Vì sông Mekong không rác

Thành phố Cần Thơ là địa điểm du lịch sông nước và đã từ lâu phải đối mặt với vấn nạn rác thải trên sông, đặc biệt là rác thải nhựa. Chỉ tính riêng tại khu vực chợ nổi Cái Răng thì mỗi ngày có tới 2 tấn rác bị xả vô tội vạ xuống sông Cần Thơ.

Để giải quyết tình trạng này và nâng cao nhận thức của người dân, mới đây Sở TNMT TP Cần Thơ đã phát động chương trình thí điểm “Vì sông Mekong không rác”.

Mỗi ngày, chợ nổi Cái Răng, TP Cần Thơ có trên 300 tàu ghe mua bán sỉ, lẻ các mặt hàng trái cây, hoa kiểng, hàng gia dụng và ẩm thực địa phương. Ước khoảng trên 2.000 tấn nông sản đầu ra và đem về doanh thu trên 3 tỷ đồng/ ngày. Ngược lại, trong quá trình giao thương, trung bình một ngày có khoảng 2 tấn rác thải rắn được xả trực tiếp xuống sông.

Chị Nguyễn Kim Cương –  tiểu thương bán nước giải khát trên sông cho biết: 'Người ta sinh hoạt hằng ngày trên sông thì tức nhiên là rác từ đồ ăn thức uống phải xả xuống sông rồi. Chứ đâu phải như trên bờ có thùng rác đựng đâu. Giữa sông mà, đâu ai để rác trên ghe, để trên ghe nó hôi thối chịu sao nỗi.

Cái sông của mình là cái sông lưu thông, rồi mấy cái sông nhỏ nó chảy ra đây, rác đi theo. Chứ đâu phải rác chỉ có mỗi người sống trên ghe tại chợ xả xuống đâu. Mấy sông rạch nhỏ chiều nước ròng nó chảy ra cũng dơ lắm'.

Đó là thực tế chung tại các khu chợ nổi hiện nay tại ĐBSCL, hành động để thay đổi nhận thức, ngày 18/5 vừa qua, công ty TNHH Dow Checal Vietnam phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) và Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Phát triển Nông thôn (RECERD) vừa khởi động dự án “Vì sông Mekong không rác” thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại chợ nổi ở Cần Thơ.

Dự án được thực hiện tại Chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng) và Cồn Sơn (quận Bình Thủy). Thông qua quản lý chất thải từ các nguồn xả rác chính vào sông Mekong thuộc địa phận Cần Thơ, dự án sẽ thúc đẩy Mô hình Thí điểm Kinh tế Tuần hoàn ở Việt Nam, giảm thiểu rác từ sông ra biển và tạo sự thay đổi hành vi trong quản lý chất thải đối với các cộng đồng địa phương sống trên sông.

Ông Lê Văn Bằng – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Phát triển Nông thôn cho biết những phần việc mà dự án sẽ làm trong 12 tháng tới: 'Có một lượng rác thải lớn hữu cơ như: Vỏ trái cây, vỏ dừa… thì mình sẽ tận dụng làm chất đốt. Vỏ dừa tươi chúng ta phơi khô, đốt để sinh ra năng lượng chứ không phải đốt tươi như trước đây. Mốt rau củ quả thừa chúng ta chưa vứt đi thì nó chua wphair là rác thải, chúng ta sẽ tận dụng để chăn nuôi, trồng trọt và ủ phân.

Một số loại khác chúng ta xử lí hợp lí như vỏ khóm, dứa, vỏ trái cây có múi… chúng ta sẽ chế biến thành nước tẩy rửa sinh học, vừa tiết kiệm, bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe. Đây là sáng tạo điểm nhấn cho hoạt động buôn bán ở chợ nổi'.

Kỳ vọng của dự án là sẽ đóng góp cải thiện môi trường sống và bảo tồn hệ sinh thái bằng việc giảm khoảng 300 – 400 tấn rác thải mỗi năm trên sông Mekong và trực tiếp giúp đỡ cuộc sống của hơn 150 nghìn người (15 cộng đồng) đang sinh sống tại 2 quận Cái Răng và Bình Thủy. Dự án sẽ triển khai trong vòng 12 tháng, sau đó đánh giá kết quả và nhân rộng tại các địa phương khác như: Chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang).