hội khẳng định, không thiếu vốn cho vay phát triển nhà ở xã hội thì doanh nghiệp lại than không có dự án được phê duyệt. Còn người thu nhập thấp đôi lúc cảm thấy bất lực trước hàng rào xét duyệt, và nếu may mắn đến lượt mua nhà, họ chưa chắc đã kham nổi mức giá tới vài chục triệu đồng một mét vuông.

Còn nếu giá rẻ hơn thì hầu hết là các nhà ở xã hội được xây ở những nơi hẻo lánh, ít hạ tầng kết nối nên nhiều khu nhà được xây xong nhưng chẳng ai đến ở.

Những đòi hỏi đặt ra khi phát triển nhà ở xã hội mâu thuẫn với nhau và khó có thể cân đối được khiến thực tế phát triển nhà ở xã hội còn cách xa so với nhu cầu và mong muốn của người dân. Vậy lời giải cho các mâu thuẫn, nghịch lý để xây nhà ở xã hội nằm ở đâu?

Trước tiên, là giải bài toán về chính sách, từ việc Chính phủ nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khâu quy hoạch, thủ tục xét duyệt và phê duyệt quỹ đất gắn quy hoạch, đánh giá phát triển nhà ở xã hội với quy hoạch đến việc cần có cơ chế, giải pháp để rút ngắn thời gian các khâu lập, phê duyệt dự án, thủ tục đầu tư xây dựng, giao đất, cho doanh nghiệp thuê đất và khâu giải phóng mặt bằng…để tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, triển khai dự án.

Thêm vào đó, phải có được những trợ lực tốt như tạo lập nguồn vốn, linh hoạt cơ chế để huy động vốn, khuyến khích sự tham gia rộng rãi của các doanh nghiệp có khả năng. Nhà ở xã hội cần thiết kế linh hoạt, phù hợp với từng địa phương, ứng dụng vật liệu mới, ưu tiên giảm giá thành nhưng phải bảo đảm chất lượng.

Đối với địa phương phải có một quỹ đất đủ lớn để phát triển hệ sinh thái nhà ở xã hội, có khả năng kết nối và hạ tầng tiện ích phục vụ tốt cho cuộc sống của người lao động.

Giải bài toán chính sách còn làm sao để nhà đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp có được lợi ích không thua kém so với đầu tư nhà ở thương mại; đảm bảo cho nhà đầu tư không bị rủi ro về quy hoạch, pháp lý, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, bảo đảm giá nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân.

Đây là những vấn đề không chỉ liên quan đến Bộ Xây dựng, mà còn của của nhiều bộ, ngành khác cần nghiên cứu, thống nhất và đưa ra giải pháp.

Chương trình xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội là niềm hy vọng để người dân sở hữu nhà ở với giá thành rẻ hơn, góp phần làm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định. Tuy vậy, để đạt được kết quả như mong đợi thì những "nút thắt" phải sớm được gỡ để xây dựng chính sách phát triển nhà ở xã hội thực sự hiệu quả và cho ra kết quả tối ưu.