Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Minh Hiếu: Thứ hai 22/04/2024, 07:15 (GMT+7)

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Tour trong nước đắt đỏ ảnh hưởng ra sao đến ngành kinh tế “mũi nhọn”? Cách nào để du lịch trong nước không bị “lép vế” trước làn sóng tour nước ngoài giá rẻ? 

Gia đình anh Mạnh Dũng, ở Bắc Ninh vừa khép lại hành trình du lịch Đà Nẵng. Khác với mọi năm, anh không đi máy bay mà chọn phương tiện xe khách, dù mất 12 tiếng di chuyển nhưng giá vé rẻ hơn tới 1 triệu đồng/người. Hè này, anh Dũng còn một chuyến du lịch nữa với bạn bè và đang cân nhắc khi giá vé máy bay nội địa tăng cao:

"Đi từ Bắc vào Nam thì mình phải chọn phương án khác vì vé tăng cao quá thì sẽ đội chi phí cho cả gia đình. Kế hoạch là đi Phú Quốc, nhưng mình so sánh đi Thái Lan thì lại thấy rẻ hơn nhiều".

Giá vé máy bay trong nước hiện cao hơn từ 30 - 70% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến giá tour trong nước cũng tăng từ 5 - 7%

Giá vé máy bay trong nước hiện cao hơn từ 30 - 70% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến giá tour trong nước cũng tăng từ 5 - 7%

Theo khảo sát của phóng viên, giá vé máy bay trong nước hiện cao hơn từ 30 - 70% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến giá tour trong nước cũng tăng từ 5 - 7%. Trên một số trang bán vé trực tuyến, chặng khứ hồi Hà Nội - Phú Quốc giờ đẹp có giá lên tới 13 triệu đồng, gần gấp đôi giá vé đi Bangkok, Thái Lan, tương đương tour trọn gói đi Trương Gia Giới, Trung Quốc. Điều này đã tác động mạnh đến nhu cầu du lịch của người dân:

"Em đang tính đi chặng Vinh - Buôn Ma Thuột. Nói thật là muốn đi máy bay cho nhanh, thuận tiện, chứ không thì xa xôi, con nhỏ vất vả lắm. Thôi thì không còn kế hoạch đi gì cả".

"Anh cũng đang có ý định đi du lịch, một là đi Phú Quốc, hai là đi Côn Đảo. Nhưng nó đắt quá nên lại phân vân. Nếu đi trong nước mà đắt hơn nước ngoài thì kiểu gì bà con cũng chọn đi nước ngoài nhiều hơn. Dòng tiền của Việt Nam lại đi nước ngoài, mà người dân làm trong ngành du lịch lại không có khách đến".

Không chỉ người dân mà các công ty lữ hành cũng chịu nhiều tác động. Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần GBest Việt Nam cho biết, lượng khách đi tour nước ngoài tăng khoảng 20% so với cùng kỳ, với mức giá trọn gói trong khoảng 10 - 25 triệu đồng. Tuy nhiên, lượng khách đi tour trong nước sử dụng đường hàng không đã giảm tới 40%:

"Chúng tôi đang đa dạng hóa sản phẩm, tư vấn từng phần những dịch vụ giúp du khách có nhiều sự lựa chọn phù hợp về đường bay, hãng bay, điểm đến và một số dịch vụ cấu thành giá như khách sạn (chủng loại sao), điểm đến, phí thắng cảnh,…

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng liên kết, hợp tác với nhiều đơn vị lữ hành để có chi phí tốt nhất cho khách hàng. Chúng tôi cũng mong muốn có sự bình ổn giá trở lại sớm nhất, đặc biệt với các đường bay.

Chúng tôi cũng rất mong có sự vào cuộc của các cơ quan du lịch địa phương để có thể triển khai hợp tác tốt, lấy số lượng khách hàng đến địa phương làm cơ sở gia tăng lợi ích cho nhà cung cấp thay vì giá cao khiến nhu cầu du lịch của khách bị giảm".

Lượng khách đi tour nước ngoài tăng khoảng 20% so với cùng kỳ, với mức giá trọn gói trong khoảng 10 - 25 triệu đồng (Ảnh minh họa: Alamy Stock Photo)

Lượng khách đi tour nước ngoài tăng khoảng 20% so với cùng kỳ, với mức giá trọn gói trong khoảng 10 - 25 triệu đồng (Ảnh minh họa: Alamy Stock Photo)

Theo PGS. TS. Nguyễn Viết Thái, Trưởng Khoa Khách sạn - Du lịch, Trường đại học Thương mại, dù giá vé máy bay tăng cao nhưng nhu cầu đi du lịch của người dân vẫn là rất lớn (quý I tăng trưởng tớn hơn 30%).

Điều này khiến thị trường có sự thay đổi, lượng khách có xu hướng giảm ở những điểm đến xa nhưng sẽ tăng ở những điểm đến gần. Việc chuyển từ đường không sang đường bộ, đường sắt cũng sẽ là thách thức lớn với hệ thống hạ tầng, bến bãi ở các điểm du lịch vốn đã quá tải.

Bên cạnh việc giải quyết những vấn đề trước mắt, các địa phương và doanh nghiệp cần tính đến những giải pháp lâu dài để kích cầu du lịch nội địa bền vững:

"Đầu tiên, công ty du lịch, các địa phương phải tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, có những điểm đặc biệt, phù hợp với nhu cầu của từng nhóm khách hàng để thu hút khách quay trở lại và tạo sự lan tỏa với những nhóm khách hàng khác.

Thứ hai, chúng ta phải có sự liên kết các địa phương và doanh nghiệp. Chúng ta đã làm, nhưng vấn đề là biến nhận thức thành hành động. Có những doanh nghiệp khi không có khách hàng thì rất nhiệt tình tham gia vào chuỗi. Thế nhưng, khi nhu cầu khách hàng tăng lên thì người ta sẵn sàng từ bỏ. Phải có sự liên kết dài hạn và tuân thủ một cách nghiêm ngặt, phải có doanh nghiệp lãnh đạo các chuỗi đó.

Thứ ba là hoạt động truyền thông, xúc tiến về các điểm đến. Cần phải nhấn mạnh sự khác biệt của từng sản phẩm chạm với nhu cầu của từng nhóm khách hàng mục tiêu. Vấn đề ở chỗ là người ta phải được biết, được nghe và được thấy".

Còn theo ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, thời điểm này mới nói đến kích cầu du lịch nội địa thì đã muộn, những giải pháp quảng bá, xúc tiến cần được thực hiện bài bản từ nhiều tháng trước khi bước vào mùa cao điểm.

Do vậy, công tác dự báo là rất quan trọng để có được giải pháp kịp thời, phù hợp, nhất là khi ngành du lịch luôn chịu tác động từ nhiều yếu tố khách quan ở những thời điểm khác nhau.

"Du khách luôn có sự điều chỉnh chuyến đi phù hợp kinh tế của mình. Xu hướng của khách du lịch hiện tại là liên hệ trực tiếp với các nhà cung cấp dịch vụ tại điểm đến. Do vậy, cần giải pháp của các nhà quản lý tại điểm đến, cần có những dự báo sớm và giải pháp phù hợp.

Lúc này có những ảnh hưởng như thế này, lúc khác lại có những ảnh hưởng khác, do vậy, chúng ta cần hết sức linh hoạt trong vấn đề nguồn khách, công tác xúc tiến điểm đến, xa hơn là quản lý rủi ro, để giảm nhẹ những ảnh hưởng của điều kiện khách quan đối với hoạt động du lịch", ông Phùng Quang Thắng cho biết.

Sản phẩm du lịch thiếu hấp dẫn, tư duy làm ăn chụp giật là những nguyên nhân khiến nhiều du khách “một đi không trở lại”

Sản phẩm du lịch thiếu hấp dẫn, tư duy làm ăn chụp giật là những nguyên nhân khiến nhiều du khách “một đi không trở lại”

Năm 2024, bên cạnh mục tiêu đón 18 triệu khách quốc tế, ngành du lịch cũng kỳ vọng phục vụ 110 triệu khách nội địa. Tuy nhiên, giá vé máy bay tăng cao đang là rào cản lớn, bởi chi phí di chuyển bằng đường hàng không có thể chiếm tới 50% giá tour.

Trong tương lai, nhiều biến động khác có thể xảy ra, ảnh hưởng mục tiêu kích cầu du lịch nội địa. Do đó, cần sớm cải thiện mối liên kết trong chuỗi giá trị du lịch để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Góc nhìn của VOV Giao thông: Kích cầu du lịch nội địa: “Bài toán” tổ chức và chia sẻ lợi ích

Việt Nam có hơn 3.200km đường bờ biển và vô số di tích, danh thắng lọt vào tốp đầu của nhiều bảng xếp hạng du lịch thế giới. Tiềm năng là rất lớn nhưng sản phẩm du lịch thiếu hấp dẫn, tư duy làm ăn chụp giật là những nguyên nhân khiến nhiều du khách “một đi không trở lại”.

Bất cập cũ cộng với thách thức mới khiến ngành du lịch đối mặt nhiều âu lo trước mùa cao điểm hè. Trong bối cảnh giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, dễ hiểu khi nhiều người chọn tour nước ngoài, không chỉ vì tâm lý sính ngoại mà bản chất của du lịch là khám phá những miền đất mới.

Ngành dịch vụ đáng ra “hút” tiền cho nền kinh tế thì dòng tiền lại chảy sang nước ngoài, kéo theo nhiều ảnh hưởng từ công ty lữ hành, vận tải, đến cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi giải trí,…

Do đó, để giữ chân khách Việt, tạo sức cạnh tranh cho du lịch nội địa, các bên trong chuỗi giá trị du lịch cần “ngồi lại” với nhau, cùng nhìn về một hướng, cùng nghĩ tới lợi ích lâu dài.

Địa điểm ăn uống, vui chơi - cơ sở lưu trú - và vận tải, đặc biệt là hàng không, là ba trụ cột quyết định sự phát triển của du lịch. Chi phí cho hàng không phù hợp mới kích thích người dân đi chơi. Điểm đến hấp dẫn, chất lượng tốt mới kéo nhiều khách du lịch tới.

Khi thu nhập của các bên tăng dần thì có thể chia sẻ một phần lợi nhuận để bù đắp chi phí cho hàng không, để các hãng có thể mạnh dạn giảm giá vé, tạo ra một vòng mới kích thích người dân đi du lịch.

Cách thức tổ chức và cơ chế chia sẻ lợi ích là điểm mấu chốt, nhưng khi các bên chưa biết cách tổ chức, chưa biết cách chia sẻ thì lúc này cần vai trò “nhạc trưởng” của các cơ quan quản lý.

Với khó khăn trước mắt của ngành hàng không, nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ về thuế, phí, nhất là dịch vụ mặt đất; cùng với đó là ổn định thị trường xăng dầu để “hạ nhiệt” giá vé máy bay. Tương lai, cần cơ cấu lại ngành hàng không, có cơ chế thuận lợi cho việc ra đời nhiều hãng hàng không mới, tăng số lượng máy bay, tăng tính cạnh tranh để người dùng được hưởng lợi.

Đây là giải pháp cần được nhấn mạnh bởi hàng không và du lịch được ví như đôi cánh chim, chỉ có thể cất cánh nếu cả hai tìm được tiếng nói chung. Đơn cử Phú Quốc - điểm du lịch mà hàng không là đường tiếp cận chính, lượng khách đã giảm đến 40 - 50% trong năm 2023 khi giá vé máy bay tăng cao.

Các địa phương cần mạnh tay xử lý triệt để tình trạng “chặt chém”, ngăn chặn tư duy làm ăn chụp giật ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch mà nhiều cá nhân, tổ chức đang dày công xây dựng (Ảnh minh họa: TTXVN)

Các địa phương cần mạnh tay xử lý triệt để tình trạng “chặt chém”, ngăn chặn tư duy làm ăn chụp giật ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch mà nhiều cá nhân, tổ chức đang dày công xây dựng (Ảnh minh họa: TTXVN)

Về lâu dài, vai trò của nhà nước cũng cần được thể hiện ở nhiều góc độ khác. Theo PGS. TS. Nguyễn Viết Thái, cơ sở hạ tầng nói chung và giao thông nói riêng được quan tâm đã thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, trong đó có du lịch.

Người dân có thể tự lái xe khám phá nhiều điểm đến với đường bộ tốc độ cao, và nếu tiếp tục đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam với chỉ vài giờ di chuyển thì họ sẽ có nhiều lựa chọn, hạn chế tác động tiêu cực khi một phương thức gặp biến cố.

Đa dạng hóa phương thức di chuyển với thời gian nhanh chóng và chi phí phù hợp còn giúp các tổ chức, cá nhân lên kế hoạch du lịch thường xuyên hơn thay vì chỉ mỗi năm một lần.

Chính sách đặc biệt về thuế, phí cũng có thể là “cú hích” cho ngành du lịch phát triển. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trong khu vực, điển hình là Thái Lan, lợi nhuận từ ngành thương mại (dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí,…) có thể bù đắp ngân sách khi giảm thuế, phí cho các hãng hàng không, doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn,…

Bên cạnh vai trò của nhà nước, sự điều phối chung của cơ quan quản lý du lịch quốc gia, thì các địa phương và doanh nghiệp cũng cần thể hiện vai trò trong việc kích cầu du lịch nội địa. Với địa phương, cần quan tâm xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn và liên tục làm mới bằng cách thuê các đơn vị chuyên nghiệp để thiết kế, tạo ra những sản phẩm chất lượng.

Và không thể “mạnh ai nấy làm”, các địa phương trong cùng một vùng cần có sự liên kết để đánh giá tiềm năng, phát huy thế mạnh và tăng sức cạnh tranh - kinh nghiệm đã được Trung Quốc thực hiện rất thành công với những cụm điểm đến nổi tiếng. Có như vậy mới thu hút du khách quay trở lại trong bối cảnh họ luôn có rất nhiều sự lựa chọn khác nhau.

Việc liên kết cũng cần được thể hiện giữa địa phương với ngành vận tải để tạo ra nhiều tour tuyến mới lạ, độc đáo, tăng trải nghiệm cho du khách.

Ví dụ như đường bộ hay đường sắt, những sản phẩm du lịch được đầu tư sẽ khiến du khách thích thú ngay từ hành trình di chuyển: được ngắm nhìn cảnh đẹp bên đường, hay được chào đón, check-in, thưởng thức ẩm thực,… ở những nhà ga, địa điểm dừng chân.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần xử lý triệt để tình trạng “chặt chém”, ngăn chặn tư duy làm ăn chụp giật ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch mà nhiều cá nhân, tổ chức đang dày công xây dựng.

Với doanh nghiệp, chia sẻ lợi ích và cam kết thực hiện lâu dài là yêu cầu cần được nhắc lại để cùng nhau phát triển hoặc cùng nhau vượt qua khó khăn.

Ví dụ như với việc giảm giá tour, các doanh nghiệp lữ hành có thể bù đắp lợi nhuận từ phía nhà hàng, khách sạn - nơi họ mang du khách đến. “Nhẹ gầu mau tát” (ý chỉ lãi ít nhưng số lượng nhiều) sẽ luôn là châm ngôn cho những người làm dịch vụ.

Qua biến cố lớn như đại dịch COVID-19, có thể thấy du lịch nội địa sẽ là điểm tựa cho sự phục hồi và phát triển của ngành du lịch. Do đó, nguồn lực này cần phải được chăm chút trong từng khâu của chuỗi giá trị du lịch, từ đó tạo đà tăng trưởng cho cả nền kinh tế./.

Minh Hiếu/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Ca đoàn Thiếu nhi và Điều ước Giáng sinh

Ca đoàn Thiếu nhi và Điều ước Giáng sinh

Tại các Giáo xứ, Ca đoàn Thiếu nhi luôn là nền tảng để các em nhỏ tiếp bước trở thành các ca viên, nền tảng đó được thể hiện mộc mạc qua những lời ca trong trẻo và những ước mơ giản dị.

Hàng vạn người trải nghiệm metro số 1 trong ngày đầu miễn phí vé

Hàng vạn người trải nghiệm metro số 1 trong ngày đầu miễn phí vé

Có mặt tại ga Bến Thành từ 6 giờ sáng, ông Nguyễn Văn Cường (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cùng các đồng đội không giấu nổi niềm xúc động. 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, giấc mơ về một hệ thống giao thông hiện đại của TP.HCM đã trở thành hiện thực khi tuyến metro đầu tiên chính thức đi vào hoạt động.

“Cạm bẫy” sàn chứng khoán quốc tế, tiền ảo, ngoại hối: Ngăn chặn từ đâu?

“Cạm bẫy” sàn chứng khoán quốc tế, tiền ảo, ngoại hối: Ngăn chặn từ đâu?

Nhiều đối tượng đã sử dụng các thủ đoạn tinh vi để mời gọi và môi giới đầu tư. Không chỉ vụ Phó Đức Nam (TikToker Mr Pips) lừa đảo 5.200 tỷ đồng mà nhiều vụ việc khác chưa bị phát giác, xử lý.

Gần 150.000 hành khách trải nghiệm tuyến metro số 1 trong ngày đầu vận hành chính thức

Gần 150.000 hành khách trải nghiệm tuyến metro số 1 trong ngày đầu vận hành chính thức

Theo thông tin mới nhất từ bà Văn Thị Hữu Tâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, trong ngày vận hành chính thức đầu tiên (22.12) từ 10h-22h có 175 lượt tàu và gần 150.000 hành khách trải nghiệm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Metro số 1: Cuộc hẹn sau 17 năm

Metro số 1: Cuộc hẹn sau 17 năm

Ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành. Hàng ngàn người dân đã có mặt để chứng kiến và tham gia trải nghiệm. Đó là sự háo hức, mong mỏi, là niềm tự hào, hãnh diện khi đã thực sự “chạm” vào giấc mơ metro.

Hội chứng thù ghét đồng loại

Hội chứng thù ghét đồng loại

Những vụ án thảm khốc diễn ra trong những hoàn cảnh không ai ngờ tới đang ngày càng nhiều trên khắp thế giới đang cho thấy một sự bất an đối với giá trị nhân loại, hơn là câu chuyện của những cá nhân đơn lẻ.

Khách đi metro gấp 5 lần dự kiến, mong có sự chia sẻ với quy định đi tàu

Khách đi metro gấp 5 lần dự kiến, mong có sự chia sẻ với quy định đi tàu

Chiều 23/12, đại diện Ban Quản lý Đường sắt Đô thị và Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 thông tin với báo chí về quá trình triển khai và vận hành tuyến metro số 1 trong 2 ngày 22 - 23/12.