Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Nhất Hoàng - Huy Hoàng - Diễm Thúy: Thứ sáu 19/04/2024, 13:12 (GMT+7)

Kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh rạch của TP.HCM được đặt ra từ rất sớm, thế nhưng 20 năm qua, việc thực hiện rất ì ạch, kéo theo nhiều hệ lụy. Điển hình là vụ cháy dãy nhà ven kênh Tàu Hủ vừa qua, là hồi chuông báo động về những bất cập vốn tiềm ẩn với khu nhà ven kênh rạch.

Đã đến lúc, TP.HCM cần giải có quyết tâm cao, giải pháp đột phá và vận dụng cơ chế linh hoạt về tài chính, ngân sách.. để tập trung đầu tư cho các dự án di dời, giải tỏa nhà ven, trên kênh rạch.

 

Sau 9 tháng xảy ra sự cố sạt lở, đoạn bờ kênh Thanh Đa thuộc Phường 25, quận Bình Thạnh vẫn chưa được xây dựng bờ kè kiên cố. Ảnh: Lao động

Sau 9 tháng xảy ra sự cố sạt lở, đoạn bờ kênh Thanh Đa thuộc Phường 25, quận Bình Thạnh vẫn chưa được xây dựng bờ kè kiên cố. Ảnh: Lao động

Ở dọc bờ kè Thanh Đa thuộc phường 25, quận Bình Thạnh gần 50 năm, gia đình bà Nguyễn Thị Trắng (70 tuổi) đang phải sống trong thấp thỏm lo sợ vì khu vực này đang sạt lở nghiêm trọng. Theo bà Trắng, gần 1 năm trước, 1 đoạn bờ kè dài hàng trăm mét, cách nhà bà vài bước chân đã sạt lở xuống sông Sài Gòn.

Bà cùng hàng chục hộ dân sống tại đây đang từng ngày mong ngóng dự án này sớm được triển khai vì thời gian gần đây nhiều ngôi nhà bỗng dưng xuất hiện những vết nứt lớn, nền nhà sụt lún và có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào.

“Lúc đầu mới sợ gần chết, tối không dám ngủ, nó dựt nát đường gạch này hết luôn, nó bể 1 lỗ bự lắm, dài ra tới đằng đây nè, rồi đá và xà bần nó nổi lên nó sâu ngoáy. Lúc đầu mới sạt xuống, tối nó kêu rắc rắc rắc, cửa nhà tôi không dám cài chốt, cài có 1 cánh à, còn 1 cách khép để đó thôi", bà Trắng nói.

Có nhà cạnh rạch Xuyên Tâm (thuộc phường 2, quận Bình Thạnh), cả 3 thế hệ trong gia đình ông Nguyễn Văn Phát (65 tuổi) đều sinh sống trong căn nhà chưa đến 20 mét vuông. Rác thải, xác động vật….nổi lềnh bềnh trên mặt nước khiến con rạch này ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Những ngày nắng mùi hôi từ rác, mùi xác chết động vật xộc lên, không thể nào thở nổi.

Theo ông Phát, từ khi nghe tin dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm chuẩn bị làm, ông rất ủng hộ và mong muốn dự án sớm được triển khai để người dân có môi trường sống tốt hơn: “Kênh rạch thì rác, ỗ nhiễm thì giờ nghe nhà nước giải tỏa, làm sạch đẹp thì dân mừng lắm. Nhà nước làm bờ kè này nọ thì dân cũng ủng hộ thôi, nhưng mà trước khi di dời dân thì phải đền bù cho dân người ta phải đi chỗ khác người ta có nhà người ta ở.”.

Tại quận 8, hàng ngàn hộ dân tại khu vực kênh Đôi đang phải sống trong lo sợ giữa những căn nhà tạm bợ lụp xụp và có thể đổ sập bất cứ lúc nào, cũng như mất an toàn về phòng cháy chữa cháy. Khu vực này được quy hoạch di dời nhà cửa để chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, nhiều năm nay vẫn chưa thấy dự án được triển khai. Người dân ở đây đang nóng lòng chờ phương án giải tỏa để nhanh chóng ổn định cuộc sống và hy vọng sau khi thực hiện dự án, nước kênh lại trong sạch như xưa, môi trường sạch sẽ hơn.

"Khó khăn, nước ngập, nước vào, nhà thì lụp xụm mà không cho sửa sang".

"Từ đó giờ nhà nước cứ nói hoài, mà tính ra gần 30 năm cứ nói giải tỏa mà thấy vậy hoài".

"Chúng tôi mong muốn là nhà nước có biện pháp đền bù giải tỏa cho nó thích đáng, hay nói cách khác là phù hợp theo ý nguyện của người dân".

Trên và ven kênh Đôi (quận 8, TPHCM) có hàng ngàn căn nhà ọp ẹp, không đảm bảo an toàn. Ảnh: SGGP

Trên và ven kênh Đôi (quận 8, TPHCM) có hàng ngàn căn nhà ọp ẹp, không đảm bảo an toàn. Ảnh: SGGP

Theo báo cáo của UBND quận 8, hiện trên địa bàn quận có khoảng 10.000 căn nhà ven kênh, rạch nằm trong diện di dời để thực hiện các dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị. Trong đó, dự án cải tạo, chỉnh trang bờ Nam kênh Đôi sẽ di dời hơn 5.000 căn nhà. Riêng đối với bờ Bắc kênh Đôi, HĐND TP.HCM đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường với quy mô xây dựng khoảng 4,3km kè.

Ông Phạm Quang Tú (Phó chủ tịch UBND quận 8) cho biết thêm: “Hội đồng Nhân dân thành phố đã thông qua nghị quyết 196 về việc di dời giải tỏa khoảng 1580 căn nhà, khu đất dọc phía bờ bắc kênh Đôi để giải tỏa số lượng nhà trên kênh và ven kênh rạch, đồng thời mở rộng tuyến đường Nguyễn Duy, Hoài Thanh dọc theo bờ sông, xây dựng bờ kè và các mảng xanh. Còn phía bờ nam kênh Đôi thì UBND TP đã có thành lập tổ công tác về việc di dời các nhà lụp xụp kênh và ven kênh rạch, thì hiện nay tổ công tác này đang nghiên cứu các hướng khả thi để thực hiện dự án.”.

Tại Đại hội lần thứ 10 (năm 2015) và lần 11 (năm 2020), Đảng bộ TP.HCM đã ban hành kế hoạch về triển khai chỉnh trang và phát triển đô thị đến năm 2030, trong đó có chương trình di dời 20.000 căn nhà trên kênh và nhà ven kênh với mục tiêu cụ thể từ năm 2021 - 2025 sẽ di dời 6.500 căn.

Dù vậy, giai đoạn 2016 - 2020, thành phố chỉ di dời được gần 2.500 căn, chỉ đạt 12,4% chỉ tiêu. Dự báo kết quả di dời giai đoạn 2021 - 2025, TP cũng chỉ di dời được tầm 3.000 căn trên tổng chỉ tiêu 6.500 căn.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM nguồn vốn ngân sách của TP dành cho chương trình di dời rất hạn chế, không đủ so với nhu cầu. Phần lớn các tuyến rạch không thể thực hiện mở rộng hơn so với ranh giới chỉnh trang nên không tạo được quỹ đất có giá trị thương mại, không hấp dẫn các nhà đầu tư.

Đánh giá về vấn đề này, tiến sỹ Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho rằng, tốc độ di dời các căn nhà trên kênh và nhà ven kênh như hiện nay là đang rất chậm. Nguyên nhân là do vấn đề về vốn và cơ chế.

“Một vấn đề nữa chúng ta thấy khó là vận động những người ở nhà ven trên kênh rạch để họ đi chỗ khác. Có 2 lý do, một là đưa họ đến đâu và đền bù cho họ diện tích cũng như là cơ sở để họ có thể cảm thấy ít nhất là bằng và nếu hơn tốt hơn điều kiện họ sống trên kênh thì lúc đó người dân mới chấp nhận đi.

Thứ hai, điểm khó trong này là rất nhiều nhà xây dựng trên kênh rạch đều không phép, do lịch sử để lại từ trước 1975 và sau năm 1975 thì những người nhập cư thu nhập thấp họ dựng nhà ven kênh ở. Nếu di dời thì tiêu chuẩn đền bù, nhà trên kênh di dời sang nhà không có kênh rạch thì quy diện tích chiếm trên mặt nước quy ra đất như thế nào là một cơ chế không giải quyết được.

Nên tôi đề xuất chính quyền làm một loạt các hợp thức hóa cho người ta, quy đổi cái đó sang diện tích đất và cung cấp cho người ta những chứng từ như thế để có cơ sở khi người ta sang khu vực định cư mới thì người ta có cơ sở để được đền bù và hỗ trợ như thế nào", Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên nêu ý kiến.

Các chuyên gia quy hoạch cũng có rằng, đã đến lúc, thành phố cần vận dụng cơ chế linh hoạt về tài chính, ngân sách, nguồn thu trong nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đột phá phát triển TP.HCM để tập trung đầu tư cho các dự án di dời, giải tỏa nhà trên kênh và ven kênh rạch.

Theo Phó giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Minh Hòa (chuyên gia đô thị), ngoài vận dụng chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, TP.HCM cần khuyến khích nhà đầu tư tham gia việc hỗ trợ tài chính cho dự án: 

“Muốn giải tỏa được kênh rạch thông thoáng và tái định cư cho bà con thì chỉ có cách tốt nhất là kéo các doanh nghiệp vào thôi, chứ còn vốn đầu tư công là rất hạn hẹp. Bây giờ mình thay đổi quan niệm đi để cho nhà đầu tư người ta có lợi thì người ta sẽ cùng nhà nước người ta làm. Thứ hai là phải ưu đãi, ưu tiên người ta về chính sách thuế, vấn đề hỗ trợ của nhà nước trong ngân hàng, tiếp theo nữa là có một số quy định quá cứng thì phải thay đổi. Làm thế nào các nhà đầu tư có lợi, người ta sẽ tham gia, còn không có lợi mà anh cứ kêu gọi từ thiện mãi là điều không thể”.

TP Hồ Chí Minh có nhiều nhà ven và trên kênh rạch cần được di dời để đảm bảo mỹ quan đô thị. Ảnh: Báo tin tức

TP Hồ Chí Minh có nhiều nhà ven và trên kênh rạch cần được di dời để đảm bảo mỹ quan đô thị. Ảnh: Báo tin tức

Di dời nhà ven kênh rạch – nghe thì dễ mà làm sao khó.

Hơn 20 năm trước khi lần đầu đặt chân lên mảnh đất Sài Gòn, ấn tượng về một đô thị hoa lệ trong tôi không có quá nhiều sự khác biệt so với những phố chợ ven sông nơi thị tứ mình đang sinh sống. Đi qua những dãy nhà bằng gỗ tạp lụp xụp dọc theo các tuyến kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè hay Tàu Hủ Bến Nghé, tôi tự hỏi “vì sao hàng ngàn con người lại có thể chen chúc trong một không gian chật chội, ngột ngạt, ô nhiễm đến vậy?”.

Tôi tin rằng câu hỏi ấy cũng xuất hiện với rất nhiều người và vì thế đã trở thành một thực trạng nhức nhối khiến chính quyền TPHCM phải tìm cách thay đổi nếu muốn trở thành một đô thị văn minh, đáng sống. Hơn 20 thập kỷ trôi qua, hình ảnh 2 con đường Hoàng Sa Trường Sa dọc kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đã phần nào cho thấy được quyết tâm của TPHCM. Song chừng đó vẫn là chưa đủ bởi đến nay vẫn còn rất nhiều tuyến kênh rạch đặc quánh ô nhiễm, lụp xụp cửa nhà.

Việc di dời, giải toả nhà ven kênh rạch là điều hết sức cần thiết với 1 đô thị hơn chục triệu dân như TPHCM. Nó không chỉ giúp chỉnh trang đô thị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn giúp gia tăng mảng xanh cho đô thị, trực tiếp cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, song những điểm nghẽn về chính sách lẫn tài chính và cả tinh thần trách nhiệm của các tổ chức cá nhân gián tiếp khiến quá trình này trở nên khó khăn.

Ngay từ khi Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù để phát triển TPHCM có hiệu lực, nhiều chuyên gia lẫn các nhà hoạch định chính sách đã cho rằng đây là thời cơ không thể thuận lợi hơn để TPHCM “làm mới những điều đã cũ”, trong đó có việc di dời, giải toả nhà ven kênh rạch.

Khi hi vọng mới được thắp lên chưa lâu thì vụ cháy dãy nhà ven kênh Tàu Hủ đầu tháng 4 vừa qua một lần nữa buộc nhiều người phải chấp nhận rằng không thể có một chiếc đũa thần nào có thể khiến khó thành dễ, cũng càng không thể trông mong vào phép màu nếu mọi thứ cứ ì ạch như hiện nay.

Mấu chốt của chủ trương di dời, giải toả nhà ven kênh rạch vẫn nằm ở sự đồng thuận của người dân bởi hàng chục ngàn gia đình sẽ bị ảnh hưởng đến sinh kế. Do vậy, các nhà chức trách khi triển khai dự án cần đặt mình trong tâm thế của người bị ảnh hưởng để đề xuất, áp dụng những chính sách đền bù, hỗ trợ phù hợp nhất, nhân văn nhất.  

Vẫn biết việc di dời, giải toả nhà ven kênh rạch là việc khó không chỉ với TPHCM mà còn với nhiều địa phương khác. Thế nhưng nếu vì khó mà chần chừ, tránh né thì sẽ còn rất lâu nữa TPHCM mới có thêm được những tuyến đường mới sạch sẽ, khang trang như Hoàng Sa, Trường Sa.

Nhất Hoàng - Huy Hoàng - Diễm Thúy/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Bữa cơm bán trú ‘bất ổn’ ở trường chuẩn Lương Định Của giờ ra sao?

Bữa cơm bán trú ‘bất ổn’ ở trường chuẩn Lương Định Của giờ ra sao?

Sau loạt bài về câu chuyện “Quá nhiều bất ổn ở ngôi trường chuẩn” của VOV Giao thông cách đây nửa tháng, nhiều phụ huynh bày tỏ tán thành với những phản ánh là đúng sự thật, và bữa cơm bán trú của các em có chút chút cải thiện.

Chuyện về chiếc máy bay huấn luyện và tuần tra lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam

Chuyện về chiếc máy bay huấn luyện và tuần tra lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam

Ở tuổi 50, ông Trần Hải Đăng đã có một quyết định táo bạo: cùng các đồng sáng lập khởi nghiệp bằng việc sản xuất chiếc máy bay huấn luyện tuần tra TP-150.

Hà Nội cấm phương tiện gây ô nhiễm bằng cách nào?

Hà Nội cấm phương tiện gây ô nhiễm bằng cách nào?

Chỉ còn hơn một tuần nữa, Hà Nội sẽ hạn chế phương tiện gây ô nhiễm ở một số khu vực. Tuy nhiên, quyết tâm này không dễ thực hiện khi công tác chuẩn bị chưa sẵn sàng.

Nhớ thời cà phê vợt

Nhớ thời cà phê vợt

Với những ai thích cà phê thì cà phê vợt luôn có sức hấp dẫn riêng. Không chỉ đơn thuần là một loại thức uống, mỗi ly cà phê vợt còn chứa đựng những câu chuyện và kỷ niệm khó quên của một thời đã qua.

Bếp chay 0 đồng cho bệnh nhân nghèo

Bếp chay 0 đồng cho bệnh nhân nghèo

Với tất cả tâm huyết và lòng nhân ái, suốt 2 năm qua, vợ chồng ông Mạch Phú Cường và bà Nguyễn Thị Kim Lan ở quận Cái Răng, TP. Cần Thơ cần mẫn chuẩn bị những phần cơm chay ấm nóng, mang đến cho những bệnh nhân nghèo và người nuôi bệnh tại các bệnh viện ở TP. Cần Thơ...

Xe điện trẻ em vẫn 'tung hoành' ở phố đi bộ Hồ Gươm

Xe điện trẻ em vẫn "tung hoành" ở phố đi bộ Hồ Gươm

Dù đã có lệnh cấm, nhưng dịch vụ cho thuê ô tô điện, xe cân bằng và đặc biệt là xe drift, dòng xe biến tướng từ xe điện vẫn ngang nhiên hoạt động ở phố đi bộ Hồ Gươm.

Hàng me thì thầm

Hàng me thì thầm

Không chỉ mang trong mình những ký ức lãng mạn với lá me bay, mà những cây me trăm tuổi còn tồn tại ở Hà Nội, còn mang trong mình nhiều câu chuyện lịch sử - xã hội đáng nhớ, đáng ngẫm.