Vận tải hàng hóa giảm, doanh thu hãng bay sụt giảm

Phát triển mạnh trong thời kỳ xảy ra đại dịch COVID-19, nhưng nay doanh thu từ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đang sụt giảm.

Các chuyên gia nhận định, thị trường vận chuyển hàng hóa hàng không đang có dấu hiệu lao dốc, tuy nhiên các hãng bay cũng không cần phải quá lo lắng bởi bù đắp cho vấn đề này là lượng khách du lịch đang quay trở lại. 

Dự báo của IATA cho thấy nhu cầu vận tải hàng không sẽ tiếp tục không có sự phục hồi vào mùa cao điểm - Ảnh FreightWaves

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), thị trường vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức trong năm 2023.

Điều này đồng nghĩa với việc, kỳ vọng vào nhu cầu cao, doanh thu lớn ở mảng vận tải hàng hóa của các hãng bay, như trong thời kỳ xảy ra đại dịch COVID-19, chỉ còn là ‘dĩ vãng’.

Ông Brendan Sullivan, Giám đốc phụ trách mảng hàng hóa toàn cầu của IATA cho biết: “Vận tải hàng hóa là điểm sáng của ngành hàng không trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19. Năm 2021, chúng tôi ước tính doanh thu từ vận chuyển hàng hóa chiếm tới 30% doanh thu của các hãng hàng không. Dịch bệnh khiến hàng không trở thành tâm điểm, không chỉ là khả năng kết nối cộng đồng mà còn vận chuyển hàng hóa đi các nơi. Tuy nhiên, theo chu kỳ kinh doanh và các sự kiện toàn cầu, đặc biệt là yếu tố kinh tế khiến vận tải hàng hóa qua đường hàng không đang bị ảnh hưởng”.

Theo IATA, vận tải hàng hóa là ‘con cưng’ của ngành hàng không khi hoạt động kinh doanh hành khách gặp khó khăn trong đại dịch. Khi đó, nhiều máy bay chở khách được chuyển đổi sang mục đích chở hàng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị phá vỡ.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh qua đi nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không gặp nhiều biến động và liên tục phải đối mặt với ‘những con gió ngược’ sau 15 tháng giảm tốc đều đặn từ mức cao kỷ lục trong thời kỳ đại dịch.

Đáng lo ngại hơn, khối lượng hàng hóa qua đường hàng không hiện thấp hơn 5,3% so với mức thấp nhất của năm 2019, thời điểm trước đại dịch. IATA thậm chí dự báo, kết thúc năm 2023, khối lượng vận chuyển hàng hóa hàng không có thể thấp hơn 5,5% so với mức trung bình của 4 năm trước.

Cụ thể, ước tính các hãng hàng không thế giới sẽ vận chuyển khoảng 64 triệu tấn hàng hóa trong năm nay, so với 68 triệu tấn ở năm 2019.

Ông Bruce Chan, chuyên gia phân tích về logistics toàn cầu từ công ty Stifel nhận định: “Thị trường vận tải hàng hóa hàng không đang dư thừa nguồn cung vì vậy giá cước có thể giảm trong thời gian tới, tôi cho rằng tình trạng này có thể kéo dài tới năm 2024”

Nhu cầu vận chuyển hàng hóa sụt giảm khiến doanh thu của nhiều hãng hàng không bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó rõ ràng nhất là các hãng hàng không Mỹ.

Báo cáo kinh doanh của Delta Airlines cho thấy, nửa đầu năm 2023, mảng vận chuyển hàng hóa tạo ra hơn 380 triệu USD, giảm 180 triệu USD so với cùng kỳ 2022. Con số này ở American Airlines là 420 triệu USD so với 690 triệu USD trong 6 tháng đầu năm ngoái.

Trong khi đó, United Airlines thu được 760 triệu USD từ vận chuyển hàng hóa, giảm so với 1,2 tỷ USD của một năm trước đó. Năm 2020, vận chuyển hàng hóa chiếm tới hơn 10% doanh thu của United Airlines, nhưng từ đầu năm tới nay chỉ chiếm chưa đầy 3% trong tổng doanh thu hơn 25 tỷ USD của hãng.

Phát triển mạnh trong thời kỳ xảy ra đại dịch COVID-19, nhưng doanh thu từ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đang sụt giảm - Ảnh Shutterstock

Tiến sĩ Bojun Wang, Chuyên gia kinh tế hàng không thuộc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho rằng, chi phí vận chuyển đường biển cao cùng sự gián đoạn thị trường trong thời kỳ đại dịch, đã đẩy một khối lượng lớn hàng hóa từ đường biển sang hàng không. Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh của hàng không so với hàng hải đã chấm dứt, do giá vận chuyển đường biển có dấu hiệu giảm thời gian gần đây.

Tiến sĩ Wang cho biết thêm: “Chúng ta đã trải qua một năm 2022 đầy thách thức với cuộc chiến ở Ukraine, tỷ lệ lạm phát, giá dầu tăng cao và đại dịch COVID-19, những “cơn gió ngược này” vẫn chưa thực sự biến mất trong năm 2023”.

Tuy nhiên, theo ông Willie Walsh - Tổng giám đốc IATA, nhu cầu vận chuyển hàng hóa sụt giảm không hẳn là ‘tin xấu’ đối với ngành hàng không và các hãng bay cần nhanh chóng thích ứng với tình hình mới: “Ngành vận tải hàng hóa hàng không cần tự điều chỉnh theo nhu cầu vận chuyển hành khách của các hãng bay”.

Nhận định này phù hợp với thực tế là dù vận tải hàng hóa giảm, nhưng nhiều hãng hàng không vẫn đang báo cáo doanh thu kỷ lục nhờ nhu cầu đi lại phục hồi, đặc biệt là các chuyến bay quốc tế.

Điều đó có nghĩa, tác động từ mảng kinh doanh hàng hóa, vốn từng hỗ trợ cho các hãng bay trong thời kỳ du lịch lao dốc, đã giảm dần.

Một nghiên cứu cho thấy, chỉ riêng các chuyến bay nối giữa Mỹ với châu Âu dự kiến sẽ đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm. Nhiều hãng hàng không Mỹ cũng đang có kế hoạch mở thêm các chuyến bay chở khách trong năm nay để tận dụng nhu cầu đi lại quốc tế đang lên tăng mạnh mẽ.

Tại Việt Nam, theo Cục hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng thị trường vận tải hàng hóa ước đạt hơn 480 nghìn tấn, giảm 26% so với cùng kỳ 2022, trong đó hàng hóa quốc tế đạt khoảng 400 nghìn tấn, giảm 30% so với cùng kỳ 2022.

Tuy nhiên, tổng thị trường hành khách ước đạt gần 35 triệu khách, tăng trên 49% so với cùng kỳ 2022; trong đó  khách quốc tế đạt gần 15 triệu khách, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ 2022, bằng 73% so cùng kỳ 2019, thời điểm trước đại dịch.

Dự báo, trong các tháng cuối năm, thị trường hàng không quốc tế sẽ tiếp tục hồi phục với tốc độ hồi phục của thị trường sẽ nhanh hơn các tháng đầu năm 2023. Hiện tại, có 52 hãng hàng không thường lệ nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 143 đường bay kết nối 29 quốc gia vùng lãnh thổ.